Chủ Nhật, 30 tháng 8, 2020

Qui Nhơn hay Quy Nhơn là đúng tên đơn vị hành chính?

Cập nhật lúc 14:19  

Những ngày qua, trên mạng xã hội và báo chí, nhiều người tranh luận: Qui Nhơn có trước hay Quy Nhơn có trước? Qui Nhơn đúng hay Quy Nhơn đúng? Chúng tôi xin mạo muội có một vài trao đổi xung quanh vấn đề này.


Bảng hiệu sân vận động Quy Nhơn và Qui Nhơn, trên là Y dưới là I
ẢNH: NGUYỄN THANH QUANG

Nguyên do là vào ngày 24.8, UBND tỉnh Bình Định có văn bản đề nghị Bộ Nội vụ, Bộ Công an, Bộ Kế hoạch-Đầu tư xem xét, trình Thủ tướng điều chỉnh lại tên đơn vị hành chính đã công bố là thành phố Qui Nhơn (Bình Định) thành Quy Nhơn (điều chỉnh i thành y). Đồng thời, đề nghị Bộ Tư pháp cập nhật, điều chỉnh tên đơn vị hành chính thành phố Quy Nhơn trên hệ thống thông tin đăng ký và quản lý hộ tịch dùng chung phục vụ công tác cấp giấy tờ hộ tịch cho công dân và các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia…
Theo UBND tỉnh Bình Định, ngày 3.7.1986, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Quyết định số 81/HĐBT về việc mở rộng và nâng cấp thị xã Quy Nhơn lên thành phố Quy Nhơn. Tuy nhiên, theo Quyết định số 124/2004/QĐ-TTg ngày 8.7.2004 của Thủ tướng về việc ban hành Bảng danh mục và mã số các đơn vị hành chính Việt Nam, tỉnh Bình Định có đơn vị hành chính là thành phố Qui Nhơn.

Từ phủ/tỉnh Qui Nhơn

Năm 1602, chúa Nguyễn đặt dinh Quảng Nam, phủ Hoài Nhơn vẫn thuộc vào dinh này (Đại Nam nhất thống chí, tập 3, NXB Thuận Hóa, 2006, tr.388). Cũng trong năm 1602, chúa Nguyễn cho đổi phủ Hoài Nhơn thành Qui Nhơn (Đại Nam nhất thống chí, tập 3, sđd, tr.7), lúc bây giờ chưa có chữ Quốc ngữ (Latin). Đến những năm 1618-1622, chữ Quốc ngữ mới bắt đầu phôi thai ở cảng thị Nước Mặn (ngày nay thuộc xã Phước Quang, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định), và địa danh “Qui Nhơn” là một trong số rất ít tiếng Việt đầu tiên được ký âm bằng mẫu tự Latin.
Trường Nữ trung học Qui Nhơn trước 1975
ẢNH: T.L
Trong Tường trình về khu truyền giáo Đàng Trong, xuất bản bằng tiếng Ý năm 1631, tại Roma, do Linh mục Christoforo Borri viết tại Nước Mặn trong những năm 1618-1622, lần đầu tiên xuất hiện địa danh Qui Nhơn được viết bằng mẫu tự Latin - chữ Quốc ngữ thời kỳ phôi thai: “Quignin” (Christoforo Borri, Relatione Della Nouova Delli PP. Della Compagnia Di Giesu Al Regno Delle Cocincina, Roma 1631, trang 8). Bức thư của João Roiz viết ngày 22.8.1623 bằng chữ Bồ có từ “Quinhin” (João Roiz, Annua de Cochinchina de 1623, Archivum Romanum Societatis Iesu - ARSI, Jap-Sin 72, fol.020). Bản phúc trình của Antonio de Fontes viết tại Faifo (Hội An) năm 1626, dài 4 trang trong đó có địa danh “Quinhin” (Antonio de Fontes, Annua da Missão de Anam, a que vulgarmte chamão Cochinchina ; pa ver No Muj Rdo Pe Geral. Mutio Vitelleschi - Arsi. Jap. Sin,72, f. 69r, 80r). Bức thư của Gaspar Luis viết bằng chữ Latin ngày 1.1.1626 tại Nước Mặn gửi Bề Trên Cả M.Vitelleschi tại Roma có từ: “Quinhin” (Gaspar Luis, Cocincinae Missionis annuae Litterae, anni 1625, ad R.P.N. Mutium Vitelleschium Societatis Jesu Proepositum Generalem - Arsi. Jap. Sin,71).
Trong thời gian Alexandre de Rhodes truyền giáo tại Đàng Trong và Đàng Ngoài, ông đã viết các tác phẩm Hành trình và truyền giáo, Lịch sử vương quốc Đàng Ngoài, trong đó xuất hiện địa danh “la Prouince de Quinhyn - tỉnh Quinhyn” (Alexandre de Rhodes, Divers voyages et Mission du P. Alexandre de Rhodes en la Chine…, Cramoisy, Paris 1653, Premiere Partie, trang 74).
Trong Từ điển Việt - Bồ - La của Alexandre de Rhodes - một trong 3 tác phẩm chữ Quốc ngữ đầu tiên in năm 1651 tại Roma (gồm: Phép giảng tám ngày, Văn phạm Việt ngữ, Từ điển Việt - Bồ - La, là những công trình duy nhất áp dụng hệ thống chữ viết Quốc ngữ được in), có tổng cộng 8.000 từ, cột 626, dòng 26 (tính từ trên xuống) có từ: "qui, về" (Từ điển Annam-Lusitan-Latinh, NXB Khoa học Xã hội, 1991; phiên dịch: Thanh Lãng, Hoàng Xuân Việt, Đỗ Quang Chính - cột 626).
Từ điển Việt - La (Dictionarium Anamitico Latinum) của Pigneau de Béhaine, in năm 1773, trang 493, có chép: “Qui nhơn - tên một tỉnh Đàng Trong” (Pigneau de Béhaine Dictionarium Anamitico Latinum, 1773, tr.493). Từ điển Dictionarium Annamitico – Latinum của Jean-Louis Taberd, in năm 1838, trang 411 có chép: “Qui nhơn, một tỉnh Đàng Trong” (Dictionarium Annamitico - Latinum, 1838, tr.411)…

Đến xã/thị xã/thành phố Qui Nhơn

Qui Nhơn - địa danh một phủ/tỉnh của Đàng Trong được hình thành và tư liệu lưu trữ ghi chép như vậy. Tuy nhiên, việc lựa chọn dùng lại tên gọi Qui Nhơn cho hai làng Cẩm Thượng và Chánh Thành vào cuối thế kỷ 19, cụ thể vào thời gian nào, vẫn còn những ý kiến khác nhau.
Theo Lịch sử thành phố Quy Nhơn (PTS Đỗ Bang - PTS Nguyễn Tấn Hiểu chủ biên,NXB Thuận Hóa, 1998) thì tên gọi Quy Nhơn để chỉ khu đô thị này vào cuối thế kỷ 19, và có nhiều nhận định khác nhau, tác giả Đỗ Quyên: “khoảng thời gian 1882-1883”; các tác giả Trần Đình Thái, Nguyễn Lý: “năm 1887”; Quách Tấn: “khoảng năm 1896-1897”; muộn nhất là tác giả Côn Giang: “năm 1898” (tr.149).


Bảng hiệu trụ sở Công an P.Trần Hưng Đạo, TP.Qui Nhơn
ẢNH: NGUYỄN THANH QUANG CHỤP NGÀY 28.8.2020

Tư liệu của người Pháp hiện biết, sớm nhất là bức thư của ông Vernévilla - Lãnh sự Pháp ở Qui Nhơn, viết năm 1881 về thủ công nghiệp dệt nhiễu Annam đã có tên Quinhon (Tài liệu Thư viện Quốc gia, ký hiệu M.6484); tiếp đến Hiệp ước Harmand (25.8.1883 - Quí Mùi), điều 7 có ghi: cửa biển Quinhon (Phan Khoan, Việt Nam Pháp thuộc sử, Khai Trí, Sài Gòn,1961, tr.295); năm 1883, Barthe viết cuốn Quinhon et la province de Binhdinh (Quinhon et la province de Binhdinh, Revue Geosgraphie, Paris,1883); năm 1893, Jean Brien xuất bản tác phẩm De Quinhon en Cochinchine (De Quinhon en Cochinchine, Imprimerie, F. Schneider, Hanoi,1893…
Tất cả các loại “Công báo chính thức” (Bulletin officiel) và “Công báo hành chính” (Bulletin administratif) Đông Dương thuộc Pháp cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, đều viết Quinhon hoặc Qui-nhon là địa phận của hai xã Cẩm Thượng và Chánh Thành, thuộc tỉnh Bình Định. Tên gọi Quinhon xuất hiện sớm nhất trong “Công báo hành chính” hiện biết là Công báo số 5, năm 1876.
Từ điển Việt - Pháp Dictionnaire Vietnamien-Francais của Gesnibrel cộng tác với các nhà ngôn ngữ học Quốc tế, nhà in Tân Định, Sài Gòn, in năm 1898. Trang 639, cột 1, dòng 27 có từ: “QUI.1.(lại, về); cột 2, dòng 8 và 9 có giải thích: “2 - nhơn, Ville et port de la province de Bình định, en Annam”. Tạm dịch: Qui Nhơn là thành phố và là cảng ở tỉnh Bình Định, Trung kỳ, Việt Nam (Dictionnaire Vietnamien-Francais. Imprimerie de la mission à Tân Định, Sài Gòn, 1898. tr.639).
Ngày 20.10.1898, Cơ Mật Viện của triều đình Huế đề nghị thành lập thị xã Qui Nhơn (Le centre Urbain de Qui Nhon) ở Trung kỳ và được vua Thành Thái ra đạo dụ công nhận chính thức vào ngày 12.7.1899. Ngày 30.8.1899, Toàn quyền Đông Dương là Paul Doumer ra Quyết định chuẩn y. Theo Nghị định ngày 14.3.1900, thị xã Qui Nhơn bao gồm đất của hai làng Chánh Thành và Cẩm Thượng, thuộc huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định, có diện tích khoảng 7 km2. Ngày 30.4.1930, Toàn quyền Đông Dương Pasquier ra Nghị định nâng cấp thị xã Qui Nhơn (Centre Urbain de Qui Nhon) lên thành phố Qui Nhơn (Commune de Qui Nhon) do Công sứ tỉnh Bình Định kiêm giữ chức Đốc lý và Chủ tịch Ủy ban thành phố (Lịch sử thành phố Quy Nhơn, sđd, tr.96).
Ngày 22.8.1960, Tỉnh trưởng tỉnh Bình Định có văn bản số 10191/BĐ/NC/I, gửi Bộ trưởng Bộ Nội vụ (Việt Nam Cộng hòa) về việc thành lập thị xã Qui Nhơn, lấy tên xã Châu Thành Qui Nhơn. Ngày 30.8.1960, Bộ Nội vụ có văn bản phúc đáp số 6634-BNV/NC/8, gửi ông Tỉnh trưởng Bình Định, không phê duyệt thay đổi mà vẫn giữ thị xã Qui Nhơn (văn bản số 10191/BĐ/NC/I ngày 22.8.1960, của Tỉnh trưởng tỉnh Bình Định gửi Bộ trưởng Bộ Nội vụ về việc thành lập thị xã Qui Nhơn và văn bản phúc đáp số 6634-BNV/NC/8 ngày 30.8.1960 do Bộ Nội vụ gửi Tỉnh trưởng Bình Định - hiện lưu giữ tại Trung tâm lưu trữ Quốc gia IV).
Sau năm 1975, khoảng những năm trước và sau thập niên 1980, các văn bản hành chính của Nhà nước lúc thì Qui Nhơn, khi thì Quy Nhơn, các bảng hiệu cơ quan nơi viết i nơi viết y, thậm chí có cơ quan các bảng hiệu, vừa vừa y. Dần dần trong văn bản hành chính và báo chí, chữ Qui Nhơn biến mất thay vào đó là Quy Nhơn, nhưng không có quyết định hay văn bản chỉ đạo của cấp thẩm quyền phải viết Qui Nhơn là hoặc y.

Qui Nhơn - tên riêng vốn có

Hiện nay, một số tên đơn vị hành chính có cấu trúc từ không đúng chính tả tiếng Việt, nhưng vì đó là tên riêng vốn có, Nhà nước không chỉnh sửa, như: Kon Tum, Bắc Kạn.


Công ty cổ phần container Qui Nhơn vẫn dùng chữ Qui Nhơn để giao dịch với đối tác. ẢNH: NGUYỄN THANH QUANG

Từ điển Larousse in năm 1969 (Atlas moderne Larousse), xuất bản tại Paris, trang 24 phần Index des noms (tức phụ lục địa dư các địa danh trên thế giới) ở cột 4, dòng 2 tính từ dưới lên có ghi: Qui Nhon. Người nước ngoài cần giao dịch, ký hợp đồng, chuyển giao tiền, hàng hóa… chỉ căn cứ vào từ điển Larousse. Nếu một đơn vị hành chính hay doanh nghiệp nào chuyển tiền hay hàng hóa ghi chữ Quy Nhơn, đối tác ở nước ngoài không nhận được và ngược lại. Địa danh Qui Nhon đã được quốc tế mặc định từ lâu, do vậy cho đến hiện nay, các công ty vận chuyển hàng hóa đi nước ngoài bằng đường hàng không và hàng hải đều phải giữ tên Qui Nhon, như Công ty cổ phần container Qui Nhơn (Viconship Qui Nhon)… Giáo phận Qui Nhơn, từ xưa đến nay chưa bao giờ thay đổi y mà vẫn giữ nguyên i.
Tra các từ điển, từ bản đầu tiên in năm 1651 đến những bản in trước năm 1975 và tìm lại các văn bản hành chính, công báo trước năm 1975, dù là tên gọi của phủ/tỉnh hay xã/thị xã/thành phố, hầu như đều viết - Qui Nhơn, không viết y - Quy Nhơn (Collège de Qui Nhơn - Trường Quốc học Qui Nhơn; Imprimerie de la Mission de Qui Nhơn - Nhà in Qui Nhơn, Trường Cường Để Qui Nhơn, Trường Nữ trung học Qui Nhơn…).

Theo sách Tiếng Việt lớp 5, tập 2 (NXB Giáo dục, 2001, Lê Cận chủ biên), về quy tắc viết chính tả, chữ cái Q không thể đứng riêng một mình, mà luôn luôn kết hợp với U thành QU, đọc là quờ (cũng như chữ P luôn đi kèm với H, đọc thành phờ - PH), QU đứng trước hầu hết các chữ cái nguyên âm (trừ các nguyên âm: o, u, ư).
QU là một trong 11 vần phụ âm của tiếng Việt, vần phụ âm luôn luôn bắt đầu từ một phụ âm, gồm 2 hoặc 3 chữ cái phụ âm như: KH, GH, NGH…; hoặc phụ âm + nguyên âm như: G+I, Q+U,… nhưng chưa tròn âm tiếng Việt. Vần phụ âm luôn luôn đứng trước một nguyên âm độc lập như: QU+A = QUA, QU+I = QUI…; hoặc bốn chữ cái: NGH+I = NGHI, NGH+E = NGHE…
Do vậy, chữ QUI nếu đọc q…u…i…qui là sai, mà phải đọc đúng là quờ …i…qui. Cả QUI và QUY đều đọc âm giống nhau quờ…i/y…qui/quy.

Thiết nghĩ, Qui Nhơn là địa danh một vùng đất, tên riêng đã ra đời và tồn tại ổn định gần 400 năm đối với phủ/tỉnh và trên 100 năm đối với thị xã/thành phố, muốn thay đổi cần phải dựa trên yếu tố lịch sử và truyền thống; cần tổ chức hội thảo khoa học và được sự đồng thuận; được Quốc hội thông qua và Nhà nước có thông báo chính thức đối với trong và ngoài nước về việc thay đổi chứ không thể tùy tiện thay đổi.

(Theo Thanh Niên) Nguyễn Thanh Quang


Nếu mục đích của địa phương muốn lấy cái tên cổ, lấy truyền thống thì nên đặt là Qui Nhơn. Văn bản hành chính phải theo danh từ riêng chứ không thể tùy tiện. Còn nếu cho thuận theo ngữ pháp thời quốc ngữ thì nên đổi sang Quy Nhơn, coi như tên mới chứ không phải tên cũ viết sai nên mới đổi. Cách học phát âm chữ quốc ngữ thường đọc u…i ui, chẳng hạn chữ lủi thì đọc u…i ui, lờ ui lui hỏi lủi. Còn chữ u ghép với y thì phải phát âm thành uy, quờ y quy. Cụm từ uy được phát âm và hiểu là uy trong hầu hết các cụm từ như huy hiệu, uy lực, thủy điện, nguy nan, tùy tiện… cho nên cần được dùng chung khi ghép với các từ nguyên âm. Hiện ta chưa có luật ngôn ngữ cho nên cách dung từ, phát âm chưa thống nhất, còn lộn xộn, nhất là giữa i và y.
Thương Giang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét