Thứ Tư, 24 tháng 5, 2017

Xài hết 5.000 tỉ, nhà máy phá sản
Cập nhật lúc 16:40     
           
 Tập đoàn Dầu khí VN (PVN) đã đầu tư trên 5.000 tỉ đồng vào Công ty công nghiệp tàu thủy Dung Quất (DQS). Số tiền này đang có nguy cơ không thể thu hồi khi nỗ lực cứu bất thành.

Xài hết 5.000 tỉ, nhà máy phá sản  
Nhiều phân xưởng của DQS giờ vắng lặng, cây cỏ mọc um tùm - Ảnh: Trần Mai
Trong báo cáo gửi Quốc hội, Bộ Công thương đã phải “ưu tiên lựa chọn” phương án phá sản DQS. Bộ này công nhận nếu theo phương án trên, bên cạnh mất chi phí, thời gian để thực hiện phá sản, mà còn khó có khả năng thu hồi vốn (trên 5.000 tỉ đồng PVN đã rót vào DQS từ khi tiếp nhận công ty này từ Vinashin năm 2010).
Đầu tư ngàn tỉ, công nhân thiếu việc
Tại nhà máy DQS lúc này (Khu kinh tế Dung Quất, Quảng Ngãi) không khí khá vắng vẻ. Bao trùm lấy các phân xưởng cả ngoài trời lẫn trong nhà là cảnh đìu hiu. Một diện tích rất rộng nhưng phần lớn vẫn đang được bỏ trống. Cây dại mọc um tùm. Nhiều hạng mục xây dựng và sắt thép bị hư hỏng vì mưa nắng.
Theo nhiều người lao động ở DQS, từ đầu năm 2016, nhiều công nhân bắt đầu được công ty này thông báo cho nghỉ việc tạm thời. Nhiều công nhân chờ mãi không thấy công ty bố trí việc đã xin nghỉ, đi kiếm việc khác. Anh N.V.C., làm việc ở DQS vừa chủ động xin nghỉ việc, cho biết cuối 2016 công việc gần như ngưng trệ, không có công việc nên phải nghỉ việc không lương. “Nhiều anh em cũng chủ động nghỉ giống tôi vì chờ mãi mà không có lương, gia đình sống bằng gì” - anh C. chia sẻ.
Thực tế, phương án phá sản DQS đã được PVN tính đến trong báo cáo gửi Bộ Công thương vào cuối năm 2016, tập đoàn này thừa nhận không thể tái cơ cấu được DQS khi tình trạng thua lỗ ngày càng trầm trọng hơn. Sau 7 năm nhận chuyển giao từ Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy VN - Vinashin (nay là Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy VN - SBIC), PVN đã đề nghị xin trả lại DQS cho SBIC, nếu không sẽ phải xin phá sản.
Về việc “xài” 5.000 tỉ, theo tài liệu của Tuổi Trẻ, từ tháng 7-2010, PVN đã rót vào DQS gần 2.000 tỉ đồng góp vốn điều lệ và trên 3.100 tỉ đồng để thanh toán nợ. Nhiều biện pháp đã được PVN thực hiện để thúc DQS phát triển.
Tuy nhiên, báo cáo tài chính của DQS đến cuối năm 2016 cho thấy kể từ khi tiếp nhận về, PVN không những không giảm lỗ mà lỗ phát sinh kể từ tiếp nhận lên tới gần 2.500 tỉ đồng. Sau biết bao công sức và tiền bạc, kết quả, không chỉ vốn chủ sở hữu ở DQS bị âm tới 1.152 tỉ đồng, tổng các khoản nợ phải trả của DQS cũng lên tới trên 6.900 tỉ đồng.
Thực tế này trái ngược với những gì mà lãnh đạo PVN đã cam kết khi tiếp nhận DQS là có thể phục hồi sản xuất. Để đảm bảo hoạt động có lãi, thậm chí trong năm 2012 PVN còn kiến nghị Bộ Tài chính một loạt cơ chế tài chính như dừng trích khấu hao với tài sản chưa sử dụng tại Dung Quất.
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, biện pháp hỗ trợ quan trọng nhất của PVN chủ yếu là giúp DQS được sửa chữa, đóng mới tàu cho các công ty con của PVN. DQS hầu như không có khả năng tìm khách hàng mới. Dẫn tới, dù được đầu tư với công suất đóng mới khoảng 600.000 tấn tàu/năm, nhưng chỉ 30% giá trị tài sản cố định phục vụ sản xuất, còn lại 70% không được sử dụng. Trong khi đó, DQS phải chịu gánh nặng tài chính do có nhiều khoản lỗ, nợ phải trả.
Bộ nói phá sản, DN nói bình thường
Theo đánh giá của Bộ Công thương, DQS hiện không thể thực hiện nghĩa vụ thanh toán đối với các khoản nợ đến hạn, cũng không có khả năng tự chủ về tài chính. Với tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như các chỉ số tài chính hiện nay, Bộ Công thương cho rằng DQS đã lâm vào tình trạng phá sản.
Tuy nhiên, trao đổi với Tuổi Trẻ qua điện thoại ngày 23-5, ông Trần Minh Ngọc, chủ tịch hội đồng thành viên DQS, cho biết: Hiện công ty vẫn đang hoạt động bình thường, dù công việc... khó khăn. Ông Ngọc cho rằng đây là khó khăn chung của ngành đóng tàu thủy chứ không riêng gì DQS. Còn việc thua lỗ, ông Ngọc chỉ nói lỗ đã xảy ra từ lâu, khi tiếp nhận đã thua lỗ nhiều...
Ông Ngọc cho biết hiện DQS hoạt động bình thường dù thừa nhận có những thời gian đơn vị phải cho người lao động nghỉ chờ việc. Nếu thị trường xấu quá và các cơ chế không được tháo gỡ, theo ông Ngọc, DQS có thể phá sản nhưng phải chờ kết luận, chưa phải lúc này...
Xem lại cách PVN đầu tư
TS Ngô Minh Hải, phó chủ nhiệm CLB DNNN, đồng tình với phương án của Bộ Công thương cho phá sản DQS thay vì tiếp tục rót tiền vào cứu nhà máy. Bởi bên cạnh yếu tố thị trường, có thể cách quản lý, quản trị không phù hợp là nguyên nhân dẫn tới kết quả sản xuất kinh doanh của DQS không hiệu quả. Do đó, càng cố rót tiền nhà nước vào, nguy cơ mất thêm tiền càng cao.
“Cần đặt bài toán này lên bàn cân. Có ai đảm bảo DN sẽ phục hồi khi không nhìn thấy triển vọng khôi phục sản xuất. Lo ngại mất việc làm cho 1.200 công nhân nhưng nếu không giải quyết sớm, vốn nhà nước, hay nói chung là tiền của dân sẽ còn mất nhiều hơn” - TS Hải nói.
Ông Lê Nết, trưởng Văn phòng luật sư LNT, cho biết theo quy định, phải có đơn xin phá sản từ công ty, chủ nợ hoặc người lao động mới phá sản được DN. Luật quản lý vốn nhà nước quy định DNNN phải bảo toàn và phát triển vốn. Do đó, theo ông Lê Nết, nếu phá sản mà tài sản bị thất thoát, người thành lập, quản lý DN sẽ bị truy trách nhiệm khi quyết định đầu tư sai.
TS Hải đề nghị cần truy đến cùng và xác định rõ ai sẽ chịu trách nhiệm. Đặc biệt, cần phải đánh giá lại xem PVN đã có phương án gì mà khiến DQS tiếp tục thua lỗ lớn như vậy.
Còn nhiều vướng mắc
Theo tài liệu của Tuổi Trẻ, mặc dù phương án phá sản đã được Bộ Công thương ưu tiên lựa chọn, nhưng việc xử lý dứt điểm dự án này gặp nhiều khó khăn. Đơn cử, PVN và SBIC chưa thống nhất được về giá trị bàn giao tàu 104.000 DWT, cả tranh chấp với các ngân hàng... Ngoài ra, hợp đồng EPC được ký giữa Vinashin và nhà thầu Trung Quốc về tổng thầu thiết kế, mua sắm xây dựng nhà máy đóng tàu vẫn còn tồn tại, vướng mắc chưa được hai bên thống nhất...
(Theo Tuổi trẻ) NGỌC AN - TRẦN MAI

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét