Thứ Tư, 10 tháng 1, 2018

Công nghệ “buôn” gái quê

Cập nhật lúc 15:06    

Để có “nguồn hàng” là những cô gái thôn quê bán cho những điểm kinh doanh cà phê trá hình, “cò” lao động thường dùng tên giả, đăng hàng loạt thông tin tuyển dụng trên nhiều trang mạng. Tùy ngoại hình, mỗi người sẽ được “cò” bán cho các chủ quán cà phê với giá dao động 2 - 5 triệu đồng/người.
 

“Tuyệt chiêu” dụ gái quê
 Với những chiêu thức lừa đảo tinh vi, cò lao động đã lừa được 2 thiếu nữ bán vào quán cà phê trá hình.
Với những chiêu thức lừa đảo tinh vi, "cò" lao động đã lừa được 2 thiếu nữ bán vào quán cà phê trá hình.
Hầu hết các nạn nhân bị lừa bán vào các quán cà phê ôm hoặc những điểm kinh doanh trá hình sau khi được giải cứu cho biết đã sập bẫy “cò” lao động bằng các chiêu thức khá tinh vi, khả năng “diễn” của các “cò” khá tốt khiến nhiều cô gái dù cảnh giác nhưng vẫn không thoát khỏi bàn tay của giới “cò”.
Công nghệ “săn” gái quê mà giới “cò” lao động thường rỉ tai nhau là “đánh vào lòng tham của gái quê” và “xuất hiện phải như sếp”.
Để kiểm chứng điều này, sáng 26/12/2017, chúng tôi lên một số trạng mạng tìm việc làm. Khi thấy thông tin: “Tuyển nhân viên nữ ngoại hình dễ nhìn, bao ăn ở tại quán thu nhập 25 -40 triệu đồng/tháng” kèm theo số điện thoại liên hệ. Qua điện thoại, chúng tôi được một người đàn ông giới thiệu tên Thắng, ông Thắng tự xưng là giám đốc một trung tâm giới thiệu việc làm có uy tín tại quận 12 (TP.HCM). Sau vài câu giới thiệu, ông Thắng hỏi ngay: “Em có xài Zalo, Facebook gì không? Gửi ảnh qua cho anh xem ngoại hình của em”.
Tôi nói điện thoại không lên mạng được thì ông Thắng tỏ ra sốt ruột: “Vậy làm sao được, công việc bên anh lương cao nên rất khắt khe về ngoại hình”. Khi nghe tôi tả về ngoại hình của mình, ông Thắng lập tức hẹn gặp ngay để “kiểm chứng”. “Nếu ngoại hình em đẹp thì kiếm vài chục triệu một tháng là chuyện nhỏ, chiều nay anh lên gặp em luôn để ký hợp đồng”, ông Thắng nói trước khi tắt điện thoại.
Đúng hẹn, chúng tôi có mặt tại quán cà phê trên đường Song Hành (quận 12), tuy nhiên chờ hơn 2 giờ nhưng ông Thắng vẫn chưa đến. Gọi lại qua điện thoại thì số máy của ông này không liên lạc được. Quá trình điều tra, chúng tôi nhận thấy, đường dây “cò” lao động của ông Thắng hoạt động khá tinh vi, có thể ông Thắng là “nhà phân phối” gái quê cho các quán cà phê ôm trên địa bàn thị xã Dĩ An (tỉnh Bình Dương).
 Một thiếu nữ được các hiệp sĩ Bình Dương giải cứu khỏi quán cà phê trá hình.
Một thiếu nữ được các "hiệp sĩ" Bình Dương giải cứu khỏi quán cà phê trá hình.
Từng là nạn nhân của “cò” lao động, N.T.N (22 tuổi, quê Vĩnh Long) cho biết, trước đây, N. từng bị dụ dỗ bằng những thủ đoạn như trên. “Lúc đó có người tên Khanh giới thiệu là người của trung tâm giới thiệu việc làm hẹn gặp em, ông ấy ăn mặc lịch sự, cắp cặp nhìn như sếp. Ông ta giới thiệu từng làm chủ nhiều nhà hàng, quán karaoke lớn tại quận 12 và khu vực đường Tên Lửa (quận Bình Tân). Ông Khanh còn nói nhìn em trẻ thế này mà chịu khó làm, chịu khó chiều khách thì mỗi tháng cũng kiếm được 30-40 triệu”, N. kể.
Sau đó, thay vì chở N. đến chỗ làm tại quận 12 (TP.HCM) thì Khanh chở N. thẳng xuống Bình Dương bán vào quán cà phê Kim Anh (ở phường Tân Đông Hiệp, thị xã Dĩ An) lấy 2,5 triệu đồng.
Đường dây lừa đảo “chặt chẽ”
 Bao cao su được phát hiện trong chòi của quán cà phê, chủ quán liên tục quanh co về những việc liên quan đến 3 thôn nữ được bán vào đây.
Bao cao su được phát hiện trong chòi của quán cà phê, chủ quán liên tục quanh co về những việc liên quan đến 3 thôn nữ được bán vào đây.
Sau những vụ thôn nữ được giải cứu khỏi “động quỷ” và quá trình làm việc với chủ quán cà phê, có thể nhận thấy mối quan hệ “chặt chẽ” giữa “cò” lao động và giới chủ quán cà phê trá hình. Đội ngũ “cò” lao động như ông Thắng (tự giới thiệu là giám đốc một trung tâm giới thiệu việc làm tại quận 12, TP.HCM) là những “nhà phân phối” gái quê cho các quán cà phê ôm trên địa bàn thị xã Dĩ An (Bình Dương). Tùy ngoại hình, mỗi người được “cò” bán cho chủ quán cà phê với giá dao động 2- 5 triệu đồng/người.
Do thiếu nhân viên tiếp khách, đặc biệt là những cô gái trẻ có ngoại hình nên hầu hết các quán này đều ráo riết săn lùng, thậm chí “đặt hàng” những trung tâm môi giới, các đối tượng cò mồi buôn người như ông Thắng.
Chủ một quán cà phê trên địa bàn phường Đông Hòa (thị xã Dĩ An) tiết lộ: “Quanh khu vực này có trên chục quán cà phê võng, nói là cà phê võng nhưng thực chất là cà phê ôm, cà phê kích dục cho khách. Các quán cạnh tranh nhau ghê lắm nên giới cò mà đưa được em nào ngon ngon vào là kiếm được vài triệu. Có hôm thằng Quý (tên một “cò” quen với chủ quán – PV) đưa được 3 đưa mới làm công nhân cũng có ngoại hình và mới nghỉ việc vào đây làm, thằng Quý có ngay 12 triệu tiền lót tay”.
Trong vụ việc 3 thôn nữ quê Bình Thuận bị lừa bán vào quán cà phê chòi Ngọc Lan 79 (trên địa bàn phường Đông Hòa, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương), khi bị chất vấn về việc mua lao động từ “cò”, quán sử dụng lao động là trẻ em vị thành niên, chủ quán là Bùi Tấn Thành (42 tuổi, quê Hà Nam) lý giải: “Tôi khổ lắm, anh không tin thì anh hỏi 3 đứa nó. Tôi đuổi nó về mà tụi nó cứ xin ở lại làm. Thật sự tui thấy nó chỉ bằng tuổi con nên tôi không nhận làm, tôi còn bảo các cháu đi kiếm quán cà phê khác mà làm”.
 Nhóm thôn nữ được các hiệp sĩ và lực lượng chức năng đưa ra khỏi quán cà phê ôm, nơi được ví như những động quỷ.
Nhóm thôn nữ được các "hiệp sĩ" và lực lượng chức năng đưa ra khỏi quán cà phê ôm, nơi được ví như những "động quỷ".
“Thằng cò lao động nó đưa các cháu xuống đây, tôi bảo không nhận nhưng thằng đó nói tôi cố gắng nhận đỡ, vài ngày ngày nữa nó chở đứa khác xuống đổi cho rồi để mấy cháu này về. Tôi đưa cho thằng đó 12 triệu đồng (tức là mỗi cháu bé được “mua” với giá 4 triệu đồng – PV)”, ông Thành thừa nhận.
Vì sao trong quán bao cao su? Có phải chủ quán ép nhân viên kích dục cho khách? Ông Thành cho rằng: “Khách nó bỏ lại chứ làm sao tôi biết. Đàn ông với nhau em nói thật nhiều khi khách họ đút túi họ mang theo để đề phòng thôi. Tôi cũng không ép nhân viên kích dục cho khách. Tôi chỉ bảo mấy cháu ngồi chơi với khách, ai làm gì bậy bạ không cho làm. Tôi cũng không bao giờ đánh các cháu. Nếu có đánh tôi chịu trách nhiệm trước pháp luật. Tôi cũng không nhốt các bé”.
Rất nhiều vụ việc được phanh phui nhưng đến nay, “cò” lao động và chủ các quán cà phê trá hình vẫn chưa bị xử lý nghiêm. Cạm bẫy và những chiêu dụ dỗ gái quê để bán vào “động quỷ” vẫn đang rình rập những cô gái thôn quê.
(Theo Dân Trí) Trung Kiên

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét