Thứ Hai, 13 tháng 2, 2017

Xe công, giờ hành chính, lễ hội và sự lờn thuốc

Cập nhật lúc 11:11

 
Ảnh minh họa (theo CafeF)
Gần như thành thông lệ, mỗi khi trước tết và sau tết, Thủ tướng Chính phủ đều có chỉ thị cấm sử dụng xe công đi chợ, đi chùa, đi lễ hội trong giờ hành chính, báo chí, tivi rộ lên đăng tải việc sử dụng xe công đi chợ, đi chùa, đi lễ hội trong giờ hành chính, nêu  danh sách biển số xe, truy tìm đơn vị nào... Tiếp đến là Chỉ thị của Thủ tướng yêu cầu các đơn vị bị báo chí nêu tên phải kiểm điểm nghiêm khắc, các đơn vị lại giải trình... nhưng rồi mọi chuyện lại chìm vào quên lãng, chờ đến Tết năm sau?!
Nhớ lại thời kỳ còn khốn khó, mọi chế độ, chính sách hầu như chưa có hoặc có nhưng chưa rõ ràng thì mọi chuyện hầu như là phải “tranh thủ”... Tranh thủ về thăm nhà, lợp lại mái nhà cho mẹ, rào lại mảnh vườn, đào cái giếng cho vợ con... Lúc đấy, tranh thủ có cái gì đó dễ thương, dễ chấp nhận đối với tổ chức và tập thể.
Ngày nay, mọi chuyện dần đi vào nề nếp, ta đang chủ trương xây dựng một nền hành chính chính quy, chuyên nghiệp... mọi thứ đang dần dần quy chế hóa, quy phạm hóa, luật hóa nhưng sự tranh thủ không hề giảm, càng ngày càng theo chiều hướng lờn thuốc…. Từ chuyện tranh thủ cái xe công đi làm việc riêng, đến tranh thủ kiếm cái nhà, mảnh đất, cấu véo vào các dự án, con đường, cái cầu... Gần như thành thông lệ, một mô thức ứng xử giữa từng cá nhân với xã hội, với khối tài sản khổng lồ quản lý lỏng lẻo gần như vô chủ đã trở thành thứ “văn hóa tranh thủ”!
Ai tranh thủ được nhiều thì càng lợi, tư thế xã hội được ngộ nhận là càng cao. Rồi sẽ có đủ điều kiện vật chất như cái piston giúp đẩy lên vị trí cao hơn. Có một điều đáng buồn là, xã hội nhiều khi còn mơ hồ, coi tranh thủ là chuyện nhỏ, không đáng kể, chưa thấy hết hệ lụy của nó.
Cũng đã nhiều năm, không thấy những cơ quan quản lý công sản có trách nhiệm quản lý tài sản nhà nước xử lý một cách quyết liệt đối với chuyện tranh thủ nêu trên, mà cứ để báo chí năm nào cũng làm cái việc đi kiểm tra rồi đưa tin công khai trên báo những chuyện tranh thủ của các vị sử dụng tài sản công, cho dù những việc này không phải là “danh chính ngôn thuận”, vẫn đứng ngoài lề “ngó vào”. Bởi chỉ cần những cơ quan quản lý tài sản công cử người đến các tụ điểm kiểm kê tại chỗ rồi đề xuất các hình thức chế tài thì liệu có còn hiện tượng này nữa.
Trong cuộc Hội thảo “chống tham nhũng và đảm bảo minh bạch” tổ chức trước đây, cựu giám đốc cơ quan đạo đức chức nghiệp công chức của chính phủ Úc An ther Shack lock đã nêu một vấn đề rất thực tế: Khi xem xét hành vi tham nhũng, nhà chức trách thường vấp phải nhiều khó khăn, đặc biệt là những trường hợp “lệch chuẩn” như cán bộ sử dụng xe công chở con đi học bởi trường nằm trên đường tới cơ quan; gia đình có người bị ốm, cán bộ dùng xe công chở thân nhân đến bệnh viện… các hành vi này có được coi là tham nhũng hay không? Theo ông, đây hẳn là tham nhũng dù theo thông lệ ở ta được gọi bằng “tranh thủ”.
Vừa qua, Bộ Tài Chính đã nêu gương đi đầu khoán xe cho thứ trưởng dùng Taxi thay xe công, nhưng xem ra, các Bộ ngành, địa phương vẫn "im hơi, lặng tiếng" trong việc khoán xe tương tự (!?)
Còn việc sử dụng giờ hành chính đi chơi thì đúng là sự trốn việc, hay nói thẳng ra là “ăn cắp giờ nhà nước vì anh vẫn huởng lương đủ 100% trong khoảng thời gian này".
Thẳng thắn mà nói, kiểu các chỉ thị có tính chất hành chính, như chỉ thị cấm sử dụng xe công vào việc riêng mấy năm qua chứng tỏ không mấy hiệu nghiệm trong bối cảnh thiếu kỷ cương trầm trọng như hiện nay. Và có lẽ đến lúc phải thay bằng phương thức khác?.
Nên chăng, cần suy nghĩ một giải pháp bền vững, căn cơ hơn. Xin nêu một giải pháp là nên chăng, thành lập các công ty dịch vụ phục vụ hoạt động cho các cơ quan hành chính? Kinh phí hoạt động hành chính đưa công ty này. Cơ quan có nhu cầu xe cộ, ký hợp đồng với công ty dịch vụ bảo đảm phục vụ đầy đủ các nhu cầu công vụ, từ các đồng chí có tiêu chuẩn xe con đến các cá nhân, tập thể có nhu cầu đi công tác cần dùng xe... Làm như vậy sẽ tiết kiệm nhiều, tránh tình trạng lạm dụng biến xe công thành xe riêng, ngoài ra còn giảm được biên chế lái xe.
Hơn nữa, nếu thực hiện phương thức hợp đồng dịch vụ tương tự đối với các việc như vệ sinh, bảo vệ, chăm sóc cây xanh, bảo trì điện nước, căntin,... thì sẽ giảm được bộ phận quản trị của cơ quan. Đây là một xu thế xã hội hóa bước đầu đối với các cơ quan hoạt động công vụ.
Còn đối với công chức “ăn cắp” giờ, đã đến lúc, một Chính phủ kiến tạo phải có giải pháp chế tài mạnh. Chính phủ nhiều lần hô hào tăng cường thanh tra công vụ, cương quyết loại ra khỏi bộ máy những công chức nhũng nhiễu, gây phiền hà cho công dân và doanh nghiệp, thoái hóa, biến chất... Đích thân nhiều vị lãnh đạo của Đảng và Nhà nước nhiều lần phát biểu kêu gọi, cương quyết loại ra khỏi bộ máy những công chức thoái hóa, tham nhũng, hoạt động bê trễ, không chấp hành kỷ cương...  nhưng tình hình thay đổi quá chậm. Phải chăng, đây là hiện tượng như con bệnh  đã "lờn thuốc", đang cần phải có giải pháp mạnh để làm gương.
Có chủ trương đúng, cần cương quyết chỉ đạo thực hiện, nói đúng mực làm cương quyết, quyết liệt, gắn với trách nhiệm người đứng đầu, lấy sự hài lòng của dân, của dư luận xã hội làm tiêu chí đánh giá hoạt động của chính phủ kiến tạo - Nói thật và Làm thật.
(Theo Lao động) Diệp Văn Sơn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét