'Xúi' dân phá bỏ lúa, đưa người Trung
Quốc đến làm việc
Cập nhật lúc 13:56
Người dân xã Tân Hội Trung (huyện Cao
Lãnh, Đồng Tháp) phản ảnh tại địa phương có một doanh nghiệp đang triển khai
dự án trồng sen nhưng có nhiều biểu hiện rất bất thường...
Người dân cho biết đại diện doanh nghiệp này “xúi” người
dân phá bỏ lúa dù gần đến ngày thu hoạch, đưa người Trung Quốc đến làm việc,
đặc biệt là đưa sinh vật ngoại lai, nguy hại vào nuôi trồng.
Đòi dân phá bỏ
lúa sắp thu hoạch để thuê đất
Chuyện bắt đầu lùm xùm nhiều tháng qua, khi xã Tân Hội
Trung bỗng xôn xao có một doanh nghiệp từ phía Bắc đến hỏi thuê đất trồng sen.
Lúc đó là tháng 4-2016, những cánh đồng lúa đang sắp vào
ngày thu hoạch thì một số gia đình đột nhiên phá bỏ ruộng lúa. Hỏi ra mới
biết doanh nghiệp thuê đất muốn lập tức phá bỏ lúa, chấp nhận thuê đất giá
cao và bồi thường thiệt hại cho việc phá lúa.
“Doanh nghiệp chịu bồi thường 10 tấn/ha, với giá bán thị
trường thời điểm này là 6.000 đồng/kg. Doanh nghiệp nói cần gấp để lấy đất
trồng sen” - một người dân giải thích.
Một người dân khác cũng nói: “Họ thuê lại đất của nông dân
trong thời hạn 3 năm, giá khoảng 3,5 triệu đồng/công/năm”.
Theo ông Võ Trung Kiên - phó Phòng NN&PTNT huyện Cao
Lãnh, có một doanh nghiệp Hà Nội đến huyện khảo sát tìm quỹ đất rộng khoảng
20ha để trồng sen lấy ngó xuất khẩu. Bước đầu doanh nghiệp cần 2ha để ươm
giống, sau sẽ mở rộng lên 20ha để trồng đại trà.
“Bên phòng có trao đổi với doanh nghiệp, đề nghị chờ thu
hoạch lúa rồi hãy thuê đất. Doanh nghiệp nói cần đất sớm, nếu không có đất
thì họ đi địa phương khác. Chúng tôi đang khuyến khích chuyển đổi cơ cấu cây
trồng nên để họ tự thỏa thuận với nông dân” - ông Kiên nói.
Khi được hỏi về danh tính doanh nghiệp thuê đất, ông Kiên
chỉ trả lời: “Đó là một công ty ở Hà Nội”. Qua tìm hiểu được biết doanh
nghiệp đứng ra thuê đất ở xã Tân Hội Trung là Công ty sen Hoàng Giang, do ông
Trần Văn Hòa làm giám đốc.
Thả sinh vật lạ
Ngoài chuyện yêu cầu nông dân phá lúa để thuê đất, điều
đáng nói nhất là tháng 11-2016, người dân phát hiện trong ruộng của doanh
nghiệp nói trên có thả một số sinh vật lạ.
Ông Nguyễn Văn Hồng - một người dân ở ấp 6 - cho biết ông
là người đầu tiên phát hiện sinh vật lạ.
“Lần đó tui đi khai nước vào buổi tối, tui thấy nó bò trên
bờ ranh. Tui hoảng hồn vì chưa từng thấy con nào như vậy” - ông Hồng kể.
Theo miêu tả của người dân, sinh vật này hình dáng giống
tôm lai với cua, nhìn thoáng qua có phần giống con bò cạp, có màu đỏ, lớp vỏ
bên ngoài rất cứng và khá hung dữ.
Mới đầu người dân bắt được một hai con, thấy lạ nên giữ
lại để nuôi thử, rồi phát tán ra môi trường ngày càng nhiều.
Ông Trần Văn Hòa - giám đốc Công ty sen Hoàng Giang - thừa
nhận sinh vật lạ mà người dân phản ảnh là tôm do ông thả nuôi.
“Tôi không biết con tôm này không được phép nuôi. Có người
bạn ở ngoài Bắc họ cho tôi 4kg nói là nuôi ở miền Nam sẽ mập và ăn ngon hơn,
nên tôi đem về nuôi thử” - ông Hòa nói.
Khi đặt vấn đề con tôm ăn gì thì ông Hòa lại trả lời là
không biết chúng ăn gì. Còn việc tôm của ông Hòa phát tán ra môi trường xung
quanh thì ông đổ cho người dân vào bắt trộm.
Nguy hại hơn
cả ốc bươu vàng
Ông Phạm Minh
Chí - phó phòng thanh tra Chi cục Thủy sản tỉnh Đồng Tháp - cho biết chi cục
xác định sinh vật lạ do ông Hòa nuôi là tôm hùm đỏ (hay tôm hùm đất), tên
khoa học là Procambarus clarkii, một loại
giáp xác nước ngọt, nguồn gốc ở nam Hoa Kỳ, có nhiều khả năng còn nguy hại
hơn cả ốc bươu vàng.
“Theo các tài liệu nghiên cứu, tôm hùm đỏ lớn rất nhanh
ngay cả trong điều kiện ít nước. Mùa khô chúng có thể chịu đựng khô hạn đến 4
tháng và vòng đời có thể kéo dài đến 6 năm.
Tác hại của tôm hùm đỏ rất lớn, chúng đào hang rất giỏi
nên sẽ phá hại hệ thống kênh mương, có thể làm tan hoang các hệ sinh thái bản
địa do ăn tạp. Đặc biệt, chúng mang theo nhiều virút gây bệnh trên tôm, kể cả
loài giun ký sinh trên động vật có vú và người” - ông Chí giải thích.
Sau khi xác định được chủng loài, Chi cục Thủy sản Đồng
Tháp làm việc với ông Hòa, yêu cầu ông tổ chức tiêu hủy dưới sự giám sát của
các cơ quan chức năng.
Đợt tiêu hủy tôm hùm đỏ đầu tiên là vào ngày 6-12-2016,
bắt được 33 con tôm sống và 55 con tôm chết. Cùng với việc tiêu hủy tôm, đoàn
giám sát còn yêu cầu ông Hòa phun hóa chất để tiêu diệt những con còn sót lại
cũng như tôm con nếu có sinh sản.
Đợt tiêu hủy thứ hai là vào ngày 10-12-2016, tổng cộng có
14 con sống và 5 con chết, trong đó có 7 con bắt được bên ngoài ao nuôi của
doanh nghiệp.
“Do tôm phát tán ra môi trường nên chi cục kiến nghị địa
phương thực hiện nhiều biện pháp ngăn chặn không cho tôm ra ngoài môi trường”
- ông Chí cho biết thêm.
Ông Nguyễn Văn Hùm - phó chủ tịch UBND xã Tân Hội Trung -
cho biết ngoài nuôi giống tôm hùm đỏ, giống sen do doanh nghiệp của ông Hòa
trồng tại địa phương cũng không rõ nguồn gốc, không giống với sen bản địa.
UBND xã đã kiến nghị các ngành liên quan tìm hiểu nguồn
gốc chủng loại sen này. “Cái khó là sen của ông Hòa trồng đều... chết hết. Họ
đầu tư thuê đất và xây nhà xưởng với số tiền khoảng 10 tỉ đồng nhưng sau một
năm vẫn chưa thu được đồng nào từ việc trồng sen” - ông Hùm nói.
(Theo Tuổi trẻ) NGỌC TÀI - THÀNH NHƠN
|
Thứ Bảy, 4 tháng 2, 2017
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét