Thứ Ba, 4 tháng 8, 2020

Bình Dương đề xuất lắp trạm thu phí: Lại tận thu

Cập nhật lúc 14:38  

Nếu chưa đủ kinh phí cải tạo tuyến Mỹ Phước - Tân Vạn, tỉnh Bình Dương có thể làm theo từng giai đoạn, đừng tận thu sức dân.

Ngày 3/8/2020, TS Nguyễn Văn Đức - Đại học GTVT TP. HCM bày tỏ quan điểm không đồng tình với việc Bình Dương muốn lắp trạm thu phí trên tuyến Mỹ Phước - Tân Vạn để lấy nguồn thu thực hiện dự án cải tạo, nâng cấp tuyến đường này với trị giá lên tới gần 10.000 tỷ đồng.
"Lý do mà tỉnh Bình Dương đưa ra là do không có đủ nguồn ngân sách để thực hiện dự án nên phải lắp thêm trạm thu phí, lấy nguồn thu từ người dân. Nhưng cần lưu ý rằng, trong thời gian qua, vấn đề BOT rất nóng. Nhiều ý kiến cho rằng các trạm BOT đều tiềm ẩn tình hình bất ổn an ninh trật tự, chưa hợp lý về vị trí đặt trạm, mức thu phí.
Hơn nữa, cả nước đang phải chịu hậu quả từ dịch bệnh Covid-19, kinh tế gặp nhiều khó khăn nên việc lắp thêm trạm thu phí theo đề xuất ở Bình Dương hiện nay có thể tạo ra tâm lý tận thu sức dân để phát triển hạ tầng, trong khi có nhiều phương án khác có thể được thực hiện để giảm tải đi gánh nặng này" - ông Đức bày tỏ.



Vị trí (khoanh dấu đỏ) UBND tỉnh Bình Dương đề xuất lắp trạm thu phí trên tuyến Mỹ Phước - Tân Vạn.

Theo vị chuyên gia này, nếu dự án cải tạo tuyến Mỹ Phước - Tân Vạn là cần thiết nhưng trong bối cảnh nguồn vốn khó khăn, tỉnh Bình Dương có thể chia nhỏ ra làm nhiều giai đoạn, xác định điểm nào cần cải tạo trước thì ưu tiên đầu tư. Hoặc Bình Dương có thể thực hiện phân luồng giao thông là cải thiện ách tắc ở thời điểm hiện tại.
"Nếu không có tiền mà vẫn muốn làm dự án với giá trị lớn thì không khác gì một tấm vải chỉ đủ may áo mà phải may quần, nó sẽ có thể bị méo mó. Dù đó là mục đích tốt nhưng cũng có thể bị hiểu lệch lạc, mang tiếng là tận thu..." - ông Đức bày tỏ.
Ông Đức cho rằng, chủ trương lắp trạm thu phí trên mỗi tuyến đường, ở mỗi địa phương căn cứ vào tình hình cụ thể và dự toán số tiền thu được từ các trạm thu phí để làm gì. Tuy nhiên, việc lắp thêm trạm thu phí là điều tỉnh Bình Dương không thể tự ý quyết mà cần có ý kiến của Bộ GTVT, Bộ Tài chính và nhiều cơ quan khác.
"Dù việc lập thêm trạm thu phí để có vốn cải tạo đường nhưng cũng phải đảm bảo nguyên tắc đó không phải là đường độc đạo, khoảng cách giữa các trạm thu phí với nhau phải từ 70km trở lên. Hơn nữa, không thể có tình trạng thu phí tuyến đường này để hoàn vốn cho việc cải tạo trên tuyến đường khác.
Nếu như dự án mới chỉ cải tạo đường Mỹ Phước - Tân Vạn, còn các đường khác như ĐT 746, ĐT 747B và ĐT 743 chưa được cải tạo, những người đi trên tuyến đường này mà không sử dụng đường Mỹ Phước - Tân Vạn nhưng vẫn phải trả phí cải tạo đường là điều bất hợp lý" - ông Đức cho hay.


Tuyến đường Mỹ Phước - Tân Vạn.

Trước đó, thông tin từ phía UBND tỉnh Bình Dương, dự án cải tạo cảnh quan, chống ùn tắc giao thông đường Mỹ Phước - Tân Vạn sẽ giải quyết ách tắc giao thông cho cả tuyến đường tiếp nối như ĐT 746, ĐT 747B và ĐT 743.
Vị trí đặt trạm thu phí sẽ gần vòng xoay An Phú, gần nút giao giữa đường Mỹ Phước - Tân Vạn và đường Lê Thị Trung, thuộc TP Thuận An. Thời gian thu phí dự kiến trong vòng 30 năm, với tổng số tiền ước thu khoảng 9.600 tỷ đồng.
Việc đặt trạm thu phí không phải để hoàn vốn làm đường Mỹ Phước - Tân Vạn, mà nhằm tạo nguồn vốn để tiếp tục thực hiện nhiều công trình hạ tầng giao thông quan trọng mới.
Báo cáo thẩm định dự án cho biết việc xây dựng trạm thu phí chỉ là một hạng mục nhỏ trong tổng dự án tạo cảnh quan, chống ùn tắc trên các tuyến đường, gồm: Xây dựng 6 cầu vượt tuyến chính, 6 hầm chui tuyến chính, 15 hầm chui đường ngang, 28 cầu vượt dành cho người đi bộ, 7 đường gom dân sinh dọc tuyến.
Trước đó, tháng 9/2016, UBND tỉnh Bình Dương đã chi khoảng 40 tỉ đồng ngân sách để mua lại Trạm thu phí An Phú (P.An Phú, TP.Thuận An) đặt trên đường ĐT743.
Việc làm này của Bình Dương vào thời điểm đó được người dân, doanh nghiệp phấn khởi vì trên địa bàn tỉnh có đến 11 trạm thu phí (tính cả trạm hoàn vé và không hoàn vé). Trong đó, riêng trên QL13 với chiều dài khoảng 65 km nhưng có đến 2 trạm thu phí không hoàn vé (2 trạm đặt cách nhau 17,5 km do Tổng công ty Becamex IDC trực thuộc UBND tỉnh Bình Dương được giao thu phí). Thời hạn thu phí trên QL13 đến năm 2037.
Vào năm 2019, UBND tỉnh Bình Dương có phương án mở rộng QL13 và di dời 1 trong 2 trạm thu phí vào đường Mỹ Phước - Tân Vạn. Tuy nhiên phương án này không được thực thi do chưa được sự đồng thuận của một số lãnh đạo và người dân Bình Dương, nhưng đến nay đề xuất làm trạm thu phí trên đường Mỹ Phước - Tân Vạn lại được đặt ra.
(Theo Đất Việt) Ngọc Vân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét