Thứ Hai, 18 tháng 12, 2017

Vụ "công văn mật" làm thí sinh trượt kỳ thi: Trường ra quy định cao hơn Bộ GDĐT

Cập nhật lúc 10:51

Nhiều thí sinh tham dự kỳ thi đánh giá năng lực tiếng Anh bậc 2/6 (dành cho người lớn, lấy tín chỉ A2) tại Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Huế - bị đánh trượt vì 1 công văn mà theo cán bộ ở đây cho biết, đó là công văn mật. Thế nhưng, Bộ GDĐT trả lời với báo chí rằng, không có công văn mật nào cả.

Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Huế. Ảnh: NĐT 
Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Huế. Ảnh: NĐT

Không được phổ biến quy chế rõ ràng trước khi thi
Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Huế - là nơi tổ chức kỳ thi trên vào giữa tháng 11.2017. Sau khi công bố kết quả thi, 13 thí sinh bị đánh trượt đã thắc mắc về kết quả thi.
Anh L.H.Q.Ch (ở Huế) có tổng điểm 75, trong đó kỹ năng nghe là 12 điểm. Nhà trường lấy lý do là 12 điểm thuộc vào “điểm chết” của kỹ năng nghe nên đánh trượt. Sau khi bị đánh trượt, anh đã lên trang web của trường tìm hiểu thì việc tính kết quả kỳ thi dựa vào Quyết định 1481 ban hành ngày 10.5.2016 của Bộ GDĐT. Nếu theo quy định này, anh hoàn toàn đủ điều kiện đậu, nhưng thực tế anh lại bị đánh trượt.
Theo Quyết định 1481 ban hành định dạng đề thi đánh giá năng lực sử dụng tiếng Anh bậc 2 dành cho người lớn, yêu cầu đối với mức đạt là có kết quả thi của cả 4 kỹ năng thi, tổng điểm của cả 4 kỹ năng đạt từ 65 điểm (thang điểm 100) trở lên. Quyết định trên cũng không nhắc đến việc có tính “điểm chết” trong các bài thi, tức theo quyết định này thì anh Ch. hoàn toàn đủ điểm đậu.
“Khi được giải thích có công văn của Bộ GDĐT về cách chấm điểm trên, chúng tôi đã yêu cầu được xem văn bản đó thì cán bộ ở đây không cung cấp bởi lý do đây là văn bản lưu hành nội bộ. Và trước khi bước vào phòng thi, chúng tôi cũng không được phổ biến về cách chấm điểm mới nói trên” - anh Ch cho hay.
Trao đổi với chúng tôi về sự việc này, ông Bảo Khâm - Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Huế - xác nhận có sự việc trên. “Công văn mật” nói trên là Quyết định số 1482 về việc phê duyệt ban hành tài liệu áp dụng định dạng đề thi đánh giá năng lực tiếng Anh bậc 2/6 (dành cho người lớn), cũng ban hành ngày 10.5.2016.
“Theo quyết định này thì có quy định “điểm chết” trong bài thi. Cụ thể, điểm kỹ năng nghe, kỹ năng đọc phải trên 15 điểm và kỹ năng nói, kỹ năng viết phải trên 18 điểm” - ông Khâm cho hay.
Khi chúng tôi hỏi, lý do vì sao thí sinh không được xem công văn đó và không có sự giải thích rõ ràng thì ông Khâm lấy lý do, đây là công văn lưu hành nội bộ, chỉ cán bộ chấm thi và thư ký kỳ thi mới được xem. Ông Khâm còn cho rằng, chuyện các trường khác không áp dụng cách chấm “điểm chết” là việc của họ.
Bộ GDĐT khẳng định không có “văn bản mật”
Xoay quanh vụ việc này, phóng viên đã nhận được câu trả lời của đại diện Bộ GDĐT, theo đó, Bộ GDĐT khẳng định, không có “văn bản mật” về việc tính điểm chấm thi. Đại diện Bộ GDĐT cho hay, sau khi ban hành khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam kèm theo Thông tư số 01/2104/TT-BGDĐT ngày 24.01.2014, Bộ GDĐT đã ban hành các quy định đối với 5 định dạng đề thi đánh giá năng lực tiếng Anh.
Trong đó, có các Quyết định số 1481/QĐ-BGDĐT ngày 10.5.2016 ban hành định dạng đề thi đánh giá năng lực sử dụng tiếng Anh bậc 2 theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam (dành cho người lớn) và Quyết định số 1482/QĐ-BGDĐT ngày 10.5.2016 phê duyệt tài liệu hướng dẫn áp dụng định dạng đề thi đánh giá năng lực sử dụng tiếng Anh bậc 2, theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam (dành cho người lớn) trong việc xây dựng đề thi và chấm thi gửi cho các cơ sở đào tạo ngoại ngữ, các đơn vị tổ chức thi và các đơn vị liên quan. Ngoài các quyết định này, Bộ GDĐT không ban hành bất cứ “công văn mật” nào khác liên quan đến công tác này.
“Ngày 29.9.2017, Bộ GDĐT đã ban hành Quy chế thi đánh giá năng lực ngoại ngữ theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam kèm theo Thông tư số 23/2017/TT-BGDĐT. Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 15.11.2017, theo đó, việc tổ chức thi và cấp chứng chỉ ngoại ngữ sẽ được thực hiện theo quy chế chung, thống nhất trên cả nước” - đại diện Bộ GDĐT cho hay.
Vị đại diện Bộ GDĐT cũng cho biết thêm, theo báo cáo của Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Huế - để bảo đảm chất lượng của chứng nhận trên cơ sở các Quyết định số 1481/QĐ-BGDĐT và 1482/QĐ-BGDĐT nói trên, ngày 25.5.2016, Hiệu trưởng nhà trường đã ban hành Quyết định số 336/QĐ-ĐHNN về việc áp dụng tài liệu hướng dẫn áp dụng định dạng đề thi đánh giá năng lực sử dụng tiếng Anh bậc 2 theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam (dành cho người lớn) trong việc xây dựng đề thi và chấm thi.
“Việc Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Huế - vận dụng quyết định để đưa ra quy định riêng với yêu cầu cao hơn quy định tại Quyết định số 1481/QĐ-BGDĐT là việc nhà trường có thể làm để nâng cao chất lượng chứng nhận của riêng trường mình. Điều này dẫn đến tình trạng một số thí sinh không được công nhận đạt bậc 2 do một số kỹ năng chưa đáp ứng theo Quyết định số 336/QĐ-ĐHNN của nhà trường đã ban hành” - đại diện Bộ GDĐT thông tin.
“Bộ GDĐT yêu cầu Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Huế - căn cứ các văn bản hiện hành và điều kiện thực tế để giải quyết thỏa đáng theo hướng phù hợp với các quy định và bảo đảm quyền lợi cho thí sinh và cần công khai văn bản để thí sinh hiểu rõ” - đại diện Bộ GDĐT trả lời.
(Theo LĐO) ĐẮC THÀNH - HUYÊN NGUYỄN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét