Thứ Sáu, 14 tháng 8, 2020

Điện một giá cao gấp rưỡi bình quân: Bộ Công Thương cần minh bạch cách tính

Cập nhật lúc 14:30  

Nhiều chuyên gia nhấn mạnh mức điện một giá bằng 145% - 155% giá bình quân mà Bộ Công Thương đề xuất là cao, không hợp lý và là phương án “chữa cháy”.

Bộ Công Thương đang lấy ý kiến rộng rãi cho dự thảo về cơ cấu giá bán lẻ điện. Nhiều quan điểm cho rằng, mức điện một giá bằng 145% - 155% giá bán lẻ điện bình quân là không hợp lý. Nếu đã là một giá điện thì phải gần với giá bán điện bình quân vì thực chất đây là mức giá đã gồm chi phí, lợi nhuận cho ngành điện. Mức điện một giá bằng 145-155% giá bán lẻ điện bình quân sẽ chỉ là phương án "chữa cháy".

Quá cao, không hợp lý

Trả lời VTC News sáng 14/8, ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam (VAA) cho rằng phương án điện một giá bằng 145% - 155% giá bình quân là cao, không hợp lý. Theo ông Thỏa, khách hàng sẽ phải trả khoảng 2.703 đồng một kWh (chưa gồm thuế VAT) nếu chọn phương án 145% và khoảng 2.890 đồng một kWh (chưa gồm thuế VAT) nếu chọn phương án 155%. “Mức giá trên đều cao hơn giá bán lẻ bình quân, phá vỡ nguyên tắc cải tiến nhưng không được làm tăng giá bình quân. Bộ Công Thương cần công khai, minh bạch cách tính giá điện”, ông Thỏa nói.

Phương án 2A với mức giá bán lẻ điện sinh hoạt cho khách hàng lựa chọn một giá bằng 145%.

Phương án 2B có mức giá bán lẻ điện một giá là 155% so với giá bán lẻ điện bình quân.

Tương tự, chia sẻ với báo chí, ông Trần Đình Long, Phó Chủ tịch Hội điện lực Việt Nam, cho rằng mỗi phương án biểu giá điện mà Bộ Công Thương đưa ra cần có luận cứ, tính toán rõ ràng, chứ không thể đưa ra một con số rồi buộc xã hội phải chấp nhận. Chuyên gia này cho rằng một giá thì phải cao hơn giá bình quân. Tuy nhiên, để đưa ra những con số cụ thể, cơ quan soạn thảo gần làm rõ với dư luận cơ sở về những con số này.

Trong khi đó, ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho rằng, giá điện bậc thang vẫn hợp lý hơn trong bối cảnh hiện nay. Theo ông Ngãi, nếu tính cả VAT thì giá điện một giá là hơn 3.000 đồng/kWh. Như vậy, những người thu nhập thấp, sinh viên, công nhân… khó có khả năng chi trả. Trong khi người giàu dùng nhiều điện lại được lợi.

Chung quan điểm, PGS.TS Bùi Xuân Hồi (Đại học Bách Khoa Hà Nội), cho biết, khi xây dựng biểu giá điện, ngành điện hướng đến có tối thiểu ba mục tiêu phản ánh chi phí, sử dụng hiệu quả tiết kiệm điện năng, và tính đến các yếu tố an sinh xã hội. “Nguyên lý tính giá chia bậc thang rõ ràng người sử dụng ít đang có lợi rất nhiều. Tức là càng dùng nhiều sẽ càng chịu giá cao. Nếu lấy giá bình quân, đương nhiên người nghèo sẽ trả giá cao hơn, liệu chính sách an sinh xã hội còn đảm bảo nữa hay không?”, ông Hồi đặt câu hỏi.

Vì sao phải cao hơn mức bình quân?

Về “mức điện một giá bằng 145-155% giá bán lẻ điện bình quân”, chia sẻ với VTC News, đại diện Bộ Công Thương cho biết hiện nay biểu giá bán lẻ điện đang thực hiện theo quyết định số 648/QĐ-BCT năm 2019. Cơ cấu tiêu thụ điện của các đối tượng khách hàng như sau: Sản xuất chiếm 59,1%, kinh doanh chiếm 6,6%, hành chính sự nghiệp chiếm 3,8%, sinh hoạt chiếm 28%.

 

Giá điện theo đề xuất mới của Bộ Công Thương bị dư luận phản đối do quá cao so giá bình quân.

Do đây không phải là lần điều chỉnh giá điện chỉnh giá điện nên các phương án đưa ra phải đảm bảo mức giá bán lẻ điện bình quân cho tất cả các nhóm khách hàng phải giữ nguyên mức giá 1.864,44 đồng/kWh đã được ban hành tại quyết định số 648/QĐ-BCT.

Đối với khách hàng sử dụng điện mục đích sinh hoạt thì các phương án sửa đổi biểu giá bán lẻ điện đều đảm bảo giá bán lẻ điện sinh hoạt bình quân vẫn giữ nguyên, không đổi.

Theo đó, trong quá trình lấy ý kiến các cơ quan, đơn vị, Bộ Công Thương cũng đã xây dựng và đưa ra phương án 1 giá áp dụng cho tất cả các khách hàng sử dụng điện. Phương án này có ưu điểm là đơn giản, dễ thực hiện, khắc phục được một số nhược điểm của cơ cấu biểu giá bán lẻ điện bậc thang hiện hành.

“Tuy nhiên nếu thực hiện phương án này thì toàn bộ khách hàng sử dụng điện dưới 200 kWh với số lượng là khoảng trên 18,7 triệu khách hàng chiếm tỷ lệ xấp xỉ 75% tổng số khách hàng hiện nay sẽ phải trả tiền điện thêm từ 19.000 - 39.000 đồng. Số tiền ngân sách hỗ trợ cho các hộ nghèo, hộ gia đình chính sách xã hội cũng phải tăng từ khoảng trên 1.000 tỷ đồng/năm lên 1.240 tỷ đồng/năm do giá điện cao hơn bậc 1 hiện hành. Đồng thời việc áp dụng giá điện một giá cho tất cả các đối tượng khách hàng sẽ không khuyến khích được việc sử dụng điện tiết kiệm hiệu quả”, đại diện Bộ Công Thương cho biết.

Do đó để vẫn đảm bảo mục tiêu sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả, ngân sách nhà nước hỗ trợ hộ nghèo, chính sách xã hội không thay đổi và đảm bảo giá bán lẻ điện sinh hoạt bình quân không thay đổi, trên cơ sở ý kiến các Bộ, ngành thì Bộ Công Thương đã đề xuất 2 phương án lấy ý kiến là biểu giá 5 bậc thang hoặc lựa chọn áp dụng biểu giá một giá.

Đại diện Bộ Công Thương cho biết, phương án điện một giá vẫn duy trì được các ưu điểm của phương án 1 như khuyến khích được việc sử dụng điện tiết kiệm hiệu quả, số tiền ngân sách hỗ trợ cho các hộ nghèo, hộ gia đình chính sách xã hội không thay đổi. Các phương án đưa ra đều có giá điện 4 bậc đầu giống nhau. Do vậy dù phương án nào được áp dụng thì các khách hàng sử dụng điện ở mức dưới 700kWh (hiện chiếm trên 98% tổng số khách hàng) đều có chi phí tiền điện bằng nhau.

Đối với tất cả các phương án, các khách hàng sử dụng dưới 600 kWh (97,36 % tổng số khách hàng) chi phí tiền điện sẽ giảm so với giá điện hiện hành (từ 2.800 - 12.800 đồng), ngoại trừ các khách hàng nếu sử dụng ở mức 300 kWh thì số tiền điện phải trả tăng thêm là 7.100 đồng.

“Nếu áp giá điện một giá ở mức bằng mức giá bình quân thì để đảm bảo giá điện sinh hoạt bình quân không đổi sẽ phải điều chỉnh tăng mức giá bán lẻ ở các mức dưới 700 kWh/tháng. Phương án này có lợi cho các khách hàng sử dụng điện nhiều nhưng sẽ ảnh hưởng tới trên 98% khách hàng sử dụng điện, đặc biệt là các hộ gia đình có thu nhập thấp và trung bình trong xã hội”, đại diện Bộ Công Thương cho hay.

(Theo VTC News) Hòa Bình

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét