'Cuộc chiến thị phần SGK mới: Bịt 'lỗ hổng' để tránh xung đột
lợi ích
Cập nhật lúc
09:04
Theo thông tin
mà Tiền Phong có thì ban biên soạn một bộ SGK do Bộ GD&ÐT tổ chức biên
soạn dự kiến khoảng 230 người. Hội đồng quốc gia thẩm định SGK - có nhiệm vụ
thẩm định 1 bộ SGK do Bộ biên soạn và các SGK do các tổ chức, cá nhân khác
biên soạn - dự kiến khoảng 230 người. Nhưng làm thế nào để tránh xung đột lợi
ích mới là câu hỏi mà dư luận quan tâm.
Với một thị trường SGK
cạnh tranh tới đây, dư luận lo ngại sẽ xảy ra xung đột lợi ích giữa các khâu
biên soạn và thẩm định chương trình, SGK. Ảnh: Như Ý
Theo tài liệu
mà Tiền
Phong có được, các ban
biên soạn 1 bộ SGK (do Bộ GD&ĐT tổ chức biên soạn) có nhiệm vụ biên soạn
đủ 1 bộ SGK cho tất cả các môn học của chương trình mới, mỗi môn học có SGK
của các lớp ở các cấp học bảo đảm tính thống nhất giữa các SGK, lớp học, cấp
học. Dự kiến các ban biên soạn SGK khoảng 230 người. Trong đó tiếng Việt và
Ngữ văn 30 người, Toán 30, lĩnh vực Giáo dục Đạo đức - Công dân 20, Thể dục -
Thể thao 20, Nghệ thuật 20, Khoa học xã hội 30, khoa học tự nhiên 40, lĩnh
vực Công nghệ 20, hoạt động trải nghiệm sáng tạo 10, chuyên đề học tập 10.
Tiêu chuẩn đối với các thành viên của ban biên soạn, ngoài những
yêu cầu về đạo đức, trình độ đào tạo, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ... thì
phải có ít nhất 5 năm trực tiếp giảng dạy ở cơ sở giáo dục phổ thông hoặc có
ít nhất 5 năm làm các công việc liên quan đến xây dựng, biên soạn chương
trình, SGK.
Về Hội đồng quốc gia thẩm định SGK, Bộ GD&ĐT cũng quy định
nhiệm vụ thẩm định 1 bộ SGK do Bộ GD&ĐT tổ chức biên soạn và các SGK do
các tổ chức, cá nhân khác biên soạn (năm 2016, Bộ GD&ĐT dự kiến là có
khoảng 3 bộ). Mỗi cuốn SGK môn học thành lập 1 Hội đồng quốc gia thẩm định
SGK. Hội đồng quốc gia thẩm định SGK phải có đủ các thành phần nhà khoa học,
chuyên gia giáo dục, giảng viên, giáo viên được lựa chọn trên phạm vi cả
nước. Trong đó có ít nhất 30% tổng số các thành viên là giáo viên. Thành viên
Ban biên soạn SGK môn học không được tham gia Hội đồng quốc gia thẩm định SGK
của môn học đó. Khuyến khích thành viên Hội đồng quốc gia thẩm định chương
trình môn học tham gia thẩm định SGK. Dự kiến các Hội đồng quốc gia thẩm định
SGK khoảng 230 người. Tiêu chuẩn của thành viên Hội đồng quốc gia thẩm
định SGK tương tự như ban biên soạn 1 bộ SGK do Bộ tổ chức.
Một cá nhân
“diễn” quá nhiều vai?
Liên quan đến câu chuyện biên soạn chương trình, viết SGK mới,
nhà nghiên cứu Đỗ Thị Ngọc Quyên cho biết trong quản trị tổ chức, có một
thước đo quan trọng, đó là quản lý, xử lý xung đột lợi ích. Vì khi có xung
đột lợi ích, cá nhân sẽ có đánh giá thiên lệch, không công tâm, và ra quyết
định ảnh hưởng tiêu cực, gây bất lợi cho lợi ích chung, hoặc cố ý, hoặc vô
thức.
Lợi ích ở đây có thể là vật chất, tiền - tài chính, hoặc có thể
là phi vật chất, như danh tiếng, uy tín, cơ hội được học tập, cơ hội được thể
hiện và khẳng định bản thân, vv. Lợi ích có thể là lợi ích trực tiếp hoặc
gián tiếp. Chính vì lợi ích đến từ rất nhiều nguồn đa dạng nên việc quản lý
xung đột lợi ích không đơn giản. Các tổ chức lớn có hệ thống quản trị tốt,
đều có quy định chi tiết về xung đột lợi ích và cách xử lý nó. “Khi phát hiện
có xung đột lợi ích thì họ vô hiệu hóa nguồn lợi ích đó bằng cách loại người
có xung đột lợi ích ra khỏi tầm ảnh hưởng tới việc ra quyết định. Họ tuyệt
đối không sử dụng việc cho cá nhân cam kết” - bà Đỗ Thị Ngọc Quyên nhấn mạnh.
Quay trở lại vấn đề chương trình, SGK, bà Đỗ Thị Ngọc Quyên khẳng
định : Chương trình giáo dục công nghệ hay chương trình phổ thông đại trà
(gọi là chương trình 2000 và chương trình mới đang triển khai) cũng như tất
cả các bộ SGK, bao gồm SGK của NXB Giáo dục Việt Nam, SGK công nghệ giáo dục,
và SGK Cánh buồm, đều phải được đặt ngang nhau và đều chịu sự thẩm định, đánh
giá của một hội đồng chuyên môn. Để đảm bảo sự đánh giá công tâm, tránh sự
can thiệp của các nhóm lợi ích, và quản lý xung đột lợi ích, các thành viên
của hội đồng thẩm định này phải hoàn toàn độc lập với các nhóm biên
soạn SGK.
Nhưng thực tế không phải như vậy. “Với câu chuyện phán xét về
sách công nghệ giáo dục vừa qua, nếu nghi ngờ có bàn tay lợi ích nhóm thì
cũng không phải không có căn cứ” - bà Quyên cho hay.
Bà Đỗ Thị Ngọc Quyên phân tích: ông Bùi Mạnh Hùng được giới thiệu
là Điều phối viên chính Ban Phát triển Chương trình Giáo dục phổ thông mới.
Đồng thời ông Hùng cũng giữ chức Chủ tịch Hội đồng quốc gia thẩm định
Tài liệu Tiếng Việt 1 - Công nghệ Giáo dục. Ông Hùng cũng là chủ biên chương
trình học môn Ngữ văn của chương trình phổ thông mới. Được biết, ông Hùng,
cũng như GS. Nguyễn Minh Thuyết, tổng chủ biên chương trình và một số thành
viên nhóm biên soạn sách chương trình 2000 cũng đang tham gia vào các nhóm
biên soạn SGK mới. Nhìn vào chức danh, nhiệm vụ có thể thấy có vấn đề về xung
đột lợi ích: Ông vừa tham gia biên soạn 1 bộ SGK trong khi lại là Chủ tịch
hội đồng đánh giá một bộ sách khác. Rõ ràng công luận có quyền đặt câu hỏi về
tính công tâm của các thành viên hội đồng, có gì đảm bảo họ không đưa ý kiến
hoặc quyết định bất lợi cho bộ sách khác để duy trì lợi thế cho bộ sách mà
mình tham gia biên soạn và tư vấn? Theo cách quản lý xung đột lợi ích thông
thường, rõ là họ không thể được phép cùng lúc tham gia nhiều vai như vậy, bởi
đó là “vừa đá bóng, vừa thổi còi”.
Theo một GS tham gia phát triển Chương trình và biên soạn sách,
vấn đề nêu trên thì luật lại không cấm. “Vậy là có lỗ hổng, lỗi thời về Luật
điều chỉnh mảng “kinh doanh” sinh lời khủng khiếp này?” - bà Quyên đặt câu
hỏi.
Công luận không thể không đặt câu hỏi về tiêu chí và cách thức
lựa chọn đội ngũ chuyên gia biên soạn, thẩm định SGK. Với một dự án, chương
trình lớn và có tầm quan trọng như vậy, đội ngũ này cần phải chứng minh năng
lực và trách nhiệm thông qua một quy trình đánh giá, tuyển chọn công khai, để
được lựa chọn và giao trọng trách.
Câu hỏi mà dư luận đặt ra, thẩm định chương trình môn
học, thẩm định SGK và viết SGK là cùng một người thì câu chuyện lợi ích sẽ giải
quyết thế nào ? Vì theo quy định, Bộ GD&ÐT khuyến khích thành viên Hội đồng
quốc gia thẩm định chương trình môn học tham gia thẩm định SGK, nhưng lại không
cấm họ viết SGK
Muốn để HS không phải nai lưng, móc
túi mua sách hằng năm thì tốt nhất sử dụng ổn định SGK nhiều năm. Không đâu
như VN ta mỗi năm SGK sửa tí chút, thay đổi một chút những kiến thức không
phải là cơ bản, thế là lại phải in mới. Rồi vở bài tập cũng in sẵn như SGK, dùng
xong vứt luôn. Cách làm này chỉ nhằm mục tiêu “vỗ béo” nhóm lợi ích. Nếu phải
biên soạn SGK thì nên tách riêng cơ quan biên soạn với nhà xuất bản. Khi biên
soạn xong họ hưởng tiền bản quyền, còn nội dung Bộ GD hãy đưa cho tất cả các
nhà xuất bản, không nên chỉ có NXB GD. Như vậy sự cạnh tranh sẽ bảo đảm giá
thành, chất lượng.
Thương Giang
|
Thứ Năm, 13 tháng 9, 2018
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét