Thứ Năm, 19 tháng 4, 2012

 09:01

Bạc Hy Lai trở mặt


Chỉ 3 ngày sau khi ngầm ra hiệu cho ông Vương Lập Quân tiếp tục điều tra vai trò của vợ mình trong vụ án Neil Heywood, ông Bạc Hy Lai đã loại Vương Lập Quân ra khỏi Sở Công an Trùng Khánh

Bí thư Thành ủy Bạc Hy Lai và giám đốc Sở Công an Vương Lập Quân là cặp bài trùng trong các chiến dịch trấn áp tội phạm và nạn tham nhũng ở Trùng Khánh, gây tiếng vang trên khắp Trung Quốc. Cả hai thân thiết đến mức Vương Lập Quân có thể đến văn phòng của ông Bạc mà không cần báo trước.
Nuốt lời với cấp dưới
Mối quan hệ mật thiết ấy đã đổ vỡ vì vụ án mạng của doanh nhân người Anh Neil Heywood. Theo hai nguồn tin riêng thân thiết với cảnh sát và chính quyền của Reuters, ông Vương Lập Quân đã trưng ra các bằng chứng về sự dính líu của bà Cốc Khai Lai đến cái chết của ông Heywood trong một cuộc gặp riêng ngày 18-1-2012. Ông Bạc Hy Lai đã tức giận đến nỗi ra lệnh cho ông Vương rời khỏi văn phòng, nhưng sau đó yêu cầu thuộc cấp quay lại và ngầm ra tín hiệu cho phép cuộc điều tra tiếp diễn.
Từ trái qua: Bà Cốc Khai Lai, ông Bạc Hy Lai, ông Neil Heywood và ông Vương Lập Quân. Ảnh: SKY NEWS

“Ông Bạc quá sốc và phẫn nộ khi nghe báo về án mạng. Ông ta bảo Vương Lập Quân ra khỏi phòng để được một mình suy ngẫm. Khoảng nửa giờ sau, khi ông Vương quay lại, ông Bạc nói vụ việc này vô cùng quan trọng và ông ta sẽ trừng phạt vợ nghiêm khắc” - doanh nhân Vương Khang, người quen biết rộng với giới chính quyền Trùng Khánh, kể với Reuters.
Tuy nhiên, chỉ 3 ngày sau đó, ông Bạc chuyển ông Vương sang làm phó thị trưởng phụ trách giáo dục, văn hóa và khoa học - một vị trí kém quyền lực hơn nhiều so với chức giám đốc Sở Công an.
Nguồn tin thứ hai đề nghị giấu tên kể: “Ban đầu, ông Bạc rất giận nhưng nhận thấy nguy cơ quá lớn đối với vợ và sự nghiệp cá nhân nên nhanh chóng loại Vương Lập Quân ra khỏi Sở Công an. Với Vương Lập Quân, đây là cú sốc khủng khiếp. Lấy mất bộ cảnh phục không khác gì đánh cắp sinh mạng của ông ấy”.
Cảm thấy bị đe dọa, ngày 6-2, ông Vương tự lái xe đến Lãnh sự quán Mỹ ở Thành Đô xin tị nạn và ở lại đây 24 giờ trước khi rơi vào tay chính quyền trung ương. Ông này có thể bị ghép tội phản quốc.
Cam kết điều tra đến cùng
Nguồn tin giấu tên tiết lộ thêm chính Vương Lập Quân đã tự đảm nhận vụ án khi nhận thấy nhiều cấp dưới từ chối ký vào biên bản xác nhận tử vong của ông Heywood. “Nhận ra khúc mắc đằng sau cái chết của ông Heywood, nhóm điều tra bắt đầu lo sợ. Nhưng ông Vương trấn an họ, chỉ đạo tiếp tục và bảo đảm mình sẽ chịu mọi trách nhiệm” - nguồn tin nói. Còn ông Vương Khang cho biết ông Vương đã không chịu chuyển tài liệu điều tra cho ông Bạc. “Vương Lập Quân là cánh tay mặt của Bạc Hy Lai nhưng ông ta cũng có chính kiến riêng. Nếu ông ta trung thành tuyệt đối với cấp trên, ông ta đã có thể hủy chứng cứ”.
Tân Hoa Xã ngày 18-4 đưa tin Trung Quốc cam kết điều tra tới cùng vụ doanh nhân Neil Heywood bị sát hại ở Trùng Khánh, chỉ vài giờ sau khi Thủ tướng Anh David Cameron đích thân yêu cầu xem xét lại vụ việc với ông Lý Trường Xuân, Ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc, đang ở thăm Anh.
Theo tuyên bố của Đảng Cộng sản Trung Quốc được Tân Hoa Xã đăng tải, Ủy ban Trung ương Đảng “đã ra quyết định điều tra vụ việc kỹ càng và công bố thông tin kịp thời”. Cũng theo tuyên bố trên, Đảng Cộng sản Trung Quốc nhận định sự kiện Vương Lập Quân là “một biến cố chính trị nghiêm trọng gây ảnh hưởng bất lợi cả trong và ngoài nước”, còn “cái chết của ông Neil Heywood là một trọng án có liên quan đến họ hàng và trợ lý của một lãnh đạo đảng và nhà nước và ông Bạc Hy Lai đã vi phạm kỷ luật đảng nghiêm trọng”.
Điều tra cho đến thời điểm này đang tập trung vào nghi vấn ông Heywood bị đầu độc bằng cyanur. Mối quan hệ giữa ông Heywood và bà Cốc Khai Lai cũng được xác nhận là thân thiết trước khi xảy ra tranh chấp về “lợi ích kinh tế”. 
Ngoại giao Anh bị chỉ trích
Qua vụ này, ngành ngoại giao Anh cũng bị chỉ trích khá nhiều. Bộ Ngoại giao Anh lần đầu tiên “biết các tin đồn về cái chết của ông Heywood” là vào ngày 18-1, trong khi ông này đã qua đời và bị hỏa táng gấp rút trong tháng 11-2011. Chỉ đến khi chuyến đi đến Lãnh sự quán Mỹ ở Thành Đô của ông Vương Lập Quân gây xôn xao vào ngày 6-2, ngoại trưởng Anh mới yêu cầu Bắc Kinh lật lại điều tra. Phải qua 4 lần yêu cầu với nhiều quan chức khác nhau, đến ngày 10-4, Trung Quốc mới tuyên bố đây là một vụ án mạng và cho bắt giam bà Cốc Khai Lai cùng Trương Tiểu Quân, một người giúp việc của ông Bạc.
Ông Menzies Campbell, cựu thủ lĩnh Đảng Dân chủ Tự do Anh, chỉ trích: “Một công dân Anh chết bất thường như vậy, lẽ ra chính quyền phải yêu cầu điều tra ngay. Nếu không có chuyện ông Vương Lập Quân đến Lãnh sự quán Mỹ, chẳng lẽ chúng ta sẽ không bao giờ biết gì về vụ này sao?”.
(NLĐO) MỸ NHUNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét