Thứ Bảy, 6 tháng 6, 2020

Làm 3 đoạn cao tốc Bắc - Nam bằng vốn công: Lại muốn chỉ định thầu cho 'con cưng'!

Cập nhật lúc 10:34

 

Sau khi có chủ trương chuyển đổi một số dự án trên tuyến cao tốc Bắc - Nam từ đầu tư PPP sang đầu tư công, đã có bộ đề xuất Thủ tướng chỉ định thầu cho doanh nghiệp 'con cưng' làm dự án, dù doanh nghiệp đang thua lỗ.



Tổng công ty Sông Đà đang chìm trong thua lỗ, nợ nần xin được chỉ định thầu làm cao tốc Bắc - Nam - Ảnh: MAI THƯƠNG

Đề xuất chỉ định thầu làm các dự án cao tốc Bắc - Nam nhằm đẩy nhanh tiến độ nhưng nhiều chuyên gia lại bày tỏ lo ngại "để lại hậu quả", đặc biệt là chất lượng công trình không đảm bảo như đã từng xảy ra tại nhiều dự án. Bài học chỉ định thầu BOT quốc lộ vẫn còn ngổn ngang đó chưa khắc phục xong.
Giới thiệu "con cưng" đang cần việc làm
Sau khi Bộ Quốc phòng đề xuất Thủ tướng ưu tiên chỉ định Tổng công ty (TCT) xây dựng Trường Sơn thực hiện 3 dự án thành phần trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía đông, đến lượt Bộ Xây dựng cũng đề xuất Thủ tướng cho chỉ định thầu TCT Sông Đà làm một số dự án trên tuyến cao tốc này để tạo việc làm cho khoảng 20.000 cán bộ, kỹ sư, công nhân đang làm việc tại TCT.
Theo giới thiệu của Bộ Xây dựng, TCT Sông Đà từng là "ông lớn" nhà nước trong ngành xây dựng. Ngoài các nhà máy thủy điện lớn như Hòa Bình, Yaly, Sông Hinh, Sơn La, Lai Châu... những năm qua TCT Sông Đà đã thi công hàng loạt dự án hạ tầng giao thông lớn như cao tốc Nội Bài - Bắc Ninh, Pháp Vân - Cầu Giẽ, quốc lộ 10, Hà Nội - Lào Cai, Đà Nẵng - Quảng Ngãi.
Tuy nhiên, sau khi thực hiện các dự án trọng điểm ngành điện, TCT Sông Đà gặp nhiều khó khăn trong duy trì việc làm, bảo đảm đời sống người lao động. Nhiều thiết bị, máy móc đã đầu tư làm thủy điện phải "đắp chiếu" vì không có việc làm. Quá trình cổ phần hóa tại TCT Sông Đà cũng không mấy suôn sẻ, đến nay tỉ lệ sở hữu nhà nước vẫn lên tới 99,79% vốn điều lệ.
Được biết, TCT Sông Đà đang trong tình trạng khó khăn về tài chính, không có khả năng trả nợ gốc, lãi vay, chi phí cho vay lại. Trước đó, Bộ Xây dựng từng có văn bản đề nghị Bộ Tài chính hỗ trợ doanh nghiệp này trong trả nợ vay tại Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), khoảng 114,8 triệu USD. Cụ thể là doanh nghiệp được gia hạn thời gian trả nợ một năm, được miễn chi phí cho vay lại với các khoản vay nước ngoài...
Chỉ định thầu thường để lại hệ lụy
Theo TS Cấn Văn Lực - cố vấn cấp cao của BIDV, cả hai phương án chỉ định hoặc tổ chức đấu thầu công khai để chọn nhà thầu thi công các dự án đều có ưu điểm và nhược điểm.
Trong trường hợp rất cấp bách, đòi hỏi phải triển khai nhanh, có thể phải chỉ định thầu doanh nghiệp làm dự án, nhưng phải chọn những doanh nghiệp đủ năng lực về kỹ thuật, tài chính làm dự án. Giá cả, chi phí thấp chỉ là một yếu tố để xem xét lựa chọn nhà thầu. Theo quy định về đấu thầu, ngay trường hợp chỉ định thầu, cơ quan chức năng vẫn lập danh sách rút gọn để chọn nhà thầu tốt nhất làm dự án.
"Do đó, ngoài các liên danh đầu tư đã vượt qua vòng sơ tuyển 3 dự án PPP cao tốc Bắc - Nam vừa chuyển sang đầu tư công, Bộ GTVT nên mời thêm một số nhà thầu có năng lực khác tham gia để lựa chọn, chỉ định nhà thầu tốt nhất", ông Lực đề xuất.
Theo PGS.TS Ngô Trí Long, việc chỉ định thầu dự án đầu tư công rất dễ phát sinh tiêu cực nên cần tổ chức đấu thầu công khai để chọn nhà thầu. Ông Nguyễn Quang Đồng, viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông, cho rằng chỉ ưu tiên chỉ định doanh nghiệp nhà nước làm các dự án cao tốc Bắc - Nam, rất khó có được dự án chất lượng. Các tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Hà Nội - Thái Nguyên chất lượng không cao là hệ quả của chỉ định thầu. 
"Không nên chỉ định thầu vì triệt tiêu cạnh tranh, muốn có công trình chất lượng, không có cách nào khác phải có cạnh tranh trong lựa chọn nhà thầu" - ông Đồng nói.
Ông Trần Quốc Phương (thứ trưởng Bộ KH-ĐT):
Chỉ định thầu nhưng phải minh bạch
Bộ đã tham mưu Chính phủ phương án chỉ định thầu doanh nghiệp làm các dự án cao tốc Bắc - Nam, vừa được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý chủ trương chuyển từ đầu tư PPP sang đầu tư công để đẩy nhanh tiến độ các dự án.
Tuy nhiên, Bộ GTVT vẫn phải làm đúng quy định của pháp luật, bảo đảm công khai, minh bạch trong quá trình chỉ định thầu làm các dự án trên tuyến cao tốc Bắc - Nam.
Ông Nguyễn Nhật (thứ trưởng Bộ GTVT):
Sẽ đấu thầu các dự án
Ngày 3-6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đồng ý chuyển 3 dự án PPP gồm: đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Mai Sơn - quốc lộ 45, Phan Thiết - Dầu Giây sang hình thức đầu tư công 100% vốn nhà nước, đồng thời phải thực hiện đầy đủ các thủ tục của Luật đấu thầu nên quan điểm của Bộ GTVT là sẽ đấu thầu.
Ngày 20-4-2020, Bộ Quốc phòng có văn bản gửi Bộ GTVT giới thiệu và đề nghị Bộ GTVT cho phép Tổng công ty Thành An tham gia dự thầu thi công xây dựng các đoạn tuyến Mai Sơn - quốc lộ 45, đoạn quốc lộ 45 - Nghi Sơn và đoạn Phan Thiết - Dầu Giây, thuộc dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông. Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng không nêu rõ cho tham gia theo hình thức chỉ định thầu.
Ngày 5-5-2020, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà có văn bản gửi Thủ tướng đề nghị xem xét, cho phép Tổng công ty Sông Đà được tham gia thi công một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2017 - 2020 theo hình thức chỉ định thầu như báo cáo đề xuất của Bộ KH-ĐT vào ngày 13-3-2020.
Cũng trong tháng 4-2020, Công ty CP tập đoàn Cienco 4 có văn bản gửi Bộ GTVT xem xét tạo điều kiện cho doanh nghiệp được tham gia thi công dự án thành phần đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu và Diễn Châu - Bãi Vọt.
(Theo Tuổi trẻ) BẢO NGỌC - TUẤN PHÙNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét