Có phải “trách nhiệm người dân” là phải "yêu"
doanh nghiệp xăng dầu?
Cập nhật lúc 14:16
Ngân
sách nhà nước làm sao lại có thể cứ trông chờ vào việc tăng giá xăng, trong
khi người ta cần tham gia WTO để giảm giá thì ông Chủ tịch Hiệp hội Xăng Dầu
Việt Nam lại đòi tăng giá xăng.
Tôi có nhớ một bản tin trên báo nói về việc khoảng 100 người, đứng đầu
là Giám đốc Công ty Akagi Nhật Bản đã cúi gập người trong một video được đăng
tải trên YouTube xin lỗi người tiêu dùng vì đã tăng giá kem thêm 10 Yên Nhật
(khoảng 2.000 đồng tiền Việt) sau khi giữ giá trong suốt ... 25 năm.
Dù động thái tăng giá là một điều tiêu cực nhưng thay vì âm thầm thực
hiện điều này, công ty đã đăng tải thông báo lên nhiều phương tiện truyền
thông như TV, báo đài và kênh YouTube với tâm thế của một công ty luôn cố
gắng để đảo ngược cảm giác từ tiêu cực đến tích cực của khách hàng.
5 tháng đầu năm nay, mức doanh thu của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam
(Petrolimex) tăng vọt tới trên 30% so với cùng kỳ, tổng lợi nhuận hợp nhất
của Tập đoàn chỉ đạt 1.350 tỉ đồng, đạt 28,8% kế hoạch và bằng 98,4% so với
cùng kỳ.
Thế nhưng, phát biểu tại Hội thảo Thị trường xăng dầu và vấn đề thể
chế diễn ra sáng ngày 16.5, ông Phan Thế Ruệ - Chủ tịch Hiệp hội Xăng Dầu
Việt Nam nói: “Về động tĩnh tăng thuế bảo vệ môi trường lên 8.000 đồng/lít
nhưng chưa có lộ trình cụ thể. Chúng tôi rất ủng hộ sớm điều chỉnh thuế nội
địa lên, ít nhất là đưa thuế tiêu thụ đặc biệt và bảo vệ môi trường lên làm
sao cho chiếm trên 50% cơ cấu giá để đảm bảo thu ngân sách Nhà nước”.
Theo đại diện Hiệp hội Xăng Dầu Việt Nam thì “Thuế nhập khẩu giảm tiếp
xuống 0% thì phải tăng thuế khác để bù vào. Rõ ràng đây là trách nhiệm của
công dân với đất nước. Nếu giảm thuế nhập khẩu mà tăng thuế nội địa thì giá
bán lẻ xăng dầu không thay đổi, giá vẫn thế. Vì giá bán lẻ phụ thuộc vào
nhiều loại thuế, tăng cái này, giảm cái kia thì vẫn không thay đổi”.
Với lộ trình cắt giảm thuế nhập khẩu bằng 0% khi gia nhập WTO, người
dân chờ đợi sự giảm giá bán lẻ xăng dầu chứ chả ai lại hô khẩu hiệu vì trách
nhiệm công dân với đất nước để lại tiếp tục...tăng giá xăng như ông Chủ tịch
Hiệp hội Xăng Dầu Việt Nam.
Giá xăng có đồng nghĩa
với việc "Trách nhiệm người dân"? Ảnh: VNE
Tăng giá xăng được hiểu ngay lập tức là sẽ kéo theo việc tăng giá hàng
loạt hàng hóa khác kể cả mặt hàng liên quan lẫn không liên quan bởi tình
trạng “té nước theo mưa”.
Trách nhiệm của công dân với đất nước là gì? Là lao động miệt mài, là
nộp nghĩa vụ thuế đầy đủ...Đổi lại nhà nước cho họ gì? Cho họ sự minh bạch về
quản lý, về thủ tục, điều tiết tốt nhất để có thể giảm được giá nào hay giá
đó chứ không phải cứ tăng với ngụy biện rằng do tham gia thị trường thế giới
WTO.
Ngay cả phần thuế gọi là “thuế môi trường” thông qua giá xăng cho đến
lúc này vẫn chưa công bố minh bạch để người tiêu dùng biết, bao nhiêu trong
số ấy là để cải thiện môi trường và bao nhiêu trong số ấy dùng để làm gì?
Ngân sách nhà nước làm sao lại có thể cứ trông chờ vào việc tăng giá
xăng, trong khi người ta cần tham gia WTO để giảm giá thì ông Chủ tịch Hiệp
hội Xăng Dầu Việt Nam lại đòi tăng giá xăng.
Một khi doanh nghiệp phải tăng giá, đó là sự đau đớn, dằn vặt ghê gớm
vì đạo đức, phẩm chất kinh doanh không cho họ thích thì tăng giá. Chỉ trong
điều kiện bất khả kháng phải tăng như Công ty kem Akagi Nhật Bản, lãnh đạo
Công ty này đã cúi đầu xin lỗi khách hàng chứ họ không hô khẩu hiểu “Người
dân phải chấp nhận giá cao hơn vì trách nhiệm với đất nước”.
Nhiều năm nay, hễ mỗi lần tăng giá xăng, nhà kinh doanh biện lý do bị
lỗ, nhưng có lẽ giờ lý do đó không mấy thuyết phục thì lại bám vào lý do gia
nhập WTO để tăng giá...
Nhìn vào lợi nhuận khổng lồ của Tập đoàn Xăng dầu thì người tiêu dùng
sẽ nghĩ gì khi phải móc túi trả thêm tiền mua xăng để...góp sức tăng lợi
nhuận cho Tập đoàn này.
Nhìn vào thuế môi trường được tính vào giá xăng và thông tin không
minh bạch trong việc sử dụng quỹ bình ông giá tại Petrolimex, để hiểu, đây
vẫn là cách để “lấy tiền” khách hàng hợp pháp mà không thèm ngó ngàng gì đến
sự công khai chi tiêu.
Đừng kêu gọi sự đóng góp của khách hàng một khi tiền đóng góp của họ
chưa được minh bạch.
Kinh doanh là phải rõ ràng, khi thuế nhập khẩu 0% thì giá mua phải
giảm, dứt khoát như thế, còn việc kêu gọi “trách nhiệm của người dân với đất
nước” sẽ không liên quan đến chuyện làm ăn của doanh nghiệp.
(Theo Dân Viêt) Nguyễn Quang Vinh
|
Thứ Tư, 17 tháng 5, 2017
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét