Dự án nghìn tỷ thua lỗ: Quả đắng sau những hợp đồng EPC
Cập nhật lúc 08:44
Những dự án nghìn tỷ từng được coi là tiêu biểu
với mục tiêu trở thành những đại dự án đầu tàu cho từng ngành, lĩnh vực. Tuy
nhiên, trong quá trình triển khai, với những lỗ hổng, sai phạm phát sinh từ
việc ký hợp đồng, triển khai giám sát và thực hiện hợp đồng, các dự án đầu tư
sau nhiều năm đã trở thành gánh nặng nợ nần và không thể đi vào hoạt động
hiệu quả.
Bộ Công Thương vừa có
báo cáo mới về những sai phạm, lỗ hổng trong triển khai Dự án Nhà máy sản
xuất Đạm Ninh Bình. Ảnh: Minh Đức.
* Sai phạm nối tiếp sai lầm
Việc xử lý
vướng mắc tại các dự án thua lỗ nghìn tỷ của ngành Công Thương đang gặp không
ít phức tạp mà nguyên nhân chính là các chủ đầu tư sơ hở trong đàm phán,
triển khai các hợp đồng thiết kế, cung cấp thiết bị công nghệ và thi công xây
dựng công trình. Dạng trọn gói (EPC) do nhà thầu Trung Quốc đảm nhận. Việc
buông lỏng giám sát, thực hiện hợp đồng EPC tại Dự án Nhà máy sản xuất Đạm
Ninh Bình đã khiến chủ đầu tư chịu thiệt hại không nhỏ từ những kẽ hở này.
Điều chỉnh báo
cáo theo yêu cầu của chủ đầu tư
Trong tổng nợ phải trả lên tới 55 nghìn tỷ đồng của 12 dự án nghìn tỷ
thua lỗ và đang đắp chiếu, ngành Công Thương với những bản hợp đồng EPC có
vấn đề của các dự án thua lỗ ngành hoá chất, đạm và thép đang để lại những hệ
lụy rất lớn. Những bản hợp đồng và quá trình triển khai có vấn đề là nguyên
nhân chính khiến các dự án bị đội vốn và kém hiệu quả.
Dự án Nhà máy sản xuất Đạm Ninh Bình (thuộc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam
- Vinachem), là một trong số các dự án có nhiều vấn đề về mặt quản lý và thực
hiện theo hợp đồng EPC. Trong báo cáo mới nhất của Bộ Công Thương về kết quả
thanh tra dự án có vốn đầu tư lên tới với 12.000 tỷ đồng này, đoàn thanh tra
Bộ Công Thương cũng chỉ rõ “nhiều vấn đề” trong quá trình triển khai dự án.
Đáng chú ý, có việc điều chỉnh báo cáo nghiên cứu khả thi do đơn vị tư vấn
thực hiện theo yêu cầu của chủ đầu tư và sử dụng số liệu do chủ đầu tư cung
cấp. Việc điều chỉnh báo cáo nghiên cứu khả thi chủ yếu dựa vào kết quả
đàm phán mà không thẩm tra, không có tài liệu chứng minh sự thay đổi của từng
loại nguyên vật liệu, cấu kiện, linh kiện... Cơ quan chức năng cũng phát hiện
việc bổ nhiệm ông Chu Văn Tuấn làm Giám đốc ban quản lý dự án chưa đáp ứng
đầy đủ các tiêu chuẩn và điều kiện.
Đáng chú ý, theo báo cáo của Bộ Công Thương, việc chủ đầu tư đề nghị
nhà thầu Hoàn Cầu bổ sung đối tác có đủ năng lực để lập liên danh thực hiện
gói thầu EPC khác với nội dung báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước đó. Bản báo
cáo cũng cho thấy một vấn đề đáng quan tâm khi triển khai dự án Đạm Ninh
Bình. Cụ thể, theo quy định của hợp đồng EPC, thời gian thi công là 42 tháng
tính từ ngày hợp đồng có hiệu lực (từ ngày 30/4/2008 đến 30/10/2011). Nhưng
thực tế đến ngày 23/9/2012, nhà thầu mới bàn giao quyền chỉ huy nhà máy cho
Ban quản lý dự án. Tính chung nhà thầu EPC thi công chậm tiến độ so với hợp
đồng đã ký 420 ngày, làm phát sinh riêng khoản chi phí lãi vay trong thời
gian hợp đồng EPC bị kéo dài là hơn 527 tỷ đồng.
Kết quả kiểm tra của đoàn thanh tra Bộ Công Thương cũng cho thấy, dù
mức phạt nhà thầu trong trường hợp chậm tiến độ được nêu trong Phụ lục 3, mục
B của Hợp đồng EPC nhưng việc xác định giá trị phạt chậm tiến độ theo
quy định của hợp đồng vẫn chưa được hai bên thống nhất. Sự “bế tắc” trong xử
phạt nhà thầu cũng do việc quản lý hồ sơ, giám sát của chủ đầu tư và nhà thầu
quản lý dự án đối với nhà thầu EPC thiếu chặt chẽ, dẫn tới việc khó xác định
trách nhiệm chậm tiến độ của các bên cũng như việc bồi thường theo hợp đồng.
Một sai phạm khác cũng được chỉ rõ trong hợp đồng của Nhà máy Đạm Ninh
Bình chính là tại Điều 4, khoản 4.20 của hợp đồng EPC có quy định chủ đầu tư
cấp cho nhà thầu 60.000 tấn than cám 4A và 60.000 tấn than cám 5 phục vụ cho
vận hành thử. Nhưng thực tế tổng số than cấp cho quá trình chạy thử đến hết
ngày 22/9/2012 lên tới hơn 371 nghìn tấn, vượt quy định trong hợp đồng hơn
251 nghìn tấn.
“Việc cấp than vượt quá hợp đồng là không đúng quy định. Lẽ ra chủ đầu
tư và nhà thầu phải có kế hoạch chủ động trong việc cung cấp than, đồng thời
phân rõ trách nhiệm các bên tại thời điểm thực hiện. Chủ đầu tư chưa xác định
được trách nhiệm nhà thầu EPC đối với hơn 251 nghìn tấn than chạy thử vượt so
với hợp đồng. Hợp đồng EPC còn có điểm bất lợi cho chủ đầu tư về trách nhiệm
của nhà thầu khi vượt lượng than chạy thử. Đây là một trong số các nguyên
nhân của việc chưa quyết toán được hợp đồng EPC”, kết luận của Bộ Công Thương
nêu rõ.
Phát lộ thêm
nhiều sai phạm
Báo cáo về kết quả thanh tra của dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình, đoàn
thanh tra của Bộ Công Thương cũng cho thấy nhiều sai phạm đã diễn ra trong
quá trình chạy máy nghiệm thu bàn giao nhà máy. Cụ thể, ngày 18/9/2012, nhà
thầu EPC có văn bản gửi ban quản lý dự án sẽ tiến hành chạy khảo nghiệm 72
giờ sau đó sẽ bàn giao nhà máy cho chủ đầu tư và chấp nhận bồi thường thiệt
hại các thông số không đạt theo hợp đồng EPC.
Tuy nhiên, sau khi không thể yêu cầu nhà thầu EPC thực hiện theo quy
định của hợp đồng, ban quản lý dự án đã đề nghị Tập đoàn Hóa chất Việt Nam
chấp thuận tiến hành chạy khảo nghiệm như đề xuất của nhà thầu EPC. Căn cứ
theo đề xuất này, Hội đồng thành viên Vinachem đã đồng ý để nhà thầu EPC và
ban quản lý dự án cho chạy thử nghiệm thu 72 giờ. Việc làm này sau đó đã được
chỉ rõ là sai khi chiếu theo các quy định tại Điều 9 của hợp đồng EPC và các
quy định về quản lý chất lượng công trình theo Nghị định 209 của Chính phủ.
Một sai phạm khác được chỉ rõ trong thực hiện dự án chính là việc ban
quản lý dự án đã nhận bàn giao quyền chỉ huy nhà máy vào ngày 23/9/2012 trong
khi dây chuyền thiết bị của dự án chưa đủ điều kiện nghiệm thu. Chính việc
nhận bàn giao tạm thời này đã đẩy chủ đầu tư vào thế phải chịu mọi rủi ro
trong vận hành. Đáng ngạc nhiên là Hội đồng thành viên Vinachem cũng đã chấp
nhận đề nghị của Ban quản lý dự án Đạm Ninh Bình trong tiếp nhận nguyên trạng
và quản lý vận hành nhà máy khi dây chuyền chưa đủ điều kiện nghiệm thu.
“Nhà máy đi vào sản xuất từ năm 2012 tuy nhiên còn nhiều nội dung công
việc thuộc hợp đồng EPC chưa hoàn thiện. Qua nhiều lần đàm phán, Vinachem và
nhà thầu thống nhất còn 47 hạng mục tồn tại về mặt xây dựng thuộc hợp đồng
EPC phải khắc phục với tổng chi phí hơn 21,3 tỷ đồng. Nhiều hạng mục về cơ
khí, điện, đo lường phải khắc phục với chi phí hơn 1,3 triệu USD và hơn 20 tỷ
đồng. Đến nay, nhà thầu EPC chưa hoàn thành toàn bộ nhiệm vụ quy định trong
hợp đồng, dẫn đến quá trình đàm phán, giải quyết các tồn tại kéo dài”, Bộ
Công Thương cho hay.
Theo tìm hiểu của PV Tiền
Phong, ngay từ tháng 3/2011, khi vào thanh tra lần 1 việc sử dụng vốn,
tài sản nhà nước tại Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, Thanh tra Chính phủ đã cảnh
báo việc tiến độ hợp đồng EPC dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình. Đến lần thanh tra
thứ hai vào tháng 6/2013, Thanh tra Chính phủ cũng chỉ rõ những “vấn đề” cần
lưu ý của hợp đồng EPC của dự án như việc khi thương thảo hợp đồng EPC, Tổng
Cty Hóa chất Việt Nam đã không đề cập vật tư dự phòng dẫn tới khi sản xuất
cần thay thế vật tư, phải ngừng vận hành chờ đợi vật tư thay thế.
(Theo Tiền phong) Phạm Tuyên
|
Thứ Ba, 30 tháng 5, 2017
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét