Thứ Tư, 12 tháng 8, 2020

Nga giải đáp nghi ngờ về an toàn của vaccine COVID-19 đầu tiên trên thế giới

Cập nhật lúc 14:31  

Nga giải thích về tính an toàn của vaccine COVID-19 đầu tiên trên thế giới để làm rõ những nghi ngờ của phương Tây.


Một tình nguyện viên thử nghiệm vaccine COVID-19 của Nga. Ảnh: Ria Novosti
Sputnik V, vaccine COVID-19 đầu tiên thế giới của Nga, đã trở thành đối tượng của các cuộc tấn công thông tin phối hợp từ các quốc gia có khác biệt chính trị với Nga - RT dẫn lời ông Kirill Dmitriev, giám đốc Quỹ Đầu tư trực tiếp Nga (RDIF) - đơn vị tài trợ cho nghiên cứu vaccine Sputnik V - cho biết.
Ông Kirill Dmitriev tuyên bố rằng, dù xuất phát từ những lo ngại thương mại hay chỉ là ác ý, thì cách tiếp cận chính trị hóa của một số nước phương Tây cuối cùng sẽ gây nguy hiểm cho sức khỏe và sự an toàn của chính công dân họ.
Trong quá trình phát triển và thử nghiệm vaccine, Nga sử dụng một nền tảng đã được chứng minh và thử nghiệm trên hàng nghìn người trong 6 năm qua - giám đốc RDIF nhấn mạnh trong một hội nghị trực tuyến hôm 11.8.
Ông Dmitriev nói: “Các cuộc tấn công thông tin được phối hợp và chuẩn bị kỹ lưỡng nhằm vào vaccine COVID-19 của Nga là để cố gắng làm mất uy tín và giấu giếm tính đúng đắn về cách tiếp cận phát triển thuốc của Nga. Cách tiếp cận chính trị hóa đối với vaccine Nga của một số nước phương Tây đang gây nguy hiểm đến tính mạng của công dân của họ".
Ông Dmitriev giải thích, một số quốc gia đang cố gắng chứng minh sự an toàn của vaccine với số lượng thử nghiệm từ 30.000 đến 40.000 bệnh nhân. Tuy nhiên, trên thực tế, sự an toàn của các phương pháp tiếp cận cơ bản đối với việc chế tạo vaccine cần phải được thử nghiệm trong vài năm. “Thực tế là chưa có loại vaccine nào trong số này được tạo ra bằng giải pháp mới đã được đăng ký ở bất kỳ đâu trên thế giới” - ông Dmitriev cho hay.
Giám đốc quỹ RDIF nói thêm: “Họ chưa nghiên cứu những ảnh hưởng lâu dài đến cơ thể con người, bao gồm cả khả năng sinh sản. Nhưng chỉ nghĩ rằng những cách tiếp cận như vậy là an toàn về lâu dài mà không nghiên cứu kỹ lưỡng về chúng, đặc biệt là hậu quả lâu dài, là một ảo tưởng nguy hiểm”.


Vaccine Sputnik V phòng COVID-19 của Nga. Ảnh: RDIF
 Bác bỏ nghi ngờ về hành trình "thần tốc" phát triển vaccine của Nga
Nhiều nước đã bày tỏ nghi ngờ về hành trình "thần tốc" phát triển vaccine COVID-19 của Nga, đặc biệt là ở phương Tây, nơi các quốc gia như Mỹ và Anh cũng đang nghiên cứu các giải pháp của riêng họ.
Các nhà khoa học ở các quốc gia này cảnh báo, ngay cả khi các ứng cử viên vaccine được chứng minh là có tác dụng, thì sẽ còn mất nhiều thời gian hơn nữa để biết được khả năng bảo vệ sẽ kéo dài bao lâu.
Giáo sư miễn dịch học Danny Altmann của Đại học Imperial College London cho biết trong một tuyên bố hôm 11.8: “Thiệt hại do bất kỳ loại vaccine nào kém an toàn và hiệu quả sẽ làm trầm trọng thêm các vấn đề hiện tại của chúng ta”. Còn tiến sĩ Michael Head, chuyên gia nghiên cứu cao cấp về sức khỏe toàn cầu tại Đại học Southampton của Anh, được AP dẫn lời cho biết: “Còn quá sớm để đánh giá thực sự liệu nó có hiệu quả và tác dụng hay không".
Tuy nhiên, giáo sư Vadim Tarasov, nhà khoa học hàng đầu tại Đại học Sechenov Mátxcơva, nơi các thử nghiệm diễn ra, khẳng định, Nga có bước khởi đầu thuận lợi do có bề dày kinh nghiệm 20 năm để phát triển các kỹ năng trong lĩnh vực nghiên cứu chế tạo vaccine và hiểu rõ cách virus lây truyền.
Theo Phó Thủ tướng Nga Tatyana Golikova, việc tiêm chủng vaccine Sputnik V cho các bác sĩ và giáo viên có thể bắt đầu sớm nhất là trong tháng này và họ sẽ được giám sát chặt chẽ sau khi tiêm. Việc tiêm chủng đại trà có thể bắt đầu sớm nhất vào tháng Mười. 


Ông Kirill Dmitriev, giám đốc quỹ RDIF. Ảnh: Sputnik
Vaccine Sputnik do Viện Nghiên cứu Dịch tễ học và Vi sinh vật học Gamaleya của Mátxcơva hợp tác với Bộ Quốc phòng Nga phát triển dựa trên adenovirus, một loại bệnh cảm cúm thông thường. Được tạo ra một cách nhân tạo, các protein trong vaccine sao chép các protein của COVID-19, kích hoạt phản ứng miễn dịch tương tự như phản ứng do chính COVID-19 gây ra. Công nghệ vaccine của Nga tương tự như vaccine đang được phát triển bởi công ty Trung Quốc CanSino Biologics và Đại học Oxford của Anh và AstraZeneca.
Giám đốc quỹ RDIF Dmitriev cho biết, ngay cả khi các bác sĩ và giáo viên Nga bắt đầu tiêm phòng vaccine Sputnik V, các thử nghiệm nâng cao vẫn sẽ bắt đầu vào ngày 12.8 với sự tham gia của hàng nghìn người ở một số quốc gia, bao gồm Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất UAE, Saudi Arabia, Philippines và có thể cả Brazil.
(Theo Lao Động) KHÁNH MINH

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét