Thứ Sáu, 28 tháng 8, 2020

Đồng tiền biết... “chui”!

Cập nhật lúc 10:29   

Đại biểu Quốc hội Phạm Phú Quốc bất ngờ “lộ” có hai quốc tịch Việt Nam và Síp. Đường đi khoản tiền 2,5 triệu USD để ông mua quốc tịch Síp đến giờ vẫn còn bí ẩn.

Ông Phạm Phú Quốc (trái) nhận quyết định bổ nhiệm Tổng giám đốc Công ty Phát triển công nghiệp Tân Thuận TNHH MTV vào tháng 12/2019

Những năm gần đây, ngày càng có xu hướng nhiều công dân Việt Nam  có hai quốc tịch bởi nhiều lí do khác nhau.  Nhưng như trường hợp đại biểu Quốc hội Phạm Phú Quốc  (TP Hồ Chí Minh)  bất ngờ “lộ” có hai quốc tịch (Việt Nam và Síp) khi thông qua con đường (ông hay người nhà) xuống tiền 2,5 triệu USD để có quốc tịch quả là …đặc biệt (?!). Vụ việc  đang được dư luận  quyết tâm “mổ xẻ” bởi không biết đường đi  khoản tiền 2,5 triệu USD  của “ông nghị” này ra sao.
Dù đến giờ này, trả lời báo chí, ông Quốc nói số tiền do vợ con ông chuẩn bị và đóng mua còn bản thân ông được bảo lãnh thì người ta vẫn thắc mắc tiền được chuyển thế nào?
 Thông tin chung từ các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền đều khẳng định: không có một giấy phép nào được cấp cho khoản tiền này từ Việt Nam được chuyển ra nước ngoài. Giả sử nếu tiền từ con trai ông Quốc sinh sống làm việc tại Anh nộp vào, thì theo các chuyên gia, việc kiểm tra, soát xét còn dễ dàng hơn bởi luật pháp các quốc gia trên đều rất minh bạch, luôn yêu cầu kiểm soát chặt tiền.   
Cách đây 5 năm, lần thứ hai trở lại thăm đất nước Australia xinh đẹp, tôi đã gặp một số trường hợp người Việt muốn trở thành công dân quốc gia này qua kênh đầu tư.  Hãy hình dung, bạn có tiền, siêu giàu, chỉ cần  bỏ ra một con số từ 3-  5 triệu USD (tương đương 60-  100 tỷ VND khi đó) để mua Trái phiếu Chính phủ Austalia đi kèm một số điều kiện khác (ví dụ như mua nhà, có thời gian sinh sống theo quy định). Tất yếu, sau vài năm, hết thời gian có thẻ xanh, bạn sẽ đủ điều kiện trở thành công dân nước sở tại. Khi đó, bạn sẽ  có hai quốc tịch.
Con đường này, nhiều người Việt, thậm chí là giới doanh nhân Việt giàu nổi và giàu chìm đã và vẫn đang đi qua. Trào lưu điển hình trong vài năm trở lại đây là cơn sốt người  Việt đua nhau mua nhà, mua trái phiếu tại Australia, mua nhà tại Mỹ, Cannada, Tây Ban Nha, Sec. Nhưng khi hỏi cách họ chuyển tiền thế nào?
Dù tò mò tìm hiểu, tôi chỉ nhận được câu trả lời “ậm ờ” từ cả người đã đi hay cả đại lý bên này đất nước mình. Một doanh nghiệp bất động sản mời gọi người Việt mua nhà ở nước ngoài “phác họa”: Cứ thuê luật sư và công ty luật bên kia, tất cả thủ tục đã có người lo. Còn ở Việt Nam, chỉ cần nộp tiền mặt VND, USD hay ngoại tệ khác “chui” đủ vào một tài khoản định trước. Tiền nổi lên, bên này xác nhận, bên kia cũng lập tức có tiền chuyển trực tiếp vào tài khoản, thế là bạn đủ điều kiện giao dịch.
Thực tế, từ khi rộ thông tin người Việt mua nhà tại nước ngoài, câu chuyện kiểm soát ngoại tệ chảy đi từ các ngân hàng Việt đang được “siết” rất chặt. Trong thông báo gửi khách hàng, hầu hết các ngân hàng đều yêu cầu phải tuân thủ quy định quản lý ngoại hối, hoạt động cho vay, trả nợ, đầu tư.
Đặc biệt, có nơi  yêu cầu khách hàng thực hiện giao dịch phải đảm bảo minh bạch, nội dung chuyển tiền đầy đủ, rõ ràng. Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch Đầu tư cũng rất cảnh giác đưa ra các công cụ kiểm soát nhằm tránh “chảy máu” ngoại tệ. Nhưng thị trường luôn có sự “năng động” riêng mà không dễ gì quản hết. Câu chuyện của ông Quốc là một ví dụ. Đường đi khoản tiền 2,5 triệu USD để ông mua quốc tịch Síp đến giờ vẫn còn bí ẩn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét