Đã bị khởi tố có thể khai trừ Đảng bất kỳ lúc nào
Cập nhật lúc 10:11
Khi đảng viên bị đình chỉ sinh hoạt
Đảng để điều tra, xét xử, tổ chức đảng có thể ra quyết định xử lý kỷ luật bất
cứ lúc nào - ông Hà Quốc Trị nói.
Xung quanh Quy định 102 về xử lý kỷ luật đảng
viên vi phạm, ông Hà Quốc Trị, ủy viên UB Kiểm tra TƯ trao đổi với VietNamNet
về những quy định mới.
Quy định lần này quy định rõ vi phạm đến mức khiển trách
có thời hiệu 5 năm; cảnh cáo, cách chức là 10 năm; còn khai trừ thì không có
thời hạn. Đặc biệt là các vi phạm về an ninh quốc gia, bảo vệ chính trị nội
bộ… cũng không áp dụng thời hiệu xử lý kỷ luật.
Sở dĩ có bổ sung này là vì trong quá trình thực hiện bị
vướng mắc với các quy định pháp luật nhà nước có quy định về thời hiệu như
luật Công chức… nên phải sửa để đồng bộ.
Tuy nhiên yêu cầu xử lý có thời hiệu này lại cao hơn so
với công dân vì đảng viên có yêu cầu cao hơn.
Việc quy định xử lý kỷ luật đảng viên bao trùm lên hầu hết
các lĩnh vực như vậy liệu có quá khắt khe không, thưa ông?
Cái này không phải khắt khe và cũng không phải bây giờ mới
ban hành mà đã sửa đổi đến lần thứ 3. Quy định này hết sức cần thiết, làm căn
cứ để xem xét xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm.
Việc này cũng phải thông tin rộng rãi để cán bộ đảng viên
giám sát việc thực hiện. Bây giờ cứ nói đảng viên vi phạm nhưng hành vi vi
phạm thế nào không biết. Phải có quy định để khi đảng viên vi phạm, mức độ
thế nào thì đối chiếu, so sánh với quy định.
Đây cũng là cách để nhân dân kiểm tra, giám sát, phát hiện
hành vi vi phạm của đảng viên. Nếu người dân không biết hành vi nào là vi
phạm thì không thể giám sát được.
"Cho thôi chức" không phải
hình thức kỷ luật
Trong Quy định 102 có đưa ra nguyên tắc “cấp ủy viên vi
phạm đến mức cách chức thì phải cách chức, không cho thôi giữ chức”. Điều này
phải chăng nhằm khắc phục tình trạng lạm dụng kỷ luật “cho thôi chức” lâu nay?
Trong quá trình kiểm tra, xử lý có xuất hiện một số trường
hợp thấy rõ ràng cho thôi chức thì không phải hình thức kỷ luật. Cho nên phải
quy định rõ việc xử lý kỷ luật phải đúng với Điều lệ Đảng.
Đảng viên vi phạm đến mức nào thì phải xử lý đến mức đấy,
không được “cho thôi chức” thay vì cách chức; hoặc xoá tên đảng viên cũng
không phải hình thức kỷ luật mà phải là khai trừ.
Việc xử lý kỷ luật đảng viên hiện có 4 hình thức: khiển
trách, cảnh cáo, cách chức và khai trừ; đảng viên dự bị thì xử lý
kỷ luật khiển trách và cảnh cáo chứ không có hình thức kỷ luật nào “cho
thôi chức”.
Vậy lâu nay việc kỷ luật “cho thôi chức” như ông Đinh La
Thăng bị xử lý kỷ luật cho thôi chức ủy viên Bộ Chính trị, ông Nguyễn Xuân Anh cho thôi chức ủy
viên TƯ là theo quy định nào?
Việc này được nêu rõ tại Quy định số 260-QĐ/TW ngày
2/10/2009 của Bộ Chính trị về việc thôi giữ chức vụ, miễn nhiệm, từ chức của
cán bộ.
Trong trường hợp cán bộ, đảng viên bị kỷ luật cho thôi
chức thì sẽ được điều động, phân công làm công tác khác chứ không làm công
việc cũ.
Phạm pháp là có thể khai trừ
Quy định 102 đưa ra nguyên tắc: Đảng viên vi phạm pháp
luật đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì phải truy cứu trách nhiệm
hình sự, không xử lý nội bộ. Phải chăng điều này cho thấy tình trạng xử lý
nội bộ đang diễn ra trong thực tiễn?
Trong thực tiễn cũng có chuyện đó, khi xử lý kỷ luật đảng
viên hay có tình trạng xuê xoa. Chính vì thế mới quy định việc này vào đây để
ràng buộc.
Thực tiễn đặt ra thì phải có quy định để ngăn chặn việc
đáng lẽ vi phạm pháp luật phải xử lý theo pháp luật thì lại xử lý nội bộ.
Khi đã đưa ra xử lý vi phạm pháp luật thì trong Đảng không
những xử lý kỷ luật cách chức mà còn có thể khai trừ.
Vậy việc tạm đình chỉ sinh hoạt Đảng như trường hợp
ông Đinh La Thăng được hiểu như thế
nào?
Khi đảng viên bị đình chỉ sinh hoạt Đảng coi như không
tham gia cấp uỷ nữa. Trong thời gian đình chỉ sinh hoạt Đảng, anh không còn
là đảng viên nữa nên cũng không thể tham gia vào ủy viên TƯ.
Việc tạm đình chỉ sinh hoạt Đảng là để phục vụ công tác
điều tra, xét xử và có thể kéo dài đến khi toà tuyên án.
Khi đã bị bắt tạm giam, khởi tố bị can, đình chỉ sinh hoạt
Đảng thì cũng xem như là gần xong việc xử lý kỷ luật trong Đảng, chỉ là chờ
về mặt thủ tục.
Mặc khác, trong quá trình điều tra, xét xử, nếu tổ chức
đảng xét thấy đủ cơ sở để đưa ra kết luận kỷ luật thì cũng tiến hành kỷ luật chứ
không phải chờ đến toà tuyên án.
Ví dụ trường hợp ông Nguyễn Xuân Sơn, nguyên Chủ tịch
HĐTV Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam, toà vẫn đang xử giai đoạn 1
nhưng UB Kiểm tra TƯ kết luận hình thức kỷ luật khai trừ Đảng.
Tức là khi tổ chức đảng xét thấy anh vi phạm đến mức phải
khai trừ thì phải khai trừ chứ không nhất thiết chờ toà tuyên án.
(Theo VietNamNet) Nguyên Phương
|
Thứ Hai, 11 tháng 12, 2017
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét