Thứ Ba, 4 tháng 9, 2018

Đòi tước còi trọng tài, người Hàn lên tiếng vì lẽ phải

Cập nhật lúc 15:10               

Sau trận tranh HCĐ môn bóng đá nam ASIAD, người Hàn Quốc đã lên tiếng đòi tước còi trọng tài bắt trận Việt Nam- UAE.



Sau những thể hiện kém cỏi trong trận Việt Nam- UAE, trọng tài Kim Dae-yong bị đề nghị treo còi.

Một câu chuyện đang gây xôn xao mạng xã hội và khiến nhiều người bàn luận hôm qua, đó là chuyện các CĐV và người dân Hàn Quốc mới đây gửi kiến nghị lên Tổng thống Moon Jae-in, đề nghị treo còi vĩnh viễn trọng tài Kim Dae-yong, thông qua cổng thông tin president.go.kr. Nguyên nhân là ông này đã thể hiện một năng lực quá yếu trong trận Việt Nam gặp Các Tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất (UAE)
Ở mục Kiến nghị, ngoài rất nhiều vấn đề nổi cộm trong xã hội Hàn Quốc, người hâm mộ cũng mong Tổng thống Moon Jae-in có hình thức xử lý trọng tài Kim. Chiến dịch này có tên "Tước quyền hoạt động bóng đá của trọng tài Kim Dae-yong".
"Trọng tài điều khiển trận đấu ở mức độ buồn nôn", hay "sự ô nhục quốc tế, khi đây là những điều cơ bản mà hầu như người không am hiểu bóng đá cũng bất bình", lá đơn kiến nghị nhấn mạnh. Lá đơn tiếp tục: "Nếu trọng tài có vấn đề thị lực, ông nên phẫu thuật ngay. Liệu ông có đủ điều kiện để làm trọng tài quốc tế, điều khiển trận bóng đá quan trọng?".
Nội dung cuối cùng trong đơn nhấn mạnh: "Trọng tài Kim là chất độc với sự phát triển của bóng đá. Ở đất nước Hàn Quốc, không ai được phép làm vậy".


Hơn 25.000 người ký tên vào đơn, đa phần là người Hàn Quốc kiến nghị gửi đến Tổng thống Hàn Quốc, mong mỏi ông tước quyền điều khiển các trận đấu của trọng tài Kim Dae-yong. Ảnh Trí thức trẻ

Đó là một lá đơn kiến nghị thú vị với người Việt Nam, không chỉ bởi nó liên quan đến đội tuyển bóng đá U23 Việt Nam, mà nó cho chúng ta thấy tính cách người Hàn Quốc, cách mà họ ứng xử với những sai trái trong xã hội.
Những người Hàn Quốc không chọn cách im lặng, xuê xoa cho qua câu chuyện để “giữ thể diện” quốc gia khi có 1 trọng tài bắt yếu kém ở một giải đấu quốc tế. Ban tổ chức ASIAD có thể bỏ qua những lỗi mười mươi gây phẫn nộ của vị trọng tài Kim Dae-yong. Nhưng những người đồng hương của ông này thì nhất quyết không bỏ qua.
Bằng chứng họ đã gửi một lá đơn kiến nghị lên Tổng thống của nước mình, đề nghị trừng phạt ông trọng tài yếu kém này bằng hình thức “treo còi vĩnh viễn”. Đó chỉ là một ví dụ cho thấy, người Hàn Quốc khá quyết liệt với cái sai.
Có thể điều này không phản ánh toàn diện cách mà xã hội Hàn Quốc phản ứng quyết liệt với cái sai, tẩy chay cái xấu ra khỏi cộng đồng, nhưng chí ít nó cũng cho chúng ta một manh mối để lý giải sự phát triển vượt bậc và thần kỳ của quốc gia châu Á này. Đó là không chấp nhận cái xấu, điều sai trái, quyết liệt lên tiếng tẩy chay nó ra khỏi cộng đồng.
Cứ tưởng tượng, bất cứ một người Hàn Quốc nào, không chỉ là ông trọng tài kia, mà có thể là một quan chức, một nghệ sĩ, một viên chức… làm điều gì xấu, gây phẫn nộ cho cộng đồng cũng bị lên án, bị tẩy chay quyết liệt như thế, hẳn là họ sẽ không bao giờ dám tái phạm, họ sẽ phải dành cả phần đời của mình để sám hối.
Thái độ đối với cái xấu, điều sai thể hiện quan điểm của một cộng đồng, đó là điều rất đáng để chúng ta suy ngẫm. Nếu chúng ta thỏa hiệp với cái xấu, có thái độ “nửa nạc nửa mỡ” với những hành động xấu, những cái xấu đó sẽ tiếp tục tồn tại và phát triển mạnh. Ngược lại, nếu chúng ta đồng lòng lên tiếng và bày tỏ thái độ rõ rệt, cái xấu sẽ phải chịu thua, phải dừng bước.
Một xã hội công bằng, văn minh là khi cái tốt được biểu dương, tán thành, cái xấu bị lên án, tiêu diệt, cho dù đó chỉ là những tiếng còi kém cỏi của một vị trọng tài hay một quan chức tham ô hàng ngàn tỷ đồng. Chắc chắn với thái độ này, người Hàn Quốc sẽ bảo vệ được lẽ phải, điều tốt và những chuẩn mực trong xã hội của họ.
Đó cũng là một điều rất đáng để nhìn và học hỏi.
(Theo Đất Việt) Mi An

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét