Thứ Năm, 11 tháng 5, 2017

Hà Nội: Đề xuất dự án xây mới buộc phải có tầng hầm để xe

Cập nhật lúc 15:34  
              
Theo dự thảo “Hướng dẫn xác định quy mô tầng hầm phục vụ đỗ xe đối với các dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn” của Sở Quy hoạch- Kiến trúc Hà Nội, các dự án đầu tư xây dựng mới phải xây tầng hầm đỗ xe với diện tích tối thiểu bằng diện tích xây dựng. Đối với các dự án nhà ở cũ cần rà soát bổ sung diện tích tầng hầm, chỗ để xe hợp lý.

Các công trình xây dựng mới sẽ phải xây dựng tầng hầm để xe (giới hạn từ Vành đai 2 trở vào) 
Các công trình xây dựng mới sẽ phải xây dựng tầng hầm để xe (giới hạn từ Vành đai 2 trở vào)

Giới hạn từ Vành đai 2 trở vào
Tại phiên họp tập thể tháng 5 của UBND TP Hà Nội xem xét, cho ý kiến một số nội dung thuộc thẩm quyền của UBND TP và một số nội dung chuẩn bị trình tại kỳ họp giữa năm của HĐND TP, nội dung đang được dư luận quan tâm là dự thảo “Hướng dẫn xác định quy mô tầng hầm phục vụ đỗ xe đối với các dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn” đã được đưa ra lấy ý kiến.
Theo dự thảo, các dự án thuộc khu đô thị nội đô (giới hạn từ Vành đai 2 trở vào) và khu vực nội đô mở rộng, phát triển mới phải xây dựng tầng hầm đỗ xe của công trình, tối thiểu bằng diện tích xây dựng công trình; tối đa trùng với chỉ giới xây dựng hoặc phạm vi sử dụng đất hợp pháp của ô đất xây dựng công trình; chiều sâu tầng hầm để xe không quá 5 tầng (theo quy chuẩn Bộ Xây dựng)…
Dự thảo cũng đề cập việc các dự án cần nghiên cứu bổ sung diện tích tầng hầm gồm: các dự án nhà ở, không phân biệt các loại công trình nhà ở: Chung cư cao cấp, nhà ở thương mại, nhà ở xã hội, nhà tái định cư… (chỉ tiêu tính toán nhu cầu đỗ xe bản thân, tạm tính theo hướng dẫn của Bộ XD tại Công văn số 1245/BXD-KHCN ngày 24/6/2013).
Đối với công trình công cộng, hỗn hợp, cơ quan, gồm: văn phòng, khách san, trung tâm thương mại… các công cộng, hỗn hợp, dịch vụ đô thị (dạy nghề, văn hóa, TDTT, vui chơi giải trí, du lịch, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, viễn thông…) cấp thành phố và khu vực.
Ngoài ra, các dự án khuyến khích bổ sung diện tích tầng hầm (phải bảo đảm đủ chỗ đỗ xe cho nhu cầu bản thân công trình theo quy định) gồm: các công trình phục vụ an ninh quốc phòng, cơ quan Đảng, cơ quan Chính phủ; trụ sở Bộ ngành; cơ quan hành chính các cấp; công trình giáo dục cấp mầm non đến THPT; công trình bệnh viện, công trình có tính chất bí mật; công trình tôn giáo, tín ngưỡng. Các công trình cấp III và IV theo phân cấp công trình tại Thông tư số 03/2016/TT-BXD ngày 10/3/2016 của Bộ Xây dựng.
Các công trình không được phép bố trí gara ô tô tại tầng hầm (theo quy định tại quy chuẩn QCVN 08: 2009 của Bộ Xây dựng), gồm: Nhà trẻ, mẫu giáo, nhà chuyên dùng cho người cao tuổi và người khuyết tật, bệnh viện, khối nhà ngủ của trường nội trú và các cơ sở cho trẻ em; các trường phổ thông, cơ sở đào tạo ngoài trường phổ thông, Trường trung học chuyên nghiệp, Trường kỹ thuật dạy nghề.
Tuy nhiên, dự thảo cũng khuyến khích các công trình xây dựng tầng hầm để bố trí chỗ để xe máy, xe đạp hoặc xây dựng tầng hầm bên trong các khối nhà hành chính, văn phòng để bố trí gara ô tô, nhằm tăng diện tích trồng cây xanh trên mặt bằng, đảm bảo cảnh quan môi trường trong khuôn viên dự án.
Đóng góp ý kiến về dự thảo này, các sở ngành đều bày tỏ đồng tình về sự cần thiết phải có bãi đỗ xe ngầm tại các công trình xây dựng mới nhằm giải quyết nhu cầu cấp bách hiện nay và chống ùn tắc giao thông. Hơn nữa, việc xây dựng bãi đỗ xe ngầm đã có quy định của Bộ Xây dựng, ngoài ra Thường trực Thành ủy đã có thông báo chỉ đạo.
Lãnh đạo thành phố cũng đề nghị Sở Quy hoạch- Kiến trúc tiếp thu các ý kiến để hoàn thiện hướng dẫn, trong đó chú trọng quy định buộc từ nay các công trình xây dựng mới trong thiết kế phải có bãi đỗ xe tầng hầm. Đối với các công trình đã và đang xây dựng (trước khi có hướng dẫn này), thành phố giao Sở Quy hoạch-Kiến trúc phối hợp với các sở, ngành chức năng tiến hành rà soát, kiểm tra, đề xuất các giải pháp khắc phục xây dựng bãi đỗ xe, phù hợp với thực tế và quy định, nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển giao thông đô thị..
Bắt buộc phải có tầng hầm có hợp lý?
Trước đó ngày 14/4/2016, Sở Quy hoạch-Kiến trúc Hà Nội đã ký thông báo số 1823 gửi các phòng ban chuyên môn của Sở này với yêu cầu hướng dẫn, thông báo các chủ đầu tư về việc phải có tối thiểu 3 tầng hầm để xe và xây dựng nhà vệ sinh công cộng tại các công trình, khu đô thị, trung tâm thương mại (dự án nhà cao tầng-PV). Tuy nhiên, sau đấy, lãnh đạo Sở này phải có văn bản “rút” thông báo quy định trong thiết kế và xây tại các công trình, khu đô thị, trung tâm thương mại phải bố trí tối thiểu 3 tầng hầm để xe.
Sau khi thông báo này ra đời, Hiệp hội Bất động sản (BĐS) Việt Nam (VNREA) đã có văn bản gửi Hà Nội kiến nghị trước mắt có văn bản dừng hiệu lực thông báo của Sở QH-KT, vì đã và đang gây ách tắc hoạt động đầu tư và kinh doanh BĐS trên địa bàn thành phố, gây khó khăn cho hoạt động của các doanh nghiệp.
Theo VNREA, thông báo số 1823 của Sở QH-KT Hà Nội chưa phù hợp về hình thức văn bản, thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt là đối với các nội dung điều chỉnh thị trường BĐS, một lĩnh vực lớn có ảnh hưởng rộng đến sự phát triển chung của nền kinh tế đất nước cũng như sự phát triển của thành phố, chưa phù hợp với các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành đã được ban hành.
Bên cạnh đó, thông báo không quy định rõ về quy mô, vị trí, tính chất công trình, dự án như ở nội đô, ngoại thành, hay nhà ở xã hội, nhà ở thương mại… Điều này gây khó khăn trong quá trình áp dụng, gây ách tắc toàn bộ hoạt động đầu tư các dự án BĐS trên địa bàn thành phố.
Ngoài ra việc quy định như vậy khiến chi phí đầu tư sẽ bị đội lên, các thủ tục phải làm lại từ đầu… trong khi đó để dự án đi đến giai đoạn như quy định tại thông báo, chủ đầu tư đã phải làm nhiều thủ tục và tốn quá nhiều thời gian. Điều này là bất hợp lý khi áp dụng vào thực tế.
(Theo Tiền phong) Tú Anh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét