Tàu cá vỏ thép hỏng nằm bờ: Đoàn bộ
Nông nghiệp nói lỗi tại ngư dân!
Cập nhật lúc 20:06
Nhiều tàu cá vỏ thép vừa đóng xong đã
hỏng, dùng thép Trung Quốc thay vì thép Nhật. Tuy nhiên, trong đợt đối thoại
mới nhất, các hãng liên quan vẫn chưa tính đến chuyện bồi thường...
Đoàn công tác của Bộ NN&PTNT đi khảo sát xác nhận
tình trạng tàu hỏng nhưng cho rằng quy trình đã chạy tốt, gỉ sét do sơn, chưa
thể khẳng định trách nhiệm cụ thể...
Lỗi lại thuộc về ngư dân?
Trong hai ngày 25 và 26-5, đại diện của Tập đoàn
Doosan (Hàn Quốc), đơn vị phân phối máy tàu của hãng này tại VN
cùng Công ty TNHH một thành viên Nam Triệu (Bộ Công an) đã khảo sát,
đánh giá các máy tàu được lắp cho tàu vỏ thép của ngư dân tỉnh
Bình Định.
Trong cuộc đối thoại, ông Trần Đình Sơn - chủ tàu BĐ 99245
TS - cho biết tàu ông lắp máy của Doosan hết 2,7 tỉ đồng, đưa vào
sử dụng ngày 25-3-2017 nhưng mới ra biển được 6 ngày máy đã hư.
“Tôi sửa chữa hết 25 ngày, vừa trở lại đi biển
được đúng 10 ngày thì máy tàu lại hư, gãy cốt, tàu nằm bờ” - ông
Sơn bức xúc. Nhiều ngư dân tỉnh Bình Định cũng cho rằng máy tàu hiệu
Doosan vận hành trong thời gian ngắn đã bị hư hỏng nặng hoặc gặp
nhiều sự cố.
Tuy nhiên, ông Bùi Thanh Hải - đại diện ủy quyền phân
phối máy Doosan tại VN - lại cho rằng nguyên nhân hư hỏng phần nhiều do...
chủ tàu đã vận hành sai hướng dẫn.
Còn ông Chulhe Jeong - trợ lý tổng giám đốc phụ trách sau
bán hàng khu vực châu Á của Doosan - lại nói khi có sự cố, ngư dân phải...
lập tức báo với hãng máy để lắp các thiết bị phù hợp, không nên tự ý làm khi
chưa có chỉ dẫn.
Trước việc bị “đổ” trách nhiệm, nhiều ngư dân rất
bất bình cho biết không được tập huấn gì về việc vận hành máy
móc... Tuy nhiên, đại diện Doosan vẫn khẳng định sẽ chỉ bảo hành thay
mới phụ tùng từng bộ phận chứ không thay máy mới cho ngư dân.
Ông Bùi Thanh Hải cho rằng không thể thay máy mới do
ngư dân đã cải tạo, làm ảnh hưởng đến kết cấu của máy mà không báo với
hãng...
“Phải có thời gian”...
Trong hai ngày 25 và 26-5, đoàn công tác của Bộ
NN&PTNT cũng đi kiểm tra thực tế tàu vỏ thép mới đóng đã hỏng.
Trưa 26-5, trả lời báo chí, ông Nguyễn Ngọc Oai - phó tổng cục trưởng
Tổng cục Thủy sản, trưởng đoàn - nói qua kiểm tra, chúng tôi thấy
phản ánh của báo chí là đúng.
Một số tàu vỏ thép hỏng hóc về máy và hư hỏng
trang thiết bị trên tàu; một số khác có vỏ tàu, phần thượng tầng
của tàu gỉ sét. Hiện chúng tôi tiếp tục kiểm tra.
* Ông có bất ngờ không khi thấy những con tàu hàng chục
tỉ đồng mới đóng xong đã hỏng?
- Thật ra không bất ngờ. Những hỏng hóc vừa rồi
của tàu vỏ thép nằm trong cả một chuỗi mà Bộ NN&PTNT và các
bộ, ngành khi triển khai nghị định 67 đã lường thấy. Không thể có
cái gì hoàn chỉnh cả, mà trong chuỗi ấy nếu phát hiện có trục
trặc, ta sẽ tìm nguyên nhân để điều chỉnh kịp thời nhằm hỗ trợ ngư
dân.
* Cần điều chỉnh nhanh điều gì để không xảy ra những
trường hợp tương tự, thưa ông?
- Tới đây chúng tôi sẽ làm việc với các nhà máy
đóng tàu. Tôi nghĩ là nhà máy đóng tàu, chủ tàu, Sở NN&PTNT
phải phối hợp với nhau để giải quyết sớm nhất những tồn tại đó.
Ví dụ Công ty TNHH một thành viên Nam Triệu đã mời hãng máy tàu
của nước ngoài sang Bình Định để xác định nguyên nhân ban đầu.
Còn Công ty TNHH Đại Nguyên Dương phải xem xét, sửa
chữa ngay vỏ tàu nhằm tránh gỉ sét vì để lâu càng tăng hư hỏng.
“Các quy trình đã “chạy” rất tốt...”
* Vậy bước đầu nguyên nhân nhiều tàu vỏ thép mới đóng
đã hỏng là gì? Trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước như
thế nào khi để xảy ra việc này?
- Muốn làm rõ nguyên nhân cần có thời gian. Chỉ
một nguyên nhân gỉ sét thôi thì đã có rất nhiều yếu tố. Tạm thời
thấy có hiện tượng hư hỏng, đã yêu cầu các bên liên quan phải vào
cuộc và khắc phục ngay.
Bộ NN&PTNT cử đoàn chúng tôi đến đây làm việc
với các bên liên quan, sau đó mới xác định nguyên nhân, trách nhiệm.
Cái đầu tiên xác định: gỉ sét vỏ tàu là do chất lượng sơn chưa
đảm bảo, yêu cầu nhà máy phải hoàn chỉnh, hoàn thiện cho dân.
Trước mắt là như vậy, còn trách nhiệm phải có
thời gian chứ chưa thể nói ngay được.
* Vấn đề giám sát thi công con tàu hầu như bị thả nổi,
theo ông, sắp tới phải như thế nào?
- Khi đóng một con tàu thì có mấy cái phải giám
sát: đầu tiên là giám sát của chủ đầu tư, tức ngư dân. Tiếp đó,
nhà máy đóng tàu phải đóng theo đúng quy trình, quy phạm; đơn vị
đăng kiểm phải giám sát theo các bước quy định.
Đến nay chúng tôi cho rằng các quy trình đã “chạy”
rất tốt, tuy nhiên vẫn còn một số yếu tố như báo chí nêu cần có
thời gian xác định rõ hơn...
(Theo Tuổi trẻ) DUY THANH - THÁI THỊNH
|
Thứ Bảy, 27 tháng 5, 2017
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét