Lòng
thương trao nhầm địa chỉ: Bà giáo già bị trò cũ lừa 3,6 tỷ đồng
Cập nhật lúc 08:21
Bà Cao Thị Thái Tần, 83 tuổi khóc tại phiên toà, nói mong
cô học trò cũ trả lại số tiền đã lừa nhưng đáp lại bị cáo Nguyễn Vân Giang
đứng trước mặt chỉ lặng thinh.
"Mẹ đừng có thương người nhầm chỗ nữa",
con trai bà Tần ngồi cuối phòng xử án của TAND Hà Nội vò đầu khẽ nói khi nghe
thấy bà xin HĐXX không bỏ tù bị cáo, ngày 20/8. Bà giáo già vuốt lại nếp tóc
bạc trắng đầu, quay sang con trai phân trần: "Em nó còn 3 đứa con nhỏ,
mẹ không đành".
Sáng 21/8, Giang, 39 tuổi, cựu giám đốc Công ty
TNHH MTV chứng khoán ngân hàng Đông Á (DAS) bị TAND Hà Nội tuyên phạt 20 năm
tù về hai tội Thao túng giá chứng khoán và Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Trong hai ngày xét xử, khi đi qua cô giáo cũ sau hai
năm tránh mặt, trốn nợ rồi bị bắt, Giang không chút biểu cảm. Trước đó, họ
từng nhiều năm coi nhau như người nhà.
Vợ chồng bà Tần bị lừa tiền
vẫn xin HĐXX cho bị cáo Giang hưởng khoan hồng. Ảnh: Lam Vân
50 năm trước, bà Tần tốt nghiệp ngành sư phạm Văn.
Trong khoá học sinh đầu tiên bà làm chủ nhiệm suốt 4 năm có mẹ của Giang. Bà
Tần cưng cô trò thông minh này, ngày thường đến chơi, ngày cưới đến dự. Năm
1981, ngày Giang ra đời, bà Tần không có xe đạp, vẫn đi bộ mang ít gạo, ít
rau đến ấn vào tay cho mẹ Giang, bà kể. Bắt đầu vào bậc trung học phổ thông,
Giang được mẹ dắt đến tận nhà ông bà gửi gắm, nhờ dạy dỗ.
Vợ chồng bà sống cùng ba con trai trên tầng hai của
căn nhà ở phố Cầu Gỗ. Năm 2015, bà Tần mắc bệnh nên phải hạn chế leo cầu
thang. Gia đình bà bán nhà được 3,5 tỷ đồng và đang tìm mua nơi ở mới. Đúng
lúc này, Giang và mẹ xuất hiện.
"Mẹ Giang khoe con gái giờ làm giám đốc ở ngân
hàng, trả lãi gửi tiết kiệm cao nhất nước", bà Tần kể và nhớ rõ Giang
trong các lần gặp mặt thường khuyên bà gửi hết tiền vào vào chỗ của cô ta,
hứa trả lãi 12% mỗi năm, tiền nhận theo tháng. "Mỗi tháng có gần 40
triệu đồng tiền lãi, bà làm gì ra", Giang từng nói.
Tin tưởng, bà Tần đem hết tiền bán nhà và sổ tiết
kiệm 100 triệu đồng tích cóp cả đời giáo viên của hai ông bà giao cả cho
Giang, rồi về ở với gia đình con trai út. Ba con trai bà chiều theo, coi đó
là tiền của bố mẹ nên không can thiệp.
Từ tháng 4/2015 đến tháng 7/2016, bà Tần ký 5
"Hợp đồng hỗ trợ đầu tư" với Công ty Chứng khoán ngân hàng Đông Á
(DAS) với tổng trị giá 3,6 tỷ đồng. Tất cả đều ký tại nhà riêng của bà Tần,
không phải ở trụ sở công ty. Đại diện DAS ký tên, đóng dấu là Giám đốc Giang.
5 hợp đồng bà Tần ký với bị
cáo Giang trong năm 2015- 2016. Ảnh: Lam Vân
Sau vài tháng trả lãi đúng hẹn, Giang cắt liên lạc,
chiếm đoạt toàn bộ số tiền. Vợ chồng bà Tần lên công ty tìm nhưng vị đại diện
nói không có khoản tiền gửi nào đứng tên bà.
Lúc này bà mới hay, Giang không phải là giám đốc
ngân hàng như bà từng nghe mà chỉ là giám đốc chi nhánh của mảng kinh doanh
chứng khoán. Hơn nữa, DAS không có chức năng kêu gọi vốn và trả lãi suất.
Toàn bộ tiền của bà đã đổ vào tài khoản cá nhân của Giang chứ không về công
ty.
Bà Tần không tin, nghĩ có nhầm lẫn gì đó vì
"hai mẹ con đều là học trò mình, đời nào lại lừa mình". Hai ông bà
đến nhà mẹ con Giang để hỏi chuyện nhưng 7 lần đều chỉ thấy cảnh cổng khoá im
ỉm.
Tới lần thứ 8 trong cuộc gặp có cả mẹ, Giang chỉ
viết cam kết, hứa tiếp tục trả lãi tháng; tiền gốc trả 6 tháng mỗi lần, mỗi
lần 500 triệu đồng. Bà Tần xuôi lòng ra về, không nghĩ rằng đó là lần gặp
cuối cùng, cho tới phiên toà mở ngày 20/8 vừa qua.
Bà Tần không phải người duy nhất bị "giám đốc
Giang" lừa tiền. Với thủ đoạn sử dụng hợp đồng hợp tác, hỗ trợ đầu tư
chứng khoán không có thật, cùng khoảng thời gian đó, Giang lừa trót lọt của 2
người khác, trong đó có bạn học quen biết 16 năm.
Hai bị hại đều được Giang chủ động chào mời về các
hợp đồng ký với DAS và được trả lãi theo tháng 1%-1,25%. Do Giang là bạn bè
thân thiết, họ tuyệt đối tin tưởng. Sau vài tháng trả lãi đúng hẹn, cuối năm
2016, Giang khất lần, cắt liên lạc. Tổng tiền chiếm đoạt của hai người này
lên tới 21 tỷ đồng.
Tại phiên xét xử, Giang nhận toàn bộ tội lỗi, khai
nội dung 18 hợp đồng đều do mình "lên mạng tìm rồi copy về, in ra".
24 tỷ đồng nhận của ba nạn nhân, cô ta đều đổ về tài khoản cá nhân, không
"dính dáng tới công ty". Khoản này Giang dùng đầu tư chứng khoán và
thua lỗ, khánh kiệt.
Giang còn bị buộc tội Thao túng giá chứng khoán
bằng thủ đoạn mở cùng lúc 70 tài khoản chứng khoán, tạo giao dịch chéo. Giá
cổ phiếu bị Giang thao túng có theo xu hướng liên tục tăng trong năm
2015-2016, sau đó đột ngột bị bán tháo với giá sàn kể từ ngày tháng 12/2016.
Trong 26 phiên giao dịch liên tiếp sau đó, cổ phiếu
này gần như không có lệnh mua, mất 82% giá trị. Hậu quả, 572 nhà đầu tư bị
thiệt hại 11,2 tỷ đồng. 33 người trong số này yêu cầu bồi thường thiệt hại
1,8 tỷ đồng.
Bị cáo Giang tại phiên xét xử
ngày 20/8. Ảnh: Tư Viễn
Toà án nhận định, Giang có nhận thức sâu về luật
pháp nhưng cố tình lừa đảo. Theo khung hình phạt của tội danh Lừa đảo chiếm
đoạt tài sản, bị cáo có thể phải lĩnh án chung thân, nhưng được bà Tần làm
đơn xin giảm nhẹ hình phạt nên mức án giảm xuống còn 17 năm tù.
Song bước khỏi phòng xử án, thái độ của Giang với
bà Tần không thay đổi so với lúc gặp đầu phiên toà. Nhìn cô "học trò
cưng" lướt qua mình dửng dưng, bà Tần lau nước mắt, khẽ lắc đầu nói:
"Mất tiền buồn lắm, nhưng đau đớn nhất là bị phản bội, vô ơn bởi chính
người mình đã dạy dỗ, yêu thương".
(Theo
VnExpress) Thanh Lam
|
Chủ Nhật, 30 tháng 8, 2020
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét