Thứ Hai, 25 tháng 12, 2017

Trung Quốc 'bao vây' Ấn Độ trên bàn cờ Nam Á

Cập nhật lúc 09:59

Trung Quốc đang kéo các nước Nam Á về phía mình, đẩy Ấn Độ vào thế bị bao vây nhưng New Delhi quyết tâm không chịu nhún nhường trước Bắc Kinh trong ván cờ đầy toan tính này.
Nếu coi Nam Á là một bàn cờ vây khổng lồ, quân đen và trắng đại diện cho Trung Quốc và Ấn Độ thì các ô vuông sẽ là các quốc gia và vùng lãnh thổ mà hai bên thèm muốn.
Theo Nikkei Asian Review, ở ván cờ hiện tại, Trung Quốc đang giành phần thắng.
Ô vuông mới nhất về tay Trung Quốc là Nepal, nơi chính phủ thân Bắc Kinh sẽ tuyên thệ nhậm chức vào năm 2018. Đây là sự thay đổi lớn đối với quốc gia nép mình trong dãy Himalayas giữa hai cường quốc đang lên trong khu vực, nơi chính phủ đương nhiệm duy trì lập trường ủng hộ Ấn Độ.

Nóng lòng bao vây đối thủ

Trong cuộc bầu cử mang tính bước ngoặt được tổ chức vào ngày 26/11 và 7/12, liên minh các đảng Cộng sản của Nepal đã chiến thắng áp đảo để giành lại quyền lực.
Mặc dù các quan chức cấp cao của Đảng Cộng sản Nepal-Thống nhất Marx Lenin (CPN-UML) nói rằng sẽ duy trì quan hệ với cả Trung Quốc và Ấn Độ nhưng họ cũng không che giấu ý định thoát khỏi “sự quản lý chi li” bởi New Delhi.


Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và người đồng cấp Nepal Sher Bahadur Deuba đến dự buổi họp và ký kết thỏa thuận tại New Delhi , Ấn Độ, ngày 24/8. Ảnh: AFP/Getty.

Về mặt kinh tế, quan hệ Ấn Độ-Nepal rất có chiều sâu. Người Nepal được phép làm việc ở Ấn Độ mà không cần thị thực. Nhập khẩu từ Ấn Độ chiếm 60% tổng kim ngạch của Nepal.
Ngược lại, Nepal phụ thuộc rất ít vào Trung Quốc một phần vì Núi Everest chắn giữa làm hạn chế việc tiếp cận giữa hai nước. Tuy nhiên, dự án phát triển cơ sở hạ tầng đầy tham vọng của Trung Quốc có thể giúp vượt qua trở ngại này.
Năm ngoái, trong chuyến thăm Trung Quốc khi đang là thủ tướng Nepal, ông Khadga Prasad Oli, chủ tịch của CPN-UML, đã đề xuất kế hoạch xây dựng đường sắt và mở rộng các con đường nối liền hai nước.
Chính phủ trước đây từng ký bản ghi nhớ về việc Trung Quốc hợp tác xây dựng nhà máy điện lớn nhất của Nepal. Chính phủ mới được cho là đang rất hào hứng về dự án này.
Theo R.S.N. Singh, cựu sĩ quan tình báo Ấn Độ, sự thay đổi quyền lực ở Nepal là do Trung Quốc nóng lòng muốn đóng vai trò lớn hơn tại quốc gia này.
“Điều này có liên quan tới lập trường cứng rắn, không nhượng bộ của Ấn Độ trong cuộc chạm trán ở Doklam”, Singh nói với Nikkei Asian Review, đề cập tới cuộc đối đầu căng thẳng giữa quân đội Trung Quốc và Ấn Độ tại khu vực ngã ba biên giới với Bhutan từ tháng 6 đến tháng 8 năm nay.
Nepal không phải là quốc gia duy nhất ở khu vực láng giềng Ấn Độ xích lại gần Trung Quốc. Trước đây, nhiều quốc gia lân cận đóng vai trò như những đối thủ khó nhằn, kiềm tỏa lẫn nhau để bảo đảm được cung cấp các khoản hỗ trợ tài chính và những sự trợ giúp khác. Tuy nhiên, các nước dường như ngày càng có xu hướng sà vào vòng tay Trung Quốc trước sự thảng thốt của Ấn Độ. 


Binh sĩ Trung Quốc và Ấn Độ đứng gần cao nguyên tranh chấp Doklam, nơi quân đội hai nước đối đầu trong mùa hè này. Ảnh: AFP.

Myanmar là một ví dụ khác.
“Trung Quốc và Myanmar nên đẩy mạnh các điểm tăng trưởng mới, ví dụ như thảo luận về việc xây dựng một hành lang kinh tế Trung Quốc-Myanmar để thúc đẩy quan hệ song phương”, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói với Cố vấn Nhà nước Myanmar Aung San Suu Kyi trong chuyến thăm Bắc Kinh của bà vào ngày 1/12. Theo hãng thông tấn Xinhua, bà Suu Kyi “đã đồng ý với đề xuất của Trung Quốc” về hành lang kinh tế.
Điều này dường như đặc biệt phù hợp vào thời điểm hiện tại, khi Myanmar đang đối mặt với những chỉ trích quốc tế nặng nề về vấn đề người Hồi giáo thiểu số Rohingya.
Trung Quốc có lẽ là đối tác duy nhất sẵn sàng hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng mà không đả động đến vấn đề nhạy cảm này. Hành lang được nói đến có thể trải dài tới Ấn Độ Dương, giúp Trung Quốc có điểm tiếp cận thứ hai ngoài hành lang được quy hoạch ở Pakistan.

Bước đệm quân sự

Trung Quốc cũng giành điểm ở Maldives. Ngày 29/11, chính phủ Maldives đã triệu tập phiên họp nghị viện khẩn cấp và nhanh chóng thông qua thỏa thuận thương mại tự do với Trung Quốc trong khi các đảng đối lập vắng mặt. Văn bản dày 1.000 trang đã được xử lý chóng vánh.
“Thỏa thuận được gửi tới ủy ban giám sát của Quốc hội về vấn đề an ninh quốc gia trong vòng ba phút sau khi được đệ trình ở Hạ viện”, Hamid Abdul Ghafoor, phát ngôn viên của đảng Dân chủ Maldives đối lập, nói. “Ủy ban đã thông qua thỏa thuận trong chưa đầy 10 phút”, ông cho biết.
Giá trị chiến lược của hợp tác Trung-Ấn sẽ tự khẳng định mình và có thể "rồng và voi sẽ nhảy cùng nhau"
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị
Vài năm qua, Tổng thống Maldives Abdulla Yameen đã lần lượt loại bỏ từng kẻ thù chính trị. Ông dường như coi Trung Quốc là đối tác hữu ích để củng cố vị thế của mình trước cuộc bầu cử tổng thống năm sau.
“Sự vội vàng của Tổng thống Yameen có thể là để đáp ứng thời hạn sít sao của Trung Quốc”, Ghafoor suy đoán lý do Yameen nhanh chóng thông qua thỏa thuận thương mại.
Cùng với hiệp định này, Trung Quốc có hai thỏa thuận thương mại tự do ở Nam Á sau hiệp định với Pakistan. Bắc Kinh cũng đang đàm phán một thỏa thuận khác với Sri Lanka.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng tuyên bố thỏa thuận thương mại tự do Trung Quốc-Maldives là “phù hợp với xu hướng toàn cầu hóa”. Tuy nhiên, quan hệ kinh tế sâu sắc thường đi kèm khía cạnh quân sự.
“Có khả năng họ sắp thiết lập một căn cứ hải quân tại đảo Gadu của Maldives”, Manoj Joshi, nhà phân tích của Viện Nghiên cứu Nhà quan sát ở Delhi, nhận định.
Joshi lưu ý rằng Gadu nằm cạnh đảo Gan, nơi hải quân Anh từng đóng quân trong Thế chiến II và vùng nước sâu này thích hợp cho một "căn cứ tàu ngầm". Hải quân Trung Quốc đã thiết lập căn cứ hải ngoại đầu tiên ở Djibouti vào tháng 8 vừa qua. Joshi cho rằng đảo Gadu ở Ấn Độ Dương có thể phục vụ mục đích tương tự.


Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng ở Nam Á và các khu vực khác. Đồ họa: Nikkei Asian Review.

Tại thời điểm này, Trung Quốc có rất nhiều lựa chọn để lập căn cứ hải quân xung quanh Ấn Độ. Cảng Hambantota của Sri Lanka và cảng Gwadar của Pakistan đứng đầu danh sách.
Với số nợ Trung Quốc ngày càng nhiều, đầu tháng này, Sri Lanka đã cung cấp hợp đồng cho thuê 99 năm tại Hambantota cho các công ty Trung Quốc bằng cách chuyển nợ thành vốn góp chủ sở hữu.
Còn Gwadar đã được một công ty Trung Quốc điều hành và “sẽ trở thành cơ sở hải quân cho Trung Quốc” theo cảnh báo của Ashok Kantha, cựu đại sứ Ấn Độ tại Trung Quốc.
Giống như Sri Lanka, Pakistan nợ Trung Quốc ngày càng nhiều khi Bắc Kinh chi trả phần lớn cho dự án hành lang ước tính trị giá 55 tỷ USD. Một số người suy đoán rằng Pakistan cuối cùng có thể đối mặt khả năng vỡ nợ.

Ấn Độ phản công

Dĩ nhiên, Ấn Độ sẽ không đứng yên để Trung Quốc đắp thành lũy bao quanh khu vực. Cuộc đối đầu ở Doklam là xung đột quân sự mới nhất giữa hai nước trong nửa thế kỷ qua, cho thấy quyết tâm không nhường bước của New Delhi.
Khi Trung Quốc bắt đầu xây dựng một con đường trong khu vực mà Bhutan tuyên bố chủ quyền, chỉ cách Ấn Độ vài trăm mét, New Delhi đã điều quân tới ngăn chặn. Kết quả là tình trạng căng thẳng không ai chịu ai kéo dài hai tháng.
Ấn Độ cũng đang tìm cách tăng cường sức mạnh quân sự với cuộc thử nghiệm thành công BrahMos ALCM từ Su-30MKI được Thủ tướng Narendra Modi ca ngợi hôm 22/11. Đây là cuộc thử nghiệm đầu tiên của tên lửa hành trình siêu thanh được phóng từ máy bay tiêm kích trên vịnh Bengal từ trên không.


Xe tải chở hệ thống tên lửa BrahMos mới của Ấn Độ trong cuộc diễu hành  mừng ngày Cộng hòa tại New Delhi, Ấn Độ, ngày 26/1. Ảnh: Getty.

“Tầm bắn của tên lửa sẽ bao trùm Eo biển Malacca nếu được phóng từ các đảo Andaman và Nicobar", một quan chức quốc phòng Ấn Độ giải thích ý nghĩa vụ thử nghiệm.
Là cửa ngõ vào Ấn Độ Dương của Trung Quốc, eo biển này sẽ là mục tiêu chính trong trường hợp đụng độ quân sự. Việc đưa khu vực vào tầm bắn tên lửa có thể ngăn Trung Quốc gửi quân tiếp viện.
Mặc dù vậy, vũ khí và chi tiêu quân sự của Ấn Độ vẫn không thể sánh kịp Trung Quốc. Nền kinh tế Trung Quốc gần gấp 5 lần Ấn Độ. New Delhi chỉ đơn giản là không đủ nguồn lực tài chính để lôi kéo các nước láng giềng về phía mình.
Theo Nikkei Asian Review, chiến lược mà New Delhi có thể theo đuổi là âm thầm chuẩn bị, từng bước tạo dựng nguồn lực để kiềm chế Trung Quốc. Vào tháng 8, Ấn Độ đã bắt đầu đàm phán hợp đồng cho thuê 40 năm sân bay quốc tế Mattala Rajapaksa ở Sri Lanka, gần Hambantota.
Sân bay này có ít giá trị thương mại với lưu lượng hành khách thuộc hàng thấp nhất thế giới. Tuy nhiên, thỏa thuận này có thể sẽ khiến Trung Quốc phải chau mày. Việc biến sân bay thành căn cứ quân sự khi xảy ra khủng hoảng sẽ không mất nhiều thời gian.
Trong khi đó, tại Bangladesh, kế hoạch phát triển cảng Sonadia dường như đã bị loại bỏ. Có tin đồn Ấn Độ đã gây áp lực ngoại giao để can thiệp vụ việc này.
Khi chiến thuật của Trung Quốc khiến đối phương lúng túng, Ấn Độ dường như vẫn kịp giành lại vài ô vuông trên bàn cờ.
Một số quốc gia tăng cường quan hệ với Trung Quốc có thể sẽ suy nghĩ lại về khả năng phụ thuộc vào cường quốc này và được đặt dưới sự bảo hộ của Bắc Kinh.
“Cần phải làm rõ hành lang Trung Quốc-Pakistan sẽ tác động như thế nào đến khả năng cạnh tranh của các ngành công nghiệp trong nước và các biện pháp bảo vệ sẽ được triển khai để ngăn chặn nó trở thành một kênh cho hàng nhập khẩu giá rẻ”, Hội đồng Thương mại Pakistan nhận xét về kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng của Trung Quốc.
Trong khi đó, Ghafoor, người phát ngôn của phe đối lập Maldives, bày tỏ quan ngại sâu sắc về việc đất nước rơi vào bẫy nợ của Trung Quốc sẽ “gây ra thêm căng thẳng cho tài sản chiến lược của quốc gia và sự bất ổn ngày càng tăng ở khu vực Ấn Độ Dương".


Trong cuộc đối đầu Trung Quốc-Ấn Độ trên bàn cờ Nam Á, "rồng" liên tục bao vây "voi". Đồ họa: Nikkei Asian Review.

Trung Quốc tự tin khẳng định có thể xua tan những lo ngại này, ngay cả ở Ấn Độ, với “chiến lược truyền thông sâu rộng” và “kịp thời loại bỏ sự hồ nghi”. “Giá trị chiến lược của hợp tác Trung-Ấn sẽ tự khẳng định mình và có thể ‘rồng và voi sẽ nhảy cùng nhau’”, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị phát biểu ngày 7/12.
“Nhưng với việc ‘rồng’ liên tục bao vây ‘voi’, liệu có khả năng chúng sẽ giẫm lên chân nhau không?”, Nikkei Asia Review đặt câu hỏi.
"Thế kỷ 21 là thế kỷ của châu Á", ông Modi viết trên Twitter sau nhận xét của ông Vương. “Chính phủ của chúng tôi đặt khu vực Ấn Độ Dương ở vị trí cao nhất dưới sự dẫn dắt của nguyên tắc Sagar - An ninh và Tăng trưởng cho Tất cả trong khu vực”, thủ tướng Ấn Độ nhấn mạnh.
Đó có thể là một điệu tango căng thẳng, khi hai bên mặt đối mặt và thận trọng cân nhắc từng bước tiến lui.
Theo Zing.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét