Thứ Ba, 7 tháng 5, 2019

Phản biện dự án lấn sông Hàn: Tranh cãi trái chiều về việc dừng hay tiếp tục thực hiện

Cập nhật lúc 16:35                                 

Có chuyên gia đồng tình, có người phản đối và đưa ra các quan điểm trái chiều về hai dự án bên sông Hàn gồm Marina Complex và Olalani, TP Đà Nẵng tại hội thảo phản biện 2 dự án này.

Ngày 7-5, UBMTTQ Việt Nam TP Đà Nẵng đã tổ chức hội thảo phản biện xã hội đối với hai dự án Marina Complex của Công ty TNHH Bến du thuyền Đà Nẵng và dự án Olalani Riverside Tower của Công ty CP Mỹ Phúc. 
Tại đây, nhiều nhà khoa học, chuyên gia đã nêu hai luồng ý kiến trái chiều, tranh luận nảy lửa, một là cho rằng các dự án trên ảnh hưởng đến dòng chảy tự nhiên của sông Hàn và đề nghị dừng triển khai, hai là đề nghị tiếp tục thực hiện dự án bởi đã được cấp phép, đầy đủ hồ sơ pháp lý. Cũng có ý kiến cho rằng, nếu tạm dừng việc triển khai các dự án sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường đầu tư của TP Đà Nẵng, thiệt hại cho nhà đầu tư…
 Phản biện dự án lấn sông Hàn: Tranh cãi trái chiều về việc dừng hay tiếp tục thực hiện - Ảnh 1.
Giáo sư- Tiến sĩ Phạm Thị Hương Lan cho rằng dự án Marina Complex không ảnh hưởng nhiều đến dòng chảy sông Hàn
Bà Nguyễn Thị Như Loan, Tổng GĐ Công ty CP Quốc Cường Gia Lai- đại diện chủ đầu tư dự án Marina Complex cho rằng, thiệt hại về kinh tế sẽ xảy ra nếu đề nghị dừng dự án sau một thời gian dài mà công ty đã thực hiện. Bà Loan cho rằng việc phản biện cần được xem xét tổng quan và toàn diện các vấn đề kinh tế, xã hội và pháp luật. "UBND TP Đà Nẵng, các Sở, ngành đã triển khai các dự án 2 bờ sông Hàn nhiều năm qua, song các tổ chức chính trị, đoàn thể xã hội đều không có ý kiến phản biện hoặc không tổ chức các hội nghị phản biện quy mô như hôm nay" – Bà Loan nói.
Bà Loan cũng giải thích thêm, khi quyết định đầu tư vào dự án Marina Complex, Công ty biết rằng các dự án triển khai hai bên bờ sông Hàn, đặc biệt là các dự án tiếp giáp với cửa biển, đều được xây dựng, phê duyệt trên cơ sở kết quả khảo sát địa chất, đánh giá tác động môi trường, đối với dòng chảy sông Hàn, nhất là khả năng thoát lũ khi vào mùa lũ. Trước khi chấp thuận chủ trương đầu tư và phê duyệt quy hoạch dự án, UBND TP Đà Nẵng đã rất thận trọng chỉ đạo các cơ quan chức năng nghiên cứu, tham vấn ý kiến các nhà khoa học, các chuyên gia trong lĩnh vực thủy lợi, giao thông đường thủy của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Tất các những vấn đề quan trọng của việc phê duyệt, thực hiện một dự án mang tính chất nhạy cảm mà người dân rất quan tâm (đặc biệt là tác động của các dự án đối với việc thoát lũ, dòng chảy, luồng tuyến đường thủy và hàng hải) đều đã được các cơ quan chức năng của Thành phố Đà Nẵng giải quyết trên cơ sở khoa học và các căn cứ pháp luật; được các nhà chuyên môn, các nhà khoa học và các Bộ, ngành liên quan cho ý kiến. 
"Quan trọng hơn, công ty chỉ làm tiếp để hoàn thành đoạn bờ kè đã làm dở dang mà trước đây Bộ Nông nghiệp PTNT đã làm đến đoạn dự án của chúng tôi thì chậm vì kinh phí nên ngưng và không tiếp tục làm tiếp, nên chúng tôi cũng cùng góp sức làm tiếp và theo thiết kế cũ của Bộ NN và PTNN đã thi công", Bà Loan thông tin. 
Bà Laon cho rằng, đến nay 2 vấn đề lớn của dự án là  hồ sơ pháp lý và tác động môi trường (bao gồm cả tác động đến dòng chảy sông Hàn, nhất là vào mùa lũ) đã được chính quyền Thành phố Đà Nẵng xem xét giải quyết trước khi có quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, phê duyệt quy hoạch tỷ lệ 1/500 để Công ty thực hiện dự án. Thực tế dự án đã triển khai 3 năm qua và bước vào giai đoạn cuối, 2 vấn đề nêu trên thực chất không còn tồn tại để chúng ta giải phải giải quyết ở giai đoạn này.
Ông Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Đà Nẵng thì cho rằng việc lấn sông và lấn ở cửa sông như dự án Marina Complex là không ổn. Ông Tiếng đề nghị không triển khai dự án Marina Complex và các dự án tương tự như trên ở sông Hàn. Tuy nhiên, cũng theo ông Tiến, quyết định cho tiếp tục triển khai thì dễ hơn so với quyết định không cho triển khai và nhận định lỗi này hoàn toàn không phải do nhà đầu tư. "Nếu không cho thực hiện thì quyền lợi của nhà đầu tư ra sao? Ai sẽ chịu chi phí hậu quả xây kè lấn sông. Việc này gây hệ lụy dây chuyền trong việc rà soát các dự án lấn sông Hàn, phải giải quyết triệt để các dự án nhưng không khéo rơi vào tình cảnh "chỗ triệt chỗ để" – Ông Tiếng nói.
 Phản biện dự án lấn sông Hàn: Tranh cãi trái chiều về việc dừng hay tiếp tục thực hiện - Ảnh 2.
Dự án Marina Complex
Đồng quan điểm trên, KTS Hồ Duy Diệm – nguyên Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch TP Đà Nẵng cho rằng, kè của người Pháp xây ngay nơi thực hiện dự án Marina Complex là kè mềm nhằm đẩy bùn đất ra xa. Chính vì thế, Cảng Tiên Sa có lợi thế hơn các cảng khác là không phải nạo vét.  Ông Diệm đề nghị cơ quan chức năng thống kê toàn bộ diện tích mà TP Đà Nẵng đã lấn sông Hàn trong mấy chục năm qua, công khai cho dư luận rõ.
Trong khi đó, PGS TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam thì cho rằng, các vấn đề phản biện về những dự án ven sông Hàn nêu trên đều đã cũ. "Nếu Thành ủy và UBND TP Đà Nẵng muốn đưa ra câu trả lời xác đáng là đánh đổi để phát triển hơn cho Đà Nẵng. Còn nếu cứ nhìn vào việc, một dự án xây lên là nhà đầu tư hưởng lợi còn dân không được gì là không công bằng. Không nên dùng thuật ngữ khoa học để đánh vào tình cảm con người và kích động" – Ông Thiên nói.
Cũng theo ông Thiên, làm khoa học phải có tính công khai, minh bạch. Trong câu chuyện này, ông cho rằng, luận cứ khoa học là đúng nhưng có thể bị lợi dụng. "Kết luận dừng dự án sẽ ảnh hưởng đến môi trường đầu tư như thế nào. Nếu không ai dám quyết định thì dự án sẽ ngưng trệ và ảnh hưởng đến nhà đầu tư. Phải coi lợi ích của nhà đầu tư là lợi ích phát triển còn nếu xem nó đối lập với lợi ích của người dân là phiến diện, lệch lạc và méo mó" – Ông Thiên khẳng định.
 Phản biện dự án lấn sông Hàn: Tranh cãi trái chiều về việc dừng hay tiếp tục thực hiện - Ảnh 3.
Ông Bùi Văn Tiếng phát biểu tham luận
Ông Tô Hùng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Đà Nẵng cho biết, trong Luật Tài nguyên nước không nói di dời hay tháo dỡ dự án nằm trong hành lang bảo vệ nguồn nước mà phải có biện pháp hạn chế gây ô nhiễm. Bên cạnh đó, dự án Marina Complex được cấp phép trước khi Luật Tài nguyên nước ra đời năm 2012 và có hiệu lực vào đầu năm 2013. Nói về tính pháp lý của dự án, ông Hùng cho hay, kết luận của Thanh tra Chính phủ, xác minh dự án không thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất đồng thời kiến nghị thu bổ sung tiền sử dụng đất đối với diện tích đất ở đô thị đối với việc điều chỉnh dự án này.  Trong kiến nghị của TP Đà Nẵng, đối với những trường hợp không đấu giá sử dụng đất ở dự án trên phải thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng do đó dự án này không thuộc trường hợp phải đấu giá sử dụng đất.
Cũng theo ông Hùng, qua thẩm định lại hồ sơ dự án, Sở Tài nguyên và Môi trường TP Đà Nẵng thời điểm đó được ủy quyền thành lập hội đồng thẩm định và thực hiện đúng quy trình, những người tham gia là các chuyên gia có kinh nghiệm trong đó có ông Huỳnh Vạn Thắng, Nguyên Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn TP Đà Nẵng. "
Hội đồng khi đó đã thận trọng và đánh giá tất cả những vấn đề mà dư luận nêu ra hôm nay. Sau xem xét và tính toán, hội đồng đã đánh giá dự án có ảnh hưởng nhưng không lớn đến những vấn đề nêu lên. Trên cơ sở tham mưu của Sở Tài nguyên và Môi trường thì TP Đà Nẵng đã ban hành dự án" – Ông Hùng trình bày. 
Ông Huỳnh Vạn Thắng cho biết chính ông là người có trong hội đồng đánh giá tác động môi trường đối với dự án trước khi cấp phép. "Sau khi xem các báo cáo, chạy các chương trình mô phỏng các trận lũ, các kịch bản lũ thiết kế, thấy rằng nó có ảnh hưởng nhưng mức độ ảnh hưởng nhỏ. Thậm chí dưới tác động hướng dòng, nó ảnh hưởng quá nhỏ. Ngoài ra các yếu tố khác như vận tốc, hướng chảy thay đổi không đáng đáng kể. Như vậy, khi không thay đổi, những ảnh hưởng sau dòng chảy được đảm bảo" – Ông Thắng khẳng định.
Dự án Marina Complex nằm cuối tuyến đường Bạch Đằng Đông (quận Sơn Trà, Đà Nẵng) do Công ty CP Bến duy thuyền Đà Nẵng làm chủ đầu tư đã được điều chỉnh quy hoạch 4 lần theo hưởng giảm mật độ xây dựng, tăng diện tích cây xanh, giao thông và các phương tiện công cộng. Dự án có quy mô đất ở kinh doanh từ 7,9ha giảm còn 4,7ha sau khi điều chỉnh quy hoạch; diện tích đất cây xanh từ 0,7ha lên 2,4ha, giao thông từ 1,3ha lên 2,7ha, giảm diện tích mặt nước từ 6,3ha còn ha. Ngoài ra, dự án đã 2 lần được thông qua đánh giá tác động môi trường vào các năm 2011 và 2017.
Dự án Olalani Riverside Tower do Công ty CP Mỹ Phúc làm chủ đầu tư, nằm cuối tuyến đường Bach Đằng Đông được phê duyệt quy hoạch năm 2016 với diện tích 77.42m2 để sử dụng làm đất thương mại, dịch vụ cao tầng. Năm 2007, UBND TP Đà Nẵng tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất dự án trên và Công ty Mỹ Phúc trúng đấu giá.
(Theo Người Lao Động) B. Vân
Can thiệp vào thiên nhiên sẽ có tác động lâu dài, nguy hại. Người ta chỉ thấy cái lợi “tấc nước tấc vàng”. Nhà khoa học trên ủng hộ “phá” thiên nhiên chắc được doanh nghiệp “thuê” rồi! Ai cũng lấn sông thì chẳng mấy nữa sông Hàn sẽ bé tí!
Thương Giang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét