Việt Nam tiến hành truy vết F1 một
cách thần tốc như thế nào?
Cập
nhật lúc 16:30
Có thể coi F1
chính là những bệnh nhân tiềm tàng. Việc truy vết F1 ngay khi phát hiện ca
bệnh COVID-19 hay ca bệnh nghi ngờ mắc COVID-19 là yếu tố cực kỳ then chốt,
quyết định trong việc chống dịch.
Người dân trong khu vực phong tỏa trên
phố Ngô Quyền (Hải Dương) nhận thực phẩm tiếp tế tại hàng rào cách ly ngày
16/8. (Ảnh: Mạnh Minh/TTXVN)
Tính
đến nay, Việt Nam, có tổng cộng 964 ca mắc COVID-19, trong đó 336 ca nhiễm
nhập cảnh được cách ly ngay và 628 ca lây nhiễm trong cộng đồng.
Số
lượng ca mắc mới liên quan đến Đà Nẵng tính từ ngày 25/7 đến nay là 488 ca.
Phó giáo sư Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, Phó Trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt phòng chống dịch COVID-19 của Bộ Y tế tại Đà Nẵng, kiêm Đội trưởng Đội Điều tra, giám sát dịch đã chia sẻ với báo chí về việc điều tra, giám sát dịch để sớm đẩy lùi dịch COVID-19.
-
Là một chuyên gia trong lĩnh vực dịch tễ, ông đã tham gia công tác tại nhiều
ổ dịch khác nhau như tại Vĩnh Phúc, Bình Thuận… Phó giáo sư có thể cho biết
một trong những biện pháp quan trọng nhất để phòng chống dịch COVID-19 là gì?
Phó
giáo sư Trần Như Dương: Như chúng ta đã biết, hiện tại COVID-19 chưa có
vắcxin phòng bệnh, cũng như chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Chính vì vậy,
một trong những biện pháp quan trọng nhất để phòng chống dịch COVID-19 là cắt
đứt đường lây truyền. Để làm được điều này thì phải cách ly, cô lập nguồn lây
và không cho nguồn lây đó có cơ hội phát tán virus lây lan ra cộng đồng.
Đó là cơ sở cho việc tổ chức cách ly đối với các trường hợp có liên quan đến ca bệnh và liên quan đến ca bệnh nghi ngờ mắc COVID-19. Riêng đối với các trường hợp F1, trong hướng dẫn của Bộ Y tế, đây là những đối tượng tiếp xúc vòng 1 với bệnh nhân COVID-19 hoặc nghi ngờ mắc COVID-19 cần có sự chú ý đặc biệt hơn. F1 là chính là những người tiếp xúc trực tiếp với ca bệnh xác định hoặc ca bệnh nghi ngờ trong vòng 2 mét, không kể là tiếp xúc trong thời gian bao lâu. Đã tiếp xúc trực tiếp với nguồn lây nên F1 là người có nguy cơ rất cao bị lây bệnh từ người bệnh. Có thể coi F1 chính là những bệnh nhân tiềm tàng.
Vì
vậy, việc truy vết F1 ngay khi phát hiện ca bệnh COVID-19 hay ca bệnh nghi
ngờ mắc COVID-19 là yếu tố cực kỳ then chốt, quyết định trong việc chống dịch.
Chiến
lược hiện nay của chúng ta trong chống dịch tại cộng đồng, đó là phát hiện,
phát hiện và phát hiện. Cách ly, cách ly và cách ly. Muốn phát hiện sớm không
có cách nào khác là phải giám sát và xét nghiệm. Và một trong cách quan trọng
để phát hiện được F1 chính là phải truy vết.
Chính vì vậy, việc chống dịch trên mọi miền Tổ quốc, ở các địa phương, chúng ta phải tuân thủ nguyên tắc bất di bất dịch: “Truy vết F1 một cách thần tốc.” Có nghĩa là phải nhanh đồng thời phải kiên quyết không được bỏ sót F1. Như tôi đã phân tích, F1 đã tiếp xúc với nguồn lây nên khả năng F1 mắc bệnh là rất lớn. Nếu người này không được phát hiện ra và phát hiện nhanh, kịp thời, không được tổ chức cách ly ngay, nếu không may để lọt F1 trong cộng đồng, nguy cơ cao trở thành người bệnh, phát tán virus. Khi đó, nguy cơ lây lan trước hết là trong chính gia đình của họ, sau là lây lan ra cơ quan, cộng đồng, các nhóm họp, tập trung đông người. Lúc đó dịch sẽ không ngăn chặn được nữa. Chính vì vậy, việc truy vết, cách ly tập trung bắt buộc đối với F1 là một trong những điều kiện cực kỳ quan trọng và mang tính chiến lược bắt buộc phải làm.
Phó giáo sư Trần Như Dương (trái) kiểm
tra tại khu dân cư nơi có ca mắc COVID-19 số 416. tại Đà Nẵng. (Ảnh: Quốc
Dũng/TTXVN)
-
Thưa ông, có thể cho phép các F1 được tự cách ly tại nhà hay không?
Phó giáo sư Trần Như Dương: Bộ Y tế yêu cầu cách ly tập trung, bắt buộc đối với F1, kiên quyết không được cho F1 tự cách ly tại nhà. Việc cách ly tại nhà là hoàn toàn không triệt để, khó kiểm soát. Chỉ cần người F1 đó lơ là, mất cảnh giác một chút thôi hoặc vi phạm quy định đi ra ngoài (mà lại là trường hợp nhiễm bệnh chưa được phát hiện ra) khi đó nguy cơ gieo rắc virus rất lớn, tạo thành "lỗ thủng" trong hệ thống phòng dịch của chúng ta, để từ đó lây bệnh ra bên ngoài.
Chính
vì vậy, trong giai đoạn hiện nay, đối với người F1, Bộ Y tế yêu cầu phải cách
ly bắt buộc, tại cơ sở cách ly tập trung có sự quản lý theo dõi giám sát của
nhân viên y tế tại cơ sở cách ly tập trung. Chính vì vậy mà việc quản lý F1
giữ vai trò rất quan trọng.
-
Ông có khuyến cáo nào đối với việc cách ly F1 tại các khu cách ly tập trung?
Phó giáo sư Trần Như Dương: Bộ Y tế ban hành hướng dẫn cụ thể, chi tiết về hướng dẫn cách ly tập trung tại các cơ sở cách ly tập trung, trong đó có đối tượng F1.
Trong
hướng dẫn đã có những quy định rất chi tiết cho từng đối tượng như người quản
lý khu tập trung, người cách ly... Việc tổ chức cách ly phải theo đúng hướng
dẫn của Bộ Y tế để phòng chống lây nhiễm tại các khu cách ly tập trung.
Vì ở những nơi này, các F1 là đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh, lây nhiễm virus, cho nên vào khu cách ly, việc sắp xếp từ phòng ốc, đồ dùng sinh hoạt đến việc cách ly thế nào đều phải tuân thủ theo sự hướng dẫn của Bộ Y tế và được thực hiện bởi cơ quan quản lý. Theo dõi y tế phải được tiến hành bởi nhân viên y tế tại các khu cách ly tập trung đó. Việc tuân thủ các quy định trong khu cách ly là rất cần thiết để tránh lây nhiễm chéo bệnh (nếu có) sang nhau.
Bộ
Y tế đã xây dựng các biện pháp rất chặt chẽ, yêu cầu các cơ sở cách ly tập
trung, các nhân viên tại các cơ sở đó, người được cách ly tuân thủ nghiêm
túc, sẽ tránh được lây nhiễm chéo bệnh (nếu có). Nếu tuân thủ đúng các quy
định đó, người dân yên tâm là đã đảm bảo được việc phòng chống lây nhiễm bệnh
trong khu cách ly, nếu mình thuộc đối tượng phải cách ly tập trung.
Phòng
chống việc lây nhiễm tại các cơ sở cách ly tập trung không phải chỉ là trách
nhiệm của cơ quan quản lý hay nhân viên ở các khu cách ly đó. Một trong những
việc đảm bảo cho sự an toàn tại khu cách ly đó là sự nghiêm chỉnh thực hiện
nội quy của người được cách ly. Khi đã vào khu cách ly tập trung, phải ở
trong phòng, không gặp gỡ ai, không tụ tập đông người, hạn chế đi ra ngoài,
hạn chế tối đa việc nói chuyện với người khác.
-
Là người có kính nghiệm “lăn lộn” ở các điểm nóng để nhanh chóng đẩy lùi
dịch, ông có thông điệp gì đến người dân?
Phó giáo sư Trần Như Dương: Tinh thần của Chính phủ đó là chống dịch như chống giặc. Đây là cuộc chiến của toàn dân, không riêng gì của ngành y tế hay của chính quyền. Cuộc chiến này cần có sự chung sức đồng lòng của toàn dân, trong đó “mỗi gia đình là 1 pháo đài, mỗi người dân là 1 chiến sĩ.”
Mỗi
người đều phải có trách nhiệm công dân đối với toàn xã hội, mình vì mọi
người, mọi người vì mình. Có như vậy, chúng ta mới tạo ra được sức mạnh to
lớn chống lại COVID-19.
Để
cùng chống dịch, toàn dân nên tuân thủ các hướng dẫn phòng dịch của ngành y tế
(đeo khẩu trang nơi công cộng, rửa tay thường xuyên, thực hiện khai báo y
tế...).
Đối
tượng F1 cần tuân thủ nghiêm ngặt cách ly tập trung. Đây vừa là quyền lợi
cũng là nghĩa vụ công dân. Quyền lợi là được cách ly theo dõi y tế, được phát
hiện ngay, chăm sóc y tế ngay nếu mắc bệnh, bảo vệ được sức khỏe, tính mạng.
Còn nghĩa vụ của họ vào cách ly tập trung, tuân thủ các nội quy cách ly để
bệnh không lây lan sang người khác, sang cộng đồng.
Tôi cho rằng, trong “cuộc chiến” này cần sự chung sức của toàn nhân dân, chúng ta phải chung sức, chung lòng, bệnh dịch mới sớm được đẩy lùi. Trân trọng cảm ơn Phó giáo sư!
Theo
Vietnam+
|
Thứ Hai, 17 tháng 8, 2020
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét