'Ẩn số' điểm thi môn
Ngữ văn tại An Giang
Cập nhật lúc
08:00
Sau khi các sở GD&ĐT công
bố điểm thi tốt nghiệp THPT, dư luận bất ngờ với điểm bài thi môn Ngữ văn của
tỉnh An Giang. Số lượng bài thi điểm cao của địa phương này cao nhất nước,
đồng thời cũng sở hữu 1 trong 2 điểm 10 môn Ngữ văn toàn quốc.
Chấm thi môn Ngữ văn tại kỳ thi tốt nghiệp THPT
2020 (ảnh có tính minh họa) Ảnh: Nghiêm Huê
Bất ngờ
Theo thống kê của Tiền Phong từ kết quả thi tốt
nghiệp THPT cho thấy, An Giang có điểm trung bình môn Ngữ văn đứng đầu cả
nước với 7,61 điểm (điểm trung bình của cả nước là 6,61). Điều đáng nói, năm
2017, môn Ngữ văn của An Giang cũng đứng ở vị trí này. Nhưng mức điểm trung
bình môn Ngữ văn của An Giang năm 2019 không lọt vào tốp 5 tỉnh có điểm trung
bình thì năm nay đã “vượt lên” ở vị trí thứ nhất. Năm 2019, mức điểm trung
bình môn Ngữ văn của An Giang là 5,92 và xếp ở vị trí thứ 9, không cao hơn
nhiều so với mức điểm trung bình chung của cả nước (5,49).
Cả nước có 50 bài thi môn Ngữ văn đạt từ 9,75 điểm
trở lên, An Giang có 25 bài, chiếm 50%, bỏ xa tỉnh đứng thứ 2 là Quảng Nam
chỉ có 7 bài. Hơn nữa, cả nước cũng chỉ có 13 địa phương có thí sinh đạt được
mức điểm này.
An Giang cũng có số bài thi đạt điểm từ 9,5 – 9,75
trở lên cao nhất cả nước và thậm chí vượt trội so với các tỉnh, thành khác.
Tổng cộng cả nước có 655 bài thi môn Văn đạt mức điểm này thì An Giang có 241
bài, tức hơn 1/3 (chiếm tỷ lệ 37,73%).
Số liệu thống kê cho thấy, cả nước có 870.534 thí
sinh dự thi môn Ngữ văn thì có 10.157 thí sinh đạt điểm từ 9 trở lên (chiếm
khoảng 1,17%). Con số này cao hơn khá nhiều so với năm 2019, khi cả nước chỉ
có 460 thí sinh đạt điểm từ 9 trở lên, dù lượng thí sinh nhiều hơn một chút (882.657).
Trong số 10.157 TS đạt điểm từ 9 - 10 môn Ngữ văn, An Giang có tới 1.471 thí
sinh (chiếm 14,48%) cao nhất cả nước. Hà Nội xếp thứ 2 với 1.457 TS (14,34%).
Số lượng và tỷ lệ này cao hơn rất nhiều so với các tỉnh ở vị trí tiếp theo là
Thanh Hóa và Nghệ An. Hai tỉnh này lần lượt có 932 (chiếm 9,18%) và 609
(chiếm 6%) thí sinh có mức điểm này.
Còn ở mức điểm từ 8,75 trở lên, An Giang dù không
đứng đầu cả nước nhưng vẫn xếp ở vị trí thứ hai (chỉ sau Hà Nội) với 2.422
bài thi trên tổng số 23.141 bài thi của thí sinh trong tỉnh.
Nếu xét đến mức điểm từ 8,5 trở lên, An Giang vẫn
lọt tốp 3 cả nước và tiếp tục xếp trên 2 địa phương vốn nổi danh là Nam Định
và Nghệ An với 3.719 bài, chiếm 24% so với tổng số thí sinh của An Giang.
Nhìn vào phổ điểm thi môn Ngữ văn của An Giang thì đỉnh của phổ điểm là 8
điểm (cao nhất toàn quốc), với mức điểm phần lớn từ 7 đến 9 điểm.
Không những thế, điểm 3 môn thuộc tổ hợp xét tuyển
Đại học C00 (Văn, Sử, Địa), An Giang có hơn 13% thí sinh đạt 24 điểm 3 môn
trở lên, đứng thứ hai toàn quốc chỉ sau Nam Định. Trong khi đó, các địa
phương thuộc đất học như Hà Tĩnh hay Phú Thọ tỷ lệ này đều dưới 10% (đạt hơn
8%).
Bộ yêu cầu địa phương báo cáo
Hôm qua, 29/8, trao đổi với Tiền Phong, Thứ trưởng
Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết, trước thông tin mà báo chí đưa, Bộ sẽ
yêu cầu Sở GD&ĐT An Giang báo cáo. Trong khi đó, trả lời Tiền Phong, ông
Trần Tuấn Khanh, Phó giám đốc Sở GD&ĐT An Giang khẳng định, Hội đồng thi
tổ chức coi thi và chấm thi đúng quy chế, không có chuyện chỉ đạo chấm “lỏng
tay” như đồn đoán.
Theo quy chế, năm nay, Sở tổ chức quy trình chấm
thi tự luận theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT từ nghiên cứu đáp án, chấm chung
tối thiểu 10 bài để thống nhất cách chấm. An Giang đảm bảo mỗi bài thi được 2
giám khảo chấm độc lập, thuộc tổ khác nhau.
Trả lời câu hỏi, An Giang là địa phương có điểm thi
Ngữ văn cao bất thường, ông Khanh nói rằng, 4 năm qua, địa phương luôn có kết
quả dẫn đầu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Còn tính riêng từng môn trong 9
môn thi, có nhiều môn địa phương thuộc tốp 10 cả nước, trong đó có Ngữ văn.
Vì thế, điểm thi như năm nay không phải cao bất thường, đột biến.
Ông Khanh cũng nói, Ngữ văn luôn là một trong những
môn học có thế mạnh của An Giang, truyền thống nhiều năm liền điểm trung bình
môn thi đứng trong tốp 10 của cả nước, thậm chí có năm đứng thứ Nhì. “Ngoài
ra, so sánh điểm trung bình môn học bạ môn Ngữ văn của học sinh An Giang đứng
thứ ba toàn quốc, điểm trung bình môn thi đứng đầu, cho thấy độ lệch không
lớn giữa kiểm tra đánh giá trên lớp và thi cử”, ông Khanh nói.
Mặt khác, năm nay đề thi của Bộ cũng bám sát vào đề
tham khảo đã công bố trước đó cho các tỉnh nên giáo viên cũng tập trung theo
hướng đề tham khảo để tổ chức dạy cho học sinh. “Chúng tôi luôn tôn trọng
nguyên tắc học thật, thi thật. Các kỳ thi địa phương hay quốc gia đều làm rất
chặt từ khâu coi thi đến chấm thi, đảm bảo đúng quy chế của Bộ GD&ĐT”,
ông Khanh nói.
(Theo Tiền Phong) Nghiêm
Huê-Hà Linh
Nếu không có so sánh phổ điểm và điểm công khai thì
không phát lộ những vụ tiêu cực của Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình mấy năm trước.
Liệu những “đột biến” của An Giang có “vấn đề” gì không? Tốt nhất Bộ GTĐT nên
chấm lại ngẫu nhiên một số bài để so sánh, cũng là minh oan cho địa phương
nếu có.
Thương Giang
|
Chủ Nhật, 30 tháng 8, 2020
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét