NIKOLA
TESLA TỪNG CHỨNG MINH ĐIỆN KHÔNG DÂY LÀ KHẢ THI, VÀ ĐIỀU ĐÓ CÓ LẼ SẮP THÀNH
HIỆN THỰC
Cập nhật lúc
15:58
Emrod
tuyên bố có thể truyền điện năng đi một quãng đường dài mà không cần bất kỳ
sợi dây đồng nào.
Một startup về năng lượng tên Emrod cho biết sẽ
mang điện không dây đến New Zealand sau hơn một thế kỷ nhà khoa học Nikola
Tesla lần đầu chứng minh được đó là điều hoàn toàn khả thi. Giống như kết nối
internet vệ tinh tốc độ cao, đường truyền của Emrod chỉ cần không có vật cản
nào quá đáng kể là được!
Cụ thể, nhà sáng lập Emrod là Greg Kushnir nói rằng
anh được truyền cảm hứng từ những thành tựu về năng lượng của New Zealand.
"Chúng ta có thừa năng lượng sạch từ hydro, mặt
trời, và gió trên toàn thế giới, nhưng có những thách thức về mặt chi phí đi
kèm với việc truyền tải những nguồn năng lượng đó theo những phương thức
truyền thống. Ví dụ, các trang trại điện gió ngoài khơi đòi hỏi phải có cáp
ngầm dưới nước vốn có chi phí lắp đặt và bảo trì đắt đỏ".
Bằng cách loại bỏ nhu cầu phải dùng đến những đoạn
dây đồng truyền thống, Emrod khẳng định có thể mang điện năng đến những địa
hình khó tiếp cận hơn, và những nơi không có đủ kinh phí để xây dựng cơ sở hạ
tầng vật lý ở một mức độ nhất định. Nhiều nơi không kết nối được vào lưới
điện sẽ buộc phải chuyển sang sử dụng máy phát điện chạy dầu diesel, gây nguy
hại cho môi trường.
Hiện tại, Emrod đang thử nghiệm trên một khoảng
cách ngắn – họ truyền "vài watt điện" tới và về trên quãng đường
khoảng 40 mét, theo lời Kushnir. Yếu tố đường truyền thẳng là rất quan trọng,
bởi công nghệ này hoạt động dựa trên một tia nén, thẳng góc, đi từ điểm này
tới điểm khác.
"Năng lượng được truyền tải thông qua các sóng
điện từ trên quãng đường dài sử dụng công nghệ định hình tia, siêu vật liệu,
và rectenna (loại ăng-ten đặc biệt có khả năng chuyển sóng vô tuyến thành
điện năng) độc quyền của Emrod" – công ty giải thích.
Rectenna sẽ biến sóng từ tính thành điện năng. Một
thành phần hình vuông được gắn trên một cây cột, đóng vai trò điểm chuyển
tiếp để giữ cho tia điện tiếp tục di chuyển, và một vùng bề mặt rộng sẽ bắt
trọn làn sóng điện từ đó. Tia được "bọc" quanh bởi một hàng rào
laser năng lượng thấp để nó không làm những chú chim vô tình bay ngang qua
hoặc các phương tiện chở khách trên đường đi của tia bị…giật. Nếu xảy ra tình
huống một cột nào đó bị mất điện, Emrod cho biết hãng có thể điều một
rectenna gắn trên xe tải đến vị trí đó để thay thế.
Xe tải chở rectenna của Emrod
Thông thường, những công nghệ như thế này sẽ không
có tính thực tế cao bởi những vấn đề như thất thoát tín hiệu trong quá trình
truyền tải trong không khí và một loạt các công nghệ trung gian. Nhưng công
nghệ relay của Emrod, mà theo hãng là có khả năng "tái tập trung chùm
tia", không sử dụng năng lượng, và do đó hầu như cũng không có gì để mất.
Kushnir nói rằng: "Tính hiệu quả của mọi linh
kiện do chúng tôi phát triển nên là khá tốt, gần với 100%. Hầu hết các trường
hợp thất thoát đều nằm ở khâu truyền tải. Chúng tôi sử dụng vật liệu rắn
trong khâu truyền tải, và chúng về cơ bản giống như các thành phần điện tử mà
bạn có thể thấy trong bất kỳ hệ thống radar nào, hoặc thậm chí là chiếc lò vi
sóng trong nhà. Ở thời điểm hiện tại hiệu suất của chúng bị giới hạn ở khoảng
70%. Nhưng chúng đang được nghiên cứu rất nhiều, chủ yếu để phục vụ thông tin
liên lạc, 5G, và nhiều thứ khác".
Dự án này được tài trợ bởi các cơ quan điện lực và
chính phủ New Zealand.
"Nguyên mẫu đã nhận được quỹ tài trợ từ chính
phủ và được thiết kế và xây dựng ở Auckland với sự hợp tác của Callaghan
Innovation" – Emrod nói. "Nó đã nhận được một đề cử Royal Society
Award, và công ty điện lớn thứ hai ở New Zealand, Powerco, sẽ là công ty đầu
tiên thử nghiệm công nghệ Emrod".
Kushnir nói rằng khoảng cách và tải điện ban đầu sẽ
tương đối thấp – họ chỉ có thể truyền đi vài kilowatts trên những quãng đường
ngắn trong phạm vi New Zealand. Nhưng theo anh, giới hạn lý thuyết về khoảng
cách và tải điện sẽ tăng lên đến mức hầu như không thể ngờ tới được. Việc của
Emrod đơn giản là phải tạo ra những rectanna càng lớn càng tốt!
Minh.T.T
theo PopularMechanics
|
Thứ Bảy, 8 tháng 8, 2020
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét