Niềm tin vào kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước
Cập nhật lúc 20:32
Thông tin ông Đinh La Thăng bị đình chỉ sinh
hoạt Đảng, cho thôi chức ĐBQH và bị khởi tố, bắt tạm giam ngày
hôm qua đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận xã hội. Đông đảo cán bộ,
đảng viên và nhân dân, nhất là các cán bộ lão thành cách mạng, các cựu chiến
binh, đã bày tỏ hoan nghênh, đồng tình và ủng hộ quyết định công minh của
Đảng và Nhà nước ta; đồng thời khẳng định niềm tin vào công lý của chế độ ta.
Thật ra không phải bây giờ, mà trước đó Đảng ta đã từng kỷ
luật 3 cán bộ là Ủy viên Bộ Chính trị. Nhưng đây là lần đầu tiên trong lịch
sử của Đảng, một cá nhân từng giữ chức Ủy viên Bộ Chính trị bị khởi tố, bắt
tạm giam.
Việc ông Thăng
bị khởi tố hình sự thêm một lần chứng minh, khẳng định ý chí quyết tâm và nỗ
lực của toàn Đảng, toàn dân ta, đặc biệt là Ban Chấp hành Trung ương, Bộ
Chính trị, Ban Bí thư và đồng chí Tổng bí
thư Nguyễn Phú Trọng trong việc ngăn chặn, đẩy lùi tham
nhũng, lãng phí, góp phần làm trong sạch bộ máy Đảng, Nhà nước, mang lại niềm
tin cho nhân dân.
Kể từ sau Đại
hội Đảng 12 (tháng 1/2016) đến nay, Đảng ta đã kỷ luật không dưới 20 cán bộ
cao cấp từ mức khiển trách trở lên. Đó là những cán bộ lãnh đạo đương chức ở
các địa phương: TP.HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng, Đồng Nai, Hậu Giang và cán bộ
lãnh đạo các bộ: Công thương, Nội vụ và lãnh đạo Liên minh HTX Việt Nam.
Không những
vậy, một số cán bộ cấp cao nghỉ hưu cũng bị xử lý kỷ luật do những sai phạm
trong thời gian đương chức như nguyên lãnh đạo các tỉnh, thành phố: Hậu
Giang, Bình Định, Gia Lai, Hải Phòng và nguyên lãnh đạo: Ban Tổ chức Trung
ương, Bộ Công thương, Bộ TN&MT, Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ. Ngoài ra, hàng
loạt cán bộ đương chức hay từng giữ chức vụ chủ tịch hội đồng thành viên,
tổng giám đốc của một số tập đoàn kinh tế lớn cũng bị xử lý kỷ luật, có người
đã bị khởi tố hình sự.
Từ những việc
nêu trên, có thể khẳng định rằng, những năm gần đây, đặc biệt là từ đầu nhiệm
kỳ Đại hội 12 của Đảng đến nay, công tác phòng, chống tham nhũng của
Đảng và Nhà nước ta đang được tiến hành khẩn trương, quyết liệt, với lộ
trình, bước đi thích hợp và cách làm bài bản, thận trọng.
Từ khi Ban chỉ
đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng do Đảng ta trực tiếp lãnh đạo, chỉ
đạo, công tác phòng, chống tham nhũng đã được triển khai trên diện rộng và có
trọng tâm, trọng điểm, bước đầu thu được những kết quả rất quan trọng. Nhiều
vụ án lớn về kinh tế, ngân hàng tưởng như bị lãng quên, nhưng đã được điều
tra, khởi tố và xét xử công khai, công bằng, khách quan, được dư luận ghi
nhận.
Một trong những
điểm đáng nói nhất trong “cuộc chiến” phòng, chống tham nhũng lần này là chỉ
đạo không có vùng cấm, không bị bất cứ sức ép và sự can thiệp nào. Điều đó
càng chứng tỏ tinh thần “thép” và bản lĩnh vững vàng của Đảng ta trong thực
hiện nhiệm vụ khó khăn, phức tạp, nhạy cảm như phòng, chống tham nhũng.
Điều đáng nói
hơn, có ý nghĩa hơn là mỗi bước chuyển biến trong phòng, chống “quốc nạn”
tham nhũng là một lần nhân lên niềm tin trong nhân dân đối với Đảng ta và chế
độ ta. Cách đây 23 năm, tại hội nghị Đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa
7 (tháng 1/1994), Đảng ta đã nhận định, tham nhũng là một trong bốn nguy
cơ liên quan đến sự tồn vong của Đảng và chế độ. Do vậy, khi “vòi bạch tuộc”
tham nhũng dần bị cắt bỏ, những “ung nhọt” làm mọt ruỗng bộ máy Đảng, Nhà
nước cũng sẽ mất đi và “cơ thể” của Đảng, Nhà nước sẽ trở nên khỏe khoắn,
lành mạnh hơn.
Có công thì
thưởng, có tội thì phạt. Đó là phương châm nhất quán trong chính sách khen
thưởng, kỷ luật của Đảng và Nhà nước. “Tất cả đảng viên đều bình đẳng
trước kỷ luật của Đảng. Đảng viên ở bất cứ cương vị nào, nếu vi phạm kỷ luật
của Đảng đều phải được xem xét, xử lý kỷ luật nghiêm minh, kịp thời”. Đó là
khoản đầu tiên về nguyên tắc xử lý kỷ luật đã được Bộ Chính trị nêu ra tại
“Quy định 102-QĐ/TW về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm” vừa mới ban hành.
Nguyên tắc xử lý kỷ luật này không chỉ là lời cảnh tỉnh, cảnh báo đối với
những đảng viên có biểu hiện “nhúng chàm” phải sớm tự giác gột rửa, “cải tà
quy chính” để tránh rơi vào vòng lao lý; mà còn khẳng định Đảng ta tiếp tục
đề cao kỷ cương, tăng cường kỷ luật, siết chặt đội ngũ và sẽ không tha thứ
cho bất cứ đảng viên nào cố tình sai phạm, nhất là sa ngã vào con đường thoái
hóa, biến chất, tham nhũng, lãng phí, gây tác động tiêu cực đến công cuộc xây
dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.
Là “con nòi”
của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc, trong tiến trình
lịch sử hơn 87 năm xây dựng, phát triển và trưởng thành, mỗi quyết định sáng
suốt, kịp thời của Đảng đều có tác động tích cực đến niềm tin của nhân dân.
Từ niềm tin đó, sức mạnh của nhân dân sẽ đủ sức “dời non lấp biển”,
sát cánh, đồng lòng với Đảng trên con đường hướng tới những mục tiêu, lý
tưởng cao đẹp mà Đảng đã đề ra. Bằng việc kiên quyết “nói không” với tham
nhũng; xử lý kịp thời, thích đáng đối với tất cả các trường hợp cán bộ các
cấp sai phạm, Đảng ta đã và đang thể hiện tinh thần của “một Đảng tiến bộ,
mạnh dạn, chắc chắn, chân chính” như Bác Hồ mong muốn.
Qua sự việc
này, chúng ta cũng cần bình tĩnh nhìn nhận, đánh giá khách quan đại đa số cán
bộ, đảng viên ta nói chung, đội ngũ cán bộ, công nhân, người lao động Tập
đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam nói riêng, vẫn hăng say miệt mài lao động,
đóng góp, cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và sự nghiệp xây dựng,
bảo vệ Tổ quốc. Những việc làm vì dân, vì nước đó vẫn là dòng chủ lưu xuyên
suốt trong đời sống xã hội, là ánh sáng soi đường, xua tan hành vi mờ ám,
khuất tất của những "con sâu làm rầu nồi canh". Đó cũng là cơ sở để
chúng ta nêu cao và phát huy tinh thần đại đoàn kết dân tộc, tiếp tục vững
bước trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, chung tay xây dựng đất nước giàu
mạnh, văn minh.
Theo Quân đội nhân dân
|
Thứ Bảy, 9 tháng 12, 2017
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét