Trùm bảo kê thu tiền xe ở chợ Long
Biên: Tôi là công dân tốt(!?)
Cập nhật lúc 15:30
Sau phóng sự
chấn động của VTV về hoạt động bảo kê tại chợ Long Biên phát sóng, PV có cuộc
gặp gỡ chóng vánh với ông trùm Hưng "Kính" tại nhà riêng.
Chợ Long Biên (quận Long Biên, Hà Nội) sáng 21/9 ken kín
người và hoa quả. Hàng chục xe tải chở hàng với công suất lớn đậu chật bãi.
Hàng trăm tiểu
thương lẫn những người bán hàng rong nhỏ lẻ tập trung lấy hàng trong tiếng hò
hét tạo nên những âm thanh hỗn độn.
Việc kinh doanh buôn bán tại chợ đầu mối Long Biên diễn ra cả ngày nhưng tấp
nập nhất là khoảng từ 0h đến sáng sớm. Là nơi tập trung đông người với đủ các
thành phần xã hội, chợ Long Biên luôn được xem là địa bàn có an ninh phức tạp.
Tối 20/9, phóng sự “Phức tạp hoạt động
bảo kê tại chợ Long Biên” được Đài truyền hình VTV phát sóng. Theo phóng sự
này, để có thể tồn tại buôn bán, các tiểu thương tại chợ Long Biên sẽ phải
đóng tiền bảo kê. Nếu tiểu thương không đóng sẽ không có chỗ đỗ xe để chuyển hàng.
Ngay sau khi phát sóng, phóng sự gây chấn động và khiến nhiều người tỏ ra căm
phẫn trước những hình ảnh được ghi lại.
Để tìm hiểu thêm về sự việc, nhóm phóng
viên VTC News có mặt tại chợ Long Biên sáng sớm. Theo quan sát, những hoạt
động buôn bán tại chợ vẫn diễn ra như thường ngày. Nhưng ở đâu đó, trong khu
chợ, các tiểu thương đã bắt đầu xì xào bàn tán về những gì diễn ra trong
phóng sự được phát sóng. Phải rất lâu, sau khi băng nhóm xã hội đen của Dương
Văn Khánh (Khánh "trắng") bị xóa sổ năm 1990, Hà Nội mới lại xuất
hiện một nhóm bảo kê có tổ chức, quy mô và manh động như vậy.
“Luật ngầm” ở
chợ Long Biên
Tại chợ Long Biên, Nguyễn Kim Hưng
(Hưng “Kính” - Nhân vật được cho là cầm đầu đội bảo kê trong phóng sự của
VTV) là cái tên không ai là không biết. Hưng “Kính” hiện là tổ trưởng tổ bốc
xếp hàng hóa tại chợ Long Biên. Những xe hàng vào chợ muốn được chuyển xuống
tay tiểu thương đều phải thông qua tổ bốc xếp mà Hưng làm tổ trưởng.
Dù Hưng "Kính" chỉ là tổ
trưởng tổ xếp dỡ nhưng không hiểu sao, nhiều tiểu thương lại tỏ ra sợ hãi khi
phóng viên hỏi về cái tên này. Tiếp xúc với gần chục hộ kinh doanh để hỏi,
phóng viên VTC News đều không nhận được câu trả lời nào. Những người được hỏi
đều lắc đầu ngao ngán. Một tiểu thương bán đồ khô ở chợ còn nói với ý xua
đuổi phóng viên rằng: “Tốt nhất đi chỗ khác để tôi yên ổn làm ăn”.
Sau nhiều lần dò hỏi, cuối cùng, một
tiểu thương cũng chịu mở lời về Hưng “Kính” với phóng viên. Trước khi chia
sẻ, người tiểu thương còn cẩn thận nhắc phóng viên không đưa tên để còn
“đường làm ăn”.
Tiểu thương này cho biết, muốn yên ổn
làm ăn, ngoài tiền đóng cho ban quản lý chợ theo quy định, bà phải đóng thêm
tiền bảo kê cho Hưng “Kính”. Riêng tiền xe vào bãi một năm người này mất đến
cả trăm triệu đồng.
Theo tiểu thương này, gia đình bà có
thuê một gian hàng kinh doanh trong chợ, nhằm tạo điều kiện buôn bán, ban
quản lý chợ cho hẳn một chỗ để đậu xe ngay trước cửa hàng để dễ bốc dỡ hàng.
“Dù mức giá theo đầu xe đã được ban
quản lý quy định rất rõ nhưng ông Hưng chỉ thực hiện đúng vài lần. Sau đó,
ông ép Nguyễn Thanh Hải (Hải gió) và Nguyễn Mạnh Long ra thu của tôi và tăng
tiền lên. Một chiếc xe ban quản lý thu 200.000 đồng thì ông ấy thu của tôi
350.000 đồng còn xe 80.000 đồng thì thu của tôi lên thành 200.000 đồng”,
người này nói.
Cũng theo bà, một tiểu thương khác
trong chợ tên N. từng bị ông Hưng “Kính” không cho làm ăn chỉ vì “chống lệnh”
không đóng tiền bảo kê theo yêu cầu. Tiểu thương này kể, bà N. từng thuê hai
chỗ để xe trong năm 2017 nhưng số tiền phải đóng lên tới 710 triệu đồng/năm
và được chia làm nhiều đợt trong năm.
Hết năm 2017, bà N. không đóng tiền bảo
kê nữa, Hưng ''Kính" bắt đầu gây khó dễ. Đỉnh điểm, Hưng cho đàn em đánh
xe ô tô để trước cửa gian cả tuần liền khiến bà N. không thể buôn bán. Thậm
chí, những mối hàng của bà N. cũng sợ không dám mang hàng về đổ.
Tiểu thương này cho biết thêm, Hưng
"Kính" là người rất mưu mô. Khi nộp tiền, các tiểu thương sẽ phải
đến nhà riêng của Hưng để nộp và không có bất cứ giấy gì chứng nhận.
“Một con người tồn tại từ thời Khánh
“Trắng” đến giờ thì đủ biết mưu mô thế nào. Không bao giờ ông ấy xác nhận bọn
tôi đóng tiền. Khi đóng tiền chỉ có trên tầng 2 nhà riêng của ông ấy",
tiểu thương nói.
Phóng viên sau đó liên hệ với bà N. để
tìm hiểu tuy nhiên bà N. cho biết mình đang không có mặt tại Hà Nội nên chưa
thể cung cấp bằng chứng cho phóng viên. Tuy nhiên, bà N. khẳng định mình có
trong tay nhiều bằng chứng về sự lộng hàng của Hưng “Kính” và đàn em.
Được biết, bà N. từng có đơn kiện ông
Hưng lên ban quản lý chợ cũng như Công an quận nhưng không được giải quyết
thỏa đáng.
Lân la các quán trà đá trong khu chợ
Long Biên, phóng viên có cơ hội tiếp xúc thêm với một người đàn ông tài xế xe
tải chuyên chở hoa quả, quê ở Hưng Yên. Người này cho biết, để vào chợ Long
Biên, sau khi mua vé vào cổng, ông và nhiều tài xế khác phải mất thêm tiền
bến bãi phía trong. Thậm chí, muốn một chỗ đỗ đẹp, tài xế sẽ phải trả thêm
tiền cho bảo kê.
Người này không nói rõ số tiền bao
nhiêu nhưng cho biết giá tùy vào loại xe lớn nhỏ. Vào giờ cao điểm, mỗi xe
tải chỉ được đỗ trong bãi bốc dỡ khoảng 2 tiếng, sau đó phải di chuyển để cho
xe khác vào. Muốn ở lâu hơn thì phải đóng thêm tiền.
Cuộc gặp gỡ
chóng vánh với "Hưng Kính - nỗi khiếp sợ của các tiểu thương"
Trưa 21/9, sau khi tận dụng các mối
quan hệ, phóng viên đã liên lạc được với Hưng "Kính". Trong điện
thoại, ông Hưng dò hỏi kỹ rồi mời phóng viên tới nhà riêng để nói chuyện.
Căn nhà khang trang của ông Hưng năm ở
vị trí đắc địa trên con phố Hàng Đậu. Từ đây, di chuyển ra chợ Long Biên mất
chưa tới 5 phút.
Trước cuộc trò chuyện, ông Hưng không
cho phóng viên ghi hình hay chụp ảnh. Người đàn ông này rót nước rồi lúi húi
lấy ra một tập tài liệu. Ông Hưng nói đã mất ngủ cả đêm sau khi phóng sự của
VTV đăng tải với nhân vật chính là mình.
Ông Hưng xác nhận người đàn ông khoác
khăn, mặc bộ đồ trắng to tiếng chửi tiểu thương trong phóng sự đúng là mình.
Người đàn ông này sau đó phân trần rằng mình bị vu oan.
"Lúc đấy anh chỉ nhắc nhở vì người
ta đỗ xe dưới lòng đường vì quy định là không được đỗ dưới lòng đường. Thế
rồi nó cãi bảo đăng ký với bên ban quản lý nên anh bảo 'có ai thì gọi xuống
đây, từ mai cấm không được đỗ ở đường đi để tránh tách đường và cho mọi người
còn buôn bán' và không phải là hình thức đe dọa", ông Hưng nói.
Từ trong bếp, người phụ nữ được cho là
vợ của ông Hưng cũng ra nói chuyện. Người phụ nữ này thêm vào: "Khi
người ta đăng lên, chồng tôi giật mình luôn vì chồng tôi không sai. Chồng tôi
là người trong ban quản lý chợ - tổ trưởng tổ 2 tổ bốc dỡ cơ mà".
Ông Hưng sau đó đưa cho phóng viên một
số giấy tờ trong đó có đơn kiến nghị gửi các bên liên quan sau phóng sự của
VTV. Trong đơn, ông Hưng viết rằng mình là một công dân tốt, luôn chấp hành
pháp luật. Ông Hưng cũng khẳng định mình là: "Đối tượng đặc tình của
Công an thành phố Hà Nội. Trong thời gian từ 1991 đến 1996, tôi đã từng báo
cáo để phá vụ án Khánh 'Trắng".
Cuộc trò chuyện kéo dài với ông Hưng
diễn ra chỉ vỏn vẹn 5 phút, ông Hưng sau đó đuổi khéo phóng viên rằng mình
đang ăn cơm trưa và cấm vợ không tiếp tục chia sẻ.
Nói về ông Hưng, Phó ban quản lý chợ
Long Biên, ông Nguyễn Văn Loan cho rằng: "Ông Hưng là người chấp hành,
thực hiện tốt quy chế, nội quy của chợ". Ông Loan sau đó còn cho biết,
ông không nghĩ tại chợ Long Biên có hoạt động bảo kê!?
Nhóm PV VTC
|
Thứ Hai, 24 tháng 9, 2018
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét