Thứ Ba, 3 tháng 4, 2012

07:04
Thu phí bảo trì đường bộ: Rắc rối

Nhiều chuyên gia nhận định có quá nhiều bất cập khi thu phí bảo trì đường bộ đối với ô tô, xe máy: Thêm gánh nặng cho dân, thiếu công bằng, cách thu rối rắm…
Theo Bộ GTVT, các văn bản hướng dẫn thực hiện việc thu phí bảo trì đường bộ sẽ hoàn thành trong tháng 4-2012 để kịp thực hiện theo đúng lộ trình của Nghị định 18/2012 (có hiệu lực từ ngày 1-6).
Thu phí xe máy trên 1.600 tỉ đồng/năm
Theo dự thảo do Bộ GTVT và Bộ Tài chính đang xây dựng, mức thu phí đối với ô tô sẽ giảm so với đề xuất 20-50 triệu đồng/năm được đưa ra trước đây. Theo đó, sẽ có 7 mức thu phí ứng với từng loại ô tô, trong đó nhóm xe cơ sở (xe con, xe tải dưới 2 tấn, xe du lịch dưới 12 ghế) sẽ phải đóng khoảng 180.000 đồng/tháng; nhóm xe có tải trọng từ 18 tấn trở lên là 1,44 triệu đồng/tháng.
Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ GTVT) cho rằng các mức thu được đưa ra dựa trên tính toán về sự tiêu hao nhiên liệu của các phương tiện lưu thông. Dự kiến, ô tô sẽ được thu qua hệ thống đăng kiểm và có thể đóng theo tháng, quý hoặc năm.

Đối với xe máy, đại diện Bộ Tài chính và Bộ GTVT đều khẳng định sẽ chỉ ban hành mức khung, còn phí cụ thể sẽ do UBND cấp tỉnh quyết định trên cơ sở nghị quyết của HĐND. Cơ quan được giao nhiệm vụ thống kê và thu các loại phí đối với xe máy sẽ là UBND cấp phường/xã/thị trấn hoặc lực lượng công an địa phương. Theo tính toán, với trên 32 triệu mô tô, xe máy đang lưu hành, số tiền thu được hằng năm sẽ trên 1.600 tỉ đồng.
Đồng thời, Bộ GTVT và Bộ Tài chính sẽ sớm hoàn thiện quy định về việc thành lập cơ quan quản lý, giám sát quỹ bảo trì đường bộ với sự tham gia của nhiều cơ quan liên quan. Việc phân bổ quỹ cho các địa phương sẽ được tính trên số km đường và số lượng xe tiêu chuẩn đăng ký hoạt động tại địa phương đó… Dự kiến quỹ Trung ương sẽ nắm giữ 55% và địa phương là 45%; sau đó sẽ trích 1%- 5% để duy trì hoạt động của bộ máy.
Khó bảo đảm công bằng
Theo ông Nguyễn Văn Thanh, nguyên phó cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam (nay là Tổng cục Đường bộ), cách tính phí như Bộ GTVT đề xuất rất khó bảo đảm công bằng cho cả ô tô và xe máy. “Sẽ xảy ra chuyện xe đều đều lăn bánh trên đường cũng phải đóng phí như xe mỗi tháng chỉ đi vài lần. Trong cùng một tỉnh, xe máy chạy đường đất vùng đồi núi nhiều hơn đường nhựa lại đóng phí bằng các phương tiện cùng loại chạy ở các xã miền xuôi, trong khu vực đô thị…”- ông Thanh phân tích.
Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng cũng băn khoăn: “Thu phí qua ô tô thì dễ chứ qua xe máy thì không đơn giản chút nào. Việc để cho UBND và HĐND tỉnh quyết định mức thu, cách thu sẽ dẫn tới tình trạng mỗi nơi áp dụng một mức phí, rất rối rắm”. Ông Hùng cũng kiến nghị cho phép ô tô được lựa chọn đóng theo tháng, chu kỳ đăng kiểm hoặc theo năm. “Nhiều doanh nghiệp có hàng chục tới hàng trăm ô tô, nếu cứng nhắc bắt buộc đóng theo chu kỳ đăng kiểm thì số tiền cộng dồn lại quá lớn, họ không chịu nổi” - ông Hùng nhận xét.
Theo ông Nguyễn Văn Thanh, giao việc thu phí cho lực lượng chức năng địa phương là khả thi nhất nhưng không ai dám chắc họ sẽ tận tâm, tận lực thực hiện. Chưa kể, việc quản lý hành chính đối với nhiều người dân đăng ký xe ở địa phương này nhưng lại thường xuyên sang nơi khác sinh sống, làm việc đã khó, nói gì tới thu phí bảo trì đường bộ. Mặt khác, hiện nay chưa có chế tài đối với người không nộp phí.
Kiến nghị không thu phí hạn chế xe cá nhân
Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam vừa có văn bản kiến nghị Bộ GTVT không nên thu phí hạn chế phương tiện giao thông cá nhân. Ông Nguyễn Mạnh Hùng lý giải: Người dân không được hưởng dịch vụ gì khi đóng phí hạn chế phương tiện xe cá nhân. Đó là chưa kể việc ban hành phí này có thể khiến rất nhiều doanh nghiệp vận tải, taxi phá sản hoặc khiến giá cả hàng hóa tăng cao, người tiêu dùng chịu nhiều thiệt thòi. Hơn nữa, việc thu phí đối với cả xe máy ở 5 TP trực thuộc Trung ương sẽ thêm gánh nặng cho người dân vì đã đóng phí bảo trì đường bộ.
(Theo Dân Việt) THẾ KHA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét