Thứ Sáu, 21 tháng 8, 2020

Mua bài báo khoa học: Điều trái khoáy

Cập nhật lúc 15:08                

Người mua, người bán và cả người đánh giá chất lượng, cả ba đều thuộc nhóm người trí thức nhưng vẫn khó thoát khỏi vòng xoáy tiền, quyền.

PGS.TS Nguyễn Văn Nam, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại (Bộ Công thương) cho rằng, vì điều này, mới có hiện tượng bỏ tiền thuê viết bài báo khoa học đạt chuẩn Scopus-ISI theo xếp hạng từ Q4-Q1, công bố trên các tạp chí quốc tế đang thu hút sự quan tâm của dư luận.


Hình minh hoạ (Ảnh: Thanh Niên)

Cá nhân ông, không ngạc nhiên trước hiện tượng trên. Ông cho biết, chuyện mất tiền để được đăng bài báo khoa học trên các tạp chí quốc tế và trong nước là có thật và đã xảy ra từ khoảng 20 năm trước.
"Khi tôi còn ngồi trong Hội đồng xét phong chức danh tiến sĩ, phó giáo sư, tôi đã nghe anh em nói chuyện muốn đăng bài báo khoa học trên các tạp chí uy tín trong nước và thế giới thì hầu hết đều phải mất tiền. Chỉ trừ số ít những nhà khoa học lỗi lạc, họ nghiên cứu thật sự, họ mới những bài báo khoa học thật.
Tôi biết với những bài báo được đăng ở mức rẻ nhất là khoảng 4.000 - 7.000 USD, có những tờ tạp chí uy tín thì số tiền lên tới 10.000 USD/bài. Thời điểm đó, tôi nghe và chỉ nghĩ đó là phí trả cho những giáo sư, phó giáo sư uy tín đọc, sửa bài trước khi đăng, chứ chưa nghĩ gì xa hơn.
Ngay cả với những tờ tạp chí trong nước cũng vẫn đăng bài nhận kiểu này. Mức đăng bài mà tôi biết dao động từ 3 triệu tới 15 triệu, tùy bài, tùy tạp chí và tùy từng chức danh.
Cũng xuất phát từ việc phải mất phí để đăng bài báo khoa học trên các tạp chí quốc tế nên một số trường đại học, đặc biệt là các trường đại học phía Nam đã có chính sách hỗ trợ phí cho tác giả khi thực hiện đăng bài báo khoa học, số tiền hỗ trợ khi đó là từ vài triệu tới vài chục triệu/1 bài. Từ đây cũng nảy sinh hiện tượng một người có thể đứng tên rất nhiều bài báo khoa học khác nhau để nhận tiền", PGS Nguyễn Văn Nam kể.
Gần đây, ông cho biết, lại rộ lên cả dịch vụ viết bài báo khoa học, thậm chí nhận cả hỗ trợ công bố quốc tế Scopus.Vì thế, mới có bài báo khoa học đạt chất lượng, bài không đạt, có bài đăng  trên tạp chí uy tín nhưng có bài lại đăng trên tạp chí kém chất lượng khiến dư luận hoài nghi về chất lượng thật sự của những bài báo khoa học này.
Vậy những người viết thuê đó là ai? PGS Nguyễn Văn Nam cho biết, đó là những người có trình độ, có khả năng viết nhưng là nhân viên, không có đề tài khoa học. Vì đề tài khoa học đều rơi vào tay lãnh đạo, nhân viên không có được đề tài, không có tiền nên phải đi viết thuê kiếm tiền. Nhiều người cũng nhờ việc viết thuê luận án, viết thuê bài báo khoa học mà sống.
Còn người đi mua thì đó là những người làm công tác quản lý, giảng dạy, cũng có cả một số người làm khoa học nhưng vì danh, vì lợi, vì quyền, vì tiền nên sẵn sàng bỏ tiền ra từ vài chục tới vài trăm triệu để đặt viết một bài báo khoa học theo yêu cầu.
Vị chuyên gia cho hay, có chuyện này là do tiêu chuẩn xét phong chức danh tiến sĩ, phó giáo sư, giáo sư đề ra quá cao nhưng không kiểm soát được chất lượng. Ví dụ với yêu cầu chức danh tiến sĩ phải có từ hai bài báo khoa học trở lên, nhưng trên thực tế có những tiến sĩ không có bài báo khoa học nào mà nhờ quan hệ, tiền bạc là được cho qua. Thậm chí, luận án tiến sĩ không trực tiếp viết mà được đi thuê, đi nhờ.
Phần khác do người Việt Nam sống duy tình nhiều hơn duy lý, vì điều này đã có sự nể nang, qua loa trong quá trình xem xét. Vì thế, càng cho thấy tính nghiêm túc trong nghiên cứu khoa học tại Việt Nam chưa cao.
"Tôi cũng từng được nhờ thuyết phục để cho một vài trường hợp nghiên cứu tiến sĩ được qua vì lý do này, lý do khác nhưng cũng có nhiều người đồng ý nhiều người rất kiên quyết không cho. Số người không đồng ý không nhiều và những người này thường sẽ không được mời ngồi hội đồng những lần sau nữa.
Còn có những người xuê xoa, xởi lởi, không có nhận xét, không có ý kiến, không đánh giá gì, ai cũng cho qua thì lần nào cũng được ngồi hội đồng.
Tôi từng phát biểu tại một hội nghị rằng, nếu đào tạo tiến sĩ như thế này là tự đào đi cái gốc của mình. Đào tạo tiến sĩ mà lại có tình trạng châm trước, xuê xoa là tự mình đã tạo ra những tiến sĩ kém chất lượng, là làm cho ngành khoa học Việt Nam ngày càng yếu kém đi", vị PGS bày tỏ.
Đáng nói, hiện tượng gian dối, xuê xoa không chỉ xuất hiện ở việc xét phong chức danh tiến sĩ, giáo sư mà còn có ở nhiều cấp, ngành, nhiều lĩnh vực khác. Ngay cả trong công tác quản lý, thực hiện chính sách xã hội cho tới các lĩnh vực nghiên cứu khoa học, hầu hết lĩnh vực nào cũng đều ghi nhận có hiện tượng gian dối.
"Tôi từng hỏi một cấp dưới về một trường hợp nhân viên được xác nhận công chức cao cấp, trong khi thành tích làm việc thì dở, tôi đã nhận được câu trả lời ậm ừ kiểu thì cứ xác nhận, ở trên đóng dấu là được công nhận công chức cao cấp, cũng không có gì phức tạp.
Hay mới đây, ti vi nói nhiều trường hợp gia đình có nhà, có ô tô mà vẫn lọt danh sách hộ cận nghèo. Thậm chí đến việc công nhận liệt sĩ cũng còn khai giả để được nhận tiền hỗ trợ. 
Tức là ở mọi lĩnh vực đều đã xuất hiện tình trạng gian dối, chứ không riêng gì trong lĩnh vực khoa học. Tuy nhiên, sự gian dối trong lĩnh vực làm khoa học, gian dối ở giới trí thức là điều rất hãn hữu, không nên xảy ra nhưng đáng tiếc thực tế đã và đang diễn ra. Nhìn nhận từ góc độ đạo đức xã hội, đây là điều trái khoáy, khó chấp nhận.
Bởi, ở cả 3 nhóm, từ người đi viết thuê, người thuê viết cho đến những người được cho là cầm cân nảy mực, ngồi trong hội đồng đánh giá cũng đã có những người này, người khác, cũng có người vì tiền, vì danh, vì quyền mà làm không nghiêm túc, gian dối", vị chuyên gia than thở.
Để xảy ra hiện tượng trên, vị PGS cho rằng có nguyên nhân từ lỗ hổng cơ chế chính sách, do cơ chế hở nên đã tạo điều kiện cho sự gian dối lan rộng. Từ cơ chế đào tạo, cho tới cơ chế đánh giá, xét phong đều có những kẽ hở.
"Cần phải thay đổi cơ chế đánh giá, việc đánh giá phải trao lại cho người thầy đánh giá trò và việc đánh giá sẽ gắn với thương hiệu của chính người thầy ấy. Tức là thầy đánh giá đúng thì thầy được tín nhiệm, đánh giá không đúng sẽ tự làm giảm uy tín của thầy và như vậy chính thầy đã tự loại mình ra khỏi hội đồng.
Phải làm được như vậy, thì tự người làm nghiên cứu mới có ý thức tự rèn nhân cách, đạo đức, trình độ của mình. Bởi khi không còn nơi để bấu víu thì bản thân phải tự vươn lên. Còn những người được trao quyền đánh giá, cũng tự ý thức được trách nhiệm đang gắn với uy tín, danh dự của chính mình, vì thế cũng không thể xuê xoa, dễ dãi được nữa. Điều này cũng giúp loại bỏ tình trạng có những người ngồi trong hội đồng nhưng chưa từng có đánh giá, hay nhận xét gì.
Việc xét phong cũng nên trao lại cho trường, nơi người làm nghiên cứu làm việc, cống hiến vì thế phải để chính những con người trong trường, những đồng nghiệp trong trường nhận xét, đánh giá, công nhận chứ không phải là người ngoài.
Nếu nhìn rộng ra, thì phải chọn được người giỏi thật, làm thật, có trách nhiệm thật, chứ không phải những người khi làm việc luôn hô khẩu hiệu cố gắng, hết sức nhưng lại chỉ hết sức trên lý thuyết, còn trên thực tế thì quá dở.
Nếu còn chạy theo thành tích, lấy thành tích đo tài năng, lấy thành tích để đánh giá năng lực người lao động mà không cân nhắc dựa trên kết quả công việc thì tiêu cực, gian dối là đương nhiên", PGS Nguyễn Văn Nam góp ý.
(Theo Đất Việt)  Lam Lam

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét