Mua
cảng Quy Nhơn rồi "rút ruột"?
Cập nhật lúc 10:22
Sau khi thoái hết phần vốn nhà nước, doanh thu tại Công ty
CP Cảng Quy Nhơn liên tục tăng trong khi thu nhập của cán bộ, nhân viên giảm
nhiều so với trước khi cổ phần hóa.
Sáng
25-1, chúng tôi có mặt tại Công ty CP Cảng Quy Nhơn (QNP; TP Quy Nhơn, tỉnh
Bình Định) để ghi nhận tình hình hoạt động kinh doanh ở đây. Gần cuối năm,
tàu hàng ra vào tấp nập, hàng trăm xe tải nối đuôi nhau chờ xếp dỡ hàng hóa.
Tuy vậy, không khí làm việc của hàng trăm công nhân (CN) nơi này vẫn uể oải,
chậm chạp khác thường.
Việc tăng, thu nhập giảm
Khi được hỏi về thu nhập, anh
L., CN đội xếp dỡ QNP, cho biết sau cổ phần hóa (CPH), nhất là khi Công ty CP
Đầu tư khoáng sản Hợp Thành (Công ty Hợp Thành, trụ sở TP Hà Nội) nắm giữ
86,23% vốn điều lệ, thu nhập của công nhân viên giảm hẳn so với trước. "Khi
QNP còn thuộc nhà nước, thu nhập của chúng tôi từ 12-15 triệu đồng/tháng, tùy
tăng ca nhiều hay ít. Thế nhưng, từ khi cảng thuộc về tư nhân, thu nhập anh
em giảm khoảng 30%, chỉ còn 8-10 triệu đồng/tháng. Vừa rồi, đọc báo thấy Bí
thư Tỉnh ủy Bình Định đề xuất với Thủ tướng Chính phủ mua lại cảng Quy Nhơn
để nhà nước quản lý, chúng tôi ai cũng hy vọng. Nếu được như thế thì sẽ mổ
heo ăn mừng ngay" - anh L. chia sẻ.
Theo nhiều CN của QNP, từ cuối
năm 2015, khi Công ty Hợp Thành tiếp quản QNP, lương cũng như thu nhập của họ
bị cắt giảm. Bức xúc, trong 2 năm 2015- 2016, hàng trăm CN ở đây liên tục tổ
chức ngừng việc để phản đối. Tuy nhiên, vì miếng cơm manh áo, các CN phải
quay lại làm việc với mức lương thấp.
Ngoài việc cắt giảm lương,
thưởng, người lao động (NLĐ) tại QNP cũng bị áp lực hơn trước khi CPH. Theo
một CN điều khiển cẩu ở QNP, trước đây, trong quá trình làm việc, nếu CN vô
tình làm hư hỏng container hay hàng hóa của khách hàng, công ty sẽ hỗ trợ
phần lớn để cùng bồi thường. Tuy nhiên, sau CPH, CN nào làm hư hỏng thiết bị,
hàng hóa... sẽ phải tự bỏ tiền túi ra đền. "Đã có CN phải bỏ ra hơn 20
triệu đồng để đền một container bị móp méo do vô tình làm rơi trong quá trình
cẩu hàng. Với mức lương hiện nay mà phải đền số tiền như thế thì coi như CN đó
mất mấy tháng trời làm việc không lương" - CN này kể.
Không riêng gì NLĐ làm việc trực
tiếp tại các bộ phận bốc xếp..., thu nhập của hàng chục cán bộ, nhân viên văn
phòng QNP cũng giảm từ 20%-30% so với trước khi CPH. "Trước khi CPH, QNP
có gần 1.100 cán bộ, nhân viên nhưng sau khi CPH, chủ mới cắt giảm lao động
chỉ còn hơn 900 người. Công việc ngày càng nhiều hơn, số người làm ít hơn
nhưng ngược lại, thu nhập của NLĐ lại giảm so với trước. Biết là bị o ép
nhưng đã làm thuê cho tư nhân cũng phải chấp nhận thôi. Vì vậy, thời gian qua
có nhiều cán bộ, nhân viên QNP bỏ việc giữa chừng" - một nhân viên ở QNP
bức xúc.
Để tìm hiểu thêm vụ việc, cùng
ngày, chúng tôi liên hệ với một số lãnh đạo QNP nhưng tất cả đều từ chối làm
việc với lý do bận họp.
Thu
nhập của công nhân viên ở Công ty CP Cảng Quy Nhơn giảm sau khi cổ phần hóa
Ảnh: ANH TÚ
Không đầu tư như cam kết
Theo tìm hiểu của chúng tôi, sau
CPH, doanh thu tại QNP liên tục tăng trong những năm gần đây. Cụ thể, báo cáo
tài chính quý IV/2017 cho thấy QNP đã có một năm kinh doanh hiệu quả với
doanh thu gần 552 tỉ đồng, tăng 14%; lợi nhuận sau thuế đạt 74 tỉ đồng, tăng
11% so với cùng kỳ năm trước. Giai đoạn từ năm 2014-2016, doanh thu mỗi năm
tại QNP đạt khoảng 500 tỉ đồng, lãi sau thuế từ 35,1 tỉ đồng được nâng lên
66,5 tỉ đồng.
Trước khi CPH, QNP là một trong
những cảng tổng hợp quốc gia, đầu mối khu vực loại 1 của nhóm cảng biển Nam
Trung Bộ gồm hệ thống 20.960 m2 kho, 48.000 m2 bãi chứa container. Cùng với
đó, cảng có trụ sở làm việc 3 tầng đồ sộ, hàng chục gian nhà ở và hơn 300.000
m2 đất các loại ngay trong nội thành Quy Nhơn dưới hình thức thuê đất 50 năm
hoặc giao đất không thu tiền sử dụng đất. Bên cạnh đó, QNP còn có 6 cầu tàu
với tổng chiều dài 824 m, trong đó lớn nhất là cầu tàu số 6 có thể tiếp nhận
tàu tải trọng 50.000 tấn giảm tải ra vào làm hàng; 165 phương tiện, thiết bị
chuyên dùng trị giá hàng trăm tỉ đồng, như cần cẩu có sức nâng từ 7 đến 100
tấn, xe nâng, tàu lai, ô tô tải, xe xúc, xe đào, trạm cân.
Kể từ khi tiếp nhận khối tài sản
khổng lồ trên từ nhà nước đến nay đã 3 năm nhưng cổ đông chiến lược của QNP
là Công ty Hợp Thành chỉ kinh doanh trên nền tảng đã có sẵn mà không đầu tư,
nâng cấp hạ tầng như cam kết trước khi mua lại phần vốn nhà nước. Cụ thể, năm
2016, QNP chỉ bỏ ra 49 tỉ đồng chi phí xây dựng cơ bản và mua sắm phương
tiện, thiết bị; bằng 15,62% kế hoạch đề ra trong năm (312 tỉ đồng). Đến năm
2017, QNP tiếp tục đặt kế hoạch đầu tư 250 tỉ đồng nhưng tới cuối tháng
9-2017, báo cáo tài chính cho thấy việc đầu tư vẫn rất hạn chế với số tiền
xây dựng cơ bản khoảng 8 tỉ đồng.
Trong khi việc đầu tư không thực
hiện như cam kết thì QNP lại tỏ ra "thoáng" với đối tác của
"ông chủ". Cụ thể, năm 2017, QNP đã chi 100 tỉ đồng, tương đương
1/4 số vốn điều lệ để đầu tư vào Công ty CP Việt Xuân Mới - đối tác của Công
ty Hợp Thành trong thương vụ thâu tóm cảng Vinalines Đình Vũ. Sở dĩ có thể
khẳng định như vậy là vì bà Trần Thị Quỳnh Yên vừa là người đại diện theo
pháp luật cho Công ty Hợp Thành cũng là người đại diện theo pháp luật cho Công
ty CP Dịch vụ Hàng không Việt Xuân Mới - đơn vị sở hữu 65% cổ phần của Công
ty CP Việt Xuân Mới.
Ngoài ra, một động thái
"đầu tư" của QNP mới đây cũng khiến nhiều người nghi ngờ khi doanh
nghiệp này được một ngân hàng bảo lãnh gần 120 tỉ đồng mua lại 5 bộ cẩu đã
qua sử dụng của Công ty CP Đầu tư xây lắp dầu khí IMICO. Điều đáng nói, tất
cả các doanh nghiệp này đều do ông Lê Hồng Thái (Chủ tịch HĐQT QNP) làm Chủ
tịch HĐQT.
QNP ra văn bản "trấn an" nhân viên
Chiều 25-1,
nguồn tin từ QNP cho biết ông Lê Hồng Thái, Chủ tịch HĐQT QNP, vừa gửi thông
báo đến ban điều hành và toàn thể CB-CNV. Theo đó, trước các ý kiến dư luận
về QNP, HĐQT QNP yêu cầu ban điều hành tăng cường chỉ đạo, giám sát chặt chẽ
các hoạt động sản xuất - kinh doanh; tạo điều kiện cho CB-CNV làm việc, thi
đua giải phóng tàu nhanh; tập trung chăm sóc khách hàng tốt nhất nhằm nâng
cao chất lượng dịch vụ và cung cách phục vụ, hỗ trợ thuận lợi nhất cho hàng
hóa thông qua cảng. Toàn thể CB-CNV tập trung thực hiện nhiệm vụ sản xuất -
kinh doanh được giao, nghiêm chỉnh chấp hành nội quy lao động của công ty.
Trước đó,
tại buổi làm việc vào trưa 20-1, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Nguyễn Thanh Tùng
đã tha thiết kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cùng các bộ, ngành liên quan lấy
lại cảng Quy Nhơn giao cho nhà nước quản lý. Kiến nghị này khiến nhiều cán
bộ, nhân viên QNP vui mừng. "Mấy ngày nay, tâm lý anh em ở QNP rất háo hức
sau khi nghe kiến nghị của Bí thư Tỉnh ủy Bình Định về cảng Quy Nhơn. Lo sợ
anh em lơ là công việc, chủ tịch HĐQT QNP ra thông báo trên nhằm trấn an
CB-CNV làm việc" - một nhân viên QNP tiết lộ.
Ông Nguyễn
Mạnh Hùng, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bình Định, xác nhận thời điểm cuối năm 2015 đến
2016, sau khi thoái hết phần vốn nhà nước tại QNP, thu nhập của nhiều cán bộ,
nhân viên ở đây bị cắt giảm so với trước. Bức xúc về việc này, hàng trăm CN
của QNP nhiều lần ngừng việc. Trước tình trạng trên, tổ công tác LĐLĐ tỉnh Bình
Định đã đến gặp gỡ lãnh đạo công ty và NLĐ tại QNP.
"Qua
đó, tổ công tác LĐLĐ tỉnh Bình Định đã đề nghị lãnh đạo QNP tăng định mức
lương theo yêu cầu của NLĐ và được họ đồng ý. Sau đó, cán bộ, nhân viên QNP
trở lại tham gia hoạt động sản xuất - kinh doanh bình thường. Do hai bên đã
thỏa thuận mức lương đó nên LĐLĐ tỉnh Bình Định không thể can thiệp sâu hơn
được. Từ đó đến nay, LĐLĐ tỉnh Bình Định không nhận được phản ánh nào của cán
bộ, nhân viên QNP về mức lương, thưởng" - ông Hùng nói.
NHÓM PHÓNG VIÊN BÁO NGƯỜI LAO ĐỘNG
|
Thứ Sáu, 26 tháng 1, 2018
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét