Thứ Sáu, 20 tháng 4, 2012

08:01

Mùa xuân Arab và mùa đông năng lượng toàn cầu


Khi phong trào Mùa xuân Arab đang có những diễn biến mới, các nhà hoạch định chính sách Mỹ đã tính tới kịch bản về sự sụp đổ của ngành công nghiệp sản xuất năng lượng các nước này khi các nước bị cơn bão cách mạng đường phố quét qua.

Mùa xuân Arab đang trở thành nỗi khiếp sợ của nhiều quốc gia Trung Đông. Ả-rập Xê-út, nhà cung cấp dầu mỏ lớn nhất thế giới cũng có nhiều yếu tố để trở thành nạn nhân tiếp theo của phong trào này. Giả thiết về sự sụp đổ của quốc gia này và các giải pháp kinh tế đang được giới nghiên cứu Mỹ tính đến bởi ảnh hưởng sự thay đổi ở Ả-rập Xê-út sẽ có thể đem tới một mùa đông cho ngành năng lượng toàn cầu.
Khi mà phong trào Mùa xuân Arab đang có những diễn biến mới, đặc biệt là sau sự sụp đổ của chính quyền ở Libi và tình hình rối ren hiện nay ở Syria, các nhà hoạch định chính sách Mỹ đã tính tới kịch bản về sự sụp đổ của ngành công nghiệp sản xuất năng lượng của Ả-rập Xê-út sau khi chính quyền nước này bị cơn bão cách mạng đường phố quét qua.
Theo kịch bản này, sự tức giận, thất vọng và những nhu cầu dồn nén từ lâu về những đòi hỏi phải cải cách chính trị, kinh tế đã và đang làm rung chuyển khu vực Trung Đông cũng sẽ lan tới Ả-rập Xê-út.
Những nhà cải cách đường phố này sẽ sử dụng Facebook và Twitter để kêu gọi xây dựng một chế độ dân chủ thực sự, một chính phủ minh bạch, quyền bình đẳng nhiều hơn cho phụ nữ và tự do lớn hơn cho người dân về chính trị, xã hội và quyền con người. Cuộc nổi loạn sẽ làm thiệt hại hoặc phá tan các phương tiện sản xuất năng lượng chủ chốt của cường quốc dầu mỏ này. Các kỹ sư lành nghề và nhân viên trong ngành năng lượng sẽ bỏ trốn.
Khi đó, theo tính toán của người Mỹ nguồn cung năng lượng của Ả-rập Xê-út sẽ bị gián đoạn trong vòng 1 năm, nói cách khác mỗi ngày thị trường thế giới sẽ mất đi 8.4 triệu thùng dầu. Dự báo 2 năm sau khủng hoảng, sản lượng dầu của Ả-rập Xê-út chỉ có thể đạt 2.8 triệu thùng/ngày, sang năm thứ 3, con số này là 5.6 triệu thùng. Đến năm thứ 4, sản lượng dầu của của nước này mới được khôi phục hoàn toàn, lúc đó giá dầu mỏ và khí đốt mới trở lại bình thường.
Chuẩn bị cho những điều bất ngờ nhất
Ả-rập Xê-út là nhà cung cấp dầu lớn nhất trên thế giới hiện nay và thống trị thị trường dầu lửa nhờ có năng lực sản xuất vượt trội để có thể cung ra thị trường tới 12 triệu thùng/ngày. Chính vì lẽ đó, việc nước này ngưng sản xuất dầu trong thời gian dài kinh tế thế giới sẽ lâm vào cuộc khủng hoảng thực sự do mất an ninh về năng lượng.
Theo tính toán, việc các nước, ngay cả các cường quốc hàng đầu như Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản mở kho dự trữ dầu chiến lược cũng sẽ không thể đáp ứng đủ nhu cầu nền kinh tế trong trung hạn. Các nền kinh tế châu Á, khách hàng chính của Ả-rập Xê-út sẽ bị ảnh hưởng tồi tệ nhất. Rất khó để định lượng hết mức thiệt hại mà sự hoảng loạn của thị trường thế giới gây ra trong tình huống này.
Tuy nhiên, một cách tương đối đối với Mỹ, trong vòng ba năm sau đó, nền kinh tế Mỹ sẽ gánh chịu những hậu quả có thể định tính được như: giá xăng sẽ tăng thêm 6.50 USD/1 gallon; giá dầu sẽ tăng từ mức 100 USD/thùng lên hơn 220 USD/thùng; số lượng người thất nghiệp sẽ vượt quá con số 1.5 triệu và tổng GDP sẽ mất khoảng 450 tỷ USD.
Trong quý đầu tiên, Mỹ sẽ phải sử dụng 3 triệu thùng dầu mỗi ngày từ kho dự trữ chiến lược, sản lượng đủ bù đắp 1/3 lượng dầu mà Ả-rập Xê-út cung cấp cho thế giới. Tuy nhiên, sang quý thứ 2, con số này sẽ giảm chỉ còn 2 triệu thùng và xuống 1 triệu thùng ở quý thứ 4, cuối năm thứ nhất nguồn dầu dự trữ chiến lược chỉ có thể đảm bảo 0.5 triệu thùng mỗi ngày.
Lối thoát nào cho khủng hoảng?
Mỹ có lợi ích sống còn ở khu vực Trung Đông, đặc biệt là ở Ả-rập Xê-út. Do vậy, một yêu cầu khá cấp thiết là Mỹ sẽ phải tính tới những giải pháp an toàn hơn nhằm đảm bảo an ninh năng lượng cho Mỹ và thế giới, tránh khỏi kịch bản không mong muốn kể trên.
Mỹ cần sử dụng các công cụ chính trị để bảo đảm huyết mạch của nền kinh tế Mỹ không bị ngưng trệ. Đó có thể là việc triển khai lực lượng quân sự tới Ả-rập Xê-út và cả những nước thuộc Hội đồng hợp tác vùng Vịnh (GCC), hay sử dụng ảnh hưởng của mình để làm yếu đi cuộc cách mạng tại những nơi "không cần thiết".
Cùng với đó, Mỹ sẽ mở kho dự trữ chiến lược, giảm nhu cầu năng lượng trong nước, tiếp cận mạnh hơn với nguồn cung dầu khí từ khu vực Mỹ Latinh, đẩy mạnh khai thác các mỏ dầu ở khu bảo tồn hoang dã Bắc cực, các mỏ ở ngoài khơi Thái Bình Dương, Đại Tây Dương và ở phía tây Vịnh Mexico...
Đối với Liên minh châu Âu EU, cuộc khủng hoảng nợ công đã làm suy yếu châu lục này, do vậy, EU sẽ phản ứng rời rạc và yếu đuối với cơn khủng hoảng năng lượng tại Ả-rập Xê-út. Ở cấp độ khu vực, EU sẽ áp dụng các biện pháp cứu nguy bằng cách chia sẻ trong nội khối các nguồn cung dầu mỏ.
 Với từng quốc gia, giá gas và dầu tăng quá cao sẽ buộc Đức phải xem xét lại kế hoạch đóng cửa các nhà máy điện hạt nhân đã được công bố và thúc đẩy các nước khác như Bungary, Hungary và Lithuania tái khởi động các nhà máy điện hạt nhân đã đóng cửa để giảm nhẹ áp lực của khủng hoảng. Ở phương diện chính trị, để bảo vệ cơ sở hạ tầng, cảng biển và con đường cung cấp dầu khí từ Trung Đông cho châu Âu, các nước như Anh, Ba Lan và Pháp sẽ cùng với Mỹ triển khai quân tới Ả-rập Xê-út .
Nga sẽ được hưởng lợi từ cuộc khủng hoảng, ít nhất ở khía cạnh kinh tế. Kho dự trữ ngoại tệ và tài sản nước ngoài của nước này sẽ tăng lên, các tập đoàn năng lượng nhà nước như Rosnef, Gazprom cũng sẽ trở nên bành trướng hơn.
Thặng dư từ thu nhập dầu khí sẽ hỗ trợ cho kế hoạch hiện đại hóa cơ sở hạ tầng và cả quân đội của Nga, nước này sẽ tăng cường đầu tư vào ngành công nghiệp năng lượng ở cả trong và ngoài nước nhằm thực hiện tham vọng thống trị thị trường năng lượng. Nga cũng sẽ thương lượng với Trung Quốc, một số thành viên EU, nhất là với Đức và Italia để giúp đảm bảo nhu cầu dầu lửa cho các nước này.
Trong khủng hoảng, hệ thống quản lý tập quyền của Trung Quốc sẽ phát huy hiệu lực bởi chính quyền Bắc Kinh sẽ ngay lập tức yêu cầu cắt giảm tiêu thụ năng lượng cá nhân, giảm số giờ lưu thông xe cộ, các xí nghiệp sẽ thay phiên nhau tạm ngừng hoạt động...
Đồng thời, Trung sẽ sử dụng kho dự trữ ngoại tệ khổng lồ của mình để gia tăng nhập khẩu từ các thị trường thay thế như Iran, Nga. Bắc Kinh cũng sẽ đa dạng hóa nguồn cung dầu từ các đối tác như Angola, Venezuela và Sudan, bước đi mà Trung Quốc đang triển khai khá mạnh mẽ.
Ấn Độ là một trong những nền kinh tế mới nổi lớn nhất rất cần dầu mỏ cho công cuộc công nghiệp hóa và hiện đại hóa nền kinh tế. Để giải quyết sự thiếu hụt năng lượng tạm thời, Ấn Độ sẽ kiềm chế nhu cầu nội địa bằng cách triển khai các biện pháp như hạn chế giờ lưu thông của xe hơi, giảm giờ làm của nhân viên nhà nước, giảm nhu cầu dầu diesel của ngành đường sắt và bỏ trần sản lượng dầu tự sản xuất.
Ấn Độ sẽ tăng cường hợp tác với Nga, đầu tư vào mỏ dầu ở hòn đảo Sakhalin giàu tài nguyên của Nga ở Thái Bình Dương; tăng cường hợp tác với Iran để đảm bảo nguồn cung ổn định.
A Vũ (Theo NYT)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét