Thứ Bảy, 29 tháng 8, 2020

EU đang xem xét hành động pháp lý với Cyprus vụ hộ chiếu vàng

Cập nhật lúc 08:00               

 

Một quan chức tư pháp EU cho biết khối này đang xem xét khả năng tiến hành hành động pháp lý với Cyprus, sau khi Đài Al Jazeera công bố loạt bài điều tra tiết lộ các bê bối vụ đảo quốc này bán "hộ chiếu vàng" qua chương trình đầu tư định cư.



Chính quyền Cyprus đòi điều tra việc rò rỉ tài liệu bán "hộ chiếu vàng" đến tay Đài Al Jazeera - Ảnh: Al Jazeera

"Chúng tôi đã yêu cầu bộ phận pháp lý của Ủy ban Tư pháp châu Âu phân tích xem với khuôn khổ pháp luật hiện hành, chúng tôi có thể khởi động quá trình điều tra xem xét việc vi phạm luật hoặc đưa ra một đề xuất pháp lý hay không" - ông Didier Reynders, ủy viên tư pháp Liên minh châu Âu (EU), trả lời Đài Al Jazeera ngày 27-8, cho rằng cần có những thay đổi trên toàn châu Âu liên quan tới các chương trình đầu tư định cư (ĐTĐC).

"Hệ thống tư pháp tại Cyprus phải có nhiệm vụ phân tích tình hình và nếu có thể, nhà chức trách Cyprus phải thu hồi lại quốc tịch”.
Ông Didier Reynders
Cyprus lên tiếng
Ông Reynders cũng muốn các chương trình này dần chấm dứt hoàn toàn. Quan điểm của quan chức tư pháp EU được đưa ra sau khi nhóm điều tra của Đài Al Jazeera công bố Hồ sơ Cyprus (The Cyprus Papers) gồm các tài liệu rò rỉ cho thấy Cyprus đã bán hộ chiếu cho nhiều cá nhân là tội phạm, đối tượng lẩn trốn và những người thuộc nhóm có nguy cơ tham nhũng cao.
Bộ tài liệu có gần 1.500 đơn xin cấp hộ chiếu đã được phê duyệt với 2.400 tên người liên quan đã tiết lộ việc chính quyền Cyprus không thực hiện các bước thẩm định chuyên sâu với hàng chục trường hợp, theo đó tạo điều kiện để những đối tượng là tội phạm và những người thuộc diện bị áp lệnh trừng phạt quốc tế vẫn có thể mua quyền công dân ở một nước thành viên EU. Theo Al Jazeera, trong số gần 1.500 người nộp đơn xin cấp quốc tịch của Cyprus đó có ít nhất 30 người đang trong giai đoạn chờ bị truy tố hoặc kết án và 40 người thuộc diện có ảnh hưởng chính trị.
Vị quan chức EU cũng nói thêm Cyprus phải chịu phần lớn trách nhiệm trong vấn đề này và đây không phải lần đầu tiên EU tiếp nhận những thông tin bê bối liên quan chương trình ĐTĐC của Cyprus.
Tuy nhiên, Chính phủ Cyprus không cho rằng chương trình ĐTĐC của họ có gì sai trái. Quốc gia này cáo buộc loạt điều tra của Đài Al Jazeera là "tuyên truyền, không phải báo chí".
Bộ trưởng Nội vụ Cyprus Nicos Nouris ngày 26-8 khẳng định "tất cả những người bị nghi vấn tại thời điểm nộp đơn xin quốc tịch đều đã đáp ứng các tiêu chuẩn và đều là những người không có tiền án hình sự nào tại quốc gia gốc ban đầu và các quốc gia thường trú của họ". Thay vì phải điều tra về những trường hợp này như khuyến nghị của ủy viên tư pháp EU, ông Nicos Nouris tuyên bố Cyprus đang điều tra nguyên nhân đã làm rò rỉ những tài liệu của chính phủ và tới được tay Đài Al Jazeera.
Lỗi hệ thống?
Tổ chức Minh bạch quốc tế (TI), một tổ chức phi chính phủ chống tham nhũng toàn cầu, cho rằng không cần đợi tới loạt điều tra của Al Jazeera, nhiều năm qua một số tổ chức thuộc chính quyền EU cũng đã muốn xóa dần các chương trình ĐTĐC, căn cứ vào những rủi ro không thể chấp nhận từ chương trình này với toàn khối.
Hoan nghênh đề xuất của quan chức tư pháp EU, TI cho rằng loạt điều tra của Al Jazeera cho thấy chương trình "hộ chiếu vàng" của Cyprus vẫn đang là kẽ hở bị tội phạm tham nhũng, rửa tiền ở nhiều nước lợi dụng, bất chấp đảo quốc này thi thoảng đưa ra các cải cách nhằm ứng phó với dư luận.
Bà Laure Brillaud, chuyên viên chính sách cao cấp tại TI, nhắc lại chuyện Chính phủ Cyprus trước đây từng thừa nhận sai sót trong chương trình ĐTĐC, cam kết khắc phục sơ hở và tịch thu quốc tịch của những người đã "cấp nhầm". Song theo bà Laure Brillaud, những tài liệu do Đài Al Jazeera phanh phui lại cho thấy vấn đề trên thực tế không phải chỉ là những lầm lẫn, sai sót hạn hữu.
"Hồ sơ Cyprus cho thấy đó không phải chỉ là một vài trường hợp cá biệt và cũng không phải những đánh giá lầm lẫn thi thoảng xảy ra. Đây là một vấn đề thuộc về hệ thống. Cách duy nhất để giải quyết nó là Cyprus phải dừng chương trình này, tịch thu những hộ chiếu nghi vấn và mở cuộc điều tra để buộc những trường hợp rõ ràng đã lạm dụng chính sách" - bà Laure Brillaud nói.
TI thậm chí còn cho rằng loạt điều tra mới nhất của Đài Al Jazeera đã chứng tỏ EU hiện đang không được bảo vệ trước hoạt động bán quyền công dân và quyền định cư đầy may rủi của một số nước cho các tội phạm hình sự và tham nhũng. "Lúc này, điều quan trọng là ủy ban (EU) cần phải thực hiện tiếp cam kết của họ. Trước đây chúng tôi đã nghe ủy ban nói họ sẽ không dung thứ việc lạm dụng các chương trình này nhưng vẫn chưa có hành động dứt khoát" - bà Laure Brillaud nói.
TI hối thúc nhà chức trách EU không nên lãng phí thời gian, khởi động ngay tiến trình xem xét những vi phạm với Cyprus và những nước đang bán quốc tịch ở EU vì đã vi phạm nguyên tắc hợp tác trung thực giữa các thành viên. "Điều chúng ta cần thấy ở EU là những đề xuất pháp lý giúp cải cách về cơ bản các chương trình này, hoặc một lộ trình để chấm dứt các chương trình "hộ chiếu vàng" nhiều rủi ro" - bà Laure Brillaud bày tỏ quan điểm với Đài Al Jazeera.
25 tỉ euro Số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đổ vào các nước EU thông qua những chương trình "hộ chiếu vàng" tính tới trước tháng 10-2018.
6.000 công dân mới Trong giai đoạn 2000-2010, EU có thêm hơn 6.000 công dân mới và khoảng 100.000 cư dân thường trú mới, hầu hết trong đó là những người có nguồn gốc tài sản đáng ngờ.
4,8 tỉ euro Cyprus thu được 4,8 tỉ euro nhờ việc bán hơn 3.000 hộ chiếu cho các nhân vật có thân thế gây tranh cãi từ Ukraine, Nga và Syria.
(Nguồn: Transparency International, Global Witness)
(Theo Tuổi trẻ) D.KIM THOA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét