Thứ Ba, 18 tháng 8, 2020

Biến tướng đa cấp, rửa tiền từ mua bán lan

Cập nhật lúc 10:12   

Mua bán hoa lan, đặt biệt là hoa lan đột biến gen đang có dấu hiệu lừa đảo, đa cấp thậm chí dẫn tới các loại tội phạm khác như rửa tiền, tín dụng đen… là cảnh báo từ công an một số tỉnh.


Cảnh sát làm việc với nhóm lừa bán hoa lan tại Hòa Bình. Ảnh: Công an tỉnh Hòa Bình

Công an tỉnh Bình Phước ngày 13/8 chỉ rõ, việc “thổi giá” lan được các nhóm đối tượng chuẩn bị, lên kế hoạch rõ ràng và có hệ thống. Ví dụ, một nhóm nâng giá trị, dẫn dụ người khác mua đầu tư và giới thiệu cho người mua lại (cũng là đối tượng trong nhóm) với giá cao hơn. Quá trình mua đi bán lại nhiều lần đến khi giá đạt đỉnh, nhóm này sẽ rút, không mua lại nữa. Hậu quả, người mua cuối cùng phải chi số tiền lớn nhưng không bán lại được cho ai.

Trường hợp khác, các đối tượng trong cùng một nhóm sẽ giao dịch, mua bán hoa lan với nhau đến khi bán được cho người ngoài nhóm, các đối tượng này ăn chia, hưởng lợi. Công an tỉnh Bình Phước nhận định, các hoạt động giao dịch, mua bán, trao đổi diễn ra tự phát, chủ yếu dựa vào cam kết, thỏa thuận giữa các bên nên dễ phát sinh lừa đảo, tranh chấp về sau và việc mua bán với số tiền lớn, không có sự kiểm soát đang có dấu hiệu biến tướng theo mô hình đa cấp trái pháp luật.

Cuối tháng 7/2020, Công an tỉnh Tuyên Quang ra văn bản xác định, các hoạt động liên quan mua bán hoa lan đang tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh trật tự. Bởi lẽ, giá trị hoa lan được định giá tự do, không có căn cứ là cơ hội cho hành vi thổi giá, gây hấp dẫn giả để dụ người chơi mới, kém hiểu biết tham gia. Các hoạt động mua bán, giao dịch hoa lan tự phát, không có kiểm soát từ cơ quan chức năng, có nguy cơ biến tướng thành hoạt động đa cấp hoặc rửa tiền. Do không có đảm bảo, chứng nhận hợp pháp về chất lượng hoa lan nên dễ phát sinh lừa đảo, tranh chấp sau giao dịch.

Cũng vào cuối tháng 7/2020, Công an huyện Yên Thủy (Hòa Bình) đã bắt giữ 5 đối tượng vì hành vi lừa đảo thông qua hoạt động mua bán hoa lan. Nhóm này mua lan loại thường rồi dùng keo, dây thép gắn hoa của cây lan đột biến vào. Sau đó, họ chụp ảnh, quay video đăng tải lên các trang mạng xã hội để rao bán và thực tế, ngày 16/7 đã có người mua cây “đột biến” này với giá 166 triệu đồng. Giao dịch thành công, nhóm người này chia nhau tiền và cắt liên lạc. Công an tỉnh Nghệ An cũng đang xác minh hành vi có dấu hiệu lừa đảo của một nhóm người khi đến địa bàn thuê nhà, trồng lan, “thổi giá” rồi rao bán trên mạng.

Công an một số địa phương cảnh báo, nhiều người tham gia đầu tư hoa lan vì vụ lợi, mong muốn làm giàu nhanh nhưng thiếu kiến thức nên bất chấp rủi do để vay nợ, thậm chí tìm đến tín dụng đen để có vốn. Việc này dễ dẫn đến nguy cơ vỡ nợ dây truyền và phát sinh các vi phạm pháp luật liên quan tín dụng đen hoặc khi thị trường hoa lan sụp đổ sẽ dẫn tới hệ lụy rất lớn.
(Theo Tiền Phong) Minh Đức

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét