Thứ Ba, 2 tháng 1, 2018

Chủ tịch SSI: "Tôi tin 2018 sẽ có nhiều thương vụ tỷ USD"

Cập nhật lúc 09:41

Ông Nguyễn Duy Hưng - Chủ tịch Hội đồng Quản trị SSI, chia sẻ về triển vọng kinh tế vĩ mô và thị trường chứng khoán 2018...


Ông Nguyễn Duy Hưng.

"2018 nền kinh tế Việt Nam sẽ vẫn tốt và tăng trưởng bền vững, quy mô thị trường chứng khoán và thanh khoản sẽ tăng mạnh. Tôi tin sẽ có nhiều thương vụ tỷ USD xuất hiện", ông Nguyễn Duy Hưng - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (SSI), dự báo khi chia sẻ về triển vọng kinh tế vĩ mô và thị trường chứng khoán nhân dịp đầu năm 2018.
"Bàn tay vô hình"
Năm 2017, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam vượt mục tiêu đề ra, ông nhìn nhận thế nào về những động lực để tạo nên sự phát triển này?
Chủ trương của Chính phủ hướng tới một môi trường minh bạch bình đẳng cho các thành phần kinh tế đã tạo ra những hiệu ứng tích cực cho nền kinh tế năm 2017 và tạo ra tiền đề phát triển bền vững cho những năm tiếp theo.
Sự cam kết chính sách chính là yếu tố cốt lõi tác động tốt tới những kết quả ấn tượng năm qua, không chỉ đạt vượt mức các chỉ tiêu tăng trưởng mà chất lượng tăng trưởng cũng đã được cải thiện đáng kể: tăng trưởng đến từ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, dịch vụ và nông nghiệp trong khi khai thác dầu giảm, giải ngân đầu tư công không đạt kế hoạch, trái phiếu Chính phủ huy động không đủ chỉ tiêu, tuy nhiên chỉ tiêu thu ngân sách vẫn vượt kế hoạch.
Những năm 60 của thế kỷ trước, Hồng Kông trở lên thịnh vượng khi chính sách bàn tay vô hình của Adam Smith, chính phủ không can thiệp mà để các thành phần kinh tế tự do phát triển.
Rõ ràng nguyên tắc hiện nay "Chính phủ tập trung định hướng nguồn lực qua chính sách chứ không huy động và phân bổ nguồn lực, để các thành phần kinh tế tự huy động và phân bổ nguồn lực".
Đây chính là một cách diễn đạt khác của tư tưởng "bàn tay vô hình", để kinh tế tự do phát triển, các thành phần kinh tế tự do cạnh tranh. Nguyên lý hoạt động mới của Chính phủ đã tác động tích cực, đó là điều không thể phủ nhận.
Năm 2018 Chính phủ tiếp tục đặt mục tiêu tăng trưởng 6,7%, ông có cho rằng mục tiêu này quá dè dặt khi năm vừa qua chúng ta đã vượt 6,8%?
Chính phủ vẫn duy trì được tăng trưởng GDP 6,7% năm 2018 thì đó đã là câu chuyện thần kỳ. Điều quan trọng là phải tiếp tục cải thiện chất lượng tăng trưởng, nâng cao hiệu quả đầu tư cũng như năng suất lao động của nền kinh tế.
Cần giữ niềm tin cho nhà đầu tư
Năm qua, thị trường chứng khoán Việt Nam đã tăng trưởng ấn tượng, ông có ngạc nhiên với kết quả này?
Năm 2017 đã kết thúc với thành công của thị trường chứng khoán vượt kỳ vọng của tất cả các đối tượng tham gia thị trường. Đầu năm không ai nghĩ rằng thị trường chứng khoán nói riêng và nền kinh tế nói chung có thể tăng trưởng tốt như vậy.
Là người tham gia thị trường nhiều năm, tôi nhìn thành công không đơn thuần chỉ là tăng của các chỉ số chứng khoán.
Với tôi, thị trường chứng khoán quan trọng nhất là có thể huy động được vốn cho nền kinh tế, những thương vụ tỷ đô la được thực hiện trong năm qua chứng tỏ thị trường thực sự đã có thể đảm nhận trọng trách huy động vốn trung và dài hạn cho các doanh nghiệp, các tổ chức tài chính, nhà đầu tư đã có đủ niềm tin sẵn sàng đầu tư những khoản tiền lớn.
Việc mà Chính phủ cần làm là giữ niềm tin của nhà đầu tư, khi có vốn có niềm tin thì nền kinh tế sẽ phát triển, thị trường chứng khoán sẽ rất tốt.
Với nền tảng kinh tế vĩ mô 2017 như vậy, theo ông, VN-Index có vượt được đỉnh lịch sử ở vùng 1.170 điểm?
Thực sự tôi không thích nói về VN-Index sẽ tăng bao nhiêu điểm, con số đó không có ý nghĩa bởi chất lượng minh bạch của các công ty niêm yết không giống nhau sẽ có những cổ phiếu tác động đến tăng giảm của VN-Index nhưng không đại diện cho thị trường chứng khoán.
Tuy nhiên, thị trường chứng khoán là phong vũ biểu của nền kinh tế, thị trường chứng khoán chỉ tốt khi nền kinh tế tốt. 2018 nền kinh tế sẽ vẫn tiếp tục tốt và tăng trưởng bền vững, quy mô thị trường chứng khoán và thanh khoản sẽ tăng mạnh. Tôi tin sẽ có nhiều thương vụ tỷ USD xuất hiện.
Như đã nói ở trên để thị trường chứng khoán phát triển thì yếu tố đầu tiên là minh bạch, thị trường minh bạch mới hấp dẫn được nhà đầu tư, bởi người mua là mua tương lai, đặt niềm tin vào tương lai cho nên nhà đầu tư phải là người được bảo vệ cao nhất.
Mục tiêu thị trường chứng khoán là huy động vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế. Minh bạch, bình đẳng, tuân thủ quy chuẩn đạo đức nghề nghiệp để nhà đầu tư nhìn nhận thị trường chứng khoán không chỉ nơi kiếm tiền mà phải là nơi giữ tài sản cho nhà đầu tư, là một địa chỉ tin cậy để người dân lựa chọn cất giữ tài sản thay vì gửi tiết kiệm, mua vàng mua ngoại tệ hay nhà đất.
"Nhà đầu tư ngoại xem Việt Nam là địa chỉ tin cậy"
Như vậy, cơ hội cho các nhà đầu tư năm 2018 là gì thưa ông?
Cơ hội thị trường chứng khoán phát triển là cơ hội cho tổ chức phát hành, cơ hội cho quỹ đầu tư và nhà đầu tư chiến lược, và cả nhà đầu tư nhỏ lẻ. 2018 kinh tế sẽ phát triển tốt hơn, ổn định hơn 2017.
Thị trường chứng khoán không sinh ra tiền, mà là nơi chắp nối vốn đầu tư. Sẽ có người thua lỗ, có người thành công, phụ thuộc vào dự đoán của từng người. Một số ngành triển vọng trong năm tới là ngành hàng tiêu dùng, xây dựng, hạ tầng, công ty quản lý tài chính…
Năm 2017 chúng ta chứng kiến dòng vốn nước ngoài kỷ lục đổ vào thị trường chứng khoán Việt Nam. Ông có lo ngại liệu làn sóng chốt lời có diễn ra hay không?
Dòng vốn nước ngoài vào thị trường chứng khoán Việt Nam tăng đột biến năm vừa qua chứng tỏ các nhà đầu tư nước ngoài đã nhìn nhận Việt Nam là địa chỉ tin cậy, tức là người ta tin vào sự phát triển của nền kinh tế nước ta, tin vào tiềm năng phát triển của quốc gia gần 100 triệu dân có xuất phát điểm thấp có rất nhiều khả năng tăng trưởng.
Các năm trước nhà đầu tư nước ngoài chưa vào được thị trường chưa đủ độ cởi mở. Để kinh doanh họ cần nhất là thị trường, là nguồn nhân lực đây là thứ mà chúng ta có sẵn còn vốn hay công nghệ thì là những thứ họ có sẵn hoặc có thể mua hoặc huy động được.
Những thứ tốt đều mang tính thời điểm
Theo ông điểm tích cực của các đợt thoái vốn tại các doanh nghiệp lớn như Sabeco, Vinamilk trong năm qua là gì? Có phải chúng ta đang bán hết các doanh nghiệp đầu ngành, doanh nghiệp tốt nhất cho nhà đầu tư ngoại?
Thứ nhất là các cuộc đấu giá được nhiều người quan tâm, những thứ chúng ta bán được thì bán giá cao hơn kỳ vọng ban đầu, ở đây không xét chuyện đắt rẻ mà là vượt kỳ vọng. Đó là một trong những yếu tố quan trọng nhất để thoái vốn năm vừa rồi.
Đạt được điều đó vì chúng ta đã hướng đến nhu cầu của thị trường: bán cái người ta cần thì sẽ được trả giá cao hơn.
Với thương vụ VNM, tổ chức tư vấn và các thành viên tham gia đã có những bước triển khai tốt, minh bạch thông tin để nhà đầu tư tiếp cận và có đủ thời gian nghiên cứu định giá theo mục tiêu của họ.
Với Sabeco, chúng ta nên hiểu nhà đầu tư không đầu tư mua cổ phiếu mà là mua doanh nghiệp. Doanh nghiệp đứng đầu chiếm gần 50% thị phần của thị trường bia của quốc gia uống bia thuộc top 3 thế giới thì giá mua chắc chắn phải phải cao hơn nhiều so với mua bán cổ phiếu.
Việc thoái vốn khỏi các doanh nghiệp đầu ngành, theo tôi điều đó tuỳ thuộc vào mục tiêu của Chính phủ. Nếu Chính phủ đang cần tiền vào việc cấp thiết thì bán, và bán sao được giá nhất.
Hay nói cách khác là phải cân nhắc bán để dùng tiền làm gì? Nếu bán vì nghĩ đang bán được giá thì không nên bán, vì hôm nay chúng ta nghĩ cổ phiếu này đắt nhưng 5 năm sau sẽ lại là rất rẻ.
Còn đã quyết định bán thì phải công khai minh bạch và có thời gian để các tổ chức tư vấn chuyên nghiệp tìm kiếm nhà đầu tư cũng như nhiều nhà đầu tư có thể tiếp cận được thông tin. Thị trường tài chính thế giới luôn luôn có đủ tiền, vấn đề là làm sao để thứ chúng ta muốn bán phải là thứ mà người ta cần mua.
Chúng ta đừng nghĩ cụ thể về VNM, SAB, cuộc sống này không chỉ có hai doanh nghiệp ấy. Cách đây 10 năm doanh nghiệp lớn nhất ngành viễn thông là VNPT, doanh nghiệp tốt nhất là Petro Vietnam, ngân hàng lớn nhất là BIDV... Các cái tốt đều mang tính thời điểm.
Khi chúng ta mở cửa, chấp nhận hội nhập thì mọi thành phần kinh tế phải được bình đẳng, chỉ bình đẳng mới phát triển. Nhà nước kiểm soát bằng thuế.
Nếu đưa ra một lời nhắn cho nhà đầu tư chứng khoán, ông sẽ nhắn nhủ điều gì?
Nền kinh tế Việt Nam nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng sẽ phát triển hơn rất nhiều. Nhà đầu tư hãy coi thị trường không chỉ là nơi kiếm tiền mà còn là nơi giữ tiền, giữ tài sản của mình, vừa sinh lời vừa nơi an toàn giữ tiền.
Tôi luôn khuyên nhà đầu tư nên theo nguyên tắc đầu tư dài hạn, hãy chọn những công ty có tiềm năng tăng trưởng, công ty có chiến lược phát triển dài hạn và bền vững và đặc biệt những người điều hành phải minh bạch.
Ngay cả đầu tư ngắn hạn thì cũng nên chọn những cổ phiếu có tính minh bạch cao, thanh khoản tốt.
"Bitcoin không có giá trị"
Năm qua, thị trường chứng khoán đã mang lại thành công cho nhiều nhà đầu tư, nhưng tiền ảo lại là kênh đầu tư thu hút sự quan tâm hàng đầu. Bitcoin nói riêng và tiền ảo nói chung là xu hướng đầu tư mới năm 2017 trên thế giới nhưng ở Việt Nam mọi cánh cửa gần như đã đóng lại. Ông nghĩ nó là hàng hóa hay phương tiện thanh toán?
Đối với các thị trường như Mỹ, Bitcoin đơn thuần như một sản phẩm đầu cơ, có cầu ắt có cung. Ở nơi có mức minh bạch kém hơn thì kỳ vọng đây là nơi giữ tiền bí mật, như một cái máy ATM trá hình có thể bỏ tiền ở đây và rút ở chỗ khác.
Dù là hàng hóa hay phương tiện, khi số lượng người quan tâm nhiều hơn, cung giới hạn thì đều tác động đến giá và làm giá biến động. Khi có nhiều người quan tâm thì có một lớp người kinh doanh bằng chính nhu cầu đó, mua vào bán ra kiếm lợi.
Theo tôi Bitcoin không có giá trị, nhưng công nghệ chuỗi khối (blockchain) là thứ cả xã hội hướng đến, độ minh bạch tuyệt đối. Còn Bitcoin không gọi là tiền, chỉ là một trong những thứ người ta kỳ vọng là phương tiện thanh toán, ứng dụng blockchain. Tiền thì phải có tỷ giá hối đoái, gắn với quốc gia, nền kinh tế. Bitcoin là sản phẩm đầu cơ, công cụ chuyển tiền ẩn danh.
Vậy theo ông Việt Nam có nên quản lý tiền ảo?
Tôi cho rằng cái gì ảnh hưởng tới an ninh xã hội của quốc gia thì đều phải quản lý.
(Theo VnExconomy) DUY CƯỜNG - PHƯƠNG MAI

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét