10:00 Chủ nợ “tốt bụng” Lẽ ở đời, chủ nợ luôn phải đòi con nợ, quyết chẳng cho con nợ “chạy làng” bao giờ. Nhưng ở vụ cố ý làm trái xảy ra tại Tập đoàn Vinashin, thật ngạc nhiên, chủ nợ lại không thèm đòi con nợ bồi thường đồng cắc nào mặc dù tổng số tiền các bị cáo gây thất thoát cho ngân sách nhà nước lên đến 740 tỉ đồng (theo thống kê của Viện KSND TP.Hải Phòng, cơ quan giữ quyền công tố theo ủy thác của Viện KSND tối cao tại tòa). Việc đại diện của 4 công ty “con” thuộc Tập đoàn Vinashin (Công ty Viễn Dương, Công ty công nghiệp tàu thủy Cái Lân, Tổng công ty công nghiệp tàu thủy Nam Triệu, Công ty tài chính công nghiệp tàu thủy VFC) và đại diện của chính tập đoàn này có mặt tại phiên tòa sáng 30.3.2012 với tư cách nguyên đơn dân sự cũng là chuyện “bất đắc dĩ”. Ngay từ những ngày đầu xét xử vụ án cố ý làm trái ở tập đoàn được mệnh danh “tàu đắm Vinashin”, chính các công ty con đã không có ý định có mặt tại tòa tham gia vào quá trình tố tụng chứ đừng nói chi đến việc đòi nợ các cựu “sếp” của mình ngay chốn công đường. Chủ nợ thật “tốt bụng”! Nếu hàng trăm tỉ đồng thất thoát ấy không phải là tài sản của nhà nước (nói đúng hơn là tiền thuế của người dân ủy thác cho nhà nước quản lý), liệu rằng, các “chủ nợ” có “vô tư”, “bình chân như vại” vậy không? Rõ câu “cha chung không ai khóc” là vậy! Viện KSND TP.Hải Phòng đã sắm vai “chủ nợ” khi thay mặt 4 công ty con của Vinashin và chính Vinashin yêu cầu các bị cáo phải bồi thường số tiền thất thoát cho nhà nước. Trước tòa, vị đại diện nắm quyền công tố đã phải chua chát mà than rằng: “Chúng tôi rất buồn vì đại diện các doanh nghiệp không có đơn, không thiết tha đòi nợ. Có thể vì đòi về cũng trả cho tập đoàn và rồi trả cho nhà nước”. Ở một khía cạnh nào đó, chính vị nắm quyền công tố này đã nói thay “nỗi lòng” của những chủ nợ đích thực - các công ty con của Vinashin. Nhưng nó cũng có thể nhằm tránh đi sâu vào những góc khuất của vụ án. Như hiệu ứng của một vụ chìm tàu, cái gì nằm trong vùng xoáy thường bị kéo chìm. Vụ “tàu đắm Vinashin” không chỉ thể hiện sự tùy tiện của những người quyền thế, có điều kiện thực hiện hành vi tiêu cực trong các tập đoàn kinh tế nhà nước mà còn thể hiện nhiều “lỗ hổng” cần sửa đổi trong việc quản lý tài sản nhà nước ở khối doanh nghiệp nhà nước. Chừng nào quy mô khu vực doanh nghiệp nhà nước chưa được giảm thiểu tới giới hạn tối ưu cho công tác quản lý, chừng ấy còn nhiều vụ tương tự như Vinashin. Và cũng không ngạc nhiên nếu trong những vụ Vinashin “n” ấy, các chủ nợ cũng không thèm đòi nợ. Trần Duy Chủ nợ đích thực là nhân dân chứ không phải là các chủ doanh nghiệp. Nếu những người đại diện cho quyền lợi người dân không hoàn thành trọng trách của mình thì họ nên rời khỏi chức vụ. Nếu nền kinh tế VN có chừng ba bốn Tập đoàn như Vinashin thì con tàu kinh tế sẽ chìm luôn! Thương Giang |
Thứ Tư, 4 tháng 4, 2012
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét