Đại án Phạm Công Danh: Nhiều vấn đề còn nằm trong vòng
‘bí mật’
Cập nhật lúc 15:00
Phiên xét xử Phạm Công Danh,
Trầm Bê và các đồng phạm đã gần đi vào hồi kết, nhưng vẫn còn nhiều vấn đề
chưa được làm rõ khiến dư luận và chính các bị cáo chưa thỏa mãn.
Vụ án còn nhiều mập mờ vì... thiếu các đại gia
Được xem là vụ
'đại án' đình đám khi tới 46 bị cáo và hơn 200 người, 44 công ty liên quan,
trong đó có tên tuổi nhiều đại gia như bà Hứa Thị Phấn (cố vấn cấp cao Ngân
hàng Đại Tín); ông Trần Bắc Hà (nguyên Trưởng phân ban rủi ro tín dụng đầu tư
thuộc Ủy ban quản lý rủi ro Ngân hàng BIDV)…
Thế nhưng, vì
nhiều lý do, các đại gia này đều vắng mặt tại tòa. Đại diện phía ông Trần Bắc
Hà nộp cho HĐXX bệnh án thể hiện ông này đang mắc bệnh ung thư gan và đang
điều trị tại Singapore; phía bà Hứa Thị Phấn trình bệnh án cho thấy hiện bà
này chỉ còn 7% sức khỏe...
Việc vắng mặt
những người này khiến HĐXX và các luật sư không có cơ hội để thẩm vấn, làm rõ
vai trò của họ để vụ án được sáng tỏ hơn.
Vì vậy, những
vấn đề lớn có dính dáng tới những đại gia này đều vẫn còn nằm trong vòng “bí
mật”.
Người kêu oan, kẻ thiếu hiểu biết
Tại tòa, nhiều
lần Phạm Công Danh xin được trình bày về khoản lãi ngoài phải trả cho cha con
ông chủ tập đoàn Tân Hiệp Phát - Trần Quý Thanh nhưng đều bị HĐXX gạt đi với
lý do “Không được trình bày vấn đề này, lý do là các nội dung trên đã trình
bày trong các phiên tòa giai đoạn 1 của vụ án và nay không thuộc phạm vi xét
xử của giai đoạn 2”. Quyết định này của HĐXX khiến bị cáo Danh nói lớn:
"Tôi rất bức xúc vì hành vi chi lãi ngoài nhưng chưa bao giờ được
nói".
Theo điều tra,
Phạm Công Danh bị cáo buộc đã chỉ đạo lãnh đạo, nhân viên ngân hàng VNCB và
tập đoàn Thiên Thanh sử dụng 29 lượt công ty do Phạm Công Danh thành lập hoặc
mượn pháp nhân để lập hồ sơ khống vay hơn 6.000 tỉ đồng từ 3 ngân hàng
TPBank, Sacombank và BIDV.
Phạm Công Danh
dùng tiền của VNCB gửi sang 3 ngân hàng này để cầm cố, bảo lãnh cho các khoản
vay. Sau khi cho các công ty vay tiền, 3 ngân hàng này thu hồi nợ từ số tiền
gửi của VNCB với tổng số tiền hơn 6.000 tỉ đồng.
Toàn bộ số tiền
vay được từ 3 ngân hàng, Phạm Công Danh chỉ đạo sử dụng vào các mục đích của
Danh như chi tiêu, trả nợ, chi lãi suất ngoài vượt trần cho khách hàng.
Giải thích về
lý do đi vay mượn tứ tung, Phạm Công Danh và thuộc hạ cho hay, do áp lực tăng
vốn điều lệ theo yêu cầu của NHNN, trả lãi ngoài cho bà Hứa Thị Phấn và cha
con ông Trần Quý Thanh.
Là nhân vật thứ
2 được quan tâm trong vụ án là đại gia Trầm Bê (nguyên Phó chủ tịch HĐQT ngân
hàng Sacombank). Trầm Bê đã phê duyệt cho Phạm Công Danh vay 1.800 tỷ đồng.
Tại tòa, Trầm Bê khẳng định luật không cấm việc cho Chủ tịch các ngân hàng
khác vay ngân hàng của mình và Phạm Công Danh đáp ứng được các yêu cầu nên đã
đồng ý cho vay.
“Hôm nay đứng
trước tòa, bị cáo thấy trách nhiệm của mình, nhưng mong tổ chức tín dụng nêu
cho rõ, đừng để những người khác rơi vào tình trạng như bị cáo. Bị cáo là một
doanh nghiệp lớn mà để rơi vào sai lầm như thế này thì bị cáo không phục lắm.
Luật hoàn toàn không cấm. Làm trái thì phải được tư lợi, rút được gì từ ông
Danh. Cố ý làm trái, lấy gì để làm trái? Phải có tư lợi mới là làm trái. Truy
tố bị cáo tội cố ý làm trái, bị cáo không phục”, bị cáo Trầm Bê bật khóc nói.
Về số tiền 4.500
tỷ trong số 4.700 tỷ mà bị cáo Danh vay từ BIDV về dùng để tăng vốn điều lệ
nhưng chưa sử dụng đến, phía đại diện Ngân hàng xây dựng (CBBank) cho hay,
hiện đang nằm trong Sở giao dịch NHNN. Tuy nhiên, sau đó đại diện Cơ quan
CSĐT lại khẳng định, khoản tiền 4.500 tỷ đã hòa chung vào dòng tiền sử dụng
cho các mục đích tại CB Bank nên không thể thu hồi được.
Tại phiên tòa,
các cựu nhân viên của 3 ngân hàng BIDV, TPBank, Sacombank đều cho rằng việc
truy tố các bị cáo là quá nặng, bởi họ làm theo đúng quy định và không biết
mục đích sử dụng vốn vay của Phạm Công Danh như thế nào.
Các giám đốc
công ty “ma” dưới trướng Phạm Công Danh đa số là nhân viên bảo vệ, lái xe của
Tập đoàn Thiên Thanh đều thừa nhận, mình chỉ là giám đốc bù nhìn, khi nhân
viên Thiên Thanh đưa gì thì ký đó mà không hề biết đó là ký hợp đồng đi vay
hàng trăm tỷ đồng.
Những giám đốc
công ty mua trái phiếu ảo của Thiên Thanh và Công ty Trung Dung đều khai
không hề biết Phạm Công Danh là ai, dù các công ty này được VNCB bảo lãnh
khoản vay tại ngân hàng. Giải thích cho việc mua trái phiếu của Thiên Thanh,
bị cáo Đỗ Việt Bun (nguyên Trưởng nhóm Khách hàng doanh nghiệp - Hội sở
TPBank, Giám đốc công ty Khôi Nguyên Phát) nói: “Thông qua mạng xã hội thấy
Thiên Thanh là tập đoàn lớn mạnh nên mới dùng công ty Khôi Nguyên Phát mua
trái phiếu của công ty này. Bị cáo cũng không biết Phạm Công Danh dùng tiền
sai mục đích, nếu biết sẽ không bao giờ đầu tư vào trái phiếu của Thiên
Thanh”.
CB Bank 'đòi' bồi thường hơn 6.126 tỷ đồng
Sau khi Phạm
Công Danh bị bắt, VNCB được NHNN mua lại với giá 0 đồng và đổi tên thành Ngân
hàng Xây dựng (CBBank). Tại phiên xét xử, CB Bank đã đề nghị 3 ngân hàng
TPBank, BIDV và Sacombank và các bị cáo phải bồi thường thiệt hại hơn 6.126
tỷ đồng.
Trước đề nghị
này của CBBank, luật sư bảo vệ quyền lợi và nghĩa vụ cho Sacombank đã đặt câu
hỏi, CB Bank dựa trên cơ sở nào để đưa ra yêu cầu này thì đại diện CBBank trả
lời “Việc tính toán dựa trên kết quả điều tra và truy tố của VKS”.
Đại diện CBBank
giải thích thêm về việc đòi bồi thường thiệt hại là dựa vào hành vi vi phạm
pháp luật. “Chúng tôi đề nghị xác định bồi thường của các cá nhân dựa theo
hành vi vi phạm của các bị cáo và HĐXX sẽ quyết định mức bồi thường cụ thể”
Luật sư tiếp
tục đặt câu hỏi, việc CBBank cho rằng mình thiệt hại 6.126 tỷ thì việc thiệt
hại này có liên quan gì không khi 4.500 tỷ là khoản phải trả, là để tăng vốn?
“Không có gì
liên quan, vì 4.500 tỷ không phải khoản phải trả”, đại diện CB khẳng định.
Kết thúc phần
xét hỏi với nhiều vấn đề còn bỏ ngỏ, thứ 2 tới đây (22/1), Tòa sẽ đi vào phần
tranh luận với phần mở đầu là phần luận tội; tiếp đó là phần đề nghị mức án
cho các bị cáo của đại diện VKS.
(Theo VietNamNet) Đoàn Nga
|
Thứ Sáu, 19 tháng 1, 2018
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét