Sách
Công nghệ giáo dục: Câu hỏi thẳng gửi giáo sư Hồ Ngọc Đại
Cập nhật lúc 16:27
“Tôi hoàn toàn ủng hộ cách
dạy tiếng Việt một cách khoa học, đi vào bản chất, dạy ngữ âm trước, dạy ngữ
nghĩa, ghép vần, ngữ pháp, văn phạm sau. Nhưng có 4 vấn đề tôi chưa rõ, rất
mong Giáo sư chỉ bảo để tôi có thể hiểu rõ, từ đó toàn tâm, toàn ý ủng hộ
chương trình Công nghệ giáo dục của Giáo sư.”
LTS:Ngay sau cuộc trò chuyện trực tuyến của
Giáo sư Hồ Ngọc Đại với chuyên mục Góc nhìn
thẳng/Báo VietnamNet về những tranh cãi liên quan tới sách Công nghệ giáo
dục, chúng tôi đã nhận được rất nhiều ý kiến phản hồi của độc giả. Tôn trọng
tính đa chiều của truyền thông, Tuần Việt Nam xin đăng tải ý kiến của độc giả
Đoàn Văn Báu. Mời quý vị cùng theo dõi và tranh luận thêm.
Thư gửi Giáo sư
Hồ Ngọc Đại
Giáo sư Hồ Ngọc
Đại kính mến!
Lời đầu tiên, kính chúc Giáo sư luôn mạnh khỏe, tràn đầy nhiệt huyết, năng lượng tiếp tục cống hiến cho khoa học và nền giáo dục nước nhà.
Là người nghiên
cứu về lĩnh vực Tâm lý học, tôi đã được nghe danh Giáo sư từ lâu và rất
ngưỡng mộ Giáo sư về phẩm chất và năng lực, đặc biệt trên lĩnh vực khoa học,
giáo dục… Giáo sư là Thầy của các thầy trên lĩnh vực Tâm lý học ở Việt Nam,
trong số đó rất nhiều người là Thầy dạy tôi.
Trước đây, tôi
đã từng nghe nói đến chương trình thực nghiệm,
trường thực nghiệm với nhiều lời khen từ phụ huynh, học sinh, giới trí thức…
nhưng chưa có dịp tìm hiểu kỹ. Vừa rồi, qua các phương tiện truyền thông,
mạng xã hội… rất nhiều người quan tâm đến triết lý giáo dục, công nghệ giáo
dục, sách Tiếng Việt công nghệ giáo dục… của Giáo sư. Tôi cũng cố gắng không
để bị chi phối bởi những quan điểm, đánh giá của bất kỳ cơ quan, tổ chức, cá
nhân nào mà luôn tâm niệm phải đứng trên một quan điểm khách quan nhất để
nhìn nhận nghiêm túc về vấn đề này. Và, cho dù có cố gắng đến đâu tôi vẫn
luôn dành sự thiện cảm, trân quí, ngưỡng mộ dành cho Giáo sư nên cũng bị chi
phối nhất định theo hướng tìm ra những điểm tích cực trong triết lý giáo dục,
sách Tiếng Việt theo công nghệ giáo dục, qua các bài trả lời phỏng vấn mới
nhất của Giáo sư.
Tối nay, tôi đã
dành hơn 1 giờ để xem trọn bài phỏng vấn của Nhà báo
Phạm Huyền với Giáo sư trên
chương trình “Góc nhìn thẳng” của báo Vietnamnet. Trước đó tôi cũng xem nhiều
bài trả lời phỏng vấn của Giáo sư, bản thân đã đi tìm kiếm, nhờ bạn bè tìm
kiếm để có được cuốn sách “Tiếng Việt lớp 1 – Công nghệ giáo dục” nhưng thực
sự không thể tìm ra vì không có nhà sách nào ở Tp HCM bán, phải nhờ bạn bè ở 50
tỉnh đã triển khai chương trình công nghệ giáo dục kiếm hộ may ra mới có.
Mặc dù đã cố
gắng tìm hiểu nhưng có lẽ do hạn chế về năng lực, trình độ nên cho đến nay
mặc dù đã nắm được, thông suốt một số vấn đề cơ bản nhưng bên cạnh đó cũng
còn một số vấn đề còn chưa rõ, cần Giáo sư giải đáp.
Trước hết, tôi
khẳng định, tôi hoàn toàn ủng hộ cách dạy tiếng Việt một cách khoa học, đi
vào bản chất, dạy ngữ âm trước, dạy ngữ nghĩa, ghép vần, ngữ pháp, văn phạm
sau. Đây là cách học ngôn ngữ một cách tự nhiên nhất và hầu hết các nước có
nền giáo dục phát triển trên thế giới đều làm như vậy và đã làm như vậy có
khi trước cả khi Giáo sư dạy học theo công nghệ giáo dục.
Tôi cũng hoàn
toàn ủng hộ triết lý giáo dục của Giáo sư với mục tiêu “Giáo dục để học sinh
trở thành chính mình” và càng ủng hộ hơn với khẩu hiệu “Học tập là hạnh phúc.
Mỗi ngày đến trường náo nức một ngày vui”. Và, đặc biệt, tôi rất ủng hộ Giáo
sư về việc đánh giá kết quả học tập của học sinh, không chạy theo thành tích,
bằng cấp như hiện nay.
Tuy nhiên, qua
tìm hiểu về nội dung sách “Tiếng Việt lớp 1 - Công nghệ giáo dục” và các bài
trả lời phỏng vấn của Giáo sư, tôi thực sự chưa rõ một số vấn đề sau, rất
mong giáo sư giải đáp.
1. Chương trình “Công nghệ
giáo dục” của giáo sư có phải là chương trình thực nghiệm hay dạy đại trà?
Thực tế, có
nhiều công trình khoa học trên thế giới thực hiện thực nghiệm khoa học trong
một thời gian dài, có khi trên 40 năm. Tuy nhiên, để tiến hành thực nghiệm
một giải pháp mới, nhà khoa học cần phải đo chuẩn đầu vào, đánh giá đầu ra để
kiểm nghiệm xem giải pháp có tính khả thi hay không. Nếu thực sự giải pháp
khả thi mới được triển khai, nhân rộng.
Vậy, xin hỏi
Giáo sư, trong số 800.000 học sinh đã học qua công nghệ giáo dục, đã tiến
hành kiểm tra đánh giá chất lượng đầu vào, đầu ra chưa để khẳng định hiệu quả
vượt trội của giải pháp dạy theo công nghệ giáo dục của giáo sư. Về việc này,
Bộ Giáo dục cũng đã thông tin đã đánh giá và có nhiều kết quả tích cực nhưng
vẫn cần hoàn thiện, nhưng cụ thể như thế nào có lẽ cần phải công bố rõ.
Mặt khác, chương trình Công nghệ giáo dục đã dạy cho 800.000 học sinh suốt 40 năm qua ở 49 tỉnh thành như vậy có còn mang tính thực nghiệm hay là dạy đại trà. Phụ huynh có được quyền lựa chọn chương trình học, sách giáo khoa cho con mình hay không hay bị áp đặt. Nếu cần mua sách công nghệ giáo dục mua ở nhà sách nào hay phải đăng ký theo chương trình. Như vậy có phải là độc quyền, áp đặt không?
Và, nếu người
đề xuất chương trình này không phải là Giáo sư mà là người khác, cho dù
chương trình đó thực sự khoa học, hiệu quả, liệu có được tiến hành thực
nghiệm trong 40 năm không. Phải chăng đó là sự ưu ái dành cho Giáo sư hay là
vì lý do “các nhóm lợi ích” cản trở….
2. Giáo sư có thực hiện đúng
triết lý giáo dục của Công nghệ giáo dục hay không?
Mục tiêu giáo
dục của Công nghệ giáo dục là “Giáo dục để học sinh trở thành chính mình”,
cũng có nghĩa là khuyến khích sự sáng tạo, hứng thú của học sinh. Nhưng trong
nhiều bài phỏng vấn, giáo sư luôn phát biểu “Chương trình công nghệ giáo dục
sẽ tồn tại vĩnh viễn”. Theo quan điểm duy vật biện chứng, không có gì là
tuyệt đối, sự vật, hiện tượng luân vận động, biến đổi. Chương trình giáo dục
cũng vậy, làm sao Giáo sư có thể biết chắc tương lai của thế giới sẽ như thế
nào để cho rằng chương trình của mình tồn tại vĩnh viễn.
Giáo sư cũng
cho rằng, mỗi người một việc, phụ huynh không được can thiệp vào việc học của
học sinh, việc học của học sinh là do thầy cô lo. Giáo sư còn nhấn mạnh: “Học
sinh học theo thầy cô, thầy cô học theo tôi, từ tôi mà ra”. Như vậy, thầy cô
học theo Giáo sư có tư duy sáng tạo không nếu chỉ nghe theo thầy mình? Học
sinh học theo thầy cô đó của Giáo sư liệu có sáng tạo được không?
Trẻ đến trường không chỉ học tri thức, phương pháp, kỹ năng mà còn học nhiều điều khác nữa, trong đó có học từ gia đình, xã hội, sáng tạo cũng từ đó mà ra. Vậy, cứ phó mặc việc học của trẻ cho thầy cô, tương lai các em trở thành chính mình như thế nào, ai là người chịu trách nhiệm.
Giáo sư cũng
nhấn mạnh nếu với những con người hiện tại (trừ Giáo sư) cho dù có biên soạn
chương trình, sách giáo khoa mới cũng vẫn theo lối cũ, vẫn là nền giáo dục
“Ảo tưởng”. Có lẽ Giáo sư đã cạn kiệt niềm tin vào đội ngũ các nhà khoa học
giáo dục ở Việt Nam nên mới có suy nghĩ như vậy. Tuy nhiên, theo tôi cho dù
đó là ai, kể cả là người bảo thủ nhất vẫn có khả năng sáng tạo nếu chúng ta
khơi dậy khả năng này ở họ. Nhận định như vậy, có lẽ sẽ làm cho nhiều người
buồn lòng.
Giáo sư là cha
đẻ của “Công nghệ giáo dục” nhưng trong tư duy, lời nói đều thể hiện sản phẩm
của mình là bất biến. Điều này làm cho tôi nghi ngờ về tính sáng tạo của Công
nghệ dạy học.
3. So với chương trình giáo
dục Tiểu học hiện hành, chương trình “Công nghệ giáo dục” của Giáo sư hiệu
quả như thế nào?
Giáo sư nhiều
lần cho rằng, học sinh học theo công nghệ giáo dục chỉ cần 1 năm biết viết
tiếng Việt, 2 năm viết chuẩn, 3 năm viết hay, tuyệt đối không tái mù, trong
khi học sinh học theo chương trình hiện hành đang học đánh vần, các em học
theo công nghệ giáo dục đã biết làm thơ lục bát…
Trong 800.000
học sinh của giáo sư hiện nay, có ai viết sai chính tả, văn phạm, ngữ pháp,
viết hay như thế nào? Giáo sư đã khảo sát chưa? Đã đánh giá, so sánh giữa học
theo chương trình hiện hành và công nghệ giáo dục chưa? Trong số những người
viết chưa đúng, chưa hay tiếng Việt có bao nhiêu người là học sinh học công nghệ
giáo dục và học theo chương trình hiện hành?
Thậm chí, nếu
Giáo sư đồng ý, giáo sư có thể cho tôi đọc bất kỳ một công trình nào của mình
mà Giáo sư hài lòng nhất để tôi tìm ra lỗi chính tả, câu, đoạn văn chưa hay…
tôi dám cam đoan sẽ có những lỗi đó. “Văn mình, vợ người” nên ai chả khen
mình viết hay. Thực ra, văn bản nào hầu như cũng có lỗi, như vậy mới cần hoàn
thiện, đó là nguyên lý của sự phát triển, chắc Giáo sư là người rõ điều này
hơn tôi.
Một học sinh có
trở thành chính mình hay không, giai đoạn học tiểu học là rất quan trọng, là
nền tảng như lời Giáo sư nói. Tuy nhiên, để “trở thành chính mình” còn phụ
thuộc vào rất nhiều yếu tố khác nữa, mà giáo dục (trong đó có giáo dục ở nhà
trường, gia đình và xã hội) chỉ đóng vai trò chủ đạo. Vì vậy, theo tôi, cần
phải khảo sát, đánh giá hiệu quả của 2 chương trình song song này mới có thể
nhận định, đánh giá chính xác, không nên võ đoán, vội vàng phê phán. Và, càng
không nên phủ định sạch trơn những thành quả của chương trình cũ mặc dù rõ
ràng cách dạy học, chương trình học tiểu học hiện nay còn nhiều điểm hạn chế.
4. Nội dung sách “Tiếng Việt
lớp 1 – Công nghệ giáo dục” có những điểm bất cập, hạn chế nào?
Thực tế, nhiều
người phê phán nội dung sách “Tiếng Việt lớp 1 – Công nghệ giáo dục” dùng
nhiều từ địa phương, ít sử dụng các tác phẩm văn học học kinh điển, sử dụng
các câu chuyện dân gian, tiếu lâm, châm biếm, thậm chí xúc phạm đến địa
phương (Câu chuyện Cá Gỗ)…
Trong chương
trình của Vietnamnet, nhà báo đã nhắc lại câu hỏi đến 2 lần xoáy sâu vào vấn
đề hạn chế về nội dung của sách “Tiếng Việt lớp 1 – Công nghệ giáo dục” theo
phản ánh của đọc giả. Lần đầu tiên, Giáo sư trả lời không đúng trọng tâm, lần
thứ 2 Giáo sư trả lời qua loa rằng “Năm nào tôi cũng điều chỉnh. Việc người
lớn phản ánh nội dung hạn chế, dạy trẻ tật xấu là do người lớn nghĩ ra, trẻ
không nghĩ như vậy”.
Thiết nghĩ, các
từ, câu, tác phẩm văn học… dùng trong sách này chỉ nhằm mục đích minh họa cho
việc học tiếng Việt. Tuy nhiên, ở đây không đơn thuần chỉ là dạy tiếng Việt
mà cần phải để trẻ cảm thụ các tác phẩm hay, câu chuyện hay, đặc biệt không
phổ biến các nội dung có ý châm biếm vùng miền, từ ngữ địa phương. Tôi có cảm
giác, tác giả do muốn “đạp đổ” cả chương trình cũ, nên không muốn sử dụng
những nội dung của chương trình cũ và quá lạm dụng các câu chuyện tiếu lâm
nhằm mục đích gây cười.
Trên đây là 4
vấn đề tôi chưa rõ, rất mong Giáo sư chỉ bảo để tôi có thể hiểu rõ, từ đó
toàn tâm, toàn ý ủng hộ chương trình Công nghệ giáo dục của Giáo sư. Do tôi
học theo chương trình giáo dục hiện hành, chưa được học qua Công nghệ giáo
dục nên chắc chắn văn phong, ngữ pháp, chính tả, câu cú còn hạn chế, chưa
đúng, chưa hay, rất mong Giáo sư thông cảm.
Xin chân thành
cảm ơn Giáo sư. Một lần nữa kính chúc Giáo sư mạnh khỏe, an vui, tràn đầy
nhiệt huyết, tiếp tục công hiến cho khoa học, giáo dục nước nhà.
(Theo VietNamNet) Đoàn Văn Báu(độc giả)
Có một điểm hình như nhiều người hiểu
lầm: Trường Thực nghiệm do GS Đại thành lập giảng dạy theo chương trình CNGD
chứ không phải thí nghiệm dạy chương trình CNGD. Thí nghiệm là làm thử rồi rút
kinh nghiệm, sau đó mới làm thật, làm số ít, sau mới nhân rộng. Thực nghiệm
là học tập không theo khuôn mẫu mà có thể hiểu như gắn giữa lý thuyết với thực
tiễn, kiểm nghiệm thực tế để phát huy tính sáng tạo, khích lệ quan điểm riêng…
Thương Giang
|
Thứ Sáu, 14 tháng 9, 2018
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét