Những “lùm xùm” tại Bộ Xây dựng đang được đoàn
công tác Bộ Chính trị làm rõ
Cập nhật lúc
15:27
Gần đây, dư
luận hết sức bất bình trước những sai phạm có hệ thống tại Bộ Xây dựng như bổ
nhiệm, luân chuyển, quy hoạch, quản lý...
Báo cáo Bộ Chính trị trước 30 tháng 6
Theo Thông tấn xã Việt
Nam, mới đây, Đoàn kiểm tra của Bộ Chính trị do Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ
tướng Chính phủ Vương Đình Huệ làm Trưởng đoàn đã làm việc với Ban cán sự
Đảng Bộ Xây dựng, công bố Quyết định số 471-QĐNS/TW của Bộ Chính trị thành
lập Đoàn kiểm tra đối với Ban cán sự Đảng Bộ Xây dựng (Đoàn kiểm tra số 471
của Bộ Chính trị).
Nội dung kiểm tra của
Đoàn 471 của Bộ Chính trị là kiểm tra công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức
thực hiện Kết luận số 24-KL/TW ngày 5/6/2012 của Bộ Chính trị khóa XI về đẩy
mạnh công tác quy hoạch và luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý đến năm 2020
và những năm tiếp theo gắn với thực hiện Quy chế về bổ nhiệm cán bộ và giới
thiệu cán bộ ứng cử, ban hành kèm theo Quyết định số 68/QĐ-TW ngày 4/7/2007
của Bộ Chính trị khóa X...
Tại lễ công bố, ông Vương
Đình Huệ khái quát, thời gian qua, công tác luân chuyển cán bộ đã được Trung
ương và các địa phương quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện có
hiệu quả.
Tuy nhiên, thực trạng dễ
dãi, thiếu chặt chẽ trong quy hoạch, đề bạt, luân chuyển cán bộ thời gian
qua, qua kiểm tra cho thấy một số vụ việc sai phạm nghiêm trọng kể cả ở Trung
ương, địa phương đã gióng lên hồi chuông báo động như vụ Trịnh Xuân Thanh,
Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, Hải Dương, Thanh Hóa, Bình Định, Hải Phòng…
Từ thực tế đó, việc kiểm
tra được Bộ Chính trị chỉ đạo thực hiện tại các bộ, ngành, địa phương để giúp
Trung ương đánh giá đúng kết quả, ưu điểm, khuyết điểm, hạn chế trong việc
thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong Kết luận 24 năm 2012. Cụ thể, năm
2017, Bộ Chính trị đã thành lập 5 đoàn kiểm tra thực hiện việc kết luận này
đối với 10 Ban Thường vụ Tỉnh ủy và 5 Ban cán sự Đảng của 5 Bộ, ngành Trung
ương.
Để giúp Trung ương đánh
giá đúng kết quả, ưu điểm, khuyết điểm, hạn chế, các nguyên nhân khách quan,
chủ quan trong thực hiện 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp Kết luận số 24 của Trung
ương gắn với việc thực hiện Quyết định số 68 của Bộ chính trị; đồng thời đề
xuất, kiến nghị với Ban chấp hành Trung ương Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí
thư sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các quy định, chế độ, chính sách cho
phù hợp với thực tiễn.
Đoàn kiểm tra số 471 gồm
7 đồng chí sẽ kiểm tra 2 Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Ban cán sự Đảng bộ Bộ Xây
dựng. Theo kế hoạch, Đoàn sẽ làm việc tại Bộ Xây dựng và các tổ chức Đảng
trực thuộc từ ngày 16/5, đồng thời hoàn thành công tác kiểm tra, báo cáo Bộ
Chính trị trước ngày 30/6/2017.
Tiếp nhận quan điểm chỉ
đạo của đoàn Kiểm tra, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà, Bí thư Ban cán sự Đảng Bộ Xây
dựng khẳng định, mỗi lần được kiểm tra, Bộ luôn coi là một lần để tự đánh
giá, tự rà soát, kiểm soát về công tác của mình để hoạt động của Bộ ngày càng
tốt hơn.
Bộ trưởng Hà báo cáo,
công tác cán bộ thời gian qua được Bộ Xây dựng thực hiện hết sức nghiêm túc,
nhất là việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, công khai minh bạch.
Thậm chí, hàng năm, Bộ còn tổ chức lấy phiếu tín nhiệm với các chức danh lãnh
đạo từ Bộ trưởng trở xuống để việc đánh giá cán bộ sát thực tế, thiết thực
hơn.
Những “lùm xùm” tại Bộ Xây dựng
Thời gian vừa gia, Báo điện tử Giáo
dục Việt Nam và nhiều cơ quan báo chí đã liên tục phản ánh về những
“lùm xùm” tại Bộ Xây dựng. Mặc dù đã chỉ đạo cơ quan chức năng thụ lý đơn
thư, làm rõ tố cáo nhưng đến nay, Bộ Xây dựng vẫn chưa có câu trả lời rõ ràng
cho dư luận và nhân dân được biết.
Cụ thể, những vấn đề mà
dư luận đặc biệt quan tâm và cần có câu trả lời rõ ràng như sau:
Thứ nhất, về trách nhiệm của một lãnh đạo
Bộ Xây dựng:
Ngay sau cuộc Họp báo
Chính phủ thường kỳ tháng 4/2017 (ngày 04/5/2017), Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn
phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã thông tin với phóng viên về vụ việc liên
quan đến đơn tố cáo một lãnh đạo Bộ Xây dựng.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng khẳng định: "Sự
việc trên (đơn tố cáo một lãnh đạo Bộ Xây dựng - PV) xảy ra trong nội bộ của
Bộ Xây dựng, theo quy định, thuộc thẩm quyền xử lý của Bộ.
Bộ phải kiểm tra, xác minh và có báo cáo về
việc này. Sau khi Bộ có kết luận cụ thể, nếu nguyên đơn (người tố cáo) nhận
thấy việc giải quyết đơn thư không đảm bảo tính khách quan, không đúng, không
trung thực thì có quyền tiếp tục có ý kiến hoặc khởi kiện.
Khi đó, tùy từng vụ việc cụ thể, các cơ
quan khác như Bộ Nội vụ…sẽ vào cuộc. Còn nếu báo cáo cho thấy Thứ trưởng có vi
phạm thì việc xử lý thuộc trách nhiệm của cấp cao hơn".
Trước đó, như Báo điện tử Giáo dục
Việt Nam và nhiều cơ quan báo chí đã phản ánh, ông Đặng Đức Trí,
nguyên Giám đốc Cung Triển lãm Kiến trúc quy hoạch xây dựng Quốc gia đã có
đơn thư tố cáo nêu đích danh sai phạm của một lãnh đạo Bộ Xây dựng.
Đơn thư tố cáo cho rằng,
trong suốt nhiệm kỳ là lãnh đạo Viện và làm Thứ trưởng, một lãnh đạo Bộ Xây
dựng đã chỉ đạo, bổ nhiệm, cất nhắc, sắp xếp nhân sự không đúng tiêu chuẩn,
quy trình.
Trong quá trình được Bộ
trưởng giao quản lý các Viện quy hoạch, vị lãnh đạo này đã buông lỏng để cho
các Viện quy hoạch xảy ra nhiều sai phạm về kinh tế, tổ chức, mất đoàn kết
nội bộ... đã được kết luận thanh tra, chỉ rõ.
Sau khi phản ánh, dư luận bức xúc, Bộ Xây
dựng có văn bản gửi Báo điện tử Giáo dục Việt Nam khẳng định: “Đến thời
điểm hiện nay, Bộ Xây dựng mới chỉ nhận được thông tin về vụ việc này từ phản
ánh của cơ quan báo chí và chưa nhận được đơn tố cáo của ông Đặng Đức Trí.
Tuy nhiên, để làm rõ những vấn đề báo chí
nêu, Bộ sẽ chỉ đạo cơ quan chức năng gặp ông Đặng Đức Trí để làm rõ, thụ lý
đơn thư và giải quyết tố cáo theo quy định của pháp luật”.
Người viết đơn tố cáo và
bạn đọc bày tỏ sự nghi ngại khi cho rằng Thanh tra của bộ đi thanh tra trách
nhiệm của Thứ trưởng thì đảm bảo tính khách quan, trung thực?
Thứ hai, bổ nhiệm, tăng lương thần tốc và
Phó giám đốc Cung triển lãm Quốc gia “xài” bằng giả:
Phó Thủ tướng Thường trực
Chính phủ Trương Hòa Bình đã có văn bản yêu cầu Bộ Xây dựng, Bộ Nội vụ, Bộ
Giao thông vận tải, Bộ Tài chính kiểm tra nội dung báo chí phản ánh; xử lý
theo đúng thẩm quyền và quy định của pháp luật.
Trong đó có nội dung: “Báo Giáo dục Việt
Nam ngày 14 tháng 4 năm 2017 phản ánh việc một nữ cán bộ thăng chức, tăng
lương "thần tốc" ở Cung Triển lãm Quy hoạch Quốc gia thuộc Viện Quy
hoạch đô thị nông thôn Quốc gia (Bộ Xây dựng)”.
Phó Thủ tướng Thường trực
Chính phủ Trương Hòa Bình yêu cầu Bộ Xây dựng kiểm tra nội dung, xử lý theo
đúng thẩm quyền và quy định của pháp luật, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết
quả thực hiện trước ngày 10 tháng 5 năm 2017.
Trước đó, như Báo điện tử
Giáo dục Việt Nam đã phản ánh, câu chuyện ở Cung Triển lãm Quy hoạch Quốc
gia, thuộc Viện Quy hoạch đô thị nông thôn Quốc gia (Bộ Xây dựng) cũng gây
xôn xao khi 1 nữ nhân viên văn thư, lưu trữ nhưng chỉ trong vòng hơn 1 năm đã
được bổ nhiệm lên chức Phó Giám đốc Cung Triển lãm Quy hoạch Quốc gia.
Cụ thể, ngày 02/11/2011,
ông Lý Văn Vinh, Giám đốc Cung Triển lãm quy hoạch Quốc gia đã ký Quyết định
số 36/QĐ-CQH về việc tiếp nhận và điều động và Nguyễn Thị Mai Phương đến nhận
nhiệm vụ công tác tại Phòng Tổng hợp kể từ ngày 01/12/2011.
Bốn tháng sau, tức ngày
27/4/2012, bà Mai Phương tiếp tục được ông Lý Đình Vinh, Giám đốc ký Quyết
định số 09/QĐ-CQH về việc “tạm thời giao nhiệm vụ bà Nguyễn Thị Mai Phương –
cán bộ Phòng Tổng hợp giữ chức Phó Trưởng phòng Tổng hợp. Quyết định có hiệu
lực từ ngày 01/5/2012”.
Đến tháng 5/2013, Viện
trưởng Viện Quy hoạch đô thị nông thôn Quốc gia bất ngờ ký quyết định bổ
nhiệm bà Mai Phương từ Phó phòng Tổng hợp lên chức Phó Giám đốc Cung Triển
lãm quy hoạch Quốc gia (bỏ qua cả chức Trưởng phòng).
Như vậy, chỉ trong vòng
hơn 1 năm (17 tháng), bà Nguyễn Thị Mai Phương từ lúc nhận vào cơ quan vị trí
văn thư, lưu trữ đã được bổ nhiệm lên chức Phó Giám đốc Cung Triển lãm quy
hoạch Quốc gia.
Đến ngày 11/12/2014, ông
Ngô Trung Hải, với vai trò Bí thư Đảng bộ Viện Quy hoạch đô thị nông thôn
Quốc gia tiếp tục ký Quyết định thành lập chi bộ Cung triển lãm Kiến trúc quy
hoạch xây dựng Quốc gia và chỉ định bà Mai Phương làm Bí thư Chi bộ.
Ngoài vấn đề bổ nhiệm
“thần tốc”, bà Mai Phương còn khiến nhiều người bất ngờ khi về cơ quan đúng
01 ngày nhưng đã được nhận quyết định “tăng lương trước thời hạn”. Cụ thể,
tức ngày 01/12/2011, Giám đốc Cung Triển lãm quy hoạch Quốc gia Lý Văn Vinh
đã ký ngay Quyết định số 37/QĐ-CQH “Chuyển ngạch lương cho bà Nguyễn Thị Mai
Phương từ ngạch 01.006, viên chức loại C sang ngạch 01.001, viên chức loại A1.
Điều chỉnh hệ số lương
cho bà Nguyễn Thị Mai Phương từ bậc 3.12, bậc 10/12 sang hệ số lương 3.66,
bậc 5/12”.
Không chỉ dừng lại ở việc
bổ nhiệm thần tốc và tăng lương “siêu nhanh”, bà Nguyễn Thị Mai Phương, Phó
Giám đốc Cung triển lãm Quốc gia còn sử dung bằng đại học giả để “thăng quan,
tiến chức và trục lợi ngân sách nhà nước”.
Cụ thể, ngày 10/5/2017,
Trường Đại học Khoa học và xã hội nhân văn Hà Nội (Đại học Quốc gia Hà Nội)
có Văn bản gửi Báo điện tử Giáo dục Việt Nam khẳng định bằng đại học mà bà
Nguyễn Thị Mai Phương đang sử dụng là “giả”.
Thông tin từ Trường Đại
học Khoa học Xã hội và Nhân văn cung cấp, trong năm 2009, không có tên sinh
viên Nguyễn Thị Mai Phương, sinh ngày 13/04/1973, tại Hà Nội trong danh sách
sinh viên được cấp bằng tốt nghiệp đại học hệ Tại chức, ngành lưu trữ học và
quản trị văn phòng.
Qua kiểm tra, Trường Đai
học Khoa học Xã hội và Nhân văn nhận thấy số Quyết định 822/QĐ-ĐT ngày
24/03/2009 không phù hợp với thời điểm ban hành số quản lý văn bản của Trường
Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn trong tháng 03 năm 2009.
Nội dung số vào sổ cấp
bằng không đúng với mẫu quản lý số cấp phát văn bằng do Trường Đại học Khoa
học Xã hội và Nhân văn quy định (số vào sổ TC 0032/09 không đúng quy định cấp
số vào sổ của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn).
Thứ ba, thanh tra “ngược” và cố tình “bỏ lọt”
nhiều nội dung tố cáo tại Viện Quy hoạch miền Nam:
Ông Trương Trọng Nhàn,
nguyên Giám đốc Trung tâm khảo sát xây dựng thuộc Viện Quy hoạch xây dựng
miền Nam (Bộ Xây dựng) tiếp tục có đơn lần 3 gửi đến các cơ quan chức năng vì
cho rằng kết luận của Thanh tra Bộ Xây dựng chưa khách quan, chính xác, cố
tình "bỏ lọt" trách nhiệm của ông Nguyễn Thanh Hải, Viện trưởng
Viện Quy hoạch xây dựng miền Nam.
Theo ông Nhàn trình bày,
vào tháng 04/2014, Viện Quy hoạch xây dựng miền Nam được thành lập và được Bộ
Xây dựng cấp tiền lương ngân sách cho toàn bộ nhân viên nhưng các công nhân
viên ở các Trung tâm thuộc Viện không biết và đến Tết thì Viện có chi một ít
(30%) gọi là lương hỗ trợ thêm.
Đến tháng 06/2015, Thứ
trưởng Lê Quang Hùng vào Viện Quy hoạch xây dựng miền Nam họp và xác nhận là
Nhà nước có trả lương.
“Tôi đã đề nghị ông Lê Văn Thương, Viện
trưởng (hiện ông Thương đang là Hiệu trưởng Trường Đại học kiến trúc thành
phố Hồ Chí Minh) và bà Phan Hồ Anh Thư, Kế toán trưởng nhưng họ không quan
tâm và làm ngơ”, ông Nhàn cho biết.
Ngày 04/09/2015, ông Nhàn
có gửi đơn đến Tổng cục An ninh – Bộ Công an, thì ông Thương mới chấp nhận
trả lại lương năm 2015, còn năm 2014 thì trả sau nhưng thời điểm đó ông
Thương đã chuyển công tác.
Ngày 23/11/2015, Bộ Xây
dựng đã có Quyết định số 1359/QĐ-BXD điều động có thời hạn ông Nguyễn
Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Công tác phía Nam đến nhận công tác và giữ chức
vụ Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng miền Nam kể từ ngày 1/12/2015.
Đến ngày 26/9/2016, ông
Nhàn viết thư cho Bộ trưởng Bộ Xây dựng mong được thanh tra các sai phạm của
ông Nguyễn Thanh Hải, Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng miền Nam.
Ông Nhàn cho biết, ngày
17/10/2016 ,Thanh tra Bộ Xây dựng đã thành lập đoàn Thanh tra theo Quyết định
số 403/QĐ-TTr với nội dung thanh tra "trùng" với kết luận thanh tra
năm 2013 mà không "đoái hoài", quan tâm đến nội dung ông Nhàn đã
báo cáo Bộ trưởng.
Như vậy, các sai phạm của
ông Nguyễn Thanh Hải, Viện trưởng mà ông Nhàn tố cáo đã bị Bộ Xây dựng
"bỏ lọt". Vì thế, trách nhiệm của ông Hải cũng chưa được làm rõ.
“Từ đó đến nay, tôi gặp rất nhiều rắc
rối và khổ sở bởi các thư mời, triệu tập, kết luận từ phía Thanh tra.
Ngày 08/03/2017, Thanh tra Bộ gửi Văn bản
số 125/TTr-KL trả lời rằng “không thụ lý khiếu nại – tố cáo” của tôi.
Lý do là cá nhân có trách
nhiệm trong kết luận thanh tra số 531/TTr-KL.
Tôi rất bất bình vì tôi
trở thành đối tượng thanh tra sau khi làm đơn tố cáo tham nhũng.
Điều đáng nói là Quyết
định thanh tra 403/TTr lại theo yêu cầu của Phòng Tổ chức Hành chính Viện Quy
hoạch Xây dựng miền Nam sau khi tôi gửi đơn tố cáo. Vậy đây là hành vi ngăn
chặn tố cáo theo Luật Phòng, chống tham nhũng”, ông Nhàn cho biết thêm.
Ngày 21/3/2017, ông Nhàn
đã nhận được kết luận thanh tra (bản photo) của Bộ Xây dựng qua đường bưu
điện. Tuy nhiên, ông Nhàn cho rằng trong bản kết luận có nội dung không đúng
với sự thật nên ông đã viết đơn tố cáo lần 3 đề nghị thanh tra 4 nội dung.
Cụ thể: Hành vi tham ô lương ngân
sách 2014; Hành vi tiêu cực, tham nhũng trong mua sắm thiết bị và sửa chữa
trụ sở Viện Quy hoạch Xây dựng miền Nam; Tiêu cực trong công tác tổ chức cán
bộ và quản lý điều hành; Tiêu cực trong công tác bổ nhiệm lãnh đạo Viện.
Trước những vấn đề sai
phạm có hệ thống tại Bộ Xây dựng liên quan đến luân chuyển, bổ nhiệm, quy
hoạch, quản lý... dư luận đang mong chờ một kết quả kiểm tra nghiêm túc, toàn
diện và khách quan từ Đoàn công tác của Bộ Chính trị.
(Theo
Giáo dục VN) Minh
Anh
|
Thứ Năm, 18 tháng 5, 2017
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét