Thứ Sáu, 28 tháng 8, 2020

Cần cơ chế giá điện mới phù hợp hơn

Bộ Công Thương sẽ xem xét giảm bớt số bậc thang giá điện

Cập nhật lúc 10:36   

Trao đổi với PV Báo Lao Động, đại diện Bộ Công Thương khẳng định sẽ tiếp tục nghiên cứu giảm bớt số bậc thang giá điện, để phù hợp với mức độ sử dụng điện và đảm bảo chi phí tiền điện của đa số các khách hàng sử dụng điện không tăng.


Công nhân điện lực kiểm tra hệ thống cáp. Nguồn: EVN

Đảm bảo người nghèo vẫn được hỗ trợ
Là cơ quan chủ trì soạn thảo cơ cấu biểu giá bán lẻ điện, Bộ Công Thương cho rằng, sắp tới Bộ này sẽ có những thay đổi về phương án điều chỉnh biểu giá điện, nhằm đảm bảo phù hợp với thực tế sử dụng điện cho sinh hoạt của người dân. Cụ thể để có một cơ chế giá điện ổn định, Bộ Công Thương cho biết, đã thành lập Tổ soạn thảo xây dựng Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện, thành phần của Tổ soạn thảo, gồm Cục Điều tiết điện lực, Cục Quản lý giá - Bộ Tài chính, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và 5 Tổng Công ty Điện lực. 
Tổ soạn thảo đã nghiên cứu xây dựng các phương án cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện, lấy ý kiến của 154 cơ quan, đơn vị gồm các cơ quan thuộc Quốc hội; các Bộ, ngành, tổ chức; Đoàn đại biểu Quốc hội, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Ý kiến góp ý của các cơ quan, đơn vị đều thống nhất về sự cần thiết phải tiếp tục áp dụng giá bán lẻ điện sinh hoạt bậc thang, nhưng cần phải có cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt để phù hợp với thực tiễn. Đa số các ý kiến góp ý đều đề nghị lựa chọn phương án 5 bậc thang. 
Trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực cho hay, thời gian qua, dự thảo các phương án giá điện đưa ra đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các cơ quan truyền thông báo chí, các chuyên gia và các khách hàng sử dụng điện. Trong đó, các phương án giá điện sinh hoạt bậc thang đưa ra lấy ý kiến đảm bảo nguyên tắc giữ nguyên mức giá bán lẻ điện bình quân cho sinh hoạt hiện hành; tiếp tục duy trì giá điện bậc thang, nhằm khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả. Tuy nhiên, Bộ sẽ nghiên cứu giảm bớt số bậc thang, để phù hợp với mức độ sử dụng điện của nhân dân, đảm bảo chi phí tiền điện của đa số các khách hàng sử dụng điện không tăng.
“Hiện nay, bậc 1 của biểu giá điện sinh hoạt bậc thang mới được tăng lên ở mức từ 0-100 kWh, chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu để cải tiến. Còn việc hỗ trợ tiền điện cho các khách hàng sử dụng điện là các hộ nghèo, hộ chính sách xã hội vẫn được duy trì như mức hiện nay từ ngân sách Nhà nước” - Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực nói, đồng thời khẳng định, Bộ Công Thương tiếp tục tiếp thu ý kiến các Bộ, ngành, các địa phương, các nhà khoa học, chuyên gia và khách hàng sử dụng điện để hoàn chỉnh phương án cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ, đảm bảo phù hợp với thực tế sử dụng điện của đa số các khách hàng, theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Bộ Công Thương sẽ phối hợp với Bộ Tài Chính, Bộ Tư pháp và các Bộ ngành có liên quan hoàn chỉnh báo cáo, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt theo đúng quy định về trình tự, thủ tục ban hành các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành.
Tiến tới thị trường điện cạnh tranh
Thực tế, từ khi được ban hành đến nay, Quyết định số 28/2014 của Chính phủ quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện đã tạo cơ sở pháp lý cho Bộ Công Thương điều hành giá bán lẻ điện, tạo ra cơ chế quản lý, điều hành giá bán lẻ điện minh bạch hơn. Tuy nhiên cũng từ năm 2014 đến nay, điều kiện kinh tế, thu nhập, đời sống nhân dân ngày càng được nâng lên, nhu cầu sử dụng điện phục vụ sản xuất, sinh hoạt cũng ngày càng tăng cao. Số liệu thống kê từ năm 2015 đến năm 2019 cho thấy, sản lượng bình quân từ mức 156 kWh/tháng/hộ trong khoảng thời gian này đã tăng lên tới 186 kWh/tháng/hộ, tương đương mức tăng khoảng 16%. Do đó, việc nghiên cứu cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt, để phù hợp với thực tế sử dụng điện là cần thiết và phù hợp với yêu cầu khách quan hiện nay. Đây cũng là cơ sở để Bộ Công Thương mới đây đưa ra lấy ý kiến nhiều phương án giá điện mới.
Nêu quan điểm về việc xây dựng các biểu giá điện mới, ông Nguyễn Tiến Thoả - Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho PV Báo Lao Động biết, không nên cải tiến biểu giá bán lẻ điện theo kiểu “chắp vá” như hiện nay, mà phải nghiên cứu kỹ tất cả biểu giá. Trong đó, với biểu giá 5 bậc thang mà Bộ Công Thương đưa ra, cần đảm bảo không phá vỡ giá bình quân, giải thích rõ, công khai minh bạch cho người dân về vấn đề này.
Đặc biệt, cần công bố công khai giá bình quân và giá bình quân từng bậc thang, công khai tỉ lệ tính giá từng bậc với bình quân chung, và tỉ lệ tính giá từng bậc với giá bình quân của điện sinh hoạt. “Cải tiến chính sách giá điện đòi hỏi minh bạch đầu vào, tuân thủ đúng quy định nhà nước là chỉ được hạch toán các chi phí liên quan, áp dụng giá thị trường, nhằm tiến tới thị trường bán lẻ cạnh tranh, người tiêu dùng được chọn nơi cung ứng, chọn giá phù hợp” - ông Thỏa nhấn mạnh. Theo đó, ông cho rằng, cần sớm sửa Luật Điện lực, chính sách giá điện làm cơ sở xây dựng giá theo thị trường cạnh tranh. Thực hiện chính sách xã hội ngoài giá, chứ không nên thực hiện trong giá vì có thể làm méo mó...
PGS-TS Nguyễn Minh Duệ - nguyên Chủ nhiệm bộ môn Năng lượng (Đại học Bách Khoa Hà Nội) nêu quan điểm, trước tiên phải thực hiện giá điện theo cơ chế thị trường có điều tiết của Nhà nước; nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, sử dụng điện và tiến tới giảm bỏ bù chéo giữa các nhóm khách hàng. “Lộ trình tiến tới thị trường điện cạnh tranh hoàn hảo đã đi được nửa chặng đường nhưng kết quả chưa rõ ràng, nếu không có giải pháp đột phá thực hiện thị trường điện cạnh tranh thì áp lực tăng giá điện vẫn đè nặng lên doanh nghiệp, người dân”, ông Duệ nhận xét. 
(Theo Lao Động) Cường Ngô

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét