"Quả đấm thép" đấm thủng ngân sách
Cập
nhật lúc 15:22
Hễ chưa bể ra thì thôi, bể một cái là thấy mất hàng trăm tỉ, hàng
ngàn tỉ, quá khủng khiếp!
Đó là những trọng án kinh tế đã và đang xảy ra. Thủ phạm
lại là các tập đoàn nhà nước, tổng công ty nhà nước - là những "quả đấm
thép" của nền kinh tế.
Mấy năm trước, Vinashin khiến toàn dân choáng váng với cú
đổ vỡ "khủng": thua lỗ, thất thoát 86.700 tỉ đồng. Chưa kịp định thần
thì đến cú tát Vinalines, tổng công ty về ngành hàng hải đã nhấn chìm của nhà
nước gần 3.500 tỉ đồng.
Liên tục trong nhiều năm, bên cạnh những đơn vị lỗ nặng
hoặc gây thất thoát tài sản lớn không thể che giấu, khối doanh
nghiệp nhà nước chủ yếu báo cáo hòa vốn hoặc lỗ; số đơn vị kinh tế
làm ăn hiệu quả không nhiều.
Cùng với các trọng án kinh tế, hàng chục quan chức đứng
đầu các tập đoàn, tổng công ty nhà nước mắc sai phạm về lãnh đạo, quản lý đã
bị bỏ tù. Dù vậy, danh sách này vẫn tiếp tục nối dài bởi những vết nứt từ
khối doanh nghiệp nhà nước không được hàn gắn mà bung vỡ ra, "tiêu
biểu" là 12 dự án thua lỗ nặng của ngành công thương, cái nào cũng mất
cả ngàn tỉ đồng.
Và hai tuần qua, điều gì sẽ phải đến đã đến. Tiếp tục có
thêm một số cựu lãnh đạo của các tập đoàn kinh tế nhà nước mắc sai phạm như
Dầu khí (PVN), Cao su (VRG) vướng vòng tố tụng, chờ sự phán xét của công lý.
Mắc sai phạm "Cố ý làm trái..." thì phải chịu
trách nhiệm cá nhân, phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự, điều đó đã rõ.
Nhưng điều đáng nói là tiếp sau vụ án, những khoản tiền thất thoát khổng lồ ấy
hầu như mất hẳn. Rốt cuộc, ai phá được cứ phá, trời mưa - đất chịu, đã có nhà
nước và người Dân nai lưng ra gánh thay.
"Trào lưu" sai phạm kinh tế gây thất thoát tiền
tỉ như thế không có dấu hiệu dừng lại, vậy thì của công nào chịu cho nổi,
ngân sách cho dù có là "nồi cơm Thạch Sanh" cũng khô cạn, nền kinh
tế sẽ về đâu?
Thực tế đó ai cũng thấy, cũng biết nhưng đã làm gì để ngăn
chặn?
Chưa có số liệu của 2017, đến hết năm 2016, theo báo cáo
của Bộ Tài chính, có 17 tập đoàn, tổng công ty còn lỗ lũy kế 12.504 tỉ đồng.
Trong đó, Vinalines lỗ lũy kế 5.040 tỉ đồng, Tổng Công ty GTel lỗ 3.905 tỉ
đồng, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam lỗ 1.348 tỉ đồng. Tính riêng năm 2016, có 4 tập
đoàn, tổng công ty ghi nhận khoản lỗ phát sinh là 1,3 triệu tỉ đồng...
Chỉ mới nêu một vài con số mà đọc tới đâu nổi da gà tới đó,
trong đó có "khoản lỗ phát sinh là 1,3 triệu tỉ đồng", thấy sởn gai
ốc. Vậy, trách nhiệm giám sát, cảnh báo của các cơ quan chức năng ở đâu? Bộ,
ngành nào cũng lập cơ quan chuyên trách về nhiệm vụ này nhưng chẳng thấy vai
trò gì cả. Khi đổ bể rồi thì trách nhiệm cũng rất mơ hồ.
Không thể để các "quả đấm thép" đấm thủng ngân
sách mãi được, nhất là khi Đảng đã xác định khu vực kinh tế tư nhân là động
lực tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế thì phải mạnh dạn thay đổi tư duy
về vai trò giữa các thành phần/khu vực kinh tế, phải mạnh mẽ cắt bỏ đặc quyền
đặc lợi của khối doanh nghiệp nhà nước để chuyển dần sang các khu vực khác
làm ăn hiệu quả hơn. Người đứng đầu đơn vị nhà nước nếu 6 tháng đến 1 năm không
hiệu quả thì thay ngay, không cần phải chờ đến sau 2 năm, lúc ấy thì doanh
nghiệp tan nát cả rồi.
Thử nhìn vào so sánh của Viện trưởng Viện Kinh tế Việt
Nam: Doanh nghiệp nhà nước phải cần đến 2,15 đồng vốn mới tạo ra được 1 đồng
doanh thu; còn khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu
tư nước ngoài chỉ cần 1,42 đồng và 1,12 đồng vốn để tạo ra 1 đồng doanh
thu.... Đã không hiệu quả mà lại còn gây thua lỗ, thất thoát nghiêm trọng nữa
thì cứ giao vốn, giao tài nguyên cho khối quốc doanh có khác nào giao trứng
cho ác!
Song song đó, cần tiếp tục tạo điều kiện tốt hơn và tuyên
dương những doanh nghiệp nhà nước kinh doanh hiệu quả, đóng góp lớn.
Nếu thấy mà không hành động, cứ để tình trạng nêu trên kéo
dài thì sẽ đắc tội với nước, với dân!
Công ty CP Hóa
dầu và Xơ sợi dầu khí (PVTex) thuộc PVN - một trong những dự án ngàn tỉ thua
lỗ - Ảnh: HOÀI DƯƠNG
(Theo Người Lao Động) HOÀI PHƯƠNG
|
Thứ Năm, 14 tháng 12, 2017
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét