Thứ Hai, 29 tháng 5, 2017

Ông Nguyễn Đăng Chương sẽ thôi Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn

Cập nhật lúc 16:01

Chiều 29-5, theo nguồn tin riêng của Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Đăng Chương sẽ rời vị trí Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn trong thời gian tới. 

 Ông Nguyễn Đăng Chương sẽ thôi Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn
Ông Nguyễn Đăng Chương - Ảnh: tư liệu
Được biết, ông Vương Duy Biên, Thứ trưởng Bộ Văn hoá, thể thao và du lịch sẽ tạm thời đảm nhiệm phụ trách Cục Nghệ thuật biểu diễn.
Thời gian vừa qua, việc cấp phép phổ biến bài hát sáng tác trước năm 1975 hoặc của người Việt Nam đang sinh sống và định cư ở nước ngoài do Cục Nghệ thuật biểu diễn thực hiện đã gây ra nhiều bức xúc trong dư luận.
Tháng 3-2017, Cục Nghệ thuật biểu diễn ban hành quyết định thu hồi 5 bài hát sáng tác trước năm 1975 bao gồm: Cánh thiệp đầu xuân (Lê Dinh - Minh Kỳ), Rừng xưa (Lam Phương), Chuyện buồn ngày xuân (Lam Phương), Đừng gọi anh bằng chú (Diên An), Con đường xưa em đi (Châu Kỳ - Hồ Đình Phương).
Quyết định này đã gây ra phản ứng dữ dội của công chúng yêu nhạc và các nhạc sĩ.
Sau đó, đầu tháng 4-2017, sự việc bài hát Nối vòng tay lớn của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn dù đã được mọi tầng lớp nhân dân say sưa hát bao năm qua và được biểu diễn trong nhiều chương trình chính trị, giao lưu trong và ngoài nước nhưng vẫn chưa được Cục Nghệ thuật biểu diễn “cấp phép phổ biến” càng làm tăng thêm sự bức xúc của công luận.
Trước bức xúc mạnh mẽ của công luận, Cục Nghệ thuật biểu diễn đã phải rút lại quyết định thu hồi 5 bài hát và tổ chức họp đến nửa đêm kiểm điểm các cá nhân liên quan.Trong đó, ông Nguyễn Đăng Chương (cục trưởng) và ông Đào Đăng Hoàn (cục phó) đều “nghiêm khắc rút kinh nghiệm sâu sắc).
Nhưng mới đây, Cục Nghệ thuật biểu diễn công bố phổ biến hơn 300 bài “nhạc đỏ” trên website lẫn lộn vào danh sách các bài hát đã được “cấp phép phổ biến” đã gây ra làn sóng phản ứng vì trong đó nhiều bài hát quen thuộc như Tiến quân ca (Văn Cao), Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng (Phạm Tuyên)...
Việc cập nhật các bài hát nhạc đỏ vào danh sách các ca khúc phổ biến rộng rãi đã gây nhiều nhầm và bức xúc cho đông đảo dư luận.
Nhiều ý kiến cho rằng, việc công bố phổ biến những bài hát này của Cục Nghệ thuật biểu diễn là việc làm không cần thiết, vì đó hầu hết là những bài hát đã quen thuộc với công chúng yêu nhạc. Thậm chí bài Tiến quân ca đã được Quốc hội lựa chọn là quốc ca nước ta từ năm 1946 đến nay.
Ngày 22-5, Văn phòng Chính phủ thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch nghiêm túc thực hiện ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng tại cuộc họp với Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Bộ Tư pháp và Văn phòng Chính phủ ngày 26-4-2017.
Cụ thể, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo Bộ Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động biểu diễn nghệ thuật, đề xuất sửa đổi phù hợp với yêu cầu phát triển. Các bài hát đã trở nên quen thuộc, phổ biến trong thực tế, nếu không có nội dung ca từ trái với thuần phong mỹ tục, không xâm phạm lợi ích quốc gia thì không cần cấp phép phổ biến, không phụ thuộc vào địa điểm, thời gian sáng tác.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch tăng cường chỉ đạo, chấn chỉnh, nâng cao năng lực quản lý, thực thi pháp luật của Cục Nghệ thuật biểu diễn.
Sáng 23-5, Thứ trưởng Bộ Văn hoá, thể thao và du lịch Huỳnh Vĩnh Ái đã ký công văn gửi Cục Nghệ thuật biểu diễn, yêu cầu đơn vị này nghiêm túc rút kinh nghiệm, chấn chỉnh lại công tác tổ chức, nâng cao năng lực của cán bộ thực thi pháp luật. 
Cùng ngày 23-5, Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn Nguyễn Đăng Chương đã lên tiếng xin lỗi công luận vì việc cập nhật danh sách hơn 300 bài nhạc đỏ lên website đã gây hiểu nhầm và bức xúc trong dư luận. 
 Ông Nguyễn Đăng Chương sẽ thôi Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn
Ông Nguyễn Đăng Chương - Ảnh: T.T.D
Trả lời phỏng vấn trên một tờ báo, ông Chương cho biết ông từng là một người lính. Khi giải ngũ, ông làm việc ở Công ty Lương thực, rồi Công ty du lịch Ninh Bình hơn 10 năm.
Là con nhà nòi (bố ông là nhà biên kịch Nguyễn Đăng Thanh), khi ngoài 30 tuổi, ông để vợ và hai con ở Ninh Bình ra Hà Nội học Đại học Sân khấu Điện ảnh.
Ngay từ những năm đầu đi học,ông Chương đã có những tác phẩm sân khấu được dàn dựng như: Chuyện tình người mất tích, Hoàng hôn không có nắng, Huyền thoại chiến tranh, Chuyện lạ giữa trần gian.
Ông Chương đã có nhiều vở kịch được dàn dựng trên sân khấu, có năm đến 3-4 vở, có vở đến 15 đoàn dựng.
Ông Nguyễn Đăng Chương được bổ nhiệm vị trí cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn ngày 25-12-2012 (với tên Nguyễn Hoàng Chương tức Đăng Chương). Quyết định bổ nhiệm có thời hạn năm năm.
Ngày 20-5 vừa qua, ông Nguyễn Đăng Chương được nhận Giải thưởng Nhà nước bởi những thành tích trong lĩnh vực sân khấu, với tư cách tác giả kịch bản.
Trong suốt thời gian làm cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, có không ít các quyết định của cục này đã gây tranh cãi trong dư luận, một số quyết định phải rút lại, một số khiến cho cục trưởng phải xin lỗi. Cụ thể: 
Ngày 23-5-2017 cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn xin lỗi dư luận vì vụ công bố phổ biến 300 bản nhạc đỏ. 
Ngày 15-4-2017, Cục Nghệ thuật biểu diễn kiểm điểm các cá nhân liên quan vụ tạm dừng 5 bài hát.
Ngày 18-3-2014 Cục Nghệ thuật biểu diễn bị xử thua kiện trong vụ Công ty Rồng Đỏ kiện cục đã thu hồi quyết định cấp phép tổ chức cuộc thi Nữ hoàng biển VN 2013. 
Ngoài ra còn nhiều vụ việc lùm xùm khác như vụ thẻ hành nghề nghệ sĩ, vụ hoa hậu Diễm Hương, vụ Táo quân...
(Theo Tuổi trẻ) V.V.TUÂN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét