Lập Ủy ban quản lý vốn nhà nước: Bài học Trung Quốc
Cập
nhật lúc 14:13
(Tài chính) - Việc thành
lập Ủy ban quản lý vốn nhà nước là cần thiết nhưng phải có quy định rõ
ràng để tránh tình trạng vừa đá bóng vừa thổi còi.
Tránh tiêu cực, lợi ích nhóm
Nhiều tờ báo đưa tin, Bộ KH-ĐT vừa hoàn thiện và trình Chính phủ 3
phương án thành lập cơ quan chuyên trách để quản lý vốn nhà nước.
Phương án thứ nhất, thành lập mới Ủy ban quản lý vốn nhà nước đầu tư
tại DN. Ủy ban này sẽ quản lý các tập đoàn, tổng công ty quy mô lớn mà Nhà
nước đang nắm giữ 100% vốn điều lệ, DNNN nắm cổ phần chi phối và Tổng Cty Đầu
tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC).
Phương án 2, thành lập Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại DN để quản lý
các DN 100% vốn nhà nước và DN có vốn nhà nước trên cơ sở nâng cấp SCIC.
Phương án 3, tăng cường, củng cố, kiện toàn SCIC trực thuộc Chính phủ,
làm chức năng đại diện chủ sở hữu (theo mô hình DN, không phải ủy ban).
Đáng chú ý, sau khi xây dựng, xem xét ưu, khuyết điểm của 3 phương
án, Bộ KH-ĐT đã “chốt” nghiêng về phương án 1 với điểm nhấn là thành
lập Ủy ban mới độc lập trực thuộc Chính phủ quản lý.
Trao đổi với Đất Việt về vấn đề này, PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện
phó Viện nghiên cứu Thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho rằng những phương án
trên không phải là mới vào thời điểm này. Chính phủ đã giao cho các bên
nghiên cứu đến hết Quý I/2017 để báo cáo lại.
Đặc biệt, đề xuất lập mới ủy ban quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh
nghiệp đã từng được Viện quản lý kinh tế Trung ương đã đưa ra trong một thời
gian dài.
Theo ông Long việc Bộ KH-ĐT nghiêng về phương án lập ban quản lý vốn
nhà nước là điều dễ hiểu khi suốt thời gian qua dù nhận được nhiều kỳ vọng
nhưng SCIC hoạt động kém hiệu quả, thể hiện nhiều sai sót đã dược báo chí chỉ
ra.
“SCIC vẫn pha trộn và mang tính quản lý DNNN nhiều hơn là quản lý vốn
nên hoạt động thời gian qua không có hiệu quả. Theo tôi mô hình 3 phương án
đưa ra đều có ưu và nhược điểm cả, nhất là đối với việc thành lập Ủy ban độc
lập quản lý vốn. Thực tế hiện nay đã có Luật quản lý vốn và tài sản của DNNN.
Vì vậy nếu thành lập Ủy ban quản lý vốn thì sẽ có thể phần nào hạn chế được
tình trạng trên, công khai minh bạch giữa quản lý nhà nước và quản lý vốn”,
ông Long nhấn mạnh.
Đưa ra quan điểm của riêng mình, TS Lê Đăng Doanh , Nguyên Viện trưởng
Viện quản lý kinh tế trung ương cho biết hoàn toàn đồng ý với đề xuất trên
của Bộ KH- ĐT. Theo ông Doanh, nếu so sánh 3 phương án đưa ra thì ông nghiêng
về đề xuất thành lập Ủy ban độc lập quản lý vốn.
“Thời gian vừa qua không có người giám sát nên toàn bộ tài sản giao
cho SCIC sử dụng không hiệu quả, xảy ra rất nhiều thiếu sót, hạn chế. Cho nên
tôi ủng hộ thành lập 1 ủy ban độc lập thay thế cho SCIC”, ông Doanh nhấn mạnh.
Ông Doanh khẳng định, Trung Quốc cũng từng gặp vấn đề tương tự Việt
Nam khi DNNN đông nhưng hoạt động không hiệu quả. Vì vậy để giải quyết tình
trạng trên, họ đã thành lập các ủy ban kinh tế độc lập để quản lý vốn nhà
nước. Đến thời điểm này, nhiều vấn đề còn tồn tại đã được Trung Quốc dần khắc
phục, xử lý và giải quyết tốt.
“Hiện Trung Quốc là quốc gia tích cực cải cách. Họ đã rất mạnh
tay xử lý viên chức tham nhũng trong nhiều DNNN. Tôi nghĩ đối với Việt Nam
khi thành lập Ủy ban chúng ta sẽ rút ra được bài học từ Trung Quốc để khắc phục tình
trạng này”, ông Doanh khẳng định.
Nhìn lại SCIC, truy trách nhiệm người đứng đầu
TS Lê Đăng Doanh nêu ra thực trạng SCIC khi thành lập cũng nhận được
nhiều kỳ vọng từ Chính phủ cũng các Ban ngành, đoàn thể. Bằng chứng là đơn vị
này được giao thực hiện hàng loạt nhiệm vụ quan trọng như: đầu tư vốn, đầu tư
vào những ngành kinh tế định hướng, dẫn dắt nền kinh tế, lĩnh vực mà tư nhân
không đủ sức đầu tư.
Tuy nhiên đến thời điểm này, SCIC đã không thực hiện được mục tiêu đề
ra và ngày càng bộc lộ nhiều hạn chế, yếu kém trong công tác điều hành, quản
lý vốn nhà nước.
Vì vậy đối với Ủy ban quản lý vốn nhà nước đầu tư tại DN lần này, ông
Doanh cho rằng cần phải có những thay đổi trong cơ cấu tổ chức và quản lý để
phù hợp với điều kiện hiện nay.
“Tôi nghĩ Ủy ban này cần xây dựng theo tính chất là đơn vị độc lập và
sẽ có 1 người có trình độ chuyên trách. Tuy nhiên cần có 1 Nghị định riêng về
Ủy ban này để đảm bảo Ủy ban chỉ hoạt động theo pháp luật và không bị ràng
buộc bởi những trách nhiệm khác.
Như vậy chúng ta sẽ tách được việc quản lý vốn nhà nước ra khỏi bộ máy
nhà nước và tránh được việc vừa đá bóng vừa thổi còi. Nếu vẫn tiếp tục tồn
tại tình trạng vừa quản lý nhà nước lại vừa chịu trách nhiệm về quản lý chủ
sở hữu thì sẽ không minh bạch được mà còn có thể xuất hiện các biểu hiện tiêu
cực, lợi ích nhóm”, ông Doanh khẳng định.
Để giải quyết tốt hơn những vấn đề còn tồn tại, vị chuyên gia nhấn
mạnh, các cơ quan nhà nước cần phải đốc thúc việc cổ phần hóa các DNNN mạnh
mẽ hơn nữa. Trên cơ sở đó sẽ chúng ta sẽ thành lập Ủy ban thay thế để giám
sát hoạt động của SCIC cũng như tổ chức lại Công ty này sao cho hiệu quả nhất.
Trong khi đó, theo nhận định của PGS.TS Ngô Trí Long, có thể khi thành
lập Ủy ban quản lý vốn nhà nước, Phó Thủ tướng sẽ chịu trách nhiệm đứng đầu.
Phía sau là các cơ quan chuyên trách có kinh nghiệm và trình độ.
“Trước mắt chúng ta cần phải tiến hành cải cách để thu hẹp dần quy mô
với số lượng ít hơn. Nếu chúng ta tập trung thành một cơ quan siêu bộ và bắt
chước như Singapore thì không thể quản lý được.
Cần phải chia ra thành những lĩnh vực riêng như vận tải, thương mại,
kinh doanh... để theo dõi sát sao hơn”, ông Long nhấn mạnh.
Ngoài ra, vị chuyên gia cũng chú ý đến việc quy trách nhiệm những
người đứng đầu trong Ủy ban độc lập mới về quản lý vốn. Theo ông, các chuyên
gia đã chỉ ra rằng mô hình của SCIC thời gian qua thiếu sự giám sát chặt chẽ,
dẫn đến tình trạng khi xảy ra tình trạng thất thoát vốn nhà nước thì không ai
chịu trách nhiệm.
“Chúng ta cần xác định rõ, công ty tập trung quản lý vốn chứ không
phải quản về mặt hành chính. Cùng với đó cần phải quy trách nhiệm những người
đứng đầu rõ ràng hơn để nâng cao trách nhiệm quản lý, không thể để tình trạng
không ai chịu trách nhiệm như thời gian qua”, ông Long khẳng định.
(Theo
Đất Việt) Hoàng
Nam
|
Thứ Hai, 13 tháng 2, 2017
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét