Đã tìm ra chân dung chính xác nhất của vua Quang Trung?
Cập
nhật
lúc 13:52
Nhà nghiên cứu, TS. Nguyễn Duy
Chính vừa công bố bài viết có tính hệ thống lại quá trình xuất lộ và tìm kiếm
hình ảnh chân dung vua Quang Trung của học giới nước ta từ xưa đến nay.
Bức tượng tại chùa
Bộc có ghi chú Vua Quang Trung nhưng vẫn còn ý kiến khác nhau - Ảnh: từ bài
của Nguyễn Duy Chính
Hoàng đế Quang Trung là nhân
vật lịch sử đặc biệt, nhưng triều đại Tây Sơn tồn tại quá ngắn ngủi cùng với
những biến động lịch sử khiến cho những mô tả về nhân dạng của ông khuyết
thiếu.
Và mới đây, từ nguồn sử liệu
của Trung Quốc đã hé lộ những thông tin khả quan nhất về chân dung vua Quang
Trung.
Thiếu vắng trong sách sử và
những lần xuất hiện
Nhà nghiên cứu Nguyễn Duy Chính đã tìm kiếm trong các bộ sử triều
Nguyễn, và bắt gặp trong bộ Đại Nam chính biên liệt truyện ở phần "Ngụy
Tây" có một đoạn chép tả Nguyễn Văn Huệ (tức Quang Trung): "Nguyễn Văn Huệ là em của Nhạc, tiếng vang
như chuông, mắt sáng như ánh điện, mưu lược thiện chiến, người người đều kinh
sợ".
Và một đoạn khác trong sách Tây Sơn thuật lược có chép chi tiết hơn: "…
Năm ấy Nguyễn Huệ mất, tóc của
Huệ thì quăn, mặt thì đầy mụt, có một con mắt nhỏ, nhưng cái tròng rất lạ,
ban đêm ngồi không có đèn, thì ánh sáng từ mắt soi sáng cả chiếu …".
Sách Tây Sơn thuật lược - tư liệu hiếm
hoi của Việt Nam có miêu tả nhân dạng vua Quang Trung - Ảnh: L.Điền
Ngoài hai tư
liệu trên, nhà sử học Nguyễn Phương cũng từng dẫn một trường hợp vua Quang
Trung xuất lộ trong hình chụp một pho tượng ở chùa Bộc (Hà Nội).
Theo ông Nguyễn Phương, đi kèm với bức tượng là đôi câu đối được
xem là chỉ dấu cho thấy bức tượng ấy chính là tượng vua Quang Trung: "Động lý vô trần, đại địa sơn hà lưu đống vụ;
Quang trung hóa Phật, tiểu thiên thế giới chuyển phong vân"
(Trong hang không bụi, lưu nêu cột giữa non sông rộng lớn, Giữa sáng thành
Phật, chuyển gió mây trong thế giới cỏn con).
Tuy nhiên, học
giới lâu nay vẫn còn chưa thống nhất nhau về hai chữ "quang trung"
trong câu đối trên liệu có nên hiểu là tên riêng (viết hoa) của vua Quang
Trung hay không.
Về tranh vẽ,
vào năm 1932, trên Đông Thanh tạp chí số 1 có đăng bức hình vẽ "giả
vương Quang Trung", hình này đến năm 1968 xuất hiện lại trong tập san Sử
Địa số 9-10 với ghi chú là tranh này lấy từ tập "Mãn Châu cổ họa".
Tuy nhiên, lâu
nay không có thông tin gì về tập cổ họa ấy.
Hình
vẽ vua Quang Trung trên bìa tập san Sử Địa năm 1968 - Ảnh: L.Điền chụp lại
Tuy nhiên,
chính bức tranh này đã trở thành cơ sở để họa sĩ thiết kế giấy bạc thời Việt
Nam Cộng hòa đã đưa hình vua Quang Trung vào tờ tiền mệnh giá 200 đồng.
Nhà nghiên cứu
Nguyễn Duy Chính ghi nhận, từ đây, "nhiều nghệ sĩ đã sử dụng để điêu
khắc tượng đài, cả trong nước lẫn hải ngoại coi như đây là diện mạo chính
thức của Nguyễn Huệ".
Tờ
giấy bạc 200 đồng thời Việt Nam Cộng Hòa vẽ chân dung vua Quang Trung
Từ tư liệu của Trung Quốc
Liên quan đến
chuyến đi của vua Quang Trung sang Bắc Kinh dự lễ Bát tuần đại khánh của vua
Càn Long, sứ thần Triều Tiên bấy giờ là Từ Hạo Tu có mấy đoạn tả vua nước An
Nam là Quang Bình (tên của vua Quang Trung lúc sang Trung Quốc):
"Quang Bình cốt cách khá thanh
tú, hình dáng bệ vệ xem ra khác hẳn với người ở Giao Nam. Thế nhưng các bầy
tôi đi theo tuy hơi giỏi văn tự nhưng thân thể nhỏ bé, yếu đuối...",
hoặc "Vua của họ (tức nước ta) đầu
bịt khăn lưới, đội thất lương kim quan, mình mặc long bào bằng gấm màu, đeo
đai bằng ngọc trắng".
Tuy nhiên đây
chỉ là văn tả, nhà nghiên cứu Nguyễn Duy Chính tìm kiếm được hai tư liệu hình
vẽ vua Quang Trung trong chuyến đi Bắc Kinh dự lễ thọ vua Càn Long này, một
trong bộ tranh "Thập toàn phu tảo", và một bức trong bộ tranh đồ sộ
"Bát tuần Vạn thọ thịnh điển".
Trong bộ Thập
toàn phu tảo, vua Quang Trung xuất hiện trong bức tranh có tên "An Nam
quốc vương chí Tị Thử sơn trang", vẽ hình vua Quang Trung và hai bồi
thần (tức Phan Huy Ích và Ngô Văn Sở) vào triều kiến vua Càn Long ở Nhiệt Hà.
Còn trong bộ
"Bát tuần Vạn thọ thịnh điển", vua Quang Trung được vẽ trong bối
cảnh đứng chung với bồi thần, sứ thần các nước nước Triều Tiên, Nam Chưởng,
Miến Ðiện và các sơn phiên Kim Xuyên, Ðài Loan cho đến các hãn Mông Cổ, Hồi
Bộ, kế đến các vương, thai cát quì bên cạnh đường, nghênh đón vua Càn Long
hồi kinh.
Cả hai tư liệu
này đều vẽ vua Quang Trung từ xa, vẽ chung với các nhân vật khác, nên không
rõ nét chân dung.
Bức
tranh Thập toàn phu tảo vẽ vua Quang Trung và hai bồi thần đang hành lễ bệ
kiến vua Càn Long - Ảnh: từ bài của Nguyễn Duy Chính
Nhà nghiên cứu
Trần Quang Đức mới đây đã công bố một tài liệu.
Gần đây, một người bạn Trung Quốc gửi cho tôi bức tranh chân dung
Quang Trung, hiện cất giữ tại Bảo tàng Cố Cung Bắc Kinh. Bức tranh này có ghi
rõ An Nam quốc vương Nguyễn Quang Bình (tên của Quang Trung khi ở bên nhà
Thanh). Lai lịch tường tận của bức tranh cần đợi những khảo cứu chuyên sâu
hơn. Ít nhất, cho tới thời điểm hiện tại, bức tranh này vẫn tiệm cận với
"sử thực" hơn cả.
Bức
hình vẽ vua Quang Trung do Trần Quang Đức công bố
Từ tư liệu này,
nhà nghiên cứu Nguyễn Duy Chính đã khảo cứu kỹ: xem xét kiểu mũ xung thiên
vua Quang Trung đội trong hình, đọc được ba dấu triện đóng trên tranh, đọc và
dịch bài thơ ngự bút của vua Càn Long viết phía trên bức tranh.
Căn cứ vào đó,
Nguyễn Duy Chính đoán định bức hình này là bản trắng đen của một trong ba bức
bán thân vẽ màu vua Quang Trung do vua Càn Long chỉ thị cho họa gia trong
cung thực hiện nhân chuyến vua Quang Trung sang chúc thọ.
Tác giả của ba
bức tranh này là họa gia Mậu Bính Thái và một hoạ sĩ phụ tá là Y Lan Thái.
Hai ông này đều là họa sĩ có tiếng trong cung đời Thanh Cao Tông. Thông tin
này chép trong bộ "Thanh cung nội vụ phủ tạo biện xứ đáng án tổng
hối" mà Nguyễn Duy Chính đã tiếp cận được.
Như vậy có thể
theo thông tin do Trần Quang Đức công bố "hiện cất giữ tại Bảo tàng Cố
Cung Bắc Kinh" để tìm ra bức hình gốc vẽ vua Quang Trung trong bộ ba bức
tranh do vua Càn Long chỉ thị thực hiện, có thể được xem là đã tìm ra chân
dung trung thực nhất của vua Quang Trung.
Điều đó sẽ khép lại thông tin về chân dung vua Quang Trung mà
ngay chính trong bức thư gửi Phúc An Khang trên đường từ Bắc Kinh trở về sau
lễ mừng thọ, vua Quang Trung đã cho biết: "đại hoàng đế nghĩ xuống đường sá xa xôi gửi ban cho một hộp bánh
sữa, một hộp mứt trái cây và một cuộn tranh vẽ dung nhan quê mùa của kẻ hèn này".
Chi tiết này
được chép trong tập "Dụ Am văn tập" của Phan Huy Ích, nhưng chẳng
biết cuộn tranh vẽ "dung nhan quê mùa" mà vua Quang Trung khiêm
xưng từ ấy đến nay đã thất lạc đâu rồi.
(Theo Tuổi trẻ) LAM ĐIỀN
Tác giả chắc quên một điều là người sang Trung
Quốc khi đó là Quang Trung giả do vua cử đi vì còn nghi ngại mưu xấu. Dù sao
nếu giả thì chắc cũng gần giống Quang Trung thật.
Thương Giang
|
Chủ Nhật, 31 tháng 12, 2017
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét