Thứ Bảy, 31 tháng 8, 2019

Bảo vệ Grand Plaza đuổi dân trú mưa: Khách VIP là ai?

Cập nhật lúc 08:54                 

Khách VIP đang ngồi trên chiếc xe vào khách sạn cũng không ai muốn xua đuổi người dân để nhường đường cho mình

Nam nhân viên khách sạn Grand Plaza Trần Duy Hưng xua đuổi người dân trú mưa, đại diện truyền thông của khách sạn giải thích do có khách VIP đến, người dân đứng cản "đường đi của khách VIP". Hành động của nhân viên và cả giải thích của phía khách sạn như "thêm dầu vào lửa" khiến dư luận thêm bức xúc.


Hình ảnh người nhân viên xua đuổi người dân trú mưa. Ảnh: Dân trí

Ông Nguyễn Văn Đực - Phó Giám đốc Công ty địa ốc Đất Lành đặt câu hỏi: "Khách VIP đó là ai?", "VIP cỡ nào mà phải xua đuổi người dân trong điều kiện mưa bão, nguy hiểm để đón tiếp trịnh trọng đến như vậy?".
Ông Đực nhấn mạnh, là một khách sạn lớn muốn tồn tại không chỉ dựa vào một vài khách VIP mà phải dựa trên nền tảng đạo đức kinh doanh, dựa vào tính chuyên nghiệp và nền văn hóa ứng xử văn minh.
"Không thể đứng ra giải thích do khách VIP mà xua đuổi người dân đang tránh nạn, đó là hành động trái với lương tâm, trái với đạo đức làm người, là đi ngược với luân thường đạo lý, là  "đồng lõa" với cách ứng xử thiếu nhân văn, thiếu tình người của nam nhân viên trong câu chuyện này, rất khó chấp nhận", ông Đực nói.
Ông Đực cho rằng, có chuyện này là do tâm lý xem trọng đồng tiền, xem trọng lợi ích mà coi nhẹ văn hóa, đạo đức doanh nghiệp.
Chính vì xem nhẹ đạo đức doanh nghiệp nên khi sự việc xảy ra thay vì đứng ra nhận lỗi người ta lại tìm cách đổ lỗi loanh quanh.
Ông Đực nói thẳng, cách ứng xử của phía khách sạn không chỉ gây bức xúc với dư luận, người dân mà còn thiếu công bằng, thậm chí còn đang đổ tiếng oan cho chính người khách VIP.
"Nếu là người khách VIP đang ngồi trên chiếc xe vào khách sạn cũng không ai muốn xua đuổi người dân trong cảnh mưa gió nguy hiểm để nhường đường cho mình.
Không phải những người giàu là chỉ biết đến tiền. Người Việt vốn giàu lòng nhân ái, nếu khách VIP biết rằng những người dân trú mưa bão đang bị xua đuổi để nhường đường cho xe của mình vào khách sạn chắc chắn họ sẽ không đồng tình, thậm chí còn sẵn sàng đổi vị trí VIP cho sự an toàn của những người dân trú mưa. Tuy nhiên, cách hành xử của phía khách sạn lại đang cho thấy có tiền là có tất cả, tiền là thước đo giá trị cao nhất.
Sau sự việc vừa rồi, tôi tin bất cứ ai đang ngồi trên chiếc xe VIP đó đều sẽ có ấn tượng rất xấu về cách ứng xử của nam nhân viên khách sạn. Nếu có lòng tự trọng, họ sẽ không muốn lựa chọn, không muốn quay lại khách sạn này vào lần sau", ông Đực nói.
Vẫn theo ông Đực, một doanh nghiệp hay một khách sạn nếu hoạt động không dựa trên nền tảng văn hóa đạo đức sẽ rất khó bền vững, thậm chí còn bị khách hàng quay lưng. Đây là lý do vì chỉ trong vài ngày clip được tung lên, khách sạn này phải liên tục nhận sao xấu, thậm chí còn bị tẩy chay.
Về phía người nhân viên, ông Đực cho biết cũng nên có cái nhìn chia sẻ hơn vì người nhân viên chỉ làm công ăn lương, thực hiện theo các quy tắc của chủ doanh nghiệp. Thậm chí cả những tình huống giả định cụ thể cũng phải được đặt ra, tập rượt kỹ lưỡng.
Trong trường hợp này, nếu trách người nhân viên một cũng cần phải trách người lãnh đạo doanh nghiệp mười. Ông Đực nói rõ, văn hóa doanh nghiệp được xây dựng như thế nào là do người lãnh đạo cao nhất, nhân viên cấp dưới chỉ làm theo lệnh, theo quy định.
Vấn đề ở đây là khi đứng trước lựa chọn giữa cơm áo gạo tiền với đạo đức làm người thì người nhân viên ấy đã chọn công việc, chọn giữ lại vị trí, chọn được nhận lương chứ không phải là giúp đỡ người dân, hướng dẫn người dân vào một vị trí an toàn hơn.
"Nếu khi xảy ra sự việc, người lãnh đạo doanh nghiệp có thể đứng ra xin lỗi người dân trú mưa, nhận trách nhiệm về hành động của người nhân viên có lẽ dư luận sẽ có cái nhìn thiện cảm hơn, dễ tha thứ hơn thay vì một lời giải thích có phần vô cảm như vừa rồi", ông Đực nói.
(Theo Đất Việt) Lam Nguyễn

KS này càng thanh minh thì lại càng lộ ra “phông” đạo đức kinh doanh của họ. Đó là vì khách VIP (có thể là người có quyền hoặc người nhiều tiền) mà họ không quan tâm tới an toàn tính mạng người khác!
Thương Giang
Thực nghiệm hiện trường vụ bé trai 6 tuổi trường Gateway tử vong
Cập nhật lúc 08:37                

 Trao đổi với Tiền Phong ngày 30/8, ông Đinh Minh Tảo – Viện trưởng KSND quận Cầu Giấy cho biết, tổ công tác thuộc đơn vị vừa phối hợp với Cơ quan CSĐT – Công an quận thực nghiệm lại hiện trường vụ bé Lê Hoàng Long (6 tuổi), học sinh lớp 1 trường tiểu học Gateway tử vong 3 tuần trước.


Buổi thực nghiệm do Công an quận Cầu Giấy chủ trì với sự tham gia của đại diện VKS quận, tài xế Doãn Quý Phiến và một số người liên quan. Đại diện gia đình bé Long cũng có mặt trong buổi thực nghiệm.
Theo ông Tảo, công tác này được thực hiện sau khi có quyết định khởi tố bị can đối với bà Nguyễn Bích Quy (SN 1964), người đưa đón học sinh trong vụ án “Vô ý làm chết người”, quy định tại Điều 128 Bộ luật Hình sự.
Theo ghi nhận của phóng viên, đầu giờ chiều 30/8, tổ công tác liên ngành gồm nhiều cán bộ. Chiếc xe Ford Transit 16 chỗ BKS: 29B-069.56 được đưa đến để diễn tả lại quá trình diễn ra vụ việc. Trong đó tài xế Phiến cũng thực hiện lại quá trình đưa đón 13 học sinh, quá trình phát hiện bé Long trong ô tô. Mọi trình tự được cảnh sát và đại diện VKS ghi lại. 


Ô tô BKS 29B-069.56 trong buổi thực nghiệm hiện trường vụ án.

Trước đó, ngày 27/8, Viện trưởng KSND quận Cầu Giấy đã phê chuẩn quyết định khởi tố bị can, tạm giam bà Nguyễn Bích Quy 3 tháng để phục vụ điều tra.

Căn cứ kết quả điều tra, bà quy bị cáo buộc đã vô ý không kiểm tra hết trong ô tô Ford Transit 16 chỗ BKS29B-069.56 đưa đón học sinh, trong đó có bé Lê Hoàng Long (6 tuổi), học sinh lớp 1 Tokyo trường tiểu học Gateway ngày 6/8. Bé Long đã bị bỏ quên trong ô tô khoảng 9 giờ và tử vong sau đó.

Quá trình điều tra, sau khi khám nghiệm tử thi, Cơ quan CSĐT – Công an quận Cầu Giấy đã trưng cầu giám định Viện Khoa học Hình sự, đến nay, một số mẫu giám định pháp y đã có kết quả. Bé Long được xác định tử vong vì sốc nhiệt, suy hô hấp và không bị tác động ngoại lực gây tổn thương.

Về các tình tiết, thông tin bà Nguyễn Bích Quy khai với cơ quan điều tra chưa đồng nhất với thông tin khi làm việc với luật sư, người đứng đầu Viện KSND quận Cầu Giấy tiết lộ, thời điểm phát hiện bé Long mặc áo xám trắng, bên trong ô tô có quả bóng bay. Trong ba lô của cháu bé có áo phông đỏ là đồng phục của trường. Chiếc áo này khi phát hiện rất ẩm ướt, có nhiều mồ hôi nhưng chưa rõ của ai. Những tình tiết này vẫn đang được cơ quan điều tra tiếp tục làm rõ.

Cơ quan điều tra cũng đã thu thập hình ảnh từ camera giám sát không chỉ ở cổng mà tất cả các camera khác trong trường Gateway, một số camera giám sát tại các điểm khác trên đường, toà nhà để có được những thông tin chi tiết về quá trình đưa đón, di chuyển của ô tô BKS 29B-069.56.


Quá trình đưa đón và phát hiện bé Long được diễn tả lại.

Cũng theo ông Tảo, cơ quan điều tra cũng đang mở rộng điều tra, thu thập thêm chứng cứ khác để làm rõ vai trò, trách nhiệm của những người liên quan, trong đó có tài xế Doãn Quý Phiến, một số giáo viên thuộc nhà trường và đơn vị vận tải.

“Viện KSND quận Cầu Giấy chưa nhận được đề nghị phê chuẩn khởi tố bị can đối với ông Doãn Qúy Phiến. Tuy nhiên, cơ quan điều cũng đã có những buổi làm việc, lấy lời khai đối với tài xế Phiến, giáo viên trường Gateway và cả các cháu học sinh khác được đưa đón trên ô tô 16 chỗ để mở rộng điều tra, làm rõ vai trò, trách nhiệm của cá nhân tập thể liên quan. Khi có kết luận điều tra, có đề nghị và đủ căn cứ, chúng tôi sẽ xem xét khởi tố bị can đối với tài xế hoặc người liên quan”, ông Tảo nói.

Ông Đinh Minh Tảo cũng cho rằng, vụ án này được dư luận đặc biệt quan tâm từ cơ quan chức năng các cấp, ngành đến người dân cả nước. VKSND quận Cầu Giấy sẽ thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, phối hợp chặt chẽ với cơ quan điều tra, cơ quan liên ngành để đảm bảo tiến độ, tính khách quan, xử lý đúng người đúng tội.

Trong thời gian vừa qua, trên mạng xã hội đồn thổi nhiều thông tin chưa đúng sự thật, gây hoang mang dư luận. Ông Tảo cũng khuyến cáo người dân nên theo dõi thông tin chính thống từ cơ quan có thẩm quyền cung cấp để tránh hiểu sai bản chất vụ án trước đi đăng tải lên mạng xã hội.
(Theo Tiền Phong) Nguyễn Hoàn

Kiểm tra, xử lý kỷ luật Đảng: 'Trên nóng' dưới phải 'ấm' theo

Cập nhật lúc 08:28                
 Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nói và khẳng định, dứt khoát không để lọt người có biểu hiện tham ô, tham nhũng, suy thoái đạo đức, chính trị, lối sống vào đại hội sắp tới. “Đại hội là một dịp để ta sàng lọc cán bộ. Ai xứng đáng thì làm, không thì thôi. Không sợ thiếu cán bộ”.


Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng dự ngày hội Đoàn kết toàn dân tộc

Cùng với việc kiểm tra xuống tận cấp huyện, Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Trung ương còn tham mưu để Ban Bí thư ban hành quy định về chỉ đạo của UBKT cấp trên với UBKT cấp dưới trong kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng. Đây là một công cụ quan trọng nhằm khắc phục tình trạng “trên nóng dưới lạnh”, hoặc xử lý không đúng mức đối với tổ chức đảng, đảng viên vi phạm ở các cấp dưới.
“Mở đường” xử lý gian lận thi cử
Vụ gian lận thi cử “lớn nhất từ trước đến nay” xảy ra ở 3 tỉnh Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La làm rung động cả nước. Điều đáng nói là dù đã khởi tố vụ án, khởi tố một số bị can nhưng việc xem xét trách nhiệm của lãnh đạo quản lý vẫn hết sức chậm trễ. Bên cạnh đó, việc “điểm mặt, chỉ tên” những lãnh đạo, đảng viên của 3 địa phương trên có con em nằm trong diện nâng điểm được dư luận nêu ra, nhưng việc xử lý theo các quy đinh của Đảng về trách nhiệm nêu gương vẫn hết sức chậm trễ, gây bức xúc trong dư luận.
Một lãnh đạo Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Trung ương (T.Ư) cho biết, qua xem xét, năm 2019, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã quyết định kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sơn La, trong đó tập trung vào việc gian lận thi cử. Căn cứ vào kết quả kiểm tra, UBKT T.Ư đã quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Phạm Văn Thủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo thi THPT và ông Cầm Ngọc Minh, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh. Đối với Hoàng Tiến Đức, Giám đốc Sở GD&ĐT, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo, Chủ tịch Hội đồng, Trưởng Ban chấm thi THPT, trên cơ sở tờ trình của UBKT T.Ư, Ban Bí thư quyết định thi hành kỷ luật ông Hoàng Tiến Đức bằng hình thức cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng.
“Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nói và khẳng định, dứt khoát không để lọt người có biểu hiện tham ô, tham nhũng, suy thoái đạo đức, chính trị, lối sống vào đại hội sắp tới. Đại hội là một dịp để ta sàng lọc cán bộ. Ai xứng đáng thì làm, không thì thôi. Không sợ thiếu cán bộ”.
Từ vụ việc ở Sơn La, UBKT T.Ư yêu cầu Ban cán sự đảng Bộ GD&ĐT, UBKT Tỉnh ủy các tỉnh Hà Giang, Hòa Bình khẩn trương tiến hành kiểm tra, kiểm điểm, xử lý đối với các tập thể, cá nhân vi phạm trong công tác tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2018, báo cáo UBKT Trung ương.
Khắc phục “trên nóng dưới lạnh”
Ngay lập tức, kết luận và chỉ đạo của UBKT T.Ư đã “mở đường” buộc các cấp ủy địa phương phải vào cuộc trong việc xem xét và xử lý trách nhiệm của các cán bộ và phụ huynh có liên quan đến việc con em nằm trong diện được “nâng điểm”. Tháng 6/2019, Tỉnh ủy Hà Giang thông báo thi hành kỷ luật đảng viên bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Trần Đức Quý, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và ông Vũ Văn Sử, nguyên Giám đốc Sở GD&ĐT liên quan vụ gian lận thi cử tại tỉnh này.
Tại tỉnh Hòa Bình, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh cũng đã quyết định kỷ luật cảnh cáo đối với ông Bùi Văn Cửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo kỳ thi THPT quốc gia tỉnh Hòa Bình năm 2017, năm 2018. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hòa Bình đề nghị Ban Bí thư Trung ương Đảng xem xét, thi hành kỷ luật ông Bùi Trọng Đắc, Giám đốc Sở GD&ĐT bằng hình thức cách chức. 


Cơ quan điều tra đọc lệnh khởi tố bị can Nguyễn Thị Hồng Nga - một bị can trong vụ gian lận thi cử ở Sơn La ảnh cơ quan điều tra cung cấp

Đặc biệt, lần đầu tiên UBKT Tỉnh ủy Hòa Bình công bố 5 cán bộ, đảng viên có con được nâng điểm trong kỳ thi THPT quốc gia 2018 và đề nghị Đảng ủy các cấp xem xét xử lý. Đó là các ông: Bùi Văn Thắng (nguyên Giám đốc Sở GTVT), Trần Văn Tiệp (Giám đốc Sở NN&PTNT), Đỗ Hải Hồ (Giám đốc Sở KH&CN), Nguyễn Anh Tuấn (Phó Cục trưởng Cục Thuế), Phạm Hồng Hải (Giám đốc Công ty Bảo Việt Hòa Bình).
Song song với việc xử lý này vụ việc liên quan đến gian lận thi cử ở Sơn La, UBKT T.Ư cũng soạn thảo dự thảo quy định về chỉ đạo của UBKT cấp trên với UBKT cấp dưới trong kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng. Đây là một công cụ quan trọng nhằm khắc phục tình trạng “trên nóng dưới lạnh”. Tháng 6/2019, Ban Bí thư cũng đã ban hành quy định trên. Theo đó, cơ quan cấp trên tập trung chỉ đạo cơ quan kiểm tra cấp dưới trong việc kiểm tra tổ chức đảng, đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm về suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những vụ việc nghiêm trọng, phức tạp, lĩnh vực nhạy cảm, quan trọng. Đặc biệt, UBKT cấp trên có quyền yêu cầu UBKT cấp dưới chuyển hồ sơ vụ việc lên để xem xét, xử lý khi có căn cứ cho thấy cấp dưới không xử lý hoặc xử lý không đúng mức với đối với tổ chức đảng, đảng viên vi phạm.
Xử nghiêm, không sợ thiếu người làm
Không chỉ vụ việc ở Sơn La, từ đầu năm đến nay, công tác kiểm tra, thanh tra tiếp tục được các cấp ngành quan tâm theo đúng tinh thần “lò nóng lên rồi củi khô, củi tươi cũng cháy”. Theo báo cáo, chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật đối với 123 tổ chức đảng và 7.923 đảng viên vi phạm; trong đó có 256 đảng viên bị kỷ luật do có hành vi tham nhũng, cố ý làm trái. Bộ Chính trị, Ban Bí thư, UBKT Trung ương đã xem xét và kỷ luật đối với 1 tổ chức đảng, 13 đảng viên thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, cả đương chức và đã nghỉ hưu.
Nhiều vụ việc nghiêm trọng cũng đã được UBKT T.Ư xem xét như những vi phạm xảy ra liên quan đến Ban Thường vụ Đảng ủy Quân chủng Hải quân, Bộ Quốc phòng; Đô đốc Nguyễn Văn Hiến, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Quân ủy Trung ương, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng. Hay các vi phạm xảy ra trong quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước ở Bộ GTVT, gây thất thoát lớn tiền và tài sản của Nhà nước. Qua xem xét nhiều cán bộ đương chức hoặc đã nghỉ hưu, trong đó có nguyên Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã bị Bộ Chính trị, Ban Bí thư và UBKT T.Ư kỷ luật.
Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống tham nhũng mới đây, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Mỗi lần họp Ủy ban Kiểm tra hay có tòa tuyên xử là nhân dân rất quan tâm. Nhân dân luôn mong mỏi, thậm chí có phần lo lắng, liệu xây dựng Đảng, chống tham nhũng ấy có duy trì được không? Có tiếp tục làm mạnh không hay chùng xuống? Đấy là tâm lý có thật, chính đáng, là sự ủng hộ chúng ta làm mạnh mẽ hơn nữa”.
Về phương hướng sắp tới, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh tinh thần phải tiếp tục làm, làm quyết liệt, làm tập trung, dứt điểm những việc đang dở dang, những khâu còn yếu, những địa bàn trọng điểm. “Toàn Đảng, toàn dân quyết tâm. Không có chuyện dừng lại hay ngập ngừng. Mà cũng không thể ngừng lại được. Đây là yêu cầu của cách mạng, yêu cầu, tình cảm của nhân dân, mong muốn của Đảng ta”.
(Theo Tiền Phong) VĂN KIÊN

Philippines - Trung Quốc bắt tay về dầu khí ở Biển Đông

Cập nhật lúc 08:16                

Philippines đồng ý thành lập ủy ban về hợp tác thăm dò dầu khí chung với Trung Quốc trên Biển Đông bất chấp những cảnh báo trong lẫn ngoài nước.



Thủ tướng Lý Khắc Cường tiếp Tổng thống Duterte ngày 30.8. Ảnh: Reuters

 Ngày 30.8, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tiếp Tổng thống Rodrido Duterte trong khuôn khổ chuyến thăm của nhà lãnh đạo Philippines tới Bắc Kinh. Đài ABS-CBN trích lời Thủ tướng Lý nói rằng hai bên “đã cùng xây chắc mối quan hệ truyền thống và sẽ tiếp tục đạt được những kết quả có lợi cho đôi bên”.
Trước đó, Tổng thống Duterte đối thoại với Chủ tịch Tập Cận Bình ngày 29.8 và hai bên quyết định thành lập ủy ban chỉ đạo liên chính phủ và ủy ban hợp tác giữa các doanh nghiệp hai nước để xúc tiến việc thăm dò dầu khí chung ở Biển Đông với tỷ lệ ăn chia 60 - 40 nghiêng về Philippines. Tân Hoa xã dẫn lời Chủ tịch Tập nói hai nước “nên đặt tranh chấp qua một bên, loại trừ sự can thiệp từ bên ngoài” và “có thể tiến một bước lớn hơn” đối với việc phát triển dầu khí chung. Trong khi đó, thời gian qua, hàng loạt chuyên gia và quan chức Philippines lẫn quốc tế đều ra sức cảnh báo về những hậu quả khó lường đối với Philippines và cả khu vực liên quan đến kế hoạch này. Theo giới quan sát, cái gật đầu của Manila sẽ khiến Bắc Kinh có thêm cơ sở để ép các bên khác trong khu vực chấp nhận đàm phán song phương và hiện thực hóa ý đồ “khai thác chung”, kể cả ở những khu vực không tranh chấp nhưng bị đưa vào yêu sách đường lưỡi bò phi lý.
Cũng trong hôm qua, Tờ Philippine Daily Inquirer dẫn lời phát ngôn viên Tổng thống Philippines Salvador Panelo thông báo cuộc gặp ngày 29.8 “đã diễn ra rất tốt” và chính Tổng thống Duterte là người nhắc đến khả năng hợp tác thăm dò dầu khí giữa hai nước tại Biển Đông. Bên cạnh đó, nhà lãnh đạo Philippines cũng đã “cương quyết” khi trao đổi với Chủ tịch Tập về phán quyết của Tòa trọng tài thường trực hồi năm 2016. Ông Duterte nói “đó là phán quyết cuối cùng, mang tính ràng buộc và không thể phản đối” nhưng ông Tập đáp: “Trung Quốc không công nhận phán quyết và không lay chuyển lập trường này”.
Về các vụ tàu chiến và tàu khảo sát Trung Quốc liên tục xuất hiện tại lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế Philippines thời gian gần đây, Tổng thống Duterte nhấn mạnh đây là tình trạng “gây lo ngại sâu sắc” và yêu cầu phía Trung Quốc tuân thủ luật pháp trong thời gian tới. Tuy nhiên, Chủ tịch Tập không trả lời trực tiếp về vấn đề này, theo phát ngôn viên Panelo. Mặt khác, hai nhà lãnh đạo thống nhất về tầm quan trọng của việc kiềm chế và tôn trọng quyền tự do hàng hải, hàng không, đồng thời nhất trí hoàn thiện việc soạn thảo Bộ quy tắc ứng xử của các bên tại Biển Đông trước khi Tổng thống Duterte mãn nhiệm vào năm 2022.

 Nghị sĩ Philippines yêu cầu Trung Quốc phi quân sự hóa Biển Đông

Hôm qua, 2 hạ nghị sĩ Neri Colmenares và Carlos Zarate bày tỏ bất bình về cách Tổng thống Rodrigo Duterte đặt vấn đề với Trung Quốc liên quan đến phán quyết của Tòa trọng tài năm 2016. Theo ông Colmenares, Tổng thống Duterte đáng ra phải nêu phán quyết này trong lần gặp đầu tiên với Chủ tịch Tập Cận Bình hồi năm 2016. Tờ Philippine Daily Inquirer dẫn lời hạ nghị sĩ này cho rằng nếu phán quyết được nêu sớm hơn thì có thể đã ngăn chặn được Trung Quốc triển khai khí tài quân sự tại những khu vực chiếm đóng phi pháp trên Biển Đông. Ông Colmenares kêu gọi Tổng thống Duterte yêu cầu Trung Quốc tháo dỡ các căn cứ quân sự phi pháp và nếu nước này không thực hiện thì Philippines có thể đề nghị sự can thiệp và giám sát từ LHQ.

(Theo Thanh Niên) Bảo Vinh


Việc làm của ông tổng thống Philippnines chẳng khác nào động tác phất cờ trắng đầu hàng nhục nhã. Đây sẽ là tiền lệ xấu, giúp TQ tiếp tục chèn ép, bắt nạt các nước khác ở Biển Đông trong đó có Việt Nam.
Thương Giang

Thứ Sáu, 30 tháng 8, 2019

Bảo vệ khách sạn 5 sao Grand Plaza lĩnh 'bão' vì đuổi phụ nữ, trẻ em trú mưa giông

Cập nhật lúc 16:21                                  

Bão số 4 đã suy yếu nhưng khách sạn 5 sao Grand Plaza Hotel lại đang gặp “bão mạng” sau khi clip "tố" bảo vệ khách sạn này đuổi người dân, trong đó có phụ nữ và trẻ nhỏ vào tránh trú mưa bão chiều 29.8. 



Hình ảnh người đàn ông được cho là nhân viên khách sạn 5 sao Grand Plaza Hotel đuổi người dân vào trú mưa trước sảnh khách sạn được cộng đồng mạng lan truyền. Ảnh CTV

Clip nhân viên bảo vệ khách sạn 5 sao Grand Plaza Hotel ở đường Trần Duy Hưng (quận Cầu Giấy, Hà Nội) đuổi người dân, trong đó có phụ nữ và trẻ nhỏ vào sảnh tránh trú mưa giông do ảnh hưởng của bão số 4 phát tán trên mạng xã hội Facebook trong chiều tối 29.8 lập tức đã gây “bão mạng”.
Sau khi clip xuất hiện trên mạng đã có nhiều lượt share (chia sẻ) và bình luận. Đa số các bình luận thể hiện thái độ phẫn nộ và cho rằng việc nhân viên bảo vệ khách sạn đuổi người dân tránh trú mưa giông trước sảnh khách sạn là hành động vô cảm, thiếu tình người trong điều kiện thời tiết nguy hiểm. Đồng thời, không ít bình luận cho rằng, khách sạn 5 sao nhưng ứng xử không đáng 1 sao.
Nội dung clip thể hiện: một người đàn ông hơn 30 tuổi, mặc đồng phục khách sạn 5 sao Grand Plaza Hotel liên tục có hành động xua tay đuổi những người dân vào tránh trú mưa giông ở khu vực sảnh của khách sạn. Đáng chú ý, trong số những người dân có cả phụ nữ và trẻ nhỏ mặc đồng phục học sinh đang bị ướt.
Clip cũng thể hiện giữa mưa giông ào ào nhưng nhân viên bảo vệ khách sạn 5 sao Grand Plaza Hotel vẫn nói “không để xe đây được”… kèm theo hành động xua tay rất cương quyết yêu cầu người dân rời khỏi sảnh khách sạn dù nhiều người lên tiếng xin đứng trú nhờ.
Cuối clip thể hiện, tất cả những người dân vào trú đều phải rời đi trong khi trời vẫn mưa to gió lớn. Không ít người khi xem xong clip đều bày tỏ thái độ phẫn nộ hoặc xót xa cho tình người giữa cơn cuồng phong.
Tài khoản Tuấn Dũng trên mạng xã hội Facebook bình luận: “Khách sạn 5 sao hay 10 sao thì mưa to gió lớn cũng không thể nỡ đuổi người ta vào trú nhờ. Không thể chấp nhận được hành động đuổi phụ nữ, trẻ nhỏ ra đường đang mưa bão bao nguy hiểm”.
Gió to đến mức đổ cây, đổ xe mà bảo vệ khách sạn 5 sao lại lỡ đuổi người dân vào trú bão. Thật không xứng đáng với tiêu chuẩn khách sạn 5 sao”, là bình luận của tài khoản Phương Hà trên mạng.
 Sau khi clip được chia sẻ vài giờ, đánh giá trên Fanpage chính thức của Grand Plaza Hotel bị tụt hạng sao. Đánh giá trên Google của khách sạn cũng tụt hạng xuống còn 1/5 sao. Sau đó, chức năng đánh giá trên Fanpage Grand Plaza Hanoi Hotel đã bị tắt bởi Facebook với lý do có quá nhiều lượt đánh giá bất thường.
Bà Đàm Thu Huyền (36 tuổi), quản lý lễ tân tại khách sạn 5 sao Grand Plaza Hotel, cho biết thời điểm mưa bão đó có khách VIP của khách sạn đang sắp đến thì người dân đến đứng trú mưa ngay đường đi của khách VIP. Nhân viên chỉ tay hướng dẫn người dân sang phía cổng, phía đường hầm đứng trú mưa. Nhân viên khách sạn có chia sẻ lại là đã nói rất lịch sự chứ không nặng lời.

(Theo Thanh Niên) Đan Hạ


Lễ tân KS này đã có những thanh minh rằng nhân viên BV chỉ hướng dẫn mọi người ra chỗ khác tránh mưa. Tuy nhiên hình hảnh trong clip đã nói lên tất cả. Trong gió lốc và mưa mù mịt, người có xe máy dắt còn không vững thì có thể đi ra chỗ nào? Lãnh đạo KS này tốt nhất là có lời xin lỗi hơn là vạn lời thanh minh.
Thương Giang

Vốn FDI Trung Quốc dồn dập vào Việt Nam

Cập nhật lúc 16:06                                 
Trong 8 tháng đầu năm 2019, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Trung Quốc vào Việt Nam đã vươn lên dẫn đầu, vượt qua Hàn Quốc, Nhật Bản. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc là một trong những nguyên nhân khiến dòng vốn FDI Trung Quốc đổ dồn vào Việt Nam.


Chiến tranh thương mại khiến vốn FDI Trung Quốc đổ dồn vào Việt Nam. Ảnh minh hoạ

Tổng cục Thống kê cho biết, từ đầu năm đến nay, cả nước thu hút được 2.406 dự án cấp phép mới, tăng 25,4%. Tổng vốn đăng ký đạt 9,1 tỷ USD, giảm 32,3% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2018.

Trong số 68 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam, Trung Quốc là nhà đầu tư lớn nhất với gần 1,9 tỷ USD, chiếm 20,6% tổng vốn đăng ký cấp mới. Nhà đầu tư Hàn Quốc và Nhật Bản đã tụt xuống phía sau.

Trước đó, năm 2017, vốn FDI Trung Quốc và Hồng Kông đạt 3,7 tỷ USD, năm 2018 tăng lên 5,8 tỷ USD và 6 tháng đầu năm 2019 đã đạt 7,59 tỷ USD.

Theo nguyên Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển, trong điều kiện chuyển đổi công nghệ mới, Trung Quốc có xu hướng đẩy công nghệ cũ ra nước ngoài. Tuy nhiên, quan trọng nhất là quyền lựa chọn nhà thầu, công nghệ, dự án đầu tư của Việt Nam.

“Chúng ta vay vốn Trung Quốc phải có điều kiện giám sát chặt trong nước. Như trường hợp của dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông chậm, có lỗi của cơ quan quản lý của Việt Nam thay đổi kết cấu, giám sát chưa chặt chẽ. Vì vậy, chúng ta phải nâng cao tinh thần trách nhiệm, năng lực để lựa chọn nhà thầu, lựa chọn vốn đầu tư, tránh việc ham giá rẻ như trước đây”, ông Tuyển khuyến cáo

Bên cạnh đó, cả nước còn có 908 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm đạt 3,98 tỷ USD, giảm 28,6% so với cùng kỳ năm trước. Tổng số vốn đăng ký cấp mới và vốn tăng thêm trong 8 tháng năm nay đạt 13,1 tỷ USD, giảm 31,2% so với cùng kỳ năm 2018. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 8 tháng ước tính đạt 12 tỷ USD, tăng 6,3% so với cùng kỳ năm trước.

Trong 8 tháng còn có 5.235 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn là 9,51 tỷ USD, tăng 80% so với cùng kỳ năm 2018, trong đó có 872 lượt góp vốn, mua cổ phần làm tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp với giá trị vốn góp là 5,9 tỷ USD và 4.363 lượt nhà đầu tư nước ngoài mua lại cổ phần trong nước mà không làm tăng vốn điều lệ với giá trị 3,61 tỷ USD.

Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất với số vốn đăng ký của các dự án được cấp phép mới đạt 6.807,1 triệu USD, chiếm 74,6% tổng vốn đăng ký cấp mới. Ngành hoạt động kinh doanh bất động sản ở vị trí thứ 2 với 852,3 triệu USD, chiếm 9,3%.

(Theo Tiền Phong) QUỲNH NGA

Các hãng bay đồng loạt từ chối bán vé cho nữ công an Lê Thị Hiền

Cập nhật lúc 15:30                
Vietnam Airlines, Bamboo Airways, Vietjet vừa triển khai yêu cầu của nhà chức trách hàng không về việc từ chối bán vé máy bay, ngăn chặn việc đặt chỗ đối với nữ công an Lê Thị Hiền - người bị cấm bay do “mạt sát” nhân viên hàng không và chống người thi hành công vụ mới đây.


Cục Hàng không ra quyết định cấm bay 12 tháng đối với bà Lê Thị Hiền

Theo Cục Hàng không Việt Nam, bà Lê Thị Hiền (36 tuổi, trú tại Hà Nội) đã có hành vi vi phạm trật tự công cộng, gây rối tại cảng hàng không, sân bay, không hợp tác, to tiếng chửi bới, có lời lẽ thô tục xúc phạm, lăng mạ nhân viên thủ tục hàng không; có hành vi hành hung, dùng tay nắm tóc và dùng chân đạp vào người nhân viên kiểm soát an ninh hàng không đang làm nhiệm vụ.

Cục Hàng không Việt Nam đã ra quyết định đối với bà Lê Thị Hiền trong thời hạn 12 tháng, từ ngày 27/8/2019 đến ngày 26/8/2020. Sau thời hạn cấm bay, bà Hiền sẽ phải chịu sự kiểm tra trực quan bắt buộc 12 tháng tiếp nếu có nhu cầu đi lại bằng đường hàng không, trong thời hạn 27/8/2020 - 26/8/2021.

Trong văn bản số 8025/TCTHK-CNKVMB ngày 27/08/2019, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) gửi các đại lý bán vé với nội dung: Căn cứ Công văn số 188/TCTHK-ANHK ngày 26/8/2019 của Phòng An ninh hàng không, Vietnam Airlines - Chi nhánh Vietnam 3 miền, triển khai tới các đại lý bán vé, thông báo về việc cấm vận chuyển và kiểm tra trực quan bắt buộc có thời hạn đối với bà Lê Thị Hiền.

Vietnam Airlines yêu cầu các đại lý bán vé máy bay cập nhật thông tin về Đại úy Lê Thị Hiền (sinh năm 1983, công tác tại tổ Xử lý vi phạm thuộc Đội CSGT trật tự cơ động Công an quận Đống Đa, Hà Nội); kịp thời phát hiện, ngăn chặn bà Lê Thị Hiền khi làm thủ tục đặt chỗ và bán vé trong thời hạn cấm vận chuyển.

Trao đổi với PV Dân trí, đại diện Jetstar Pacific - thông tin việc thực hiện quyết định cấm bay của nhà chức trách hàng không đối với bà Lê Thị Hiền. Jetstar Pacific đã triển khai việc ngăn chặn đặt chỗ và không bán vé máy bay cho bà Hiền ngay từ ngày 27/8.

Đại diện hãng hàng không Bamboo Airways cũng cho PV Dân trí biết, ngay sau khi Cục Hàng không ra quyết định cấm bay đối với bà Lê Thị Hiền, hãng đã có thông báo triển khai trên toàn hệ thống về việc cấm vận chuyển, từ chối bán vé máy bay cho Lê Thị Hiền, không cung cấp dịch vụ đi lại bằng máy bay của hãng.

Như đã đưa tin, chiều 11/8, tại sảnh A - ga đi quốc nội, Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất - TPHCM, bà Lê Thị Hiền (Trung Hoà, Cầu Giấy, Hà Nội) đi cùng chồng và con đến làm thủ tục chuyến bay VN248, hành trình TPHCM - Hà Nội.

Khi làm thủ tục, bà Hiền đã gửi 4 kiện hành lý đủ tiêu chuẩn miễn cước, nhưng sau đó tiếp tục yêu cầu được ký gửi miễn cước thêm 1 kiện hành lý khác. Do đã quá cước nên nhân viên làm thủ tục đã không đồng ý.

Bị từ chối miễn cước hành lý, bà Hiền tỏ thái độ bức xúc, to tiếng bằng những lời lẽ thô tục với nhân viên hàng không, không hợp tác giải quyết sự việc. Khi di chuyển đến khu vực an ninh soi chiếu, bà Hiền làm mất thẻ lên máy bay và quay lại quầy thủ tục lớn tiếng quát tháo, “mạt sát” nhân viên tại đây.

Trước những lo ngại đến vấn đề an ninh, an toàn của chuyến bay, đại diện hãng hàng không tại sân bay đã quyết định “cắt chuyến”, từ chối vận chuyển bà Hiền trên chuyến bay VN248 đi Hà Nội.

Trong quá trình giải quyết vụ việc, Đồn công an Cảng Hàng không Tân Sơn Nhất đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 200.000 đồng đối với khách Lê Thị Hiền. Mức phạt này một lần nữa gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Theo Dân trí
Quan trắc 1 km quanh Công ty Rạng Đông giữa nghi vấn rò rỉ thủy ngân

Cập nhật lúc 15:25               

Sáng 30/8, đơn vị quan trắc thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã đến hiện trường vụ cháy Công ty Rạng Đông kiểm tra, ghi nhận số liệu về chất lượng không khí.

Sáng 30/8, theo quan sát của Zing.vn, một đoàn khoảng 10 kỹ thuật viên đã đến ngõ 342 Khương Đình, quận Thanh Xuân để thực hiện đo đạc, kiểm tra chất lượng không khí tại đây. Công tác được tiến hành sau hơn một ngày xảy ra vụ cháy ở Công ty bóng đèn phích nước Rạng Đông.

Quan trắc bán kính 1 km
Đây là nhóm kỹ thuật viên và nhân viên của Chi cục Bảo vệ môi trường và Trung tâm quan trắc và phân tích tài nguyên môi trường thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội. Việc quan trắc thực hiện ở bán kính 1 km quanh nhà máy, mỗi điểm dừng 1 giờ.


Kỹ thuật viên của Trung tâm quan trắc và phân tích tài nguyên môi trường thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội ở khu vực Công ty Rạng Đông sáng 30/8. Ảnh: Hồng Quang.

Một kỹ thuật viên cho biết dữ liệu sẽ được gửi về trung tâm phân tích, đánh giá sau đó sẽ công bố sau. Tuy nhiên, người này từ chối cho biết đo đạc những loại khí và chỉ số gì.

Bà Châu, người dân ngõ 342 Khương Đình, cho biết từ khi xảy ra vụ cháy gia đình rất hoang mang trước mùi khét từ khói bốc ra. Sáng nay khi thấy xe quan trắc môi trường đến gia đình thấy lo sợ hơn nên quyết định bỏ nhà đi tới nhà người quen ở.

Trao đổi với Zing.vn, đại diện Bộ TN&MT cho biết Bộ đã yêu cầu UBND Hà Nội báo cáo. Bộ giao Tổng cục Môi trường phối hợp với TP, thực hiện công tác quan trắc, đánh giá hiện trạng môi trường sau vụ cháy. Đoàn công tác sẽ thực hiện việc lấy mẫu nước, không khí và đất xung quanh khu vực để đánh giá mức độ, thực trạng môi trường.


Bà Châu, người dân ngõ 342 Khương Đình. Ảnh: Hồng Quang.

Trên cơ sở đó, cơ quan quản lý sẽ đưa ra những khuyến cáo phù hợp cho người dân. Dự kiến, đoàn quan trắc của Tổng cục Môi trường đến làm việc ngay trong chiều nay.

Trước đó, sáng 29/8, một ngày sau vụ cháy, PV ghi nhận rất nhiều bóng đèn cháy đen, vỡ nát tại hiện trường. Một số ý kiến lo ngại vụ hỏa hoạn có thể làm rò rỉ thủy ngân, phốt pho ra môi trường xung quanh gây nguy hiểm cho người dân.

Chưa ghi nhận trường hợp bị ảnh hưởng sức khỏe
Trao đổi với Zing.vn, Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho hay việc cảnh báo người dân tự bảo vệ sức khỏe vì lo ngại tác động từ vụ cháy công ty Rạng Đông, đặc biệt là ảnh hưởng của thủy ngân sau vụ cháy là chỉ đạo của phường và quận. Hiện, chưa có cơ sở khoa học nào khẳng định việc này.

Chủ tịch TP cho biết ông đang giao cho các cơ quan giám định phối hợp với các đơn vị chức năng, cơ quan chuyên môn xuống kiểm tra và đo các chỉ số, sau đó mới có thể công bố.

Trong khi đó, sáng 30/8, UBND quận Thanh Xuân cung cấp một số nội dung liên quan đến vụ cháy và vấn đề môi trường sau cháy tại kho chứa hàng thuộc Công ty cổ phần bóng đèn phích nước Rạng Đông. UBND quận đang tập trung chỉ đạo các đơn vị thuộc quận phối hợp với các cơ quan chức năng chuyên môn của Thành phố để kiểm tra, xác định kết quả và sẽ có báo cáo gửi thành phố để chỉ đạo, thông tin đến báo chí.


Hàng nghìn bóng đèn huỳnh quang bị vỡ, cháy rụi sau vụ hỏa hoạn. Ảnh: Việt Linh.


Đại diện Trung tâm Y tế quận Thanh Xuân sáng 30/8 cũng cho biết đơn vị đã cử cán bộ đến thăm hỏi, khảo sát sức khỏe các hộ dân xung quanh. Đến nay, đơn vị chưa ghi nhận trường hợp người dân nào sức khỏe bị ảnh hưởng.

"Có một số người bị mệt, nhưng do họ thức trắng đêm hôm xảy ra cháy, cũng chưa thấy ai nhập viện hay gặp tình huống nguy hiểm cả", đại diện Trung tâm thông tin.

Thượng tá Nguyễn Văn Thắng, Phó trưởng Công an quận Thanh Xuân, nói đơn vị chưa ghi nhận trường hợp chiến sĩ tham gia chữa cháy phải đi khám vì nhiễm độc sau vụ hỏa hoạn.

"Bản thân tôi trực tiếp tham gia công tác chỉ đạo chữa cháy, đến nay sức khỏe vẫn bình thường, không phải đi khám", thượng tá Thắng nói.

Ngày 29/8, Phó chủ tịch UBND phường Hạ Đình Trần Thị Nhiên ký thông báo cho biết sau đám cháy kho của Công ty bóng đèn phích nước Rạng Đông, tồn dư khói bụi, không khí nhiễm bẩn, gây ảnh hưởng sức khỏe cán bộ, viên chức tại một số khu vực và cơ quan, đơn vị, trường học trên địa bàn.

Phường Hạ Đình nằm giáp ranh phường Thanh Xuân Trung, nơi có nhà kho bị cháy. Do đó, UBND phường khuyến nghị người dân không tiêu thụ các loại rau, hoa quả, gia cầm, cá, lợn... trong bán kính 1 km kể từ tâm đám cháy trong thời gian 21 ngày. Các loại rau, trái cây tự trồng trong bán kính 500 m cần được tiêu huỷ.

"Cần sơ tán trẻ nhỏ, người già, ốm bệnh ra khỏi khu vực chịu ảnh hưởng của cháy, thời gian sơ tán từ 1 đến 10 ngày", thông báo của UBND phường Hạ Đình nêu.

Tuy nhiên, theo UBND quận Thanh Xuân, sáng nay (30/8), Chủ tịch UBND phường Hạ Đình đã ký quyết định thu hồi văn bản với lý do “không đúng thẩm quyền và nội dung chưa đủ cơ sở”. Quận Thanh Xuân khẳng định sẽ chủ động cập nhật kịp thời khi có đủ thông tin chính xác.

Nhóm phóng viên Zing.vn