Kinh tế chia sẻ, sẻ chia kinh tế
Cập nhật lúc 09:07
Có lẽ từ thực tiễn nhu cầu chia sẻ phương tiện giao thông cá nhân
để tiết kiệm chi phí đã ra đời các hãng cung cấp phần mềm gọi xe qua điện
thoại thông minh Uber, Grab.
Sự xuất hiện loại hình doanh nghiệp với cách điều hành mới lạ,
tiện ích đã khiến làng taxi toàn cầu lao đao. Từ vụ kiện của Hiệp hội tài xế taxi chuyên nghiệp ở Barcelona (Tây
Ban Nha), tòa án cấp cao nhất của Liên minh châu Âu (EU) vừa qua đã
phán quyết Uber cần được phân loại là một dịch vụ vận tải và chịu sự điều
tiết như các hãng taxi khác.
Mới được thí điểm 2 năm nhưng sự đổ bộ của 2 hãng Uber, Grab đã
khiến các doanh nghiệp taxi tại Việt Nam điêu đứng vì sụt giảm doanh thu cùng
sự giảm sút nguồn thuế của Nhà nước. Ưu thế công nghệ vượt trội, không bị
ràng buộc nhiều điều kiện của xe taxi, nhưng Uber, Grab có đúng là loại hình
kinh tế chia sẻ, tận dụng lái xe nhàn rỗi?
Ai cũng biết, sở hữu một chiếc ô tô hầu hết là người khá giả hoặc
thu nhập tương đối cao và có việc làm ổn định. Không có người thu nhập thấp
lại đi vay tiền mua xe rồi để nhàn rỗi, chờ chia sẻ. Người khá giả, người có
công việc ổn định thì mấy ai chấp nhận sự điều hành của hãng công nghệ bất kể
lúc nào chỉ nhằm kiếm thêm mấy đồng bạc lẻ? Nhiều nhà quản lí vận tải khẳng
định 100% các xe Uber, Grab do người lái xe đầu tư (kể cả vay trả góp) để
kinh doanh.
Các hãng Uber, Grab đang minh chứng mình chỉ là bên cung ứng dịch
vụ phần mềm gọi xe, không phải là công ty vận tải. Nhưng thực tế họ là người
trực tiếp thu tiền của hành khách, quyết định giá cước (thậm chí theo giờ) và
trả tiền thuê lái xe. Mọi khâu quan trọng nhất trong dây chuyền kinh doanh
đều do hãng công nghệ đảm nhận. Người lái xe trực tiếp cầm vô lăng đưa đón
khách và nhận tiền thù lao! Vậy thì Uber, Grab đâu phải loại hình kinh tế
chia sẻ?
Ban đầu giá cước của Uber, Grab khá cạnh tranh nhưng đến nay giá
cả đã tương đồng với taxi truyền thống, thậm chí giờ trọng điểm còn cao hơn.
Sự bất bình đẳng ai cũng nhận thấy giữa 2 loại hình vận tải này: Thuế GTGT
của taxi truyền thống 10%; Uber, Grab 3%. Taxi truyền thống phải đóng các
loại bảo hiểm cho người lao động, hành khách đi xe cùng hàng loạt điều kiện
về lưu thông trên đường, tiêu chuẩn bắt buộc của lái xe... trong khi Uber, Grab
không bị ràng buộc. Người lái xe cho hãng taxi công nghệ liệu có biết mình
đang bị tước đi quyền lợi khi chỉ nhận chút thù lao trên mỗi cây số đường?
Nếu xảy ra tai nạn, hành khách rất khó đòi hỏi sự bồi thường từ những người
tài xế vốn chẳng khá giả, còn hãng công nghệ thì như vô can!
Dù nắm mọi mắt xích quan trọng trong kinh doanh nhưng Uber, Grab
nói họ chỉ được hưởng 20% doanh thu vận tải, 80% doanh thu vận tải còn lại
được chia cho tổ chức, cá nhân hợp tác. Với danh xưng cung ứng phần mềm gọi
xe, các hãng taxi công nghệ như đang “núp” sau tấm lưng gầy của người lái xe
để hưởng lợi. Với 20% doanh thu tự nhận và 3% đóng góp thuế GTGT, hết trách
nhiệm sau khi thanh toán tiền công cho lái xe, vậy thì họ đã “sẻ chia” được
bao nhiêu cho cộng đồng xã hội và nền kinh tế?./.
Đinh Hoàng
Bài bình luận
đăng Báo Người cao tuổi ngày 27 tháng 12 năm 2017
|
Thứ Tư, 27 tháng 12, 2017
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét