Thứ Ba, 2 tháng 5, 2017

"Tôi đồng tình xét kỷ luật ông Thăng, nhưng còn người đề bạt, bổ nhiệm thì sao?"

Cập nhật lúc 14:21


Không nên chỉ xử lý cán bộ vi phạm mà không xử lý trách nhiệm của những người có liên quan tới việc đề bạt, bổ nhiệm người có vi phạm (từ cấp cơ sở trở lên).

Quyết liệt xử lý vi phạm của cán bộ
Hàng loạt lãnh đạo, nguyên lãnh đạo cấp cao vừa bị xử lý kỷ luật vì liên quan tới những vi phạm trong quản lý kinh tế và công tác cán bộ.
Đáng chú ý nhất là việc Ủy ban Kiểm tra Trung ương vừa đề nghị Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng xem xét, thi hành kỷ luật đối với đồng chí Đinh La Thăng về những vi phạm trong quản lý, điều hành thời gian giữ cương vụ Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn PVN.
Một số ý kiến cho rằng, việc xem xét, thi hành kỷ luật đối với ông Đinh La Thăng trước những vi phạm có liên quan, thể hiện sự quyết liệt của Đảng trong việc đấu tranh với cái xấu ngay trong nội bộ để làm Đảng mạnh lên.
"Việc xem xét, xử lý trách nhiệm cán bộ trong vụ việc nói trên, không nằm ngoài suy nghĩ của tôi. Bởi trước đó, chúng ta đã quyết liệt xử lý vi phạm của nhiều cán bộ, nguyên cán bộ cấp cao có vi phạm trong quản lý, điều hành.
Với tư cách là một công dân, tôi hoan nghênh tinh thần
và sự vào cuộc quyết liệt của Ban Bí thư, các cơ quan kiểm tra của Đảng trong việc làm rõ, xử lý những vi phạm của cán bộ nói riêng và trong công cuộc đấu tranh chống tham nhũng nói chung.
Đấu tranh trước cái xấu ngay trong nội bộ Đảng chính là cách Đảng tự chỉnh đốn, làm cho Đảng mạnh lên.
Điều này một lần nữa khẳng định lại rằng, không có vùng cấm trong đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, đặc biệt là việc xử lý cán bộ có vi phạm dù họ là ai và giữ cương vì nào chăng nữa", Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội chia sẻ với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam hôm 29/4.
Luật sư Thuận cũng cho rằng, đây là lần đầu tiên trong lịch sử Uỷ ban Kiểm tra Trung ương đề nghị xem xét trách nhiệm của một Ủy viên Bộ Chính trị đương chức, có vi phạm liên quan trong điều hành quản lý kinh tế trước đó.
 
Luật sư Trần Quốc Thuận - Nguyên Phó Chủ nhiệm thường trực Văn phòng Quốc hội. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cũng cho rằng, việc đề nghị xem xét, thi hành kỷ luật đối với ông Đinh La Thăng và một số cán bộ, nguyên cán bộ cao cấp trước đó là bài học lớn về công tác nhân sự.
"Trước đó, Ban Bí thư đã ra quyết định cách chức ông Võ Kim Cự và cảnh cáo nguyên Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường Nguyễn Minh Quang... liên quan đến sự cố môi trường tại 4 tỉnh miền Trung.
Điều đáng nói và bất thường nằm ở chỗ, không chỉ riêng ông Thăng, các cán bộ, nguyên cán bộ lãnh đạo trên có nhiều vi phạm, khuyết điểm trong điều hành trước đó, vẫn thăng tiến, thậm chí giữ chức vụ cao hơn bây giờ.
Một người giữ vị trí lãnh cao cấp thì phải qua nhiều vòng xét lắm!
Nhưng khi cán bộ có vi phạm mà vẫn được đề bạt, giới thiệu vào các vị trí lãnh đạo quan trọng thì rõ ràng công tác cán bộ, quản lý cán bộ, xử lý, đánh giá cán bộ của chúng ta có vấn đề nghiêm trọng, nếu không muốn nói là có lỗ hổng khá lớn.
Đây là điều rất đáng tiếc và chúng ta phải dũng cảm nhìn nhận vào thực tế này để khắc phục, tránh những trường hợp tương tự.
Cũng cần lưu ý một điều, nếu kỷ luật/cách chức cán bộ trong quá khứ thì tất cả các chỉ đạo, điều hành của họ liên quan tới vấn đề phát triển kinh tế, an sinh xã hội trước đó sẽ như thế nào?
Chỉ đạo đó có bị vô hiệu không? Đây là vấn đề cần xem xét cẩn trọng chứ không thể nói kỷ luật là xong chuyện", Luật sư Trần Quốc Thuận đặt câu hỏi. 
Cần xử lý người đề bạt cán bộ vi phạm
Luật sư Trần Quốc Thuận cho rằng, bên cạnh việc kỷ luật nhiều cán bộ, nguyên cán bộ cao cấp có vi phạm trước đó, cần phải làm rõ trách nhiệm của những người có liên quan tới công tác đề bạt, bổ nhiệm những người này.
"Người ta sai phạm và bị đề nghị xử lý, kỷ luật là đúng rồi.
Nhưng thử hỏi, tại sao những vi phạm kéo dài như vậy mà họ (cán bộ có vi phạm) vẫn được đề bạt, bổ nhiệm?
Không lẽ những người đề bạt cán bộ lại không biết điều này?
Nếu nói giới thiệu, đề bạt cán bộ theo quy trình, thì quy trình đó như thế nào?
Những người tham gia vào quy trình đề bạt, bổ nhiệm cán bộ vi phạm sẽ bị xử lý như thế nào?", Luật sư Thuận đặt câu hỏi.
 
Ban Bí thư đã ra quyết định cách chức ông Võ Kim Cự liên quan đến sự cố môi trường tại 4 tỉnh miền Trung. Ảnh đăng trên Báo Tiền phong.

Luật sư Thuận cũng cho rằng, việc xử lý cán bộ vi phạm và những người có liên quan trong việc đề bạt, bổ nhiệm cán bộ có vi phạm là vấn đề được dư luận hết sức quan tâm, cần những người đứng đầu làm rõ.
"Nếu những người đó có trách nhiệm trong công tác cán bộ (đề bạt, bổ nhiệm người có vi phạm) thì phải xử lý kỷ luật như trường hợp của một Ủy viên Bộ Chính trị trước đây chứ!
Không nên chỉ xử lý cán bộ vi phạm mà không xử lý trách nhiệm của những người có liên quan tới việc đề bạt, bổ nhiệm người có vi phạm (từ cấp cơ sở trở lên).
Do đó, khi làm rõ trách nhiệm của những người có liên quan thì phải xử lý đồng bộ, nhịp nhàng.
Nếu họ đang đương chức thì có nên xem xét để họ tiếp tục làm việc hay không? 
Còn cá nhân tôi cho rằng, công tác cán bộ của anh có vi phạm, nhưng vẫn để anh tiếp tục làm việc thì nguy hiểm quá! Đây là vấn đề cần phải quan tâm", Luật sư Thuận nhận định.
Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nói thêm, việc xử lý cán bộ vi phạm trong quản lý, điều hành kinh tế là điều cần thiết.
Tuy nhiên, đây chưa hẳn là điều mà người dân mong đợi nhất.
"Từ trước tới nay, rất nhiều vụ án về kinh tế gây thất thoát lớn do tham nhũng bị phanh phui, nhưng số tiền thu hồi được rất thấp.
Nếu chỉ dừng lại ở việc kỷ luật cán bộ đơn thuần thì chưa chắc người dân đã thỏa mãn.
Vấn đề nằm ở chỗ, người dân mong muốn thu hồi được tài sản thất thoát (nếu có) do tham nhũng, bởi đó là tiền thuế của nhân dân đóng góp.  
Do đó, nếu kỷ luật cán bộ mà số tiền bị thất thoát không thu hồi được thì hình thức kỷ luật đó chưa phát huy nhiều tác dụng", Luật sư Thuận nêu quan điểm. 
(Theo Giáo dục VN) THỤY DU

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét