Chủ Nhật, 7 tháng 5, 2017

Ba ngày lãi 1 tỷ: Buôn đất trúng đậm, nhà nhà đổ tiền đầu cơ


Nhiều thông tin trúng lớn từ đất nền dẫn đến người người, nhà nhà a dua theo. Tình trạng thổi giá đất lên cao từ 1-12 triệu đồng/m2 đang xảy ra ở Củ Chi, Cần Giờ (TP.HCM), thậm chí lan sang các tỉnh vệ tinh như Long An, Đồng Nai...

Chỉ trong thời gian ngắn, giá đất nền tại nhiều khu vực ở TP.HCM tăng lên chóng mặt. Nhiều khu vực ven đô đã trở thành tâm điểm thị trường khi mức giá tăng gấp đôi. Nhiều nhà đầu tư và môi giới nhà đất đã đẩy giá lên cao. 
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM, lấy dẫn chứng, đất vườn ở Long An, Củ Chi đã lên đến gần 12 triệu/m2. Ông Châu cho rằng, những yếu tố hạ tầng, như cầu đường, đã làm đất tăng giá. Bên cạnh đó, một số nhà đầu tư công bố các dự án lớn làm nên những cơn sốt đất rất phi lý.
“Đang có sốt ảo về đất nền, phân lô, đất ruộng”, ông Châu khẳng định. Ngoài nguyên nhân hạ tầng thì giới đầu nậu, cò đất đang đẩy nhiều thông tin về việc kiếm tiền trúng lớn nên dẫn đến tác hại cho thị trường. Do đó, cần phải có cảnh báo mạnh mẽ về việc sốt đất nền, dễ dẫn đến vỡ bong bóng phân khúc đất nền, phân lô, tách thửa.
 Đất nền, sốt đất TP.HCM, sốt đất nền, sốt đất ngoại thành, giá đất tăng, giá đất TP.HCM
Nhà đầu tư lướt sóng đất nền, bất chấp rủi ro
Ông Châu cũng cho hay, thời gian gần đây, một số dự án có tới 70% nhà đầu tư vào mua bán. Nhưng thực sự chưa thấy xuất hiện nhà đầu cơ chuyên nghiệp như năm 2007, khi mà họ tạo sóng, lướt sóng một cách nhanh chóng làm ảnh hưởng đến toàn bộ thị trường BĐS, mà phải sau nhiều năm mới hồi phục.
Giám đốc bộ phận kinh doanh nhà ở Savills Việt Nam, ông Nguyễn Khánh Duy nhận định, xu hướng “ly tâm” đặc biệt phát triển. Đông đảo khách hàng bắt đầu chú ý đến những sản phẩm nhà phố và biệt thự xây sẵn, ở cách trung tâm TP.HCM từ 10-15 km, do tình trạng ngày càng khan hiếm cho nên sẽ tiếp tục thu hút dòng vốn đầu tư đổ vào. Theo xu hướng này, có thể kể đến vài dự án nhà liền thổ nổi bật ở địa bàn quận 2, quận 9, Nhà Bè. 
Nếu sở hữu trong tay từ 3-5 tỷ, khách hàng có thể mua được một sản phẩm nhà phố liền kề giao thô hoàn thiện bên ngoài, còn với ngân sách cao hơn, từ 7-8 tỷ trở lên, thì có thể sở hữu được một ngôi nhà biệt thự song lập hoặc biệt lập. Trong khi đó, cùng ngân sách này chỉ có thể sở hữu một căn hộ chung cư từ 2 đến 3 phòng ngủ, ở các quận gần sát khu vực trung tâm với hạn chế là mật độ dân cư cao. 
Theo báo cáo thị trường quý 1/2017 do Savills thực hiện, thời gian qua, có 7 dự án biệt thự/nhà liền kề mới cung cấp khoảng 590 căn; bên cạnh đó, nguồn cung sơ cấp đạt khoảng 2.600 căn, giảm -14% theo quý nhưng tăng 25% theo năm.
Lượng giao dịch giảm 11% theo quý nhưng tăng 94% theo năm, với quận phía Đông chiếm 74% tổng lượng giao dịch, đặc biệt quận 9 chiếm đến 49% lượng căn/nền bán được quý này của toàn thành phố. Ở Quận 2 và Nhà Bè có lượng giao dịch tốt nhất, đặc biệt nhà liền kề với diện tích 90-120m2 tiếp tục được hấp thụ tốt. 
Lo ngại bong bóng quay trở lại
Đánh giá về thị trường, ông Châu cho rằng, thời gian gần đây nhiều người đang lo ngại bong bóng BĐS, nhưng để xảy ra bong bóng thị trường phải có đủ 5 yếu tố. Yếu tố đầu tiên là khi nền kinh tế phát triển nóng, như trường hợp năm 2007, mọi người đều có thể dễ dàng kiếm tiền rồi đổ vào BĐS. 

 Đất nền, sốt đất TP.HCM, sốt đất nền, sốt đất ngoại thành, giá đất tăng, giá đất TP.HCM
Giá đất bị đẩy lên cao một cách phi lý
Thứ hai là yếu tố buông lỏng tín dụng quản lý tiền tệ. Thứ ba là lệch pha giữa các phân khúc nhà ở (thừa cao cấp, thiếu trung bình). Yếu tố thứ 4 là gia tăng nhà đầu tư kinh doanh thứ cấp, đầu cơ. Thứ năm là thiếu sự kiểm soát của cơ quan chức năng.
Thống kê của NHNN vào quý 1/2017 trong lĩnh vực BĐS cho thấy, tổng dư nợ của toàn TP.HCM là trên 1,5 triệu tỷ đồng, trong đó có 164.000 tỷ đồng cho BĐS, chiếm 10,88% trên tổng dư nợ. 
Dòng tiền đang đổ mạnh vào BĐS, theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam chi nhánh TPHCM, hiện tín dụng BĐS có số dư nợ cao nhất, nhưng cao nhất là con số tuyệt đối, còn về tỷ lệ chỉ chiếm 10,88% trong tổng dư nợ, thấp hơn nhiều nếu so với năm 2007-2008, khi đó tín dụng tăng trưởng nóng lên trên 30% trong tổng dư nợ.
Năm 2017, các ngân hàng thương mại chỉ được sử dụng 50% vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn, đến năm 2018 chỉ còn 40%; trong khi những năm trước con số này lên đến 60%. NHNN đã chỉ thị các ngân hàng thương mại kiểm soát rủi ro ở các lĩnh vực như BĐS, BOT,... Do đó, các ngân hàng sẽ phải kiểm soát chặt dòng vốn vào BĐS, bảo đảm an toàn hiệu quả. 
Ông Nguyễn Khánh Duy nhận định, thị trường 2017 sẽ vẫn tiếp tục tăng trưởng dù có thể không còn sôi động như năm 2016. Từ quý 2/2017 đến 2019, thị trường sẽ tiếp nhận thêm khoảng 14.200 căn/nền từ 44 dự án mới. Các quận phía Đông dự kiến sẽ chiếm 55% tổng nguồn cung tương lai.
(Theo VietNamNet) Duy Anh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét