BOT ỉ ôi đòi
bán lại cho Nhà nước: ĐBQH hỏi thẳng
Cập nhật lúc 10:07
''Nếu
nhà nước có tiền thì nhà nước đã tự bỏ ra để làm chứ cần gì phải huy động vốn
từ các nhà đầu tư?''
Phải chấp nhận
Câu chuyện nhà đầu tư BOT khi gặp sự cố
đã ngỏ ý bán lại toàn bộ dự án cho nhà nước đang nhận được rất nhiều ý kiến
trái chiều từ phía dư luận.
Trao đổi với Đất Việt, ĐBQH Bùi Văn
Xuyền (Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình) cho biết, việc nhà đầu tư BOT bán lại dự án
cho nhà nước và nhà nước mua lại cũng đã có tiền lệ.
Trong trường hợp nhà nước mua lại dự án
BOT từ chủ đầu tư thì vấn đề đặt ra là mua lại như thế nào? giá cả ra sao?
cách thức mua như thế nào? theo ông Xuyền đó là những việc phải bàn tới.
Bởi lẽ, một khi đã mua phải dựa trên cơ
sở thuận mua vừa bán, đảm bảo quyền lợi của hai bên. Không thể để xảy ra
chuyện tính đội giá lên rồi bán lại cho nhà nước với giá cắt cổ.
Dẫn chứng là đợt kiểm toán các công
trình giao thông vừa qua của kiểm toán nhà nước cho thấy, hầu hết các dự án
BOT đều bị các chủ dự án khai khống, đội giá. Các dự án ít thì đội giá 15%,
dự án nhiều thì đội giá lên 40%.
Mặt khác, theo vị ĐBQH, không phải nhà
đầu tư nói bán là nhà nước sẽ phải đứng ra mua. Việc mua lại dự án BOT hay
không là quyền của nhà nước.
"Mọi vấn đề đều phải tuân theo quy
định, tuân theo cơ chế, đồng thời xem xét nhiều vấn đề liên quan, không phải
thích mua là mua. Còn một khi anh (chủ đầu tư BOT - PV) đã làm kinh doanh thì
anh phải thực hiện các quy định hiện hành của nhà nước, lời thì anh ăn mà lỗ
anh phải chịu.
Nếu dự án anh đang làm gặp phải sự phản
ứng của xã hội thì anh cần phối hợp với cơ quan chức năng xem xét điều chỉnh
cho hợp lý, hợp luật.
Không thể theo kiểu lời thì anh ăn, lỗ
lại muốn chuyển cho nhà nước. Anh đã làm kinh doanh thì anh phải chấp nhận,
kể cả là anh phá sản cũng phải chấp nhận", ĐBQH Bùi Văn Xuyền nhấn mạnh.
Nhìn nhận vấn đề một cách khách quan,
ông Xuyền cho rằng, việc các nhà đầu tư BOT có ý định bán lại các dự án đang
gặp sự cố là không phù hợp với chủ trương của nhà nước.
''Nhà nước không có tiền đầu sư cơ sở
hạ tầng giao thông vận tải mới phải huy động các nhà đầu tư. Nếu nhà nước có
tiền thì nhà nước đã tự bỏ ra để làm chứ cần gì phải huy động vốn từ các nhà
đầu tư?'', ông phân tích.
Cần công khai,
minh bạch
Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, một
số nhà đầu tư BOT đang mặc cả với nhà nước khi kinh doanh không hiệu quả.
Bởi lẽ, hầu hết các chủ dự án BOT chỉ
có 10-15% vốn dự án, còn lại họ đi vay ngân hàng. Với lượng vốn ngân hàng nằm
đọng lại tại các dự án BOT, nếu chủ đầu tư không trả được nợ hoặc gặp phải
vấn đề gì đó thì số tiền vay trở thành nợ xấu. Điều này sẽ gây đến những rủi
ro nhất định cho các ngân hàng.
Bên cạnh đó,
thông qua kết quả giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho thấy, hàng loạt
yếu kém, cần phải được nghiên cứu xem xét, hoàn thiện ngay trong cơ chế chính
sách, quy định đối với BOT.
Thay vì đâm lao rồi theo lao, để giải
quyết triệt để tình trạng trên, ĐBQH Bùi Văn Xuyền cho rằng, cần phải sớm ban
hành một bộ luật về hợp tác công tư nếu muốn duy trì hình thức đầu tư này bền
vững, lâu dài.
"Hiện nay, do quy định của luật
pháp về hợp tác công tư chưa được rõ ràng minh bạch, cho nên việc đặt trạm, thu
phí, thời gian thu phí, giá thu phí, còn đang nhậm nhèm.
Chính vì điều này, tôi đã phát biểu
nhiều lần trước Quốc hội về việc sớm ban hành một bộ luật về hợp tác công tư.
Trong đó, các quy định phải rất rõ ràng, minh bạch, đảm bảo quyền lợi của ba
bên, một là nhà đầu tư, hai là nhà nước ba là người dân.
Ví dụ, tôi làm con đường này hết bao
nhiêu tiền và tôi thu hồi vốn trong bao nhiêu năm, phần vốn tôi bỏ ra là bao
nhiêu, phần vốn vay ngân hàng là bao nhiêu, lãi suất ngân hàng là từng này,
và hiện nay tôi có kế hoạch thu phí thế này, đặt trạm thế này...Mọi thứ phải
rõ ràng như ban ngày", ông Xuyền đề xuất.
Theo vị ĐBQH đoàn Thái Bình, vấn đề
trước mắt là cần phải quyết toán các BOT, công khai mọi thứ một cách rõ ràng
minh bạch. Từ đó mới thấy được ''của anh bao nhiêu, của em bao nhiêu'', của
nhà nước bao nhiêu, của tôi bao nhiêu.
Hiện nay nhà đầu tư BOT nhận được hàng
loạt lợi thế như nâng mức lợi nhuận lên 14%, tỷ lệ vốn chủ sở hữu chỉ từ 10 –
15% tổng mức đầu tư, đến khi không thu được tiền thì đề xuất bán tháo cho nhà
nước. Điều này khiến dư luận đặt ra nghi vấn, liệu rằng có sự ưu ái lợi ích
nhóm trong các dự án BOT hay không?
Về vấn đề này, ĐBQH Bùi Văn Xuyền nhấn
mạnh: ''Lợi ích nhóm hay không thì mình không thể khẳng định được. Bản thân
tôi không nằm trong đoàn giám sát nên cũng không có điều kiện để xác định
được có vấn đề lợi ích nhóm hay không.
Tuy nhiên, khi mọi thứ không được công
khai minh bạch, không rõ ràng đầy đủ khiến dư luận xã hội không chấp nhận thì
cần phải xem xét, đánh giá lại vấn đề. Phải có sự điều chỉnh phù hợp, có một
cách làm khác thật bài bản và rõ ràng.
Nếu vẫn giữ nguyên cách làm hiện tại,
chắc chắn tình hình BOT không thể ổn định được, hình thức đầu tư BOT cũng
không thể tồn tại được''.
(Theo Đất Việt)
Hoàng Hải
|
Thứ Ba, 19 tháng 12, 2017
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét