Thứ Năm, 13 tháng 9, 2018

Vay trực tuyến bị "chém" đẹp

Cập nhật lúc 10:26    

Hàng loạt doanh nghiệp tạo ứng dụng (app) cho vay trực tuyến với lãi suất hàng chục %/năm

"Anh truy cập trang doctordong.vn (tạm gọi là Doctor Đồng) để vay tiền trực tuyến ngay trong ngày" - một người bạn mách nước khi biết anh T. (quận Phú Nhuận, TP HCM) cần gấp vài triệu đồng để có đủ số tiền đóng học phí đại học cho con.

Lãi suất gần 40%/tháng
Theo hướng dẫn của Doctor Đồng, ngày 6-9, anh T. đăng ký vay 1,5 triệu đồng, thời hạn vay 10 ngày, lập tức hệ thống Doctor Đồng thông báo sau khi hết thời hạn này, anh phải thanh toán 1,8 triệu đồng (tính ra lãi suất 1%/ngày); còn nếu vay 10 triệu đồng, thời hạn 30 ngày thì thanh toán 13,91 triệu đồng (lãi suất gần 40%/tháng).
 Vay trực tuyến bị chém đẹp - Ảnh 1.
Vay trực tuyến đang nở rộ
Sau khi điền đầy đủ thông tin theo yêu cầu của Doctor Đồng, anh T. nhận được tin nhắn thông báo khoản vay đã được duyệt, nếu đồng ý thì soạn tin nhắn DDONG Yes, gửi tổng đài 6089. Anh T. thực hiện theo, lập tức nhân viên của Doctor Đồng gọi điện thoại xác minh số tài khoản ngân hàng của anh T., số tiền vay, thời hạn vay, đồng thời cho biết chậm nhất sau một ngày, tài khoản của anh mở tại Eximbank Chi nhánh Tân Định (số tài khoản do anh T. cung cấp) sẽ nhận được 1,5 triệu đồng.
Tìm hiểu Doctor Dong, anh T. được biết chủ trang web này là Công ty TNHH MTV Tư vấn Tài chính LGC. Theo đó, Doctor Đồng công bố hạn mức cho vay cao nhất là 10 triệu đồng, thời hạn vay tối đa 30 ngày. Đồng thời, hệ thống của Doctor Đồng yêu cầu người vay cung cấp thông tin cá nhân, ảnh chân dung, hình ảnh CMND, số tài khoản ngân hàng, số điện thoại của người thân… và chỉ sau 60 phút, khoản vay sẽ được duyệt, số tiền vay sẽ được chuyển vào tài khoản của người vay.
Trao đổi với nhân viên của Doctor Đồng, anh T. thắc mắc vì sao không vay được 10 triệu đồng, bên vay và bên cho vay có ký hợp đồng tín dụng, trả nợ ở đâu, có chứng từ ghi nhận tất toán khoản vay không…? Nhân viên này liền giải thích do anh vay lần đầu nên hệ thống chỉ cho phép vay tối đa 1,5 triệu đồng. Còn việc trả nợ thì trước khi đến hạn thanh toán 5 ngày sẽ có nhân viên hướng dẫn, người vay đến điểm giao dịch…là các đối tác của Doctor Đồng để thanh toán. Các đối tác này sẽ cung cấp chứng từ hoặc chỉ định số tài khoản ngân hàng để người vay thanh toán bằng phương thức chuyển khoản. "Sau đó, chúng tôi sẽ gửi tin nhắn thông báo người vay đã hoàn tất việc trả vốn và lãi. Riêng hợp đồng tín dụng thì bên cho vay sẽ gửi cho bên vay bằng email và cả hai bên không phải ký hợp đồng vì đây là loại hình cho vay trực tuyến" - nhân viên của Doctor Đồng lý giải.
Vi phạm quy định về lãi suất
Ngoài Doctor Đồng, Công ty Easy Fintech Việt Nam và nhiều công ty khác cũng tạo ra các ứng dụng Evay, iĐồng, Sdong… cho vay trực tuyến với lãi suất 36%/tháng, thời hạn vay 3-6 tháng…
Tuy vậy, thị trường này khá bất ngờ khi Công ty CP SHA Toàn Cầu (SHA) quảng bá cho vay trực tuyến với lãi suất thấp nhất là 8%/năm. Với thông tin này, chúng tôi truy tìm và phát hiện SHA giới thiệu vay thông qua 2 trang web (vayrenhat.com và tietkiemonline). Theo đó, SHA cho vay 2 - 20 triệu đồng với lãi suất 8% - 20%/năm cộng với phí dịch vụ 4%-12%/số tiền vay. Tuy nhiên, nếu người vay muốn xét duyệt khoản vay trong ngày thì phải trả trước cho SHA phí phục vụ 100.000 đồng.
Thông qua ứng dụng (app) SHA, ngày 11-9, chúng tôi đăng ký và chuyển khoản cho SHA 100.000 đồng để được duyệt vay "nóng" 5 triệu đồng, thời hạn vay 3 tháng. App SHA thông báo lãi suất 16%/năm cộng với mức phí dịch vụ 9% (450.000 đồng) và số tiền này sẽ được bên cho vay "chém đẹp" ngay khi giải ngân, người vay chỉ thực nhận 4.550.0000 đồng; đồng thời, mỗi tháng người vay phải thanh toán 1.733.000 đồng.
Đến ngày 12-9, nhân viên của SHA gọi điện đề nghị người vay bổ sung thông tin việc làm, thu nhập và danh tính, số điện thoại của người thân… Đồng thời, người này cho biết SHA sẽ đưa ra lý do xác minh thông tin để làm thẻ tín dụng khi gọi điện cho người thân. Sau đó, SHA sẽ thông báo khoản vay có được chấp thuận hay không.
Như vậy, nếu SHA giải ngân 5 triệu đồng thì trong 3 tháng, ngoài việc trả vốn, người vay còn trả lãi và phí dịch vụ 650.0000 đồng (200.000 đồng lãi suất, 450.000 đồng phí), tính ra phải trả 220.000 đồng/tháng, tương đương với lãi suất hơn 4%/tháng (48%/năm).
Luật sư - tiến sĩ Bùi Quang Tín (Đoàn Luật sư TP HCM) đánh giá doanh nghiệp cho vay trực tuyến đã vi phạm pháp luật về lãi suất. Vì theo quy định của Luật Dân sự 2015, lãi suất cho vay cao nhất chỉ 20%/năm (1,66%/tháng). Còn Luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định lãi suất cho vay gấp 5 lần mức lãi suất mà Luật Dân sự 2015 quy định thì bên cho vay đã cấu thành tội cho vay nặng lãi và sẽ bị các cơ quan chức năng truy cứu trách nhiệm hình sự.
Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP HCM, doanh nghiệp cho vay trực tuyến với lãi suất vượt 20%/năm (theo quy định của Luật Dân sự 2015) là hoạt động tín dụng "đen" và làm nảy sinh một lực lượng đòi nợ thuê bất hợp pháp, thậm chí cả những công ty thu nợ được thành lập hợp pháp cũng bị cuốn vào vòng xoáy này. Hành vi đòi nợ thuê theo kiểu xã hội đen đã và đang gây bất ổn nghiêm trọng tới an ninh trật tự và an toàn xã hội, ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng của người đi vay.
Rủi ro khó lường
Phó tổng giám đốc một ngân thương mại tại TP HCM nhận định các ông chủ cho vay trực tuyến thường có nguồn gốc từ tín dụng đen. Theo đó, sau khi thu thập toàn bộ thông tin của người vay tiền trực tuyến, các ông chủ này có thể kết nối một số "cò" tín dụng rồi lấy danh tính của người vay tiền trực tuyến để đứng tên hồ sơ vay vốn ngân hàng. Đến một lúc nào đó, nếu họ không trả được vốn cho ngân hàng thì khi đó, trách nhiệm trả nợ thuộc về người đứng tên hồ sơ vay vốn. Vì thế, người dân cung cấp thông tin cá nhân cho các doanh nghiệp cho vay trực tuyến là vô cùng rủi ro.
(Theo Người Lao Động)  Thy Thơ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét