PGS Nguyễn Lân Hiếu: Có lợi ích nhóm
sau tranh luận về GS Hồ Ngọc Đại
Cập nhật lúc 10:41
PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu nói ông quyết "lôi ra
ánh sáng" lợi ích nhóm muốn xóa sổ Công nghệ Giáo dục và trường Thực
nghiệm, cũng như để độc quyền sách giáo khoa.
Cùng với GS Ngô Bảo Châu, PGS.TS.BS Nguyễn Lân Hiếu là học sinh
khóa đầu tiên của trường Thực nghiệm, Hà Nội.
Ông Hiếu cho
rằng có lợi ích nhóm đằng sau vụ tranh luận trên mạng xã hội với những lời lẽ
phản cảm chỉ trích chương trình Công nghệ Giáo dục những ngày qua.
Ông kiên
quyết “lôi ra ánh sáng” những ý đồ đen tối nhằm vào trường Thực nghiệm và cá
nhân GS Hồ Ngọc Đại để trục lợi.
Tự hào về trường thực nghiệm
- GS Hồ Ngọc
Đại cho biết khóa đầu tiên của trường Thực nghiệm có ông và GS Ngô Bảo Châu.
Kỳ một của năm lớp 1, học sinh không học chữ mà chỉ học về ô vuông và hình
tròn. Ông có thể chia sẻ thêm về sự khác biệt này?
- Có những
khái niệm tôi đã quên vì thời gian trôi qua quá lâu rồi. Nói chung, cách học
Tiếng Việt của trường Thực nghiệm có sự khác biệt.
PGS
Nguyễn Lân Hiếu là thế hệ học trò đầu tiên của trường Thực nghiệm. Đồ họa:
Phượng Nguyễn.
Khi các bạn
học đánh vần từng từ, chúng tôi học thơ lục bát. Chúng tôi học âm trước, đến
chữ rồi mới ghép vần. Cách tiếp cận này trở nên lạ lùng với những ai học chữ
bằng đánh vần.
Thơ lục bát
có 6 âm ở câu trên và 8 âm ở câu dưới, với nguyên tắc âm thứ 6 của câu trên
đồng với âm thứ 6 của câu dưới. Mỗi chữ cái đều có tên gọi. Ví dụ, "c" đọc
là xê (vitamin C), đó là tên của chữ cái đó. Nhưng âm phát ra khi đọc nó là
"cờ". Đó chính là sự khác biệt giữa âm và chữ.
Để dễ hiểu, tôi xin lấy ví dụ:
Chữ "q" và "k" tên là "quy" và "ca",
khi đánh bài, ta vẫn gọi là quy cơ, ca bích... Nhưng âm của nó phát ra khi
ghép vào từ thì vẫn là "cờ"...
Đó là về mặt nguyên lý khoa học,
còn về thực tế, chúng tôi - những học sinh Ái Hữu Thực Nghiệm - là bằng chứng
rõ ràng nhất.
- Ông và GS Ngô Bảo Châu cùng
những học sinh khóa đầu tiên của trường Thực nghiệm học như thế nào?
- Tôi và GS
Ngô Bảo Châu học cùng từ lớp 1 đến lớp 4, nhà gần nhau nên đi học cùng bến xe
bus. Chúng tôi thân nhau từ đó đến giờ. Mọi vui buồn trong cuộc đời thường
chia sẻ với nhau.
Khi vào
trường, khóa chúng tôi có 4 lớp, sau đó giảm còn 2 lớp A và B. Tôi vẫn nhớ
hôm thi "đầu vào", cô giáo hỏi con voi hay con lợn to hơn. Tôi trả
lời con lợn to hơn vì mới chỉ nhìn thấy con lợn "tăng gia" của mẹ
béo phệ trong chuồng, chứ chưa biết con voi thế nào. Vậy mà vẫn đỗ.
Chúng tôi
học trong hoàn cảnh rất khó khăn, phải chung với trường Kim Đồng. Lớp học rất
cũ, giờ ngủ trưa, cả nam và nữ nhồi nhét vào mấy cái giường ọp ẹp ở cuối lớp.
Bạn nào may mắn nhất được ngủ một mình trên... bàn.
Chúng tôi
cũng dùng chung sân trường với toàn đất và cát. Học sinh lớp 1 Thực nghiệm bị
“ma cũ” lớp 5 trường Kim Đồng bắt nạt. Nhưng rất nhanh sau đó, chúng tôi đã
"cân bằng" được vì có tinh thần tập thể.
Ngày ấy,
tiểu thuyết mê nhất của tôi là "Những ngọn cờ trên tháp" của Nga kể
về nhiều cậu bé có hoàn cảnh đặc biệt, được tập trung học trong trường giáo
dưỡng, suốt ngày nghịch ngợm nhưng vẫn trở thành người tử tế của xã hội.
- Công nghệ
Giáo dục, trường Thực nghiệm và tư tưởng giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại ảnh
hưởng đến ông như thế nào?
- Triết lý
đơn giản của GS Hồ Ngọc Đại là cần cho trẻ em phát triển tự nhiên theo hướng
vốn có. Triết lý ấy đi cùng tôi theo năm tháng.
Tôi luôn làm
những điều mình cho là đúng và không "thỏa hiệp" hay "tặc
lưỡi" với những cái mình không chấp nhận được. Các bạn tôi cũng vậy nên
nhược điểm lớn nhất của chúng tôi là hay tranh luận và rất cứng đầu. Ở lĩnh
vực theo đuổi, chúng tôi thường quyết đi đến tận cùng.
Nếu lấy tiêu
chuẩn thành công của xã hội về tiền bạc, địa vị, chúng tôi không nổi bật,
nhưng đều rất mạnh trong chuyên môn và là những người tử tế.
Tôi tự hào
về mái trường của mình và tự hào vì có những người bạn tri kỷ. Các bạn tôi là
bằng chứng rõ ràng nhất cho một phương pháp giáo dục lấy học sinh làm trung
tâm.
Các bạn thật
tuyệt vời, khi "cơn bão" tấn công đột ngột đến, chưa một phút nào
họ bị lung lay niềm tin vào lẽ phải luôn tồn tại. Hình ảnh của trường trong
tôi là những gương mặt thân quen của thầy, cô và bạn bè như một đại gia đình
ấm áp.
PGS.TS.BS
Nguyễn Lân Hiếu là Phó giám đốc Bệnh viện ĐH Y Hà Nội từ năm 2017. Ảnh: NVCC.
Điều tốt lành trong cơn bão
- Từ phụ
huynh đạp đổ cổng trường Thực nghiệm xin học cho con đến cộng đồng mạng, dư
luận xôn xao về sách Tiếng Việt 1 Công nghệ Giáo dục, ông có suy nghĩ gì?
- Có nhóm
lợi ích đứng sau việc này. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội tốt để xã hội tìm
hiểu một phương pháp giáo dục đã tồn tại 40 năm, qua bao thăng trầm nhưng vẫn
khẳng định được hiệu quả của nó.
Không giống
các môn khoa học khác, bằng chứng trong giáo dục không đong đếm được chính
xác bằng xác suất thống kê. Không phải tỷ lệ tốt nghiệp cao là khẳng định đào
tạo được người có ích cho xã hội. Bằng chứng ấy cần thời gian, sự hài lòng
của nhiều lứa học sinh và phụ huynh và hơn cả là cần tạo ra sáng tạo, không
dập khuôn, giáo điều.
Thêm một
điều tốt trong "cơn bão" này là cách tiếp cận với tranh luận văn
minh đã nhen nhóm trong thế giới ảo. Tôi thực sự cảm ơn những bình luận, bài
viết đầy tính khoa học ở cả 2 phía, cũng như những status nhiều cảm xúc của
học sinh và cựu học sinh, phụ huynh và cựu phụ huynh trường Thực nghiệm.
Các bình
luận miệt thị, chửi bới vẫn còn, nhưng đã giảm rõ rệt. Đây là tín hiệu mừng,
phần nào cho thấy sự tiến bộ của xã hội.
- Khi dư
luận có phản ứng trái chiều về sách Tiếng Việt 1 Công nghệ Giáo dục, cộng
đồng học sinh, phụ huynh Thực nghiệm đã có hành động gì giúp họ hiểu, cũng
như bảo vệ tên tuổi ngôi trường này?
- Trong
status đầu tiên, tôi viết những suy nghĩ của mình, không phải với tư cách đại
biểu Quốc hội. Đây là phát biểu từ tâm của một cựu học sinh Thực nghiệm khóa
1.
PGS.TS.BS Nguyễn Lân Hiếu cho rằng học sinh Thực
nghiệm luôn vững niềm tin vào lẽ phải luôn tồn tại. Đồ họa: Phượng Nguyễn.
Còn status thứ hai, tôi muốn nhắc nhở những người có ý đồ đen tối rằng chúng tôi sẵn sàng tìm ra sự thật bằng sự đoàn kết của những người đã hiểu và yêu phương pháp giáo dục này.
Ở đó, tôi
viết mình là bác sĩ, nhưng cũng là giảng viên gần 20 năm. Tôi dạy học sinh
dựa trên y học bằng chứng (evidence based medicine). Tôi không khuyến khích
học sinh coi những gì mình nói là chân lý, mỗi người có suy luận riêng, nhưng
xin hãy tôn trọng những đóng góp với mục đích làm cho xã hội phát triển tốt
đẹp hơn.
PGS.TS.BS Nguyễn Lân Hiếu là
đại biểu Quốc hội, Phó giám đốc Bệnh viện ĐH Y Hà Nội từ năm 2017, chuyên gia
tim mạch có nhiều cống hiến cho nền Y học Việt Nam.
Ông sinh năm 1972 trong một
gia đình trí thức, là con GS Nguyễn Lân Dũng, cháu ngoại cựu Bộ trưởng Giáo
dục Nguyễn Văn Huyên, cháu nội nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân.
7 cột mốc
lịch sử phát triển giáo dục sau 1975 của Việt Nam có thể được tóm tắt như sau:
Thứ nhất,
năm 1981 cải cách giáo dục lần thứ ba, cả nước thống nhất học sách cải cách,
duy chỉ có trường Thực nghiệm Công nghệ Giáo dục học sách của GS Hồ Ngọc Đại.
Thứ hai, năm
1986, nhận thấy có năm tới 650.000 học sinh lưu ban trên tổng số gần 2 triệu
học sinh lớp 1, Bộ trưởng Giáo dục Nguyễn Thị Bình lúc đó quyết định khuyến
khích các địa phương dùng bộ sách của GS Hồ Ngọc Đại.
Thứ ba, năm
2000, Bộ GD&ĐT thống nhất một bộ sách giáo khoa chung cho cả nước theo
chương trình 2000. Sách Công nghệ Giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại được đưa ra
khỏi chương trình giáo dục phổ thông.
Thứ tư, năm
2006, ngành giáo dục phát hiện nạn "ngồi nhầm lớp" diễn ra phổ
biến, có học sinh sáng học lớp 6 chiều học lớp 1 để tập đọc. GS Hồ Ngọc Đại
đưa sách Công nghệ Giáo dục trở lại qua đề tài nghiên cứu cấp bộ: "Nâng
cao chất lượng dạy tiếng Việt cho học sinh các dân tộc thiểu số".
Thứ năm, năm
2008, Bộ GD&ĐT quyết định cho thí điểm tiếp ở 5 tỉnh.
Thứ sáu, năm
2013, Bộ GD&ĐT bỏ thuật ngữ "thí điểm", tài liệu Tiếng Việt 1
Công nghệ Giáo dục được xem là phương án dạy học chính thức để các tỉnh thành
lựa chọn.
Thứ bảy, năm
2016 đã có 48 tỉnh tham gia.
Năm 2018,
một phong trào "tấn công" phương pháp học tiếng Việt của thầy Đại
với việc đánh tráo khái niệm thành sửa chữ tiếng Việt (của PGS Bùi Hiền) diễn
ra rầm rộ và bài bản.
Tôi tôn
trọng sự tranh luận nhưng tôi cũng quyết "lôi ra ánh sáng" nếu có
những lợi ích đằng sau việc xóa sổ Công nghệ Giáo dục với ngôi trường ở
"mảnh đất vàng" Liễu Giai, Hà Nội; hay phục vụ mục đích độc quyền
bán sách giáo khoa ở Việt nam.
Học
sinh khóa 1 trường Thực nghiệm năm 1978 về thăm GS Hồ Ngọc Đại. Ảnh: NVCC.
- Suốt 40 năm thăng trầm, ông có trăn trở gì cho Công nghệ Giáo dục ở Việt Nam?
- Trước đó 6
tháng, tôi đã chất vấn Bộ trưởng GD&ĐT về chương trình thực nghiệm như
sau: “Tại sao một đề tài 40 năm mà sao chưa có kết luận thành công hay thất
bại?”, “Tại sao mô hình đã thu được những thành công và được xã hội đánh giá
cao nhưng lại chưa được đánh giá cao và nhân rộng?”.
Tôi rất mong
nhận được câu trả lời của bộ trưởng trong thời gian tới.
Những ngày qua, cư dân mạng
tranh cãi nảy lửa sau khi một clip về cô giáo dạy học trò đánh vần theo
phương pháp của GS Hồ Ngọc Đại được đăng tải.
Theo nội dung video, cô giáo
hướng dẫn học sinh đọc câu thơ: "Tháp Mười đẹp nhất bông sen / Việt Nam
đẹp nhất có tên Bác Hồ" bằng cách nhìn vào dấu chấm, ô vuông.
Nhiều người chỉ trích tác giả
của sách Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ Giáo dục khá nặng nề dù chưa tìm hiểu kỹ.
Một số chuyên gia giáo dục thông tin Công nghệ Giáo dục từng được áp dụng
trên nhiều nước trên thế giới từ hàng trăm năm nay.
Thứ trưởng GD&ĐT Nguyễn
Hữu Độ khẳng định sau 2 vòng thẩm định, hội đồng thẩm định quốc gia đã đánh
giá sách Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ Giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại đảm bảo yêu
cầu về mục tiêu, chuẩn kiến thức, kỹ năng.
(Theo Zing.vn) Quyên Quyên thực hiện
|
Thứ Hai, 10 tháng 9, 2018
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét